Hai công ty Úc và Nhật đang nghiên cứu kế hoạch chôn carbon dioxide từ các nhà phát thải ở Á xuống đáy đại dương ngoài khơi bờ biển Úc.
Các nhà sản xuất năng lượng lớn đều ủng hộ phương án thu giữ carbon (CCS) dưới đáy biển như một cách để hạn chế lượng khí thải song các dự án này vẫn gặp phải nhiều thách thức như các vấn đề kỹ thuật và chi phí vượt mức.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm nay, khoảng 40 triệu tấn carbon dioxide thuộc 21 cơ sở sản xuất sẽ được thu giữ. Con số này chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải toàn cầu khoảng 51 tỷ tấn. Dự án của Úc và Nhật có kế hoạch thu lại 1.5 triệu tấn/năm.
Úc là một trong những quốc gia có lượng khí thải bình quân đầu người lớn nhất thế giới do ngành xuất khẩu năng lượng bùng nổ và hiện chhính phủ Morrison đang thúc đẩy kỹ thuật thu giữ carbon CCS nhằm giảm thiểu lượng khí thải. Tuy nhiên, kỹ thuật này cho đến nay mới chỉ được sử dụng trên đất liền.
Ngày 7.12, Công ty Transborders Energy của Úc thông báo dự án deepC Store nhằm thu giữ khí thải từ các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG),. Sau đó, họ sẽ sử dụng một cơ sở nổi (kỹ thuật hiện áp dụng trong lĩnh vực khí đốt) để bơm 1/,5 triệu tấn CO2/năm xuống đáy biển. Tham gia dự án này còn có các đối tác Tokyo Gas và Kyushu Electric Power của Nhật. Daein Cha, Giám đốc Điều hành Transborders Energy, cho biết việc chôn CO2 dưới đáy biển có thể bắt đầu sau năm 2027.
Nhật xem giải pháp trên là một cách đối phó với lượng khí carbon ngày càng tăng do phải chuyển sang sử dụng nhiệt điện kể từ sau thảm họa kép động đất – sóng thần đầu năm 2011, khiến toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của nước này tạm ngừng hoạt động.
Gần đây, 2 công ty Nhật là J-Power và NUS thông báo sẽ thực hiện dự án thí điểm cất giữ CO2 sâu trong lòng đất tại Indonesia, bắt đầu từ năm 2021. Theo đó, một đường ống dẫn khí đốt có chiều dài khoảng 4km sẽ được đặt giữa mỏ khí Gundih và địa điểm cất giữ CO2. Tại địa điểm này, một hố sâu khoảng 3,6km được đào xuyên đến tầng ngậm nước để “nhốt” CO2. Được biết, quá trình xử lý khí đốt tự nhiên tại mỏ Gundih sản sinh và thải vào không khí khoảng 300,000 tấn CO2 mỗi năm.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Úc gần đây xác định thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) là một trong 5 kỹ thuật ưu tiên sẽ được tài trợ tổng cộng $13.4 tỷ để giúp cắt giảm khí carbon mà không gây thiệt hại cho hoạt động kỹ nghệ.
Cuối tháng 10, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh về việc cần phải có hành động mạnh mẽ trong vấn đề biến đổi khí hậu trong đó khẳng định kinh nghiệm của Anh cho thấy phát triển kinh tế vẫn đi đôi với nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên Thủ tướng Morrison khẳng định, đây là vấn đề thuộc chủ quyền của Úc và nước này sẽ có cách thức riêng để đạt mục tiêu này. Phát biểu sau đó ông Morrison nhấn mạnh: “Chính sách của chúng ta sẽ được quyết định tại Úc. Đưa ra các quyết định về tương lai của Úc là chủ quyền của chúng ta. Cam kết mà tôi đưa ra đối với Úc là kỹ thuật chứ không phải là thuế. Điều này không chỉ quan trọng ở khía cạnh làm thế nào để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế sang việc giảm phát thải mà còn quan trọng ở chỗ chúng ta cần phải tạo ra sự thay đổi ở các nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới.”
Úc lo ngại việc cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, trong đó có than đá, nguồn nhiên liệu chính để sản xuất năng lượng ở nước này sẽ làm gia tăng số người thất nghiệp và làm tăng giá cả hàng hóa. Vì vậy, trong chiến lược năng lượng được công bố hồi tháng Chín, chính phủ Úc khẳng định sẽ khuyến khích phát triển 5 kỹ thuật hiện đại để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bao gồm hydrogen sạch, lưu trữ năng lượng, thép xanh và nhôm, thu giữ và lưu trữ carbon và các dự án carbon trong đất. Để đạt được mục tiêu này, Úc đầu tư vào các kỹ thuật mới, trong đó việc chôn thán khí là hướng đi chính!