644 nhà lập pháp châu Âu ủng hộ Đài Loan tham gia Đại Hội đồng Y tế Thế giới
Tổng cộng 644 nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác tại châu Âu đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mời Đài Loan tham gia kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) hàng năm, dự kiến sẽ diễn ra trực tuyến vào tuần tới.
Các cuộc họp của WHA sẽ diễn ra trực tuyến từ ngày 9/11 đến 14/11 trong bối cảnh đại dịch virus corona vẫn hoành hành khắp thế giới. Trong các phiên họp trực tuyến trước đây vào tháng 5, Đài Loan đã không được mời tham dự.
Bức thư gửi cho Tổng giám đốc WHO Tedros A. Ghebreyesus của các nhà lập pháp châu Âu viết: “Chúng tôi kêu gọi ông mời Đài Loan tham gia vào WHA với tư cách quan sát viên và để Đài Loan tham gia đầy đủ vào các cuộc họp, cơ chế và hoạt động của WHO, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.”
Bức thư gửi ngày thứ 5 (5/11) là động thái ủng hộ mới nhất của các chính trị gia châu Âu đối với việc Đài Loan tham gia vào WHA, cơ quan ra quyết định của WHO.
Bức thư được khởi xướng từ Câu lạc bộ Formosa. Câu lạc bộ này bao gồm các nhóm hữu nghị với Đài Loan tại Nghị viện châu Âu, Đức, Pháp và Anh cũng như nhiều quốc gia khác. 644 nhà lập pháp từ các quốc gia khác nhau đã ký vào bức thư để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan.
Trong bức thư, các nhà lập pháp châu Âu đã ca ngợi Đài Loan như một hình mẫu cho việc ngăn chặn virus corona mới, do đó đã hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Bức thư cũng đề cập đến việc Đài loan đã tặng khẩu trang phẫu thuật và các thiết bị y tế cùng đồ bảo hộ khác trong vài tháng qua cho hơn 80 quốc gia, bao gồm nhiều quốc gia tại châu Âu.
Bức thư viết: “Rất đáng tiếc, bất chấp những lời kêu gọi và ủng hộ đáng kể của cộng đồng quốc tế, việc Đài Loan tham gia vào WHO vẫn gặp nhiều cản trở.” Nhận định cách xử lý của WHO đối với vấn đề Đài Loan là “không công bằng”, các nhà lập pháp nói rằng việc cản trở Đài Loan tham gia vào WHO “không chỉ gây phương hại đến các quyền sức khỏe cơ bản của 23 triệu công dân Đài Loan, mà còn tạo ra một lỗ hổng nguy hiểm trong mạng lưới ngăn chặn dịch bệnh toàn cầu.”
Bộ Ngoại giao Đài loan (MOFA) đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ chưa từng thấy của lưỡng đảng tại châu Âu đối với việc tham gia của Đài Loan vào WHO. Bộ này tweet: “644 nhà lập pháp từ 25 quốc gia đang ủng hộ việc tham gia đúng nghĩa của Đài Loan vào WHO và các sự kiện như WHA-73.” Bộ còn viết tiếp: “Tiến sĩ Tedros, xin hãy ghi nhớ, không ai an toàn khỏi COVID-19 cho đến tất cả mọi người đều an toàn.”
Gia Huy, theo Taiwan News
Đức tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, coi Trung Quốc là một ‘thách thức hệ thống’
Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã gọi Trung Quốc là một “thách thức có hệ thống” trong lời kêu gọi hợp tác quân sự nhiều hơn với các nước “cùng chí hướng”, bao gồm Australia, viện dẫn việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 để cảnh báo nguy cơ xung đột lãnh thổ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo SCMP.
Trong những lời phát biểu thẳng thắn được đưa ra trong bối cảnh bất định về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm thứ Năm (5/11) cho biết Berlin sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Úc và các quốc gia khác trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Nhận xét của quan chức quốc phòng hàng đầu nước Đức được đưa ra sau khi Berlin tuần này thông báo họ sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ đến tuần tra Ấn Độ Dương từ năm sau, và triển khai các sĩ quan Quân đội Đức cùng với hải quân Úc như một phần trong quá trình gia tăng sự hiện diện chưa từng có tiền lệ ở châu Á.
Trong một cảnh báo mang tính ám thị trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nơi khác, bà Kramp-Karrenbauer cho biết quan điểm của Đức được định hình bởi việc Nga tiếp tục chiếm đóng Crimea, khiến quốc tế lên án và áp lệnh trừng phạt.
Trong khi mô tả Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng và cốt yếu để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bà Kramp-Karrenbauer nói rằng siêu cường đang trỗi dậy này cũng là một “thách thức hệ thống” cần được thảo luận cởi mở.
Tuần duyên Trung Quốc được phép nổ súng vào tàu nước ngoài theo luật mới
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của họ theo dự thảo luật được công bố trong tuần này, theo Nikkei Asia.
Động thái của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này mà họ gọi là Điếu Ngư, và các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu tuần duyên, gần như hàng ngày đều tuần tra trong khu vực.
Luật mới sẽ giúp lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí so với đối thủ Nhật Bản, vốn phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sở hữu 130 tàu vào cuối năm 2019, gần gấp đôi số tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đây là những con tàu có trọng tải hơn 10.000 tấn được trang bị pháo 76 mm – tạo nên hạm đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.
Dự kiến, dự thảo này sẽ được thông qua sớm nhất vào tháng 12.
Cảnh sát Hồng Kông khởi động ‘đường dây truy quét tội phạm an ninh quốc gia’
Cảnh sát Hồng Kông hôm thứ Năm đã mở một đường dây nóng chuyên dụng để báo cáo các hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đã áp đặt lên thành phố vào đầu năm, làm dấy lên sự báo động về những người chỉ trích đạo luật gây tranh cãi, theo Nikkei Asia.
Đường dây nóng, được thiết kế để giúp trấn áp các tội phạm tiềm ẩn gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, sẽ gửi ảnh, âm thanh và video thông qua tin nhắn và ứng dụng nhắn tin WeChat. Cảnh sát cho biết họ sẽ chỉ nhận các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và sẽ không tiết lộ chi tiết cá nhân của người cung cấp thông tin.
Nhiều hãng tin Hồng Kông đã lên án đường dây nóng, nói rằng việc khuyến khích người dân thành phố báo cáo lẫn nhau nhau gợi nhớ đến cuộc Cách mạng Văn hóa kinh hoàng ở Trung Quốc đại lục, trong đó nhà nhà người người đấu tố lẫn nhau để bảo toàn tính mạng. Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ James To Kun-sun cho biết, cơ chế báo cáo này sẽ làm suy yếu các quyền tự do và có ảnh hưởng rất xấu đối với Hồng Kông.
Một nhân viên văn phòng 20 tuổi cho biết: “Sẽ còn khó hơn để giờ đây đề cập đến chính trị ở nơi công cộng”. Có lo ngại rằng đường dây nóng có thể làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa phe ủng hộ dân chủ và phe thân Bắc Kinh của thành phố từng có nền tự trị cao độ.
Giới chức trách tài chính cũng đã bắt đầu yêu cầu các ngân hàng báo cáo bất kỳ giao dịch nào có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, có thể là trong nỗ lực xác định các nhà hoạt động dân chủ thông qua các dòng tiền chuyển đến và đi từ các tổ chức nước ngoài.