Đôi lời về BỨC THƯ TÌNH THỨ 17 của LÊ ANH TUYẾT

Kiều Giang

 “Bởi khởi thủy của văn chương là huyền thoại, và kết thúc của nó thì cũng vây”, George Luis Borges đã nói như thế.


Tôi không muốn đi ca ngợi một bài thơ hay, một áng văn- chương (Oeuvre litteraire), bởi vì việc làm đó chẳng có nghĩa gì với một tuyệt phẩm, nhưng không, với tôi, đây không còn là một bài thơ, mà đúng hơn nó đã trở thành một huyền thoại.

Hình ảnh người phụ nữ như bềnh bồng trong sương khói, nở nụ cười xa xăm, vừa trần ai vừa thoát tục, thật khó cho những ai muốn đặt cho nó một tên gọi, khác với hai từ “huyền thoại”.

Rồi nàng lại đem cái huyền thoại đó vào trong ngôn ngữ thi ca, chập chùng hình ảnh liêu trai, như không muốn dừng lại cõi trần gian mà bay bổng vào mênh mông vô tận: “Anh, Như cơn mộng du giữa cõi mênh mông của trời và biển, em đến trần gian để nếm mùi nhân thế vào một chiều thu bồng bềnh mây nước”. Vâng, có lẽ nàng đã “đến trần gian” từ một cõi xa xăm nào khác, vào một chiều thu không ngập lá vàng như Lưu Trọng Lư mà “bồng bềnh mây nước”, ở đó “mùi nhân thế” nghe như lãng đãng cay đắng ngọt bùi…Lê Anh Tuyết (LAT) đã mở đầu bài thơ bằng một câu thơ xuôi trác tuyệt bất ngờ như vậy đó.

Rồi giữa trời mây bồng bềnh hư thực, nàng lại tưởng tượng ra “Bên kia bờ ảo ảnh, anh thẫn thờ nhìn những giọt nắng soi nhẹ vào góc suy tư”.

Một dự phóng của trí tưởng tượng tiên nghiệm vô cùng phong phú, khó ai bì kịp. Hình ảnh người đàn ông đứng “bên kia bờ ảo ảnh, thẫn thờ nhìn những giọt nắng soi nhẹ vào góc suy tư” của mình. Một nghệ thuật dùng hình tượng để so sánh nhẹ nhàng hai tâm lý đối ngịch nhưng hòa quyện vào nhau: Em thì trong bồng bềnh mây nước để nếm mùi đắng cay của nhân thế (từ anh), còn anh thì chìm vào trong thế giới ảo ảnh, đang mơ hồ nhìn về một phương trời khác, để cho những giọt nắng soi nhẹ vào góc suy tư, có lẽ đã cõi còm của anh. Ở đây tác giả đã kết hợp khá tài tình về hai hình tượng cụ thể và trừu tượng là giọt nắng và góc suy tư, lồng vào nhau.

Rồi tác giả lại khéo tạo cho thời gian và không gian lại chan hòa quấn quýt lấy nhau như chàng và nàng, trong một quảng đường trần gian nào đó, một định mệnh không thể tách rời. Anh là thời gian luôn phiêu du còn em là một không gian “lạ lẫm” luôn làm mới đợi chờ anh. Và Em như một mảnh trời riêng ôm đại dương đã thành “tím thẫm” vì nhớ nhung, để cho buổi hoàng hôn phủ kín đời mình. Có lẽ chưa có hình ảnh nào của thi ca lại có thể phát họa hết cái không gian đang bao trùm bởi thứ ngôn ngữ mang tính huyền thoại đến thế. LAT đã viết: “Có gì không, khi thời gian dừng lại, ghé qua một không gian lạ lẫm. Nơi ấy có mảnh trời riêng rớt xuống thật gần. Mây vần vũ ôm đại dương tím sẫm và hoàng hôn phủ kín người em.”

Có phải anh đó không? Người đàn ông như mây trời phiêu bạt, một ngày kia anh như mảnh lụa trời nhung gấm quấn qua đời em; nhưng rồi anh đã vô tình tan biến vào hư không, bỏ lại em, mảnh tình gầy ôm nhớ thương “run rẩy giữa hoang vu”. Một nghệ thuật sử dụng ẩn dụ sắc sảo tài tình!

Bất ngờ từ trong nơi mênh mông vô vọng ấy, nàng bỗng cảm nhận ra một vẻ đẹp lung linh của tạo hóa vô biên dâng hiến cho nàng từ tiếng thì thầm của “ đám mây mồ côi” hay tiếng vọng của đại dương ngân vang từ cõi vô cùng, đưa nàng đến thiên thai. “Mây mồ côi” đã ôm lấy thân phận cũng đang mồ côi của nàng, một nghệ thuật tu từ so sánh được hòa quyện với nhau, tinh tế vô cùng. Vậy ra, mới biết, chính thiên nhiên chứ không phải chàng, đã cứu rỗi linh hồn nàng.

Từ trong nỗi cô đơn thăm thẳm về thân phận hoang liêu ấy, tác giả lại trăn trở cho những phạm trù rộng lớn hơn, chi phối đến cả thân phận con người, đó là không gian và thời gian.
Không gian là nơi hiện hữu những sinh thể phù trầm cùng những huyễn hoặc ảo hư của con tạo, ở đó có thể là nơi thoát thai của những bản tình ca mang nặng huyền ngôn của “đêm và trăng”, đôi tình nhân muôn đời ôm chặt vào nhau như ôm vòng tất mệnh của đôi chân trần gian không bao giờ an nghỉ.

Còn thời gian là nơi lưu đày của hiện thể không thể tách rời, như anh và em. Hạnh phúc và đau thương, xa cách và nhớ nhung, những vạt nắng hạ vàng cùng với những ngọn gió đông buốt giá, mãi mãi là những “danh từ” cồn cào trong sâu thẳm hồn em. Tác giả thể hiện điều đó qua thứ ngôn ngữ liêu trai cháy bỏng: “Em nằm đó miên man với những danh từ về một nơi chốn hạnh phúc có anh, có bãi cỏ mềm với vạt nắng hoang vào ngày hạ, và mảnh sân ngập lá vàng vào ngày thu để chuẩn bị đón đông…”

Nhưng rồi tác giả lại đưa hồn mình về một nơi thật xa xôi, ở “bên bờ ảo vọng”, có những phút giây mà hình ảnh của em lại chua chát trộn lẫn vào những làn khói thuốc của anh trong những đêm mùa hè như loài đom đóm “lập lòe trong bóng tối làm mê hoặc hồn anh”. Trong cái tự hào “làm mê hoặc hồn anh”, bỗng chốc người thiếu phụ lại trở về với thân phận Eva bé bỏng đáng thương của mình, nhưng là hình ảnh của người đàn bà sáng mãi như ánh sao đêm trên bầu trời chung thủy, nàng “đã đến tự ngàn xưa”, nhưng lại phải “u uẩn đến mai sau” : “Có chút phù du rớt lại giữa vô thường; ở đó, em, người đàn bà đến từ ngàn xưa, rồi u uẩn đến mai sau…”

Càng về cuối bài thơ, tâm tư của tác giả “Bức thư tình thứ 17” lại càng làm mê hoặc người đọc bằng một thứ huyền ngôn tím ngát yêu thương, những lời than trách thật nhẹ nhàng, nhưng lại xuất phát từ từng giọt máu hồng long lanh, bềnh bồng trôi trên dòng sông thăm thẳm của một thứ tình yêu vô bờ bến. “Làm sao đo được chiều dài ánh sáng theo vòng đời của một cuộc tình và đếm được sắc hương của những loài hoa nở muộn?”
Không ai không sững sờ trước sự suy tưởng và cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Một bất ngờ thật thú vị.

Rồi tác giả tiến dần về cuối con đường của sự mâu thuẫn và xung đột trong tình yêu của cõi nhân sinh, giữa thủy chung và phản bội, giữa hoàng hôn và bình minh, giữa ánh sáng và bóng tối. LAT lại muốn níu giữ hoàng hôn để bóng đêm không bao giờ đến với nàng, và nàng sẽ ghìm giữ cho đời nàng không trôi đi mà đợi chờ những tia sáng huy hoàng của buổi bình minh sẽ đến. Nàng sẽ làm một việc mà mãi mãi thế gian không ai làm nổi là chặn đứng dòng thời gian. Nàng đã xót xa báo với người yêu rằng “Bóng đêm là nơi cư ngụ của nỗi cô đơn khắc khoải, là thủ phạm bào mòn sự kiên trì chờ đợi, là nơi chốn cho nỗi muộn phiền sinh sôi nẩy nở.”. Xin anh hãy cho em chặn đứng bóng đêm. Ôi thật thiết tha!

Rồi nàng đã chua chát kết luận về con đường lầm lạc chỉ đưa chàng đến bóng đêm mịt mùng không lối thoát: “Anh, một thể sống với bản ngã rất đời, đi theo thời gian để đến chốn tận cùng khi bóng đêm không dừng lại”. Cùng cái kết đáng thương nhưng cũng đầy chất thơ của đời mình: “Và em, thiên thu, bỗng hoá đá bên đời để có câu chuyện tình cổ tích của hôm nay”.

Đến đây, thú thật, tôi đã cạn lời để viết cho hết về thứ ngôn ngữ hiện thực diễm kiều đến mức liêu trai trong bài thơ “Bức thư tình thứ 17” của Lê Anh Tuyết, tôi đành phải để cho bài thơ tự nó lướt qua trần gian, đi vào huyền thoại!

Rồi bất chợt tôi lại nghĩ rằng, không biết nếu như Dante, Shakespeare và Goethe, có sống lại mà đọc những dòng thơ này, có giúp được gì cho tôi, hay cũng chỉ ngỡ ngàng đưa mắt nhìn nhau…!

Kiều Giang, 26/11/2020

CÔ ĐƠN

Hạnh phúc như chiếc nôi đong đưa từ

                              những tháng ngày rất vội…

Ru ta vào giấc ngủ yên bình

                              của những ngày mẹ bồng bế

Nuôi dưỡng phần Người lớn lên từng giờ

                              trong ca dao ngọt ngào hương sắc của quê hương

                              ***

Rồi một ngày kia chúng tả tơi

                               trong cuộc đời sóng bão

Bởi phần Con không thể tách rời

Nó vụt bay và mất hút…

Như tia chớp lóe ra

                              trên bầu trời đen sẫm mây mùa đông

Ta đi tìm… nuối tiếc

Ta hối hận… than van

Ta vật vã với thời gian và trách giận cuộc đời

Tội nghiệp ta, cái tôi quá lớn!

Ta…

Ôm nỗi cô đơn như vỗ về cơn bệnh của tâm hồn

đã làm tệ liệt xác thân

Quay tìm quá khứ

Thế giới vẫn trôi…

Trắng, đen; tốt, xấu

                                   như một cặp song sinh đồng hành

Và sau cuối

Cô đơn là chất liệu bổ dưỡng tâm hồn

Để cảm nhận cuộc đời sâu sắc hơn…                               

Lê Anh Tuyết                        

Melbourne, 10/2013

Related posts