Thiện Đức
Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ đã mang đến bất hạnh cho rất nhiều gia đình. Đặc biệt, cách đối xử của họ đối với trẻ em Duy Ngô Nhĩ khiến các nhóm nhân quyền phẫn nộ. Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tình trạng của những đứa trẻ bị giam giữ trong “trại trẻ mồ côi” ở Tân Cương thực sự rất đau lòng, theo Vision Times.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nói chuyện với một số cha mẹ người Duy Ngô Nhĩ không thể trở về Trung Quốc để ở bên con của họ. Các phụ huynh này đã chia sẻ về việc phải xa con cái của họ, một số đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi.
Một nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại Trung Quốc, Alkan Akad, đã lên án chính sách vô nhân đạo của chính quyền Trung Quốc. Ông nói: “Chiến dịch giam giữ hàng loạt [một cách] tàn nhẫn của [chính quyền] Trung Quốc ở Tân Cương đã đặt các gia đình ly tán vào tình thế bất khả thi: trẻ em không được phép rời đi, nhưng cha mẹ của chúng phải đối mặt với sự ngược đãi và giam giữ tùy tiện nếu họ cố gắng trở về nhà để chăm sóc chúng. Những câu chuyện đau lòng của các bậc cha mẹ mà chúng tôi nói chuyện chỉ là bề nổi của những đau khổ mà các gia đình Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng khi phải chia lìa con cái của họ. Chính quyền Trung Quốc phải chấm dứt các chính sách tàn nhẫn ở Tân Cương và đảm bảo rằng các gia đình có thể được đoàn tụ càng nhanh càng tốt mà không sợ bị đưa đến một trại tập trung”.
Tổ chức này đã tiến hành phỏng vấn 6 gia đình người Duy Ngô Nhĩ lưu vong hiện đang sống ở các quốc gia xa xôi như Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Australia và Canada. Họ rời Trung Quốc trước khi ĐCSTQ cầm quyền tăng cường chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bốn năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm rời đi, họ không nghĩ rằng việc gặp lại con cái mình sẽ trở thành một giấc mơ xa vời.
Sau năm 2017, hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số đã bị giam giữ tùy tiện trong cái gọi là trung tâm “đào tạo nghề” của Trung Quốc đặt tại Tân Cương. Họ đang bị đối xử tệ bạc và bị tẩy não. Ông Alkan Akad cho biết: “Những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài thường ngại công khai nói về những hành vi vi phạm nhân quyền đối với họ và gia đình họ do lo sợ những hậu quả đối với người thân của họ ở Trung Quốc. Bất chấp những thách thức như vậy, những bậc cha mẹ này đã quyết định chia sẻ công khai câu chuyện của họ với hy vọng nó sẽ giúp họ sớm đoàn tụ với con cái của mình”.
Những câu chuyện bi thương
Những câu chuyện đau lòng của các cha mẹ người Duy Ngô Nhĩ hiện đang được chia sẻ trên mạng với hy vọng chính phủ các nước có thể giúp họ đoàn tụ với những đứa con và người thân bị ly tán ở Trung Quốc.
Vợ chồng Ablikim Memtinin và Mihriban Kader đã đào thoát khỏi Tân Cương đến Ý vào năm 2016. Họ buộc phải làm vậy sau khi cảnh sát Trung Quốc quấy rối và khiến họ phải từ bỏ hộ chiếu. Bốn đứa con của họ buộc phải để lại cho ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, ba trong số chúng đã được gửi đến một trại mồ côi và đứa lớn nhất được gửi đến một trường nội trú. Mihriban và Ablikim đã mất liên lạc với bọn trẻ. Vào tháng 11/2019, chính phủ Ý đã cho phép họ đưa con mình đến Ý. Đáng buồn thay, bốn đứa trẻ đến được lãnh sự quán Ý ở Thượng Hải thì bị cảnh sát Trung Quốc chặn lại, họ đã đưa chúng trở lại trường nội trú và trại trẻ mồ côi một lần nữa.
Mihriban đã rất đau lòng và cảm thấy tuyệt vọng. Cô nói: “Bây giờ các con của tôi đang nằm trong tay chính quyền Trung Quốc và tôi không chắc mình có thể gặp lại chúng trong đời. Điều khiến các con tôi đau lòng nhất là, đối với các con tôi, dường như cha mẹ chúng không còn tồn tại nữa; như thể chúng tôi đã qua đời và chúng mồ côi”.
Một cặp vợ chồng người Duy Ngô Nhĩ khác là Omer và Meryem Faruh, đã phải trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 sau khi họ phải đối mặt với áp lực từ cảnh sát Trung Quốc. Vì hai đứa con của họ còn nhỏ và không có giấy tờ đi lại, chúng phải ở lại với ông bà. Omer và Meryem đã bị sốc khi biết rằng những người thân của họ đều đã bị bắt vào trại. Họ đã không biết được bất cứ điều gì về những đứa con của mình kể từ đó.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đang cố gắng để đàm phán với chính quyền Trung Quốc. Tổ chức này muốn ĐCSTQ cung cấp quyền tiếp cận đầy đủ, không hạn chế vào Tân Cương cho các nhà nghiên cứu, nhà báo và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, thúc giục chính phủ các quốc gia khác thực hiện các bước chủ động để đảm bảo người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc được đoàn tụ với những đứa con của họ.