Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với nhiều nước, trong đó có Thụy Điển. Tuy nhiên, không giống như những năm trước, lần kỷ niệm này hai bên không trao đổi điện chúc mừng.
Không lâu sau khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền tại Trung Quốc và thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, họ đã rất nóng lòng nhận sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Thụy Điển đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với chế độ Trung Quốc vào ngày 9/5/1950.
Đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Thụy Điển là ông Cảnh Tiêu (Geng Biao). Ông Cảnh sau đó trong những năm 1970 đã giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương và chọn cán bộ trẻ Tập Cận Bình làm trợ lý.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thụy Điển đã tuột dốc không phanh trong những năm gần đây.
Đặc biệt, trường hợp của công dân Thụy Điển Quế Mẫn Hải (Gui Minhai) đã gây ra phản ứng mãnh liệt. Ông Quế là một trong những cổ đông của Nhà sách Vịnh Đồng La tại Hồng Kông. Nhà sách này đã xuất bản nhiều đầu sách vạch trần những bê bối của giới tinh anh cầm quyền Trung Quốc.
Ông Quế đã bị bắt cóc bí mật tại nhà nghỉ của ông tại Thái Lan và được chuyển về Trung Quốc Đại lục xét xử năm 2015 với cáo buộc liên quan tới một vụ tai nạn giao thông. Ba năm sau, ông Quế bị bắt lại và bị buộc tội “cung cấp thông tin tình báo” cho nước ngoài. Vào tháng Hai năm nay, ông Quế đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc kết án 10 năm tù giam.
Năm 2019, PEN Thụy Điển – một tổ chức văn học, đã trao Giải Tucholsky thường niên cho ông Quế Mẫn Hải. Việc Thụy Điển trao giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà văn đang phải sống trong cảnh bị đe dọa hoặc lưu vong cho ông Quế đã khiến Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển phản đối quyết liệt.
Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tòng Hữu (Gui Congyou) trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh công cộng Thụy Điển vào thời điểm đó đã nói: “Chúng tôi đối xử với bạn bè bằng rượu vang hảo hạng, nhưng với kẻ thù chúng tôi có súng ngắn”. Ông Quế Tòng Hữu cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc “chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp đối phó” nếu bà Amanda Lind – Bộ trưởng Văn hóa và Dân chủ Thụy Điển tới tham dự lễ trao giải của tổ chức văn học.
Trớ trêu thay, Thụy Điển trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử và lớp học Khổng Tử vào tháng 4/2020. Các Viện Khổng Tử do một cơ quan của chế độ Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh điều hành. Các viện này được gắn nhãn là các chương trình giáo dục và văn hóa, nhưng ngày càng thu hút sự giám sát chặt chẽ trên toàn cầu vì vai trò của chúng trong việc phát tán tuyên truyền và nghị trình chính trị của Bắc Kinh, đồng thời trấn áp tự do ngôn luận trong khuôn viên trường học.
Thụy Điển không phải là nước duy nhất mà mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã đang trở nên lạnh nhạt.
Ngày 27/1/2020, tờ nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten đã cho đăng ảnh hoạt họa về lá cờ Trung Quốc, thay các ngôi sao vàng bằng các hình giống virus corona.
Đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch đã phản ứng bằng cách yêu cầu tờ báo Jyllands-Posten phải xin lỗi. Một ngày sau đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã lên tiếng nhắc nhở Trung Quốc rằng: “Tại Đan Mạch, chúng tôi có quyền tự do biểu đạt, trong đó có quyền vẽ”.
Frank Yue/ The Epoch Times
Như Ngọc dịch