Pháp và Đức sẽ không mua vắc-xin của WHO
Quyết định này được xem là đã giáng một đòn mạnh vào WHO…
Bộ Y tế Pháp hôm 17/9 cho biết, đối với dự án vắc-xin toàn cầu (gọi tắt là COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, Pháp có thể cung cấp kinh phí, nhưng sẽ không mua loại vắc-xin này. Nguồn tin nội bộ chính phủ Đức hôm 18/9 nói với Reuters rằng Đức cũng sẽ không mua vắc-xin này.
Trong thời gian virus viêm phổi Vũ Hán, còn được gọi là Covid-19 bùng phát, WHO đã bị cho là có thông đồng với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu dịch bệnh khiến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ cho đến cả thế giới đều cảm thấy thất vọng và tức giận, khiến uy tín của tổ chức này đã bị giảm sút đáng kể, theo Soundofhope.
Reuters đưa tin, Pháp sẽ không mua loại vắc-xin do WHO điều chế, mà sẽ đảm bảo việc tiêm phòng thông qua một kế hoạch chung do Liên minh châu Âu sắp xếp. Quyết định của Pháp đã giáng một đòn mạnh vào WHO, vì quyết định của một nước lớn ở châu Âu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của các nước khác.
Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng, kế hoạch này nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, điều chế và có được cơ hội công bằng trong xét nghiệm và điều trị Covid-19 bằng vắc-xin, qua đó đoàn kết chính phủ các nước trên thế giới, hình thành chiến lược chung ứng phó đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Tổng giám đốc tổ chức WHO Tedros Ghebreyesus cho biết hiện tại đã có hơn 170 quốc gia đã tham gia dự án, trong đó có 92 quốc gia thu nhập thấp đang tìm kiếm sự hỗ trợ, và khoảng 80 quốc gia thu nhập cao đã bày tỏ sự quan tâm đối với dự án này.
Tổ chức Y tế Thế giới ấn định ngày 18/9 vừa qua là thời hạn cuối cùng để tham gia chương trình, khoản chi trả tạm ứng đầu tiên được thực hiện trước ngày 9/10.
Trước đây, người đứng đầu của Liên minh châu Âu đã cảnh báo các nước thành viên không thông qua kế hoạch của WHO để mua vắc-xin, vì nó vừa chậm lại vừa đắt. Hơn nữa, việc này không phù hợp với kế hoạch thu mua song song của EU về mặt pháp lý.
Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận mua trước vắc-xin mới với công ty dược phẩm AstraZeneca và hiện đang đàm phán với Thủ tướng Anh – Boris Johnson cùng các công ty lớn như: Sanofi – công ty dược phẩm lớn thứ năm thế giới đặt tại Paris, Pháp; Moderna – công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ và CureVac – công ty dược phẩm sinh học có trụ sở chính tại Tubingen, Đức.
AstraZeneca là một công ty dược phẩm lớn đa quốc gia Anh – Thụy Sĩ được thành lập thông qua việc sát nhập công ty dược phẩm quốc tế Astra AB của Thụy Điển và Tập đoàn Zeneca của Vương quốc Anh (Zeneca Group PLC) vào ngày 6/4/1999.
Công ty có trụ sở chính tại Cambridge, Anh và Tổng bộ nghiên cứu phát triển của nó nằm ở Södertälje, thành phố Stockholm ở Thụy Điển. Đây là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới.
Lý do vụ nổ liên hoàn trước ngày Quốc khánh ở Bắc Kinh?
Người dân đã hoài nghi: “Có điều gì đó đã xảy ra với Bắc Kinh? Tin tức mới nhất xác nhận, đó là một vụ nổ liên hoàn tại một kho vũ khí quân đội nào đó ở Bắc Kinh. Theo lời của người lính trực ca, đó là một vụ tấn công bằng tên lửa. Quân ủy ĐCSTQ hiện đang điều tra”.
Sáng sớm ngày 19/9, một loạt vụ nổ liên hoàn đã xảy ra ở Bắc Kinh. Ngọn lửa sáng rực cả một vùng trời, làn khói dày đặc xông thẳng lên không trung. Điều kỳ lạ là, truyền thông nhà nước lại không hề đưa bất kỳ tin tức gì về vụ nổ, chỉ có những hình ảnh liên quan được cư dân mạng đăng tải trên mạng.
Mãi cho đến trưa cùng ngày (19/9), chính quyền Bắc Kinh mới ra thông báo, một nơi ở Thông Châu có chứa nhiều gas đã dẫn đến vụ nổ liên hoàn này. Bởi sự việc xảy ra chỉ cách ngày Quốc Khánh (1/10) chưa đến 11 ngày nên điều này cũng khiến giới quan sát chú ý.
Cư dân mạng đăng tải thông tin đầu tiên là khoảng 12 giờ trưa ngày 19/9, cho biết một vụ nổ liên hoàn với âm thanh cực lớn đã xảy ra ở thủ đô Bắc Kinh. Ngọn lửa cao ngút chiếu sáng cả một góc trời.
Sau đó, cư dân mạng nhiều nơi tiếp tục cập nhật tình hình sự việc trên Weibo, họ suy đoán rằng, địa điểm phát nổ nằm ở ranh giới giữa quận Thông Châu và quận Thuận Nghĩa, có thể gần sân bay quốc tế Thuận Nghĩa. Tại hiện trường còn có xe cứu hỏa, xe cứu thương và trực thăng bay lòng vòng trên bầu trời.
Toàn bộ thông tin liên quan đã ngay lập tức bị nhà mạng xóa đi, đồng thời đoạn video cũng bị chặn ngay sau đó.
Khoảng 12 giờ đồng hồ sau khi xảy ra vụ việc, phía quan chức Bắc Kinh mới đưa ra một thông báo cho biết: Theo nguồn tin của chính quyền ở Thông Châu, vụ nổ xảy ra vào lúc 11h46 đêm ngày 18/9 tại một kho hàng cho thuê dự trữ bình gas ở thôn Cảng Bắc, thị trấn Tống Trang, quận Thông Châu.
Bên phía chính quyền quận Thông Châu thông báo rằng, ngọn lửa bùng phát tại hiện trường nhanh chóng được dập tắt, hiện trường “không có thương vong” và nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra.
Theo báo cáo, kho cho thuê để dự trữ bình gas là một cái sân có tường bao quanh với diện tích khoảng 20 mẫu, tổng cộng có 6 xe chở các bình gas dạng lỏng, ước chừng có khoảng 2.300 bình ở đây.
Khu vực xảy ra vụ nổ chủ yếu nằm ở giữa sân, ở góc đông nam của sân còn có một nghĩa trang. Toàn bộ sân là mảnh đất tập thể của làng và đã cho thuê từ lâu. Người thuê hiện tại là người quản lý số lượng bình gas này và đã bị công an đưa đi để điều tra. Nơi đây bị tình nghi là một cơ sở phân phối gas cỡ nhỏ đang hoạt động chui.
Điều đáng nói là, trùng hợp với thời điểm xảy ra vụ nổ, giới chức Bắc Kinh mới đây đã đưa ra thông báo về các biện pháp kiểm soát giao thông trong thời gian ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10 đang gần kề.
Theo thông báo, kể từ ngày 22/9, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thực hiện thắt chặt kiểm soát, các phương tiện khác nhau đi vào Bắc Kinh sẽ lần lượt bị kiểm tra mỗi khi đi qua các chốt. Từ ngày 27/9 đến ngày 10/10 là thời điểm thắt chặt kiểm soát trên quy mô lớn.
Tin tức liên quan vụ nổ lớn này đã dấy lến rất nhiều cuộc thảo luận từ giới quan sát bên ngoài. Có cư dân mạng cho rằng, vụ nổ ở Thuận Nghĩa, Bắc Kinh lần này khiến người ta không khỏi suy nghĩ và tò mò. Một số cư dân mạng đã để lại bình luận:
“Không lẽ bị tập kích”.
“Ngọn lửa cao ngút trời như vậy, rốt cuộc nhà máy nào đã nổ?“
“Có rất nhiều máy bay trực thăng bay lòng vòng trên bầu trời“.
“Tin tức về vụ nổ vụt lóe lên rồi biến mất, giống như chưa từng xảy ra, không để lại chút dấu vết”.
“Phía chính phủ đã bắt đầu chặn video của tôi, tôi đã bị cảnh báo, than ôi …“.
Một cư dân mạng khác cho hay: “Có điều gì đó đã xảy ra với Bắc Kinh? Tin tức mới nhất đã xác nhận rằng, đó là một vụ nổ liên hoàn tại một kho vũ khí quân đội nào đó ở Bắc Kinh. Theo lời của người lính trực ca, đó là một vụ tấn công bằng tên lửa. Quân ủy ĐCSTQ hiện đang điều tra”.
Thông tin này sẽ rất khó được phía chính phủ xác nhận.
Trung Quốc bị tố cắt ghép phim Mỹ khi chế tác phim phô trương ‘sức mạnh quân sự’
“Bộ phim này thật đáng xấu hổ”.
Tài khoản Weibo chính thức của Không quân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)“空军在线”ngày 19/9 đã đăng tải đoạn phim ngắn “Chiến thần oanh tạc – 6K, tấn công!” với nội dung mô phỏng một cuộc tập kích đường không của oanh tạc cơ – máy bay ném bom vào căn cứ quân sự trên hải đảo Guam của Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi đoạn phim ra mắt đã bị cư dân mạng tinh mắt phát hiện, nhiều cảnh tượng, đoạn phim chính là được lấy từ phim điện ảnh Mỹ khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao.
Theo tuyên bố chính thức của ĐCSTQ, đoạn phim này là cảnh quay chân thật, những hình ảnh như: Máy bay ném bom cất cánh, phi công điều khiển và nhân viên hậu cần ở mặt đất,… đều do chính quân đội ĐCSTQ đứng ra thực hiện.
Trong phim, khán giả có thể thấy “oanh tạc cơ – 6K” cất cánh từ căn cứ. Sau khi phi công điều khiển máy bay đến gần mục tiêu, khóa chắc vị trí bắn rồi ném bom oanh tạc, còn căn cứ quân sự xuất hiện trong phim giống như căn cứ quân sự trên hải đảo Guam của Mỹ.
Sau khi video này được phát hành đã nhận được rất nhiều lời khen của cư dân mạng Trung Quốc về thước phim quay rất sống động. Nhưng không ngờ sau đó, đoạn phim đã bị cư dân mạng tinh mắt phát hiện có nhiều hình ảnh mô phỏng trong phim chính là được cắt ghép từ các bộ phim điện ảnh của Mỹ, hơn nữa không chỉ lấy từ một phim, mà trong đó có cả những đoạn trong phim “The Hurt Locker” và The Rock.
Về vấn đề này, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích:
“Có thể không dùng các bộ phim bom tấn của Hollywood để cắt ghép hay không?”.
“Hình ảnh được phối lấy từ phim “The Rock” (1996)…”
“Bộ phim này thật đáng xấu hổ”.
“Khi nào các cán bộ tuyên truyền có thể tự phối nhạc hoặc sử dụng nhạc phim trong nước, thêm nữa là các hình ảnh được mình tự quay và tự chế tác, thì đó mới thực sự là hùng mạnh. Sử dụng hình ảnh và nhạc phim nước ngoài để tuyên truyền như thế này…rất khó để người ta không nghĩ là có nội gián bên trong”.
Cũng có cư dân mạng chất vấn rằng hành vi quân đội ĐCSTQ sử dụng phim Mỹ là không phù hợp: “Bất kể nội dung phim bộ phim muốn truyền đạt, hay lập trường của phía quân đội, cắt ghép hình ảnh từ phim Mỹ vẫn là không phù hợp ”.
“Trước hết, đối với bộ phim được công bố ra ngoài không thể xuất hiện cảnh phim điện ảnh của Mỹ, trừ khi đã được sự cho phép. Thứ hai, bộ phim tuyên dương sức chiến đấu của quân đội ĐCSTQ lại xuất hiện các thước phim điện ảnh của Mỹ thật sự không thỏa đáng. Mong phía chính phủ hãy mau chóng khắc phục!”.
Cảnh sát Ấn Độ bắt nhà báo nghi làm gián điệp cho Trung Quốc
Cảnh sát Ấn Độ hôm 19/9 cho biết đã bắt giữ 3 người, trong đó có một nhà báo địa phương, bị nghi là gián điệp của Trung Quốc.
Theo thông cáo báo chí của cảnh sát Delhi, Rajeev Sharma, nhà báo tự do 61 tuổi, đã bị bắt vào ngày 14/9 với cáo buộc chuyển thông tin nhạy cảm cho các cơ quan tình báo Trung Quốc về hoạt động của quân đội Ấn Độ, quốc phòng và chính sách đối ngoại. Cảnh sát cũng thu giữ các tài liệu mật sau khi khám xét nhà của anh ta ở New Delhi.
Ngoài ra, một phụ nữ Trung Quốc 30 tuổi tên là Thạch Thanh (Qing Shi) và cộng sự người Nepal có tên Sher Singh, 30 tuổi cũng bị bắt với cáo buộc đã chuyển cho Sharma “số tiền khổng lồ” để “cung cấp thông tin cho tình báo Trung Quốc”.
Theo điều tra của cảnh sát Delhi, ông Sharma đã đóng góp bài trên kênh Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, từ năm 2010 đến năm 2014. Sau khi xem xét bài viết của Sharma, một sĩ quan tình báo có tên Michael đến từ Côn Minh, Trung Quốc đã liên lạc với ông Sharma thông qua phần mềm xã hội “LinkedIn” và mời nhà báo Ấn Độ đến Côn Minh để gặp mặt. Michael yêu cầu ông Sharma hỗ trợ thông tin về tất cả các khía cạnh của quan hệ Trung-Ấn. Từ năm 2016 đến năm 2018, ông Sharma liên lạc thêm với một người cấp dưới của Michael là Xou. Michael và Xou cũng đã tổ chức các cuộc họp khác với ông Sharm ở Lào và Maldives, đồng thời cũng trao đổi qua email và mạng xã hội.
Vào tháng 1/2019, ông Sharma đã gặp gỡ người đứng đầu một công ty truyền thông Trung Quốc có tên George tại Côn Minh, Trung Quốc. Trong cuộc họp, George đã mời ông Sharma viết bài về Đức Đạt Lai Lạt Ma, mỗi bài báo được trả 500 USD. Số tiền này được chuyển cho ông từ MC Pharmacy – một công ty vỏ bọc có trụ sở tại làng Mahipalpur, Ấn Độ do ĐCSTQ vận hành, trong đó Thạch Thanh và Sher Singh là giám đốc của công ty.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, ông Sharma bị cáo buộc đã nhận hơn 3 triệu ru-pi Ấn Độ (khoảng hơn 40.000 USD từ ĐCSTQ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2020.
Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng tại khu vực biên ở Himalaya. Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này xấu đi nhanh chóng sau cuộc đụng độ đẫm máu vào tháng 6, trong đó 20 binh sĩ của Ấn Độ đã thiệt mạng.
Đài Loan không đủ tên lửa để chống lại Trung Quốc
Các quan chức quân sự cho biết, kết quả của cuộc tập trận máy tính Hán Quang 36 kết thúc ngày 18/9 cho kết quả là số lượng tồn kho tên lửa của Đài Loan không đủ để chống lại một cuộc tấn công tập trung của Trung Quốc, nếu kịch bản này xảy ra, theo Taiwan News.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 14/9 đã khởi động cuộc tập trận mô phỏng máy tính gọi là Hán Quang 36, kéo dài 24 giờ/ngày trong liên tiếp 5 ngày, nhằm trau dồi khả năng ra quyết định của quân đội và nâng cao hiệu quả các mệnh lệnh được đưa ra ở tất cả các cấp chỉ huy. Bộ tiết lộ kịch bản có thể xảy ra trong năm nay là một cuộc tấn công do Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phát động và có khả năng bao gồm Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ và một phần Chiến khu Trung ương.
Các yếu tố mới đã được xem xét trong các cuộc tập trận gần đây của Đài Loan, bao gồm khả năng máy bay chiến đấu Trung Quốc bay qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan và xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan (ADIZ), CNA đưa tin. Bộ trưởng Nghiêm Đức Phát đã trao quyền tấn công tối đa cho quân đội, miễn là nó không vượt quá giới hạn triển khai hợp lý.
Mỹ trừng phạt hơn 20 mục tiêu dính líu đến chương trình hạt nhân Iran
Mỹ hôm thứ Hai sẽ trừng phạt hơn hai mươi người và thực thể tham gia vào chương trình hạt nhân, tên lửa và vũ khí thông thường của Iran nhằm gia tăng áp lực sau các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Tehran, một quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho biết.
Phát biểu với điều kiện giấu tên, vị quan chức này cho biết, Iran có thể có đủ vật liệu có khả năng phân hạch cho vũ khí hạt nhân vào cuối năm và Tehran đã nối lại các hợp tác tên lửa tầm xa với Triều Tiên. Ông không cung cấp bằng chứng cụ thể cho tuyên bố này, theo Reuters.
Các biện pháp trừng phạt mới phù hợp với những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm hạn chế ảnh hưởng trong khu vực của Iran, và nó diễn ra một tuần sau các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước UAE, Bahrain với Israel do Mỹ làm trung gian, các thỏa thuận có thể tạo thành một liên minh rộng lớn hơn chống lại Iran đồng thời thu hút khối cử tri Mỹ ủng hội Israel trước ngày bầu cử 3/11.
Ông Biden gây sốc khi nói 200 triệu người đã chết vì Covid-19
Ứng viên tổng thống 2020 đảng Dân chủ Hoa Kỳ Joe Biden đã gây ra một cú sốc khác vào Chủ nhật khi ông cho biết ước tính khoảng 200 triệu người đã chết vì virus corona, mặc dù con số thương vong của người Mỹ là gần 200.000 người, theo Fox News.
Trong một bài phát biểu tranh cử, ông nói: “Nếu Donald Trump làm theo cách của mình, các biến chứng từ Covid-19, vượt xa những gì nên có – ước tính rằng 200 triệu người đã chết – có thể là vào thời điểm tôi kết thúc bài nói chuyện này”.
Dân số Mỹ ước tính 238 triệu người, có nghĩa là gần 2/3 dân số quốc gia đã thiệt mạng vì căn bệnh này, vào thời điểm hiện tại, nếu lời của ông Biden là sự thật.
Danh sách đề cử Tòa án Tối cao của Trump có 12 phụ nữ
Tổng thống Donald Trump đã cắt bớt danh sách khá lớn các ứng viên tiềm năng cho vị trí Thẩm phán tòa án tối cao vào cuối tuần trước, khi ông cho biết tuần tới ông có thể bổ nhiệm một phụ nữ thay thế nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời mới đây ở tuổi 87 hôm 18/9, theo The Epoch Times.
Hiện còn 12 người phụ nữ trong danh sách này, đứng đầu là hai ứng viên của tòa án cấp dưới do ông Trump đề cử, bà Amy Coney Barrett và bà Barbara Lagoa. Triển vọng ông Trump thay thế thẩm phán thiên tả Ginsburg bằng một thẩm phán thiên hữu đã gây thất vọng đối với các nhà hoạt động cánh tả.
Bà Thái nói không có kế hoạch điện đàm với ông Suga
Theo tin từ Reuters, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 20/9 cho biết bà không có kế hoạch nói chuyện qua điện thoại với tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, sau khi một phái viên Nhật Bản nói với bà rằng ông Suga có thể khá cởi mở với đề xuất đó, khiến Bắc Kinh lo ngại.
Gặp gỡ bà Thái khi đến dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lý Đăng Huy ở Đài Bắc hôm thứ 18/9, cựu thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori đã nói với bà Thái rằng, ông Suga trước đó đã nói với ông rằng “nếu có cơ hội, ông ấy hy vọng sẽ hội đàm với bà Thái qua điện thoại hoặc các phương tiện khác”.
Cuối hôm thứ Bảy Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết phía Nhật Bản đã khẳng định với họ rằng điều đó “sẽ không bao giờ xảy ra”, sau khi Bắc Kinh yêu cầu Tokyo làm rõ. Bà Thái nói với các phóng viên rằng bà chưa từng trao đổi về vấn đề này với ông Mori. “Hiện tại, chúng tôi cũng không có kế hoạch hội đàm qua điện thoại”, bà nói. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng lặp lại bình luận tương tự của bà Thái, rằng “chưa có kế hoạch cho một cuộc điện đàm nào” giữa hai nhà lãnh đạo.
Mỹ hối thúc Vatican lên án hành vi kìm kẹp tự do tôn giáo của Bắc Kinh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thúc giục Vatican sử dụng quyền lực đạo đức đáng kể của Tòa thánh ra để gây ảnh hưởng lên Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi nó vẫn tiếp tục đàn áp những người theo Cơ Đốc và những người theo các tín ngưỡng khác, theo Breitbart.
“Tòa Thánh có một khả năng và trách nhiệm đặc thù là hướng con mắt của thế giới vào các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là những vi phạm do các chế độ độc tài như Bắc Kinh gây ra”, ông Pompeo viết hôm thứ Sáu trong một bài viết đăng trên First Things.
Lời kêu gọi công khai của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra ngay khi các nhà ngoại giao Vatican đang có cuộc gặp mặt với những người đồng cấp Trung Quốc để đàm phán lại một thỏa thuận bí mật năm 2018 giữa Tòa thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo ở đại lục.