Mưa lớn, Nam Trà My bị chia cắt, thủy điện Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 xả lũ
Ngày 6/11, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất lớn, nhất là các địa phương vùng núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn…
Theo một cán bộ công tác tại huyện Nam Trà My, từ sáng 6/11 mưa lớn khiến mọi người rất bất an vì nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại huyện Bắc Trà My, mưa lớn đã khiến tuyến Quốc lộ 40B đoạn qua khu vực ngầm sông Trường (xã Trà Sơn) bị ngập nặng, giao thông lên huyện Nam Trà My bị chia cắt, một số khu vực ở thị trấn Trà My cũng ngập nặng.
Theo số liệu cập nhật từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, lúc 0 giờ ngày 6/11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Tranh 2 (chảy từ Nam Trà My xuống Bắc Trà My) chỉ 284 m3/giây nhưng đến 12 giờ trưa cùng ngày, lưu lượng về hồ lên tới hơn 1.920 m3/giây.
Trước lượng nước đổ về hồ lớn, thủy điện Sông Tranh 2 đã phải xả lũ điều tiết xuống hạ du. Thời điểm 12 giờ trưa 6/11, lưu lượng xả của thủy điện Sông Tranh 2 hơn 1.097 m3/giây.
Cũng vào thời điểm 12 giờ trưa 6/11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đak Mi 4 (huyện Phước Sơn) 810 m3/giây; thủy điện này xả lũ qua tràn với lưu lượng hơn 585 m3/giây. Số liệu cập nhật cho thấy lưu lượng nước về hồ Sông Tranh 2, Đak Mi 4 liên tục tăng theo thời gian.
Biển Đông có thể đón 3 cơn bão tuần tới
Chiều 6/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp thông tin về tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan những ngày tới. Đơn vị cho biết nửa đầu tháng 11, tình hình mưa lũ tại Trung Bộ còn diễn biến phức tạp do liên tục chịu ảnh hưởng của các xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông.
Cụ thể, cơn bão Atsani đang hoạt động ngoài khơi Philippines đi vào khu vực đông bắc Biển Đông tối 6/11 với cường độ cấp 10, giật cấp 12. Sau đó, bão suy yếu nhanh và tan trên biển.
Cơn bão này chủ yếu gây gió mạnh và sóng cao, nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên khu vực phía đông bắc Biển Đông.
Đến ngày 8/11, một áp thấp nhiệt đới hoặc bão tiếp tục đi vào Biển Đông. Hình thái này được dự báo ảnh hưởng trực đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong ngày 10-11/11.
Ngay sau đó, ngày 12-13/11, Biển Đông có thể xuất hiện một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tiếp tục hướng về đất liền nước ta.
Ảnh hưởng của các hình thái cực đoan liên tiếp, từ ngày 9/11 đến 12/11, ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở đô thị.
Chuyên gia nhận định diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ còn phức tạp, có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới và bão. Người dân cần liên tục cập nhật các diễn biến mới về tình hình thiên tai, thời tiết trong những ngày tới.
Hàng ngàn người dân ở Quảng Ngãi chạy lũ trong đêm
Sáng 6/11, do nước sông Trà Câu dâng cao, hàng trăm hộ dân ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị ngập sâu. Nhiều nhà dân ngập sâu đến 1,5m, một số nơi bị chia cắt.
Tại tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh – nằm dọc theo sông Trà Câu, khoảng 80 hộ dân bị cô lập trong nước lũ, có nhà bị ngập hơn 1,5m. Nhiều nhà dân ở đây phải di dời khẩn cấp, chưa kịp di chuyển đồ đạc trong nhà. “Từ đêm 5/11 đến rạng sáng 6/11, khu vực này có mưa rất lớn, nước sông Trà Câu dâng lên rất nhanh, ngập nhà cửa nên chúng tôi phải di dời đến nhà người thân cao ráo hơn ngay trong đêm. Giờ tủ lạnh, tivi và nhiều vật dụng khác trong nhà hư hết rồi”, bà Nguyễn Thị Hoa Phượng, ngụ phường Phổ Ninh mếu máo, theo Người lao động.
‘Yêu cầu người dùng mạng xã hội xác định danh tính’
Theo báo VnExpress, trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề quản lý mạng xã hội, vấn nạn tin giả…
Bộ trưởng Hùng cho rằng tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và YouTube. Ông khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông làm rất quyết liệt, như tham mưu Chính phủ ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021, Bộ tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả. “Đồng thời, Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm”, ông Hùng nói.