WHO vẫn đang chờ TQ chấp thuận các nhà điều tra nguồn gốc COVID-19
Tờ Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn đang chờ Bắc Kinh chấp thuận việc thành lập một nhóm quốc tế đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Trung Quốc cũng chính là bên cuối cùng quyết định danh sách các ứng viên điều tra.
Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp y tế của WHO, ông Mike Ryan, đã nói trong cuộc họp đặc biệt của ban điều hành tổ chức vào hôm thứ Hai (5/10) rằng, WHO đã chọn được các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để tham gia nhiệm vụ điều tra. Nhưng quan trọng là, việc ai sẽ được chọn vào nhóm và thời điểm họ được vào Trung Quốc đều tùy thuộc vào chính quyền Bắc Kinh.
Ông Ryan nhấn mạnh với nhóm cố vấn bao gồm đại diện các quốc gia thành viên: “Danh sách các ứng viên đã được gửi cho giới chức Trung Quốc để họ xem xét và thực hiện các bước tiếp theo nhằm triển khai đội ngũ điều tra.”
Hiện các quốc gia thành viên vẫn đang gây áp lực cho WHO trong việc điều tra nguyên nhân vì sao chủng virus corona mới này có thể lây lan từ động vật sang người.
Hồi đầu tháng 8, hai chuyên gia của WHO được cử đến Trung Quốc tiền trạm, hợp tác với giới chức và các nhà khoa học nước này chuẩn bị cho cuộc điều tra. Trước đó, hồi tháng 7, WHO cũng khẳng định, các chuyên gia quốc tế sẽ thực hiện một nhiệm vụ lớn hơn, bắt đầu cuộc điều tra tại thành phố Vũ Hán – tâm dịch đầu tiên của đợt bùng phát tại Trung Quốc – “chỉ vài tuần” sau đó. Thế nhưng đến nay, sau hơn 2 tháng, nhóm điều tra vẫn chưa được phép tiến vào Trung Quốc.
Trong cuộc họp hôm 5/10, các đại diện của Mỹ, Liên minh Châu Âu và Úc đã thúc giục WHO cử nhóm điều tra và chia sẻ thêm thông tin chi tiết về nhiệm vụ.
Bà Caroline Edwards, thành viên ban điều hành WHO đại diện cho Úc cho biết: “Tính minh bạch trong nhiệm vụ này rất quan trọng, chúng tôi muốn biết thêm thông tin về thành viên của nhóm điều tra và chương trình làm việc của họ.”
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định WHO không thể cử một nhóm điều tra đến một quốc gia thành viên mà không có sự cho phép của nước chủ nhà.
Ông Ayelet Berman, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Nếu Trung Quốc có điều kiện tham gia một nhóm chuyên gia để xem xét danh sách các nhà điều tra, thì từ góc độ pháp lý quốc tế, bàn tay của WHO sẽ bị ràng buộc.”
Các nhà phân tích cho rằng tính hợp pháp của nhóm điều tra sẽ phụ thuộc vào việc có những ai tham gia và cách thức hoạt động, đặc biệt là sau những lời chỉ trích WHO dung túng cho Trung Quốc trong những tuần đầu bùng phát dịch bệnh.
Mỹ cho rằng sự lây lan của COVID-19 xuất phát từ nguyên do WHO phụ thuộc vào thông tin ban đầu từ phía Bắc Kinh cung cấp, dẫn đến việc xác định thông tin dịch bệnh có thể lây lan từ người sang người kéo dài đến vài tuần lễ.
Phía Trung Quốc luôn khẳng định họ giữ liên hệ chặt chẽ với WHO trong đại dịch. Bà Trương Dương, đại diện Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 5/10 đã nói với ban điều hành: “Trung Quốc luôn minh bạch và trách nhiệm trong thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.”
Nhưng trên thực tế, tuyên bố này của Trung Quốc không khỏi khiến các quốc gia nghi ngại. Hồi đầu năm, Bắc Kinh đã từ chối lời kêu gọi từ Mỹ và Úc về việc điều tra nguồn gốc của virus corona mới bởi Trung Quốc coi đây là âm mưu để đổ lỗi cho họ trong đại dịch. Chính quyền Bắc Kinh cuối cùng chỉ ủng hộ một nghị quyết của WHO kêu gọi điều tra khoa học.
Ông Vương Nghĩa Quỳ, Giám đốc Viện Vấn đề Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nhân dân, cho biết nhóm chuyên gia nên được WHO lựa chọn “dựa trên nền tảng chuyên môn” để tránh “chính trị hóa” một cuộc điều tra.
Còn theo Dominic Meagher, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, Trung Quốc muốn các chuyên gia không theo đuổi một chương trình nghị sự chính trị nào… Bất kỳ ai tiến hành cuộc điều tra đều không được phép vượt quá các điều khoản.
Tòa nhà 33 tầng ở Hàn Quốc chìm trong biển lửa, cứu hỏa vẫn kịp sơ tán người bên trong
Một ngọn lửa lớn đã nhấn chìm toàn bộ khu chung cư 33 tầng ở Hàn Quốc vào chiều tối ngày 8/10.
Ngọn lửa, được cho là bắt đầu từ tầng 12 của tòa chung cư vào khoảng 11h07 giờ địa phương, sau đó đã bốc lên, bao trùm toàn bộ tòa nhà Samhwan Art Nouveau ở Dal-dong, Nam-gu, Ulsan, một thành phố phía tây bắc Busan, theo báo Busan.
Khi đám cháy xảy ra lực lượng cứu hỏa đã lao vào giải vây cho 136 hộ dân cư ở đây.
Đoạn phim từ hiện trường cho thấy ngọn lửa bốc cao lên đến đỉnh của tòa nhà khiến những tấm bê tông lớn đổ xuống đường bên dưới và cột khói bốc lên cao giữa đêm tối.
Lý Khắc Cường bị 56 hộ nông dân Thượng Hải kiện tập thể
Những năm gần đây, tin đồn về đấu đá nội bộ giữa hai ông Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình nổi lên khắp nơi; không chỉ vậy, trong công tác thường ngày, ông Lý Khắc Cường cũng vướng phải các vấn đề xuất phát từ sự biếng nhác chính trị chốn quan trường và sự hủ bại của bản thân chính quyền ĐCSTQ mang đến.
Gần đây, những người dân bị mất đất ở Thượng Hải đã đệ đơn kiện tập thể lên Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà chính ông Lý Khắc Cường là người đại diện pháp luật, theo SOH.
Theo tin tức do trang “msguancha” (Civil rights and livelihood watch – Theo dõi quyền dân sự và sinh kế) công bố ngày 7/10, 56 hộ nông dân bị mất đất ở khu dân cư mới Phố Đông, thành phố Thượng Hải, đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trung cấp số 1 thành phố Bắc Kinh, tố cáo Quốc Vụ viện Trung Quốc và đại diện pháp lý Thủ tướng Lý Khắc Cường, yêu cầu tòa án xem xét lại các phán quyết liên quan và bồi thường thỏa đáng cho các bên.
56 nguyên cáo này vốn sở hữu nhà ở hợp pháp hơn 10.500 m2 và nhà riêng hơn 1.100 m2, tuy nhiên, sau khi bị chính quyền phá dỡ, họ không chỉ mất đi không gian sống, ngay cả nền nhà ở nông thôn của nguyên cáo cũng bị chính quyền chiếm dụng mà không được bồi thường, dẫn đến thiệt hại kinh tế lên đến 355 triệu Nhân dân tệ.
56 hộ dân bị mất đất nói trên đã yêu cầu chính quyền thành phố Thượng Hải thực hiện quyền được sở hữu tài sản vào tháng 8/2018, tuy nhiên, phía nhà chức trách đã không đưa ra hồi đáp nào. Tháng 12 cùng năm, các nguyên cáo đã đệ đơn tập thể lên chính quyền thành phố Thượng Hải xin xem xét lại quyết định hành chính, nhưng bị chính quyền bác bỏ.
56 hộ nông dân lần nữa đệ đơn lên Quốc Vụ viện vào tháng Giêng năm ngoái yêu cầu được giải quyết khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, sau hơn một năm chờ đợi, cơ quan xem xét lại quyết định hành chính của Quốc vụ viện đã đưa ra “Thông báo rà soát giải quyết khiếu nại hành chính” vào ngày 3/4 năm nay, nhưng chỉ nêu rõ: “Tất cả nguyên cáo chưa cung cấp tài liệu cho thấy đơn yêu cầu xem xét lại hành chính của các vị đáp ứng các điều kiện chấp nhận được quy định tại Điều 28 của “Quy định thực hiện xem xét lại hành chính của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Những hộ nông dân bị mất đất ở Phố Đông không hài lòng với thông báo này, nên đã khởi kiện lên Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh, yêu cầu tòa án Bắc Kinh tuân thủ luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân bị mất đất.
Việc Lý Khắc Cường gặp rắc rối lần này kỳ thực chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm trong một loạt các vấn đề dưới sự điều hành của ĐCSTQ.
Ông Đào Cảnh Châu (Tao Jingzhou), bạn học cùng trường đại học Bắc Kinh của ông Lý Khắc Cường, từng nói với truyền thông nước ngoài rằng ông thật sự hy vọng người bạn học cũ của mình sẽ “thực sự cải thiện mức sống của người dân” và giải quyết các vấn đề về nhà ở, y tế, lương hưu và giáo dục.
Nhưng dưới chế độ của ĐCSTQ, ông Lý Khắc Cường dường như không hề đạt được yêu cầu kể từ khi lên nắm quyền. Một mặt, do chốn quan trường ĐCSTQ càng chống tham nhũng thì lại càng thối nát. Những năm gần đây, toàn bộ chốn quan trường còn xuất hiện hiện tượng biếng nhác chính trị. Nhiều quan chức bị phanh phui về hành vi đánh bạc, hút hít ma túy, chơi game, mua sắm trực tuyến, xem phim sắc tình, thậm chí thông gian ngay trong giờ làm việc.
Các phương tiện truyền thông chính thức đã nhiều lần đưa tin rằng kể từ khi ông Lý Khắc Cường nhậm chức, ông thường “phát hỏa” vì “các mệnh lệnh chính trị không ra khỏi Trung Nam Hải” và hành vi phóng túng, cẩu thả của các quan chức. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ, có lần ông Lý Khắc Cường trong lúc tức giận đã đập bể chén trà ngay trên mặt bàn.
Trung Quốc hướng dẫn Ấn Độ đưa tin ‘đúng cách’ về Đài Loan
Trước Ngày Quốc khánh Đài Loan vào thứ Bảy (ngày 10/10), đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi hôm thứ Tư đã gửi một lá thư tới truyền thông Ấn Độ với hướng dẫn về cách đưa tin sự kiện “đúng cách”, theo Taiwan News.
Nhà báo độc lập Aditya Raj Kaul đã đăng lên Twitter một bản sao của bức thư. Đoạn đầu tiên của bức thư viết: “Về cái gọi là ‘Quốc khánh Đài Loan’ sắp tới, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ muốn nhắc nhở những người bạn truyền thông của chúng tôi rằng chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc. Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc ”.
Sau đó, bức thư tuyên bố rằng những “sự thật” này đã được Liên Hợp Quốc công nhận và nó thể hiện “sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế”. Bức thư tiếp tục đề cập rằng các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều nên tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, bao gồm cả Ấn Độ.
Đại sứ quán Trung Quốc sau đó nhấn mạnh, “Đài Loan sẽ không được gọi là ‘đất nước (quốc gia)’ ‘hay’ Trung Hoa Dân Quốc ‘hay lãnh đạo khu vực Đài Loan của Trung Quốc là’ Tổng thống ‘, để không gửi đi tín hiệu sai lạc tới công chúng”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đăng một phản hồi trên Twitter về bức thư, nói rằng “Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất trên Trái đất với nền báo chí sôi động và những người yêu tự do. Nhưng có vẻ như Trung Quốc cộng sản đang hy vọng tiến vào tiểu lục địa bằng cách áp đặt kiểm duyệt ”.
Phản ứng trước thông tin này, nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ viết trên Twitter: “Đừng nhầm lẫn, đây không phải là [vấn đề] vị thế của Đài Loan trên thế giới. Đó là về cuộc tấn công công khai của Trung Quốc đối với tự do báo chí. Khi báo chí tự do gặp nguy hiểm, tất cả các quyền tự do khác đang bị tấn công”.
Canada tạo điều kiện nhập cư cho người Hồng Kông đấu tranh dân chủ
Gần đây một số đơn xin tị nạn của giới hoạt động dân chủ Hồng Kông đã được Chính phủ Canada chấp thuận. Hôm 5/10, Bộ trưởng Ngoại giao Canada cho biết sẽ công bố các biện pháp nhập cư đối với người Hồng Kông.
Theo Globe and Mail, gần đây Chính phủ Canada đã bắt đầu chấp thuận đơn xin tị nạn của một số nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông. Vào tháng Chín năm nay, Cục Nhập cư và Tị nạn Canada đã phản hồi một nhà hoạt động dân chủ 33 tuổi ở Hồng Kông rằng đơn xin tị nạn của anh và vợ đã được chấp thuận. Họ thuộc “Người tị nạn theo Công ước” (Convention tị nạn).
Theo luật của Canada, “Người tị nạn theo Công ước” là những người có thể bị bức hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến chính trị hoặc các lý do khác mà không thể trở về nhà họ. Đây cũng là cách giải thích trong “Công ước Liên Hiệp Quốc về tình trạng người tị nạn.” (Convention Relating to the Status of Refugees).
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ 33 tuổi này đã “tích cực” tham gia các hoạt động chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Hồng Kông: gây sức ép buộc chính quyền Hồng Kông thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu; vận hành một nhà kho ở Hồng Kông để cung cấp thiết bị bảo hộ cho các nhà hoạt động dân chủ; vào năm 2019 cùng vợ tham gia biểu tình chống ĐCSTQ.
Trước khi người đàn ông này chạy trốn khỏi Hồng Kông đã phải núp trong một cái lỗ dưới một tòa nhà. Anh đã từng bị những người mặc thường phục của ĐCSTQ giam giữ. Cảnh sát Hồng Kông đã theo dõi và khám xét nhà của anh.
Vào tháng 12 năm ngoái, người đàn ông này đã cùng vợ đến Canada. Họ sống kín tiếng để tránh bị gián điệp của ĐCSTQ phát hiện làm phiền, cũng lo ngại liên lụy thân nhân của họ vẫn còn ở Hồng Kông. Đơn xin tị nạn của họ đã được chấp thuận vào ngày 1/9 năm nay. Anh cho biết hệ giá trị sống của người Canada cũng tương tự người Hồng Kông, đồng thời cảm ơn Chính phủ Canada về quyết định này. “Giờ đây tôi không còn phải sống chui lủi, cuối cùng cũng có thể bình an vô sự”, anh cho hay.
Luật sư Richard Kurland chuyên về vấn đề nhập cư cho biết ông tin rằng các nhà hoạt động dân chủ khác cũng có thể có được quy chế tị nạn. Ông hy vọng sẽ có một làn sóng nhập cư người Hồng Kông, hy vọng có thêm nhiều người Hồng Kông sẽ xin tị nạn ở Canada.
Theo thông tin, có gần 50 người Hồng Kông đã nộp đơn xin tị nạn ở Canada, hầu hết họ đã tham gia các cuộc biểu tình chống ĐCSTQ ở Hồng Kông vào năm ngoái. Lý do của họ là cảnh sát Hồng Kông đã quấy rối và sử dụng bạo lực đối với họ.
Nhận thấy sau khi ĐCSTQ thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông sẽ có rất nhiều người Hồng Kông vẫn phải đối mặt nguy cơ bị giam giữ tùy tiện, ngày 5/10 vừa qua, Ngoại trưởng Champagne (François-Philippe Champagne) của Canada cho biết tại Quốc hội rằng ông sẽ công bố các biện pháp nhập cư dành cho người Hồng Kông. “Chúng tôi là nước đầu tiên trên thế giới chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, chúng tôi cũng đã ngừng việc xuất khẩu thiết bị nhạy cảm sang Hồng Kông. Chúng tôi sẽ công bố các biện pháp để người Hồng Kông nhập cư vào Canada. Mỗi bước chúng tôi thực hiện đều vì nhân quyền. Chúng tôi ủng hộ người Hồng Kông và 300.000 người Canada sống ở Hồng Kông”, Ngoại trưởng Champagne nói.
Trong một tweet, Giám đốc Chiến lược và Chính sách của Liên minh Canada – Hồng Kông (Alliance Canada Hồng Kông) là Alex đã viết: “Chúng tôi có thể làm rất nhiều việc, cũng cần phải làm nhiều việc. Chúng tôi mong muốn được thấy các biện pháp nhập cư này, vài tháng trước (Chính phủ Canada) đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp”.
Hội người Toronto Ủng hộ dân chủ Trung Quốc (Toronto Association for Democracy in China) kêu gọi Chính phủ thực hiện các biện pháp sau: thứ nhất, đẩy nhanh việc phê duyệt nhập cư đoàn tụ gia đình, để người Canada có thể càng sớm càng tốt được đoàn tụ với vợ/chồng, cha mẹ và ông bà của họ hiện đang ở Hồng Kông; thứ hai, mở rộng phạm vi nhập cư đoàn tụ gia đình, tạo thuận lợi cho người Canada ở Hồng Kông cũng có thể nhập cư vào Canada; thứ ba, cấp thêm giấy phép lao động và giấy phép học tập cho người Hồng Kông; thứ tư, cho phép nhiều nhà hoạt động dân chủ hơn có được quy chế thường trú nhân ở Canada, giống như sau năm 1989 Mỹ ban hành “Thẻ xanh ngày 4/6”; thứ năm, cho phép những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị bắt giữ hoặc sắp bị bắt giữ được tị nạn chính trị.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội, thành viên Hội đồng quản trị của Hội người Toronto Ủng hộ dân chủ Trung Quốc là Ngô Dao Dao (Wu Yaoyao) cho biết: “Có nhiều công dân Canada sống ở Hồng Kông muốn cùng người thân về Canada, nhưng người thân của họ có thể không phải là thường trú nhân hoặc công dân Hồng Kông, điều này khiến họ không thể ngay lập tức rời khỏi Hồng Kông. Nếu sau này họ rời đi thì có thể gặp nhiều khó khăn hơn.”