Hàn Dương
Các chuyên gia chính sách đối ngoại và các nhà lập pháp của Philippines đã yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte chấm dứt “chính sách phụ thuộc” đối với Trung Quốc khi hàng trăm tàu Trung Quốc dàn hàng ngang trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila trên Biển Đông, theo thông tin từ trang Aljaleeza .
Mặc dù người đứng đầu quân đội và nhà ngoại giao hàng đầu của nước này đã yêu cầu Trung Quốc rút các tàu của họ khỏi khu vực, nhưng ông Duterte vẫn giữ im lặng về vấn đề này.
Trong một bài phát biểu vào tối thứ Năm (15/4), ông Duterte thậm chí còn không đề cập đến Biển Đông. Người phát ngôn của ông trước đó đã nói rằng tổng thống thích theo đuổi “các sáng kiến ngoại giao” của mình theo một cách “riêng tư”.
Hôm thứ Năm, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết rằng họ đã liên tục yêu cầu các tàu Trung Quốc rời Đá Ba Đầu, ít nhất 240 tàu Trung Quốc đã có mặt ở khu vực này cho đến thứ Tư.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ Leila de Lima, một thành viên đối lập, cảnh báo rằng Philippines có thể trở thành “một vệ tinh khác của Trung Quốc” nếu ông Duterte và quân đội nước này không đối đầu Bắc Kinh.
Bà cũng nói rằng bất chấp sự ủng hộ của Hoa Kỳ liên quan đến lập trường của Manila ở Biển Đông, “chính sách của Tổng thống Philippines trước Trung Quốc” có thể gây tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Trong gần 70 năm, Philippines đã duy trì một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Nhưng kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, ông đã nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và công khai tỏ thái độ coi thường Washington, thậm chí đe dọa chấm dứt liên minh quân sự Mỹ-Philippines.
Risa Hontiveros, một thượng nghị sĩ đối lập khác, nói rằng đã đến lúc ông Duterte phải đối đầu với “người bạn tốt nhất” của ông là Trung Quốc, vì “sự lừa dối trắng trợn” của họ.
Bà nói: “Trung Quốc thực sự có ý định từ chối bất kỳ biện pháp ngoại giao nào để giải quyết các tranh chấp của chúng tôi”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã khẳng định rằng cái mà họ gọi là “tàu cá” chỉ đang “tìm nơi trú ẩn” gần rạn san hô do thời tiết xấu, và nói thêm rằng khu vực này là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc “đã hàng nghìn năm” và nó là một phần của Trung Quốc.
Thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio, một chuyên gia luật quốc tế, cho biết trừ khi ông Duterte lên tiếng và bảo vệ chủ quyền của đất nước, Trung Quốc sẽ không coi trọng lập trường của Philippines.
Carpio cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ABS-CBN hôm thứ Năm: “Ông ấy phải tự mình đứng lên. Bởi vì nếu cấp dưới của ông nói chuyện, Trung Quốc sẽ không lắng nghe. Và nếu tổng thống im lặng, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục… phía Trung Quốc sẽ xem xét các ý kiến của chúng tôi một cách nghiêm túc nếu tổng thống phát biểu”.
Liz Derr, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Simularity, một công ty địa lý có trụ sở ở Mỹ đang theo dõi các cuộc xâm nhập ở Biển Đông cho biết: Nếu “cách tiếp cận yếu kém” của chính quyền Duterte trong việc đối đầu với Trung Quốc tiếp tục, nhiều thực thể khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines có thể bị các nước khác tiếp quản trong tương lai.