Tạm giữ một hành khách la hét có bom trên máy bay
Báo Zing thông tin, một hành khách nước ngoài có biểu hiện tâm lý bất thường, la hét và nói có bom trên chuyến bay của Pacific Airlines trưa 12/11.
Theo đại diện Pacific Airlines, chuyến bay BL6011 dự định cất cánh lúc 11h25 hôm nay tại sân bay Nội Bài. Sau khi hành khách vào chỗ ngồi, tổ bay chuẩn bị đóng cửa để khởi hành thì một nam hành khách quốc tịch Philippines có biểu hiện tâm lý bất thường, liên tục la hét và nói có bom.
Tổ tiếp viên đã triển khai quy trình ứng phó, tạm ngừng chuyến bay và phối hợp với lực lượng chức năng tại sân bay để xử lý sự việc. Nam hành khách được an ninh sân bay đưa vào nhà ga để thẩm vấn.
Theo quy trình với một chuyến bay nghi có bom, lực lượng chức năng kiểm tra lại an ninh, an toàn cho toàn chuyến bay. Hành khách, hành lý được đưa vào nhà ga để soi chiếu lại, máy bay cũng được kiểm tra toàn bộ. Hiện đơn vị chức năng chưa phát hiện vấn đề gì bất thường với chuyến bay BL6011 nêu trên.
Hồ thủy lợi, thủy điện xả nước, nhiều nơi ở Huế ngập nặng dù trời không mưa
Người lao động đưa tin, báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 9/11 đến 7 giờ ngày 12/11 ở vùng núi phổ biến 350-640mm, vùng đồng bằng phổ biến 200-250mm. Dự báo ngày hôm nay 12/11, tại Thừa Thiên – Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Trưa chiều nay mưa giảm.
Hồ thủy lợi Tả Trạch và hồ thủy điện Bình Điền nằm ở thượng nguồn sông Hương sau một thời gian cắt lũ thì từ chiều qua, 11/11, đến nay đã xả về hạ du lượng nước tương đương về hồ. Trong đó, Tả Trạch xả 662m3/s, Bình Điền là 1.062m3/s.
Tương tự, thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ cũng xả về hạ du lưu lượng 2.275m3/s, sau khi đạt mực nước dâng bình thường là +58m.
Ghi nhận trong sáng 12/11, tại nhiều khu vực hạ du ở Thừa Thiên – Huế đang ngập nặng dù trời không mưa.
5 hồ thủy lợi ở Lâm Đồng mất an toàn
Theo báo VnExpress, thông tin trên được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết ngày 12/11. 5 hồ thủy lợi xuất hiện tượng bất thường gồm: hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt), hồ P’Róh, Ma Đanh (huyện Đơn Dương), hồ Đinh Trang Thượng 2 (huyện Di Linh), hồ Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên).
Hồ Tuyền Lâm rộng 320 ha, xây dựng hơn 30 năm, là nơi thu hút đông du khách tham quan, đang có hiện tượng thấm nước trên thân đập. Bề mặt đập bị sụt lún, rạn nứt. Cầu tràn xuống cấp, không đảm bảo cho các xe cỡ lớn chạy qua.
Ngoài các hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ghi nhận bờ sông, suối tại các huyện Lâm Hà, Cát Tiên, Đạ Huoai… bị sạt lở nghiêm trọng. Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng kiến nghị xử lý khẩn cấp với kinh phí 235 tỷ đồng.
Dịch tả lợn châu Phi tái phát sau lũ
Cũng theo báo VnExpress, 67 con lợn của gia đình ông Hoàng Kim Dũng ở huyện Cẩm Xuyên phải tiêu hủy, vì trong đàn có một con dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi sau lũ lụt.
Ổ dịch nhà ông Dũng, trú thôn 3, xã Nam Phúc Thăng được ghi nhận là mới nhất, sau ba tháng huyện Cẩm Xuyên không có ca mới. Ngày 3/11, đàn lợn 112 con của gia đình ông Dũng có một số con bị ốm, bỏ ăn, đi ngoài. Gia chủ báo cáo sự việc với cán bộ thú y, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Hơn một tuần sau, kết quả công bố có một mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, thời điểm này nhà chức trách đã tiêu hủy 67 con lợn của gia đình ông Dũng, còn 45 con đang nuôi riêng để theo dõi. Theo ông Danh, trước kia nếu trại lợn có một con nhiễm dịch thì phải tiêu hủy cả đàn, song hiện nay chính quyền chủ trương dập dịch ở ngưỡng an toàn, chỉ tiêu hủy những con lợn nuôi cùng ô chuồng chứ không làm theo diện rộng để giảm thiệt hại.
“Năm 2019 địa phương bùng phát dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy hàng trăm tấn lợn. Trong huyện đã có nguồn bệnh, sau lũ lụt vừa qua, bệnh có thể theo nguồn nước lây lan từ xã này sang xã khác”, ông Danh nói.
Theo ông Hoàng Kim Dũng, đợt lũ lụt từ ngày 18-21/10, trại lợn của gia đình ngập gần 1m, hàng trăm con lợn được di chuyển lên trụ sở trường THCS Nam Phúc Thăng cách nhà vài km để tránh lũ. Khi nước rút, ông đã vệ sinh khử khuẩn chuồng trại rồi mới đưa lợn về nuôi.
“Số lợn đã tiêu hủy và nằm trong diện nghi nhiễm mỗi con nặng 15-60kg, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, ông Dũng cho hay.