An Liên
Ba Lan có kế hoạch phạt tiền đối với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter nếu những nền tảng này kiểm duyệt người dùng hoặc nội dung của họ trên cơ sở ý thức hệ, Vision Times đưa tin.
Theo một đạo luật mới được đề xuất, nếu một nền tảng bị phát hiện cấm người dùng đăng nội dung được coi là hợp pháp theo luật Ba Lan, họ có thể bị phạt tới 13,5 triệu đô la. Một hội đồng trọng tài sẽ được thành lập để giám sát các tranh chấp như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Sebastian Kaleta chỉ ra rằng các công ty truyền thông xã hội đã nhắm mục tiêu kiểm duyệt của họ vào các giá trị Cơ đốc giáo và văn hóa truyền thống. Ông nói rằng các công ty công nghệ hiện đang tự cho mình quyền được quyết định thế nào là một phát biểu hợp pháp và bất hợp pháp.
Ông Kaleta lưu ý rằng việc các công ty công nghệ phong tỏa tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ về hành vi can thiệp quá mức của những gã khổng lồ công nghệ và điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm vì nó gửi đi thông điệp rằng các công ty công nghệ lớn có thể cấm bất cứ ai, bất cứ khi nào họ muốn. Ông Kaleta nói rằng 45 năm dưới chế độ cộng sản của Ba Lan đã dạy cho đất nước ông giá trị của quyền tự do ngôn luận.
“Chúng tôi thấy rằng khi Big Tech quyết định xóa nội dung vì mục đích chính trị, đó chủ yếu là nội dung ca ngợi các giá trị truyền thống hoặc ca ngợi chủ nghĩa bảo thủ, và nội dung đó sẽ bị xóa theo ‘chính sách chống phát ngôn thù ghét’ của họ khi không có quyền hợp pháp để làm như vậy. Quyền tự do ngôn luận không phải là điều mà người kiểm duyệt ẩn danh làm việc cho các công ty tư nhân nên quyết định. Thay vào đó, đó là đối với các cơ quan quốc gia”, ông Kaleta nói trong cuộc phỏng vấn.
Vào tháng 1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã ban hành luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận trực tuyến và lưu ý rằng Internet đang bị kiểm soát bởi các tập đoàn coi hoạt động trực tuyến của mọi người chỉ là cơ hội để thúc đẩy sự thống trị toàn cầu và kiếm tiền của họ. Ông chỉ trích các công ty công nghệ lớn vì đã đưa ra định nghĩa của họ về sự đúng đắn chính trị và sau đó trừng phạt những người chống lại họ.
Các quốc gia khác cũng đang có kế hoạch đối phó với các công ty công ty công nghệ lớn. Tại Hungary, Bộ trưởng Tư pháp Judit Varga đã nói về khả năng xử phạt các nền tảng mạng xã hội vì “lạm dụng có hệ thống” quyền tự do ngôn luận. Tại Brazil, ít nhất ba dự luật đã được đưa ra nhằm hạn chế khả năng kiểm duyệt ý kiến chính trị của các công ty công nghệ lớn.