Các ví dụ ‘không tưởng’ về truyền thông Trung Quốc dàn dựng, phóng đại, bịa đặt

Duy Nghĩa

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Shutterstock).

Ông Tập Cận Bình được truyền hình mô tả là có thể “vác 100 kg lúa mì trên vai khi đi bộ 5 km trên đường núi, mà không bao giờ đổi vai”…

Trong một bài bình luận gần đây đăng trên Vision Times, chuyên gia Stenven Li cho rằng các phương tiện truyền thông của Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận kỳ dị trong việc đưa tin tức.

Là một chuyên gia y tế với niềm đam mê học hỏi suốt đời và truyền bá sự tích cực và chân lý cho thế giới, ông Steven cho rằng “trong khi cộng đồng thế giới khắp nơi nhận ra sự đàn áp tự do ngôn luận và kiểm duyệt ở Trung Quốc, thì việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng phương tiện truyền thông như một cỗ máy tuyên truyền, cũng lan tràn rộng khắp không kém”.

Thậm chí, theo ông Steven, “trong một số trường hợp, ngay cả người dân Trung Quốc cũng lên tiếng tố cáo chế độ này vì được cho là đã phóng đại hoặc bịa đặt các tin tức không thật”.

Vào năm 2017, đài tuyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã sản xuất một video tài liệu có tựa đề: “Theo đuổi những bước khởi đầu của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”, trong đó kể về cuộc đời của ông Tập Cận Bình khi còn là một thanh niên ở làng Lương Gia Hà. Trong bộ phim này, ông Tập Cận Bình được mô tả là đã từng làm tất cả các loại công việc lao động nặng nhọc, thậm chí có lần “vác 100 kg lúa mì trên vai khi đi bộ 5 km trên đường núi, mà không bao giờ đổi vai”.

Ông Steven cho hay câu chuyện này đã khiến một trong những người yêu thích rèn luyện thể dục ở Đài Loan tập hợp bạn bè của mình vào năm 2020, để cố gắng hoàn thành công việc đáng kinh ngạc mà ông Tập được cho là đã thực hiện. Nhóm 3 người này dự định đi bộ quanh Đường mòn Kình Thiên Cang (Qingtiangang) của Đài Loan, dài 5 km, trong nỗ lực tái tạo kỳ tích của ông Tập, qua một cuộc đua tiếp sức.

“Mỗi người trong số những người đàn ông này bắt đầu lảo đảo về phía sau và loạng choạng sau khi vừa đặt chiếc đòn gánh lên vai mình. Mặc dù có cơ bắp và khỏe mạnh, họ đã phải vật lộn”, ông Stenven nhận thấy.

Chiếc đòn gánh gỗ đã bị bẻ cong khi họ đi được khoảng 200 mét và cuối cùng bị gãy. Nhóm nghiên cứu đi được khoảng 550 mét trước khi bỏ cuộc, và cuối cùng nói, “đây có lẽ là sức nặng mà chỉ những người lãnh đạo mới có thể chịu được”.

Phim tài liệu “Trung Quốc tuyệt vời” phải chặn tính năng xếp hạng

Đài truyền hình CCTV đã sản xuất một bộ phim tài liệu có tên “Trung Quốc Tuyệt vời” [“Amazing China”] vào năm 2018, giới thiệu cái gọi là thành tựu của ĐCSTQ. Bộ phim được công chiếu ở Trung Quốc vào ngày 2/3/2018, thể hiện sự truyền bá tự khen gợi của ĐCSTQ tới công chúng.

Theo ông Steven, bộ phim ‘quảng bá’ dài 90 phút này “nêu bật khả năng lãnh đạo được cho là hoàn hảo của ông Tập Cận Bình và thực sự là một bản trình chiếu đầy những lời tán dương và khen ngợi”.

Ông Steven lưu ý nội dung và triết lý cơ bản được dựa trên một tập hợp các chính sách và ý tưởng rút ra từ các bài viết và bài phát biểu của ông Tập, được gọi là “Tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”.

Theo một báo cáo dài do hãng thông tấn AP công bố, bộ phim tài liệu minh họa cách công ty đóng giày Trung Quốc, Tập đoàn Huajian, đã bóc lột công nhân Ethiopia như thế nào. Vì Huajian tuyển dụng hàng nghìn người ở Ethiopia, bộ phim miêu tả tập công ty Huajian như một ân nhân, mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia khác.

Tuy nhiên, ông Steven cho hay, “các công nhân của công ty Huajian ở Ethiopia nói với AP rằng họ bị buộc phải làm việc mà không có thiết bị an toàn, với mức lương thấp đến mức không đủ sống và bị cấm thành lập công đoàn”.

Mặc dù nhạt nhẽo, buồn tẻ nhưng bộ phim đã phá kỷ lục phòng vé về phim tài liệu Trung Quốc. Theo nền tảng bán vé Maoyan.com, bộ phim đã thu về 456 triệu Nhân dân tệ Trung Quốc (72 triệu USD) sau 5 tuần công chiếu, thậm chí vượt qua tập mới nhất của bộ phim ‘Chiến tranh giữa các vì sao’. Hãng AP giải thích rằng các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan chính quyền Trung Quốc đã mua vé như một phần của nỗ lực “xây dựng đảng”, vì vậy nhiều khán giả (cán bộ công nhân viên) đã xem bộ phim, mà không mất tiền mua vé của mình.

Công nhân nhà máy làm việc trong một nhà máy giày Huajian ở Khu công nghiệp phía Đông của Ethiopia. (Ảnh: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc – qua Flickr CC BY-ND 2.0)

Các quan chức Trung Quốc đã cấm các nhận xét trực tuyến tiêu cực. Trên trang điện ảnh Trung Quốc Douban, tính năng đánh giá và xếp hạng cho “Amazing China” đã bị khóa đối với người sử dụng, chỉ để lại “xếp hạng truyền thông” và các bài đăng trên phương tiện truyền thông chính thức, khen ngợi bộ phim.

“Ngược lại, trên cơ sở dữ liệu phim IMDb của Mỹ, bộ phim này chỉ có 1,4 trên 10 điểm,” ông Steven chỉ rõ.

Tuyên truyền về đại dịch bằng các ví dụ “không tưởng”

Trong đợt bùng phát virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ được giao nhiệm vụ thu phục lòng người và tạo ra một hình ảnh tích cực trước công chúng. Hàng trăm phóng viên đã được cử đến Vũ Hán và những nơi khác để tạo ra những câu chuyện cảm động về các nhân viên y tế tuyến đầu và lòng vị tha của người dân.

Dưới đây, theo ông Steven, là một số câu chuyện kì dị về sự hy sinh mà ĐCSTQ cho là đáng được đưa tin.

Câu chuyện thứ 1: Tờ nhật báo Huashang Daily của tỉnh Thiểm Tây đưa tin rằng khi một nữ y tá đi vào khu vực hạn chế để chăm sóc bệnh nhân COVID-19, cặp song sinh “sơ sinh” của cô đã hỏi cha của chúng, “mẹ đang làm gì vậy?” Người cha được cho là trong tình trạng thực vật và đã bị liệt và nằm liệt giường từ năm 2014. Khi biết người vợ yêu thương của mình đang ở tuyến đầu để chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19, mỗi khi nghe đến tên cô ấy, anh lại mỉm cười “như thể anh ấy biết vợ mình đang làm một điều gì đó tuyệt vời”.

Câu chuyện thứ 2: Tờ Tin tức Tân Cương đưa tin rằng hàng chục nữ công nhân tại một bệnh viện tỉnh Cam Túc đã cạo trọc đầu trước khi đến trung tâm của đại dịch ở Vũ Hán. Một số người trong số họ rơi nước mắt khi cắt tóc, gây nên sự nghi ngờ liệu họ có đang hành động theo ý mình hay không. Người dân hỏi tại sao nam giới không cạo trọc đầu thì bệnh viện cho biết phụ nữ tự nguyện cạo trọc đầu.

Câu chuyện thứ 3: Một báo cáo khác là về một bệnh nhân đến từ một trong những bệnh viện dã chiến của Vũ Hán trong đợt bùng phát virus. Cô ấy nói với một phóng viên truyền hình rằng cô yêu bệnh viện đến mức không muốn rời đi.

Ông Steven cho hay những bài tin tức này khiến người dân Trung Quốc rất khó tin. Nhiều tin tức đã bị chỉnh sửa hoặc bị xóa do sự công kích dữ dội của các đánh giá tiêu cực của độc giả.

Các hãng truyền thông đã cố gắng xin lỗi, nhưng công chúng vẫn chế giễu họ. Ông Đài Kiến Nghiệp (Dai Jian-ye), một giáo sư tại Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, đã viết một bài báo nêu ý kiến rằng “không ai có thể đọc được” các báo cáo truyền thông của ĐCSTQ, và một vài bài báo trong số đó là “xúc phạm đến trí thông minh của người dân”.

Tổ chức từ thiện trên truyền hình

Ông Steven cho rằng các quan chức ĐCSTQ thông thường thể hiện sự quan tâm của họ đối với hoàn cảnh của người dân bằng cách gửi những lời chia buồn cùng với nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc thực phẩm cho những người “nghèo khổ” vào đêm giao thừa. Các phương tiện truyền thông đưa tin về những sự kiện này với sự phô trương ầm ĩ, điều này đã dẫn đến một số tai tiếng mà ĐCSTQ không mong muốn.

Hôm 3/2/2021, một văn phòng đường phố ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã đăng một bài báo về một quan chức địa phương đến thăm một gia đình nghèo và chuyển quà [cho họ]. Bức ảnh hộ gia đình nghèo đó cho thấy đồ nội thất là rất sáng sủa, rộng rãi, với rượu vang cao cấp trong tủ, và một chiếc TV hàng hiệu đáng ngờ; Tất cả gây ra sự tranh cãi.

Sau đó, hoàn cảnh của gia đình “nghèo khó” được phơi bày, cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa các thành viên gia đình và các quan chức Trung Quốc. Chính quyền địa phương đã đưa ra 4 tuyên bố để dập tắt làn sóng phẫn nộ, nhưng sự chỉ trích của công chúng chỉ ngày càng gia tăng.

Hôm 5/2/2021, một bài báo có tựa đề, “Ủy viên Đảng ủy Thị trấn ‘Dai Haoping’ đã đến thăm các gia đình khó khăn trong cộng đồng của tôi,” được đăng bởi tài khoản WeChat của “Ủy ban Cư dân Cộng đồng Shangjiao”, đã lan truyền mạnh mẽ. Bức ảnh của bài báo cho thấy một biệt thự sang trọng với cầu thang xoay, tường đá cẩm thạch và ghế sofa bọc da.

Một số cư dân mạng đăng tải rằng những hộ gia đình được gọi là hộ nghèo, được lãnh đạo đến thăm, có mối quan hệ sâu sắc với các quan chức.

“Giống như một vở kịch được dàn dựng, các quan chức lên kế hoạch trước cho các chuyến thăm để thuyết phục người xem về mối quan hệ của họ với thường dân, và các kênh truyền thông đồng lõa với các chuyến thăm được dàn dựng”, ông Steven nhận xét.

Ông Steven cho rằng nếu các quan chức thực sự đang che giấu mối quan hệ ngầm của họ với những hộ gia đình này, thì cách thức không chính thống mà ĐCSTQ đưa “tin tức” đã làm mất đi vai trò thiêng liêng của truyền thông trong việc cung cấp sự thật cho công chúng.

“Bằng chứng là phản ứng dữ dội của công chúng, đại dịch hiện nay không nên được khai thác như một phương tiện để tôn vinh thể chế. Thay vào đó, việc sử dụng tuyên truyền không đúng cách để gây ảnh hưởng đến dư luận đã làm mất uy tín của các phương tiện truyền thông nhà nước”, ông Steven khẳng định khi kết thúc bài bình luận.

Related posts