Chính quyền Campuchia gia tăng đàn áp dân chủ
Chính quyền Campuchia đang đẩy mạnh một chiến dịch đàn áp ngày càng bạo lực đối với các nhà hoạt động dân chủ, công khai thừa nhận rằng họ muốn dập tắt các cuộc biểu tình ôn hòa quy mô nhỏ để trấn áp một cuộc nổi dậy lớn hơn, theo bản tin sáng thứ Ba (22/9) của Nikkei.
Ít nhất 24 nhà hoạt động Campuchia đã bị bắt kể từ ngày 31/7. Một nhà hoạt động nữ bị kéo tóc vào chiếc Lexus màu đen không biển số, trong khi một nhà hoạt động khác bị bắt sau khi rời khỏi tòa nhà Liên Hợp Quốc nơi cô tìm nơi ẩn náu, theo các nhà giám sát nhân quyền.
Quyết tâm loại bỏ những bất đồng chính kiến, chính quyền Campuchia đã nhắm mục tiêu vào các cuộc biểu tình nhỏ của các nhà hoạt động trẻ tuổi, các nhà vận động môi trường và người thân của các chính trị gia đối lập bị bỏ tù. Cảnh sát cũng đã bắt giữ một nhà sư Phật giáo vì biểu tình, đồng thời bắt giữ hai rapper trẻ vì các ca khúc chính trị.
Ông Tập kêu gọi các cường quốc tôn trọng lẫn nhau, chuyên gia cho rằng nó không có trọng lượng
Các cường quốc trên thế giới nên tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh các tiêu chuẩn kép, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp Liên Hợp Quốc hôm thứ Hai (21/9), theo SCMP.
“Tâm lý Chiến tranh Lạnh, các đường lối tư tưởng hay trò chơi có tổng bằng không [người mất, ta được] không phải là giải pháp cho vấn đề riêng của một quốc gia, vẫn chưa là câu trả lời cho những thách thức chung của nhân loại”, ông Tập nói qua video tại cuộc họp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập kêu gọi sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng do các vấn đề liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thương mại, nhân quyền và việc Bắc Kinh gia tăng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Tuy nhiên SCMP trích dẫn phân tích của chuyên gia cho rằng, luận điệu ngoại giao của nhà lãnh đạo Trung Quốc không có khả năng làm lung lay bất kỳ chính trị gia Mỹ nào, vốn đã luôn cảnh giác trước các hành động của Bắc Kinh.
Andrew Mertha, giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul H. Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết ông Tập có thể có những lo ngại lớn hơn: “Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc đốt một số cây cầu xuyên quốc gia luôn tốt hơn là tỏ ra yếu thế đối với thế giới trước khu vực bầu cử trong nước của chính họ”. Có lẽ vì thế mà ông cần một lời nói hùng hồn trước Liên Hợp Quốc.
Ông Navalny lên tiếng về vụ đầu độc
Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny viết trên blog của mình lần đầu tiên sau khi thoát khỏi trạng thái hôn mê rằng các phòng thí nghiệm ở phương Tây đã tìm thấy dấu viết của chất độc hóa học Novichok có ở bên trong và trên cơ thể ông, theo bản tin hôm thứ Hai (21/9) của AFP.
Ông Navalny lưu ý rằng chính phủ Nga vẫn chưa mở cuộc điều tra vụ đầu độc ông, và yêu cầu nhà chức trách Nga trả lại bộ quần áo có thể dính chất độc mà ông để lại trước khi được đưa đến Đức điều trị trong tình trạng hôn mê, cho rằng nó có thể là bằng chứng của vụ đầu độc.
“Xét đến việc Novichok được tìm thấy trên cơ thể tôi và khả năng nhiễm độc do tiếp xúc cơ thể là rất cao, quần áo của tôi là một bằng chứng rất quan trọng”, ông Navalny viết. “Tôi yêu cầu quần áo của tôi được đóng gói cẩn thận trong một túi nhựa và trả lại cho tôi”.
Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt Iran
Hoa Kỳ hôm thứ Hai (21/9) đã áp thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran và những người liên quan đến chương trình vũ khí và hạt nhân của Teheran nhằm xác nhận khẳng định của họ rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Teheran hiện đã được khôi phục, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người thúc đẩy mối quan hệ mật thiết giữa Caracas và Teheran.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất bao gồm một lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký nhắm vào những người mua hoặc bán vũ khí thông thường của Iran.
“Bất kể bạn là ai, nếu bạn vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran, bạn đối diện nguy cơ bị trừng phạt”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia.
Chuyên gia Úc: Trung Quốc muốn không quân Đài Loan bắn trước
Máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc liên tục xâm phạm đường trung tuyến giữa Đài Loan và Trung Quốc hồi tuần trước trong một loạt cuộc tập trận tại khu vực gần đây, theo Bloomberg.
Truyền thông Đài Loan hôm 18/9 dẫn lời các quan chức quân sự giấu tên cho biết các phi công Trung Quốc phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng tiếp tục hành vi trên, đồng thời nói với lực lượng Đài Loan rằng “không có đường trung tuyến nào” như thế.
Lực lượng không quân Trung Quốc hôm 19/9 đã công bố một đoạn video về một kịch bản mô phỏng, theo đó máy bay ném bom H-6 đã tấn công một đường băng tương tự đường băng tại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam, một khu vực quan trọng đối với bất kỳ sự hỗ trợ nào của Mỹ dành cho Đài Loan.
Ông Malcolm Davis, cựu cố vấn quốc phòng của chính phủ Úc và hiện là nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định: “Nguy cơ chiến tranh đang gia tăng đáng kể và việc vẽ lại bản đồ về đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan là một bước đi rất rõ ràng của Bắc Kinh, không chỉ gia tăng áp lực mà còn biện minh cho việc sử dụng vũ lực”.
“Lực lượng thăm dò hung hăng của Trung Quốc có lẽ được lập ra nhằm kích động lực lượng không quân Đài Loan “bắn trước” và Bắc Kinh có đủ biện minh cần thiết”, ông Davis nhận định.
Hành động của Bắc Kinh bị cho là xâm nhập qua đường trung tuyến mà Washington thiết lập vào năm 1954 để ngăn chặn xung đột, qua đó cho thấy sự không hài lòng của chính quyền Trung Quốc về chuyến thăm Đài Loan mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach.
Ông Trump và Trung Quốc tranh cãi về ‘quyền kiểm soát’ trong thương vụ TikTok
Ông Trump đe dọa sẽ chặn thỏa thuận trừ khi Oracle và Walmart nắm quyền kiểm soát toàn bộ TikTok.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai (21/9) cho biết ông sẽ không chấp thuận một thỏa thuận giữa Oracle và TikTok trừ khi các chủ sở hữu Mỹ giành được quyền kiểm soát đa số trong ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc này.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không ủng hộ thỏa thuận này nếu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance vẫn giữ quyền kiểm soát TikTok.
ByteDance “sẽ không được kiểm soát ứng dụng này, và nếu họ làm vậy, chúng tôi sẽ không thực hiện thỏa thuận”, ông Trump cho hay.
“Họ sẽ mua nó,” ông Trump nói khi nhắc đến Oracle và Walmart. “Họ sẽ có toàn quyền kiểm soát nó. Họ sẽ có quyền kiểm soát đa số. Và nếu chúng tôi nhận thấy họ không có toàn quyền kiểm soát, thì chúng tôi sẽ không thông qua thỏa thuận ”.
Ông Trump cũng cho biết ông dự kiến ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ bị thu nhỏ khi TikTok Global – một doanh nghiệp mới thành lập tại Mỹ sẽ kiểm soát phần lớn hoạt động kinh doanh của ứng dụng này trên toàn cầu – chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Quá trình chào bán đã bắt đầu.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi Bytedance Oracle và Walmart gần đây đã có các tuyên bố trái ngược đối với quyền kiểm soát TikTok Global.
ByteDance cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ sở hữu 80% TikTok Global và TikToK GLobal sẽ trở thành công ty con của Tập đoàn Trung Quốc này. Đây là một thách thức rõ ràng đối với quan điểm cho rằng doanh nghiệp mới thành lập này sẽ thuộc quyền kiểm soát của phía Mỹ, theo Reuters.
Nhà điều hành TikTok hiện tại đã công khai một tuyên bố nhấn mạnh quyền quản lý của phía Trung Quốc đối với TikTok Global, lưu ý rằng hội đồng quản trị công ty mới sẽ bao gồm người sáng lập ByteDance Trương Nhất Minh và các giám đốc hiện tại của ByteDance, bên cạnh sự gia nhập của Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon.
Về phía Mỹ, Oracle và Walmart đã đồng ý nắm giữ cổ phần lần lượt là 12,5% và 7,5% tại TikTok Global, hôm thứ Bảy (19/9) cho biết phần lớn quyền sở hữu TikTok sẽ nằm trong tay người Mỹ. Hôm thứ Hai, Oracle cho biết quyền sở hữu TikTok của ByteDance sẽ được phân phối cho các nhà đầu tư của ByteDance và rằng công ty có trụ sở tại Bắc Kinh sẽ không có cổ phần trong TikTok Global.
Một tuyên bố hôm thứ Bảy của Oracle và Walmart cho biết bốn trong số năm thành viên hội đồng quản trị của TikTok Global sẽ là người Mỹ. Hãng tin tài chính Trung Quốc Caixin đưa tin đơn vị này sẽ được kiểm soát bởi “một hội đồng quản trị người Mỹ từ Sequoia Capital và Walmart”, trích dẫn một nguồn tin trong cuộc.
Ngay sau bình luận hôm thứ Hai của Tổng thống Trump, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) trực thuộc nhà nước Trung Quốc, đã đăng trên Twitter cá nhân rằng Bắc Kinh có thể sẽ từ chối thỏa thuận “vì thỏa thuận sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, lợi ích và phẩm giá của Trung Quốc”.
Cưỡng chế nhập ngũ! Sau ngày 1/10 Trung Quốc bước vào ‘huy động thời chiến’?
Dư luận Trung Quốc càng xôn xao sau khi thông tin này bị xóa, có người cho rằng sắp có chiến tranh, thậm chí là nội chiến.
Tài khoản công khai WeChat “Truyền thông chính trực Bắc Kinh” hôm 19/9 thông báo: “Cưỡng chế chấp hành! Sau ngày Quốc khánh, tổ quốc huy động binh lính trong thời chiến, những người sau đây phải phục vụ! Người nào làm trái bị coi là phạm pháp”. Ngày 1/10 là ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ngày Quốc khánh) dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bài đăng cho biết, chính phủ sắp cưỡng chế công dân nhập ngũ, nhưng điều kỳ lạ là, sau khi tin tức được tiết lộ, phía chính phủ đã xóa những nội dung liên quan, càng thêm thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Tài khoản WeChat công khai “Truyền thông chính trực Bắc Kinh” cho biết, hiến pháp Trung Quốc quy định: “Nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bảo vệ Tổ quốc và chống xâm lược”.
Nếu chính phủ ra lệnh huy động thì “chính quyền các cấp từ trung ương đến tỉnh, thành phố, huyện và thị xã, cũng như các cơ quan quân sự các cấp, cần phải nhanh chóng huy động”.
Theo thông báo, để điều động binh lính trong thời chiến, yêu cầu những nhân viên sau đây phải có mặt ngay lập tức:
- Quân nhân tại ngũ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự không được xuất ngũ, quân nhân nghỉ phép, đi thăm thân cần lập tức trở lại đội ngũ.
- Quân nhân dự bị, sinh viên quốc phòng sẵn sàng nhập ngũ bất cứ lúc nào được gọi, sau khi nhận được thông báo, cần phải báo cáo có mặt đúng thời gian quy định.
- Theo một số yêu cầu trong thời chiến, Hội đồng Nhà nước, Quân ủy Trung ương có thể quyết định tuyển chọn nam từ 36 tuổi đến 45 tuổi vào phục vụ nghĩa vụ quân sự. Thời gian tại ngũ do Hội đồng Nhà nước và Quân ủy Trung ương quyết định.
Bài đăng cũng nhấn mạnh rằng những người với tư cách là quân nhân dự bị và công dân bình thường, nếu từ chối sự tuyển dụng, trốn tránh việc tuyển dụng hoặc huấn luyện quân sự của nhà nước trong thời chiến, thì rất có khả năng cấu thành tội phạm hình sự và phải đối mặt với án tù.
Sau khi tin tức được tung ra đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài, nhưng điều kỳ lạ là tài khoản “Truyền thông chính trực Bắc Kinh” đăng tải bài báo từ ngày 19/9 đã bị nhà chức trách xóa và đánh dấu là “phát tán thông tin sai lệch”.
Các tài khoản công khai WeChat khác đã đăng lại các bài báo liên quan, và vụ việc cũng đã gây ra các cuộc thảo luận nhưng vẫn chưa thấy lời giải thích chính thức nào từ phía chính phủ.
Nhiều cư dân mạng đồn đoán rằng, nguyên nhân khiến “Truyền thông chính trực Bắc Kinh” biến mất có thể là do đã tiết lộ bí mật.
“Nếu là tin đồn, phía chính phủ nhất định sẽ ra mặt nói vài câu”.
“Liệu sẽ có chiến tranh không?”
“Có lẽ không phải là ngoại chiến, mà là nội chiến”.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng Trung Quốc chỉ ra rằng, trên Baidu cũng có bài viết tương tự vào tháng trước, điểm khác biệt là bài viết đó không nói rằng “sau ngày 1/10” thực hiện huy động thời chiến.
Theo Thiên Bình, Vision Times
Tâm Thanh biên dịch
Trung Quốc nhắn Mỹ: “Đòi độc lập cho Đài Loan là con đường chết”
Tại cuộc họp báo hôm 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích mạnh mẽ động thái gần đây của Mỹ khi một số quan chức cấp cao nước này tới thăm Đài Loan.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Đài Loan để dự lễ tưởng niệm cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy.
Ông Krach là quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979. Cùng đi với Thứ trưởng Keith Krach còn có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động. Robert Destro.
Trong chuyến thăm này, các nhà ngoại giao Mỹ đã gặp Tổng thống Thái Anh Văn và hai bên đã thảo luận về hợp tác kinh tế Mỹ – Đài Loan.
Ông Krach cũng đã gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc và Hồng Kông tại Đài Loan, bao gồm người bán sách Hồng Kông Lam Wing-kee, thủ lĩnh sinh viên Thiên An Môn gốc Duy Ngô Nhĩ Wu’er Kaixi, và những tín đồ Thiên chúa giáo Trung Quốc bị áp bức Liao Qiang và Ren Ruiting, theo Taiwan News.
Các nhà hoạt động đã đề nghị phía Mỹ hỗ trợ những sinh viên đã trốn khỏi Hồng Kông và đang ở lại Đài Loan, đồng thời đề cập đến tình hình Tân Cương và Tây Tạng.
Trước động thái của Mỹ, Bắc Kinh nhấn mạnh đây là hành động khiêu khích chính trị nhằm vào Trung Quốc và khuyến khích các đối tượng đòi độc lập cho Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các hành động của Mỹ sẽ tiếp tục gây tổn hại cho quan hệ Mỹ – Trung và hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế.
“Nói cho Mỹ biết việc đòi độc lập cho Đài Loan là con đường chết, việc dung túng và ủng hộ cho mục tiêu đó nhất định sẽ thất bại. Bất kỳ hành động nào làm suy yếu lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc cũng sẽ bị Trung Quốc đáp trả,” ông Vương cảnh báo.
“Không thế lực nào có thể ngăn cản việc thống nhất Trung Quốc.”
“Các hành động của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, gây tổn hại quan hệ Mỹ – Trung cũng như hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.”
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm, dừng toàn bộ liên lạc quân sự và liên lạc chính thức với Đài Loan, dừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chấm dứt những tuyên bố và hành vi có thể gây tổn hại cho quan hệ Mỹ – Trung cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông Uông tiếp tục cảnh báo.
Trước chuyến thăm của ông Krach, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar hồi tháng 8 cũng có chuyến đi tới Đài Loan.
Ngoại trưởng Philippines nói sẽ không loại Mỹ khỏi Biển Đông theo yêu cầu của Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết nước này sẽ không chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc về việc loại bỏ các cường quốc phương Tây – trong đó có Hoa Kỳ – ra khỏi Biển Đông.
Báo Inquirer của Philippines trích tuyên bố của ông Locsin tại một phiên điều trần về ngân sách ở Hạ viện Philippines hôm thứ Hai (21/9): “Trung Quốc yêu cầu loại bỏ các cường quốc phương Tây ra khỏi Biển Đông – tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra”.
Vị ngoại trưởng nói với các nhà lập pháp: “Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở Biển Đông với tư cách là bên cân bằng” quyền lực với Trung Quốc.
Ông Locsin nói thêm: “Tôi có thể cam kết với các vị, các cường quốc phương Tây sẽ hiện diện ở Biển Đông. Chúng tôi tin vào việc cân bằng quyền lực, tin rằng tự do của người dân Philippines phụ thuộc vào việc cần bằng quyền lực ở Biển Đông”.
Trung Quốc nhận chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách đường lưỡi bò mà Tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ vào năm 2016. Vào tháng 7/2020, Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, kéo theo các động thái tương tự từ các nước đồng minh như Úc, Anh, Pháp, Đức.