Hiểu Minh
Theo báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ năm 2009-2019, số lượng người dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 0,0%, theo Người lao động.
Báo cáo trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức lễ công bố chiều 14/12, tại TP. Cần Thơ.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất trên Trái đất, cung cấp một lượng lớn gạo, tôm, trái cây… cho Việt Nam và thế giới.
Tuy nhiên theo báo cáo trên, kinh tế của ĐBSCL đang giảm so với các vùng khác trong cả nước. Nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL. Nhưng 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay.
Theo phóng sự ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, năm 2013, tại xã An Thạnh Đông thuộc tỉnh Sóc Trăng để thu thập dữ liệu về năng suất nông nghiệp, họ đã mất toàn bộ vụ mía đường sau khi nước biển dâng cao bất ngờ, tràn vào đồng khiến sinh kế của họ sẽ sớm không còn nữa.
Trong hai năm 2015-2016, nông dân lại gặp phải trận hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Nước biển tràn sâu vào đất liền đến 80km và phá hủy ít nhất 160.000 hecta nông sản. Ở Kiên Giang, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất, tỉ lệ di cư thuần tăng vọt, và trong năm tiếp theo, cứ 100 cư dân thì có 1 người bỏ xứ ra đi.
Nguồn tin trên cho hay, hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do nước biển xâm nhập đất liền là do nhiều con đập xây trên thượng nguồn sông Mekong (riêng Trung Quốc đã có hơn 10 cái), việc tích nước hàng loạt tại các đập thủy lợi, thủy điện của các quốc gia lân cận ở thượng nguồn, làm giảm cao độ mực nước hệ thống sông Cửu Long vào mùa khô.
Một nguyên nhân khác cho hay, trong khi các quốc gia phát triển trên khắp thế giới đang tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu, cách làm của Việt Nam đáng lên tiếng báo động.
Ví dụ tiêu biểu nhất là hàng ngàn km đê, nhiều nơi cao hơn 4m, được dựng lên chằng chịt khắp đồng bằng Nam Bộ. Dù mục đích là bảo vệ người dân và vụ mùa khỏi lũ, các con đê này thay đổi triệt để hệ thống sinh thái. Người nghèo và người không ruộng đất không còn cá để đánh bắt, hệ thống đê cũng chặn luôn dòng phù sa vào ruộng đồng…
Một trong những biểu hiện trên cho thấy là nguyên nhân làm trầm trọng hơn xu hướng di cư kinh tế.