Mộc Trà
Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh chụp ảnh với Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Cố Lập Hùng và Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Đức Phát trong khi kiểm tra trụ sở quân cảnh ở Đài Bắc vào ngày 26 tháng 5 năm 2020
Các lệnh trừng phạt của Mỹ từ tháng 5 năm 2020 với Huawei đã làm thay đổi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hàng loạt đơn đặt hàng dồn về và làm giàu cho các nhà máy sản xuất chip của Đài Loan.
Thế giới đang ‘đói chip’
Thiết bị bán dẫn là linh kiện quan trọng trong mọi thiết bị điện tử từ máy tính, điện thoại thông minh cho tới cảm biến phanh trên ôtô. Hoạt động sản xuất thiết bị bán dẫn cần tới một dây chuyền phức tạp gồm nhiều công ty, từ thiết kế, sản xuất cho tới cung ứng công nghệ, vật liệu thô, máy móc.
Khi đại dịch xảy đến, doanh số của các hãng xe hơi giảm 50% do người dân hạn chế đi lại và thắt chặt chi tiêu, vì vậy họ phải cắt giảm sản xuất, giảm thiểu các đơn hàng linh kiện, trong đó có các con chip máy tính. Trong khi đó, nhu cầu cho các thiết bị làm việc tại nhà như laptop, smartphone, thiết bị gia dụng lại tăng mạnh.
Do đó, các hãng cung ứng chip nhanh chóng dịch chuyển từ sản xuất linh kiện ô tô sang smartphone, laptop. Trên thực tế, lượng sản xuất chip toàn cầu đang cao hơn bao giờ hết. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết doanh số chip trong tháng 1 năm 2021 đạt 40 tỷ USD, tăng 13,2% so với một năm trước đó.
Đến nay, khi thế giới đã vượt qua “cơn choáng váng” ban đầu do đại dịch, sản xuất bắt đầu được khôi phục, hàng loạt các gói kích thích kinh tế được tung ra, các hãng xe rục rịch đẩy mạnh sản xuất trở lại, thì tình trạng khủng hoảng chip lập tức trở nên trầm trọng. Các nhà sản xuất đang phải tranh giành nhau cho những đơn hàng chip để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, các nhà máy bán dẫn có công suất hạn chế, trong khi xây dựng những nhà máy mới cần số tiền đầu tư khổng lồ và vài năm xây dựng. Họ cũng có xu hướng tập trung sản xuất chip cho smartphone và tablet nhiều hơn các công nghệ cũ sử dụng trên ô tô – vốn đem lại lợi nhuận thấp hơn.
Tình trạng thiếu chip đã leo thang thành cơn khủng hoảng toàn cầu khi một cơn bão hiếm hoi kèm theo thời tiết băng giá kỷ lục diễn ra ở bang Texas (Mỹ) hồi đầu năm nay buộc nơi này phải tạm thời đóng cửa 2 nhà máy sản xuất nhựa. Nhà máy của hãng sản xuất chip ô tô Renesas Electronics ở Nhật Bản cũng bị gián đoạn sản xuất hồi tháng 2 do động đất, rồi đến tháng 3, nhà máy này bị hỏa hoạn và phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi hoàn toàn các hoạt động.
Tại sao lại là Đài Loan?
Các nhà sản xuất và hãng thiết kế bán dẫn luôn tìm cách tạo ra những con chíp ngày càng nhỏ hơn và tốt hơn. Hiện tại, TSMC và đối thủ Hàn Quốc Samsung là hai công ty duy nhất có khả năng sản xuất con chíp 5 nanomet – loại tiên tiến nhất thế giới thời điểm này. TSMC đang chuẩn bị cho các chip 3 nanomet thế hệ mới và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2022.
Trung Quốc đại lục cũng đang đẩy mạnh năng lực sản xuất chíp để tự chủ hơn về công nghệ này. Tuy vậy, cuộc chiến công nghệ của nước này với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đang cản trở bước tiến của nhà sản xuất chíp lớn nhất Trung Quốc – Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).
Năm ngoái, chính quyền của ông Trump đã đưa SMIC vào dach sách thực thể, còn được biết đến là “danh sách đen”, theo đó cấm công ty này tiếp cận với những công nghệ và máy móc cần thiết cho hoạt động của mình.
Năm 2020, SMIC là nhà sản xuất bán dẫn lớn thứ 5 trên thế giới tính theo doanh thu, sau TSMC và UMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc và GlobalFoundries của Mỹ, theo dữ liệu của TrendForce.
“Mục tiêu của SMIC hiện tại là có thể cạnh tranh với các loại chíp tiên tiến của những công ty như TSMC, Samsung và Intel”, ông Paul Triolo, người đứng đầu hoạt động công nghệ địa lý của hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định. “Tuy nhiên, vấn đề là SMIC đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách thực thể. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, họ không thể tiếp cận với những thiết bị tối tân cần thiết từ hãng ASML của Hà Lan”.
ASML là công ty đứng sau thiết bị in thạch bản cực tím được sử dụng để sản xuất các loại chíp tiên tiến nhất hiện nay, bao gồm chíp của TSMC và Samsung. Theo tin từ Reuters, năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan dừng việc bán thiết bị cho SMIC.
Ông Triolo cho rằng kể cả khi SMIC có thể tiếp cận được thiết bị của ASML, công ty này cũng sẽ phải mất nhiều năm để bắt đầu sản xuất được các loại chíp cao cấp với số lượng lớn. Tới khi đó, TSMC của Đài Loan sẽ vẫn duy trì vị trí thống trị thị trường.
“TSMC đang thống trị và phân khúc chíp cao cấp giờ đây không còn quá nhiều cạnh tranh”, nhà phân tích Wang của Gavekal nhận xét.
TSMC đang là tâm điểm của cả Đài Loan và thế giới, phục vụ nhu cầu toàn cầu trong cơn khát chip. Các quốc gia trong đó có Mỹ, Đức đều phải tìm đến Đài Loan để giải quyết nút thắt trong hoạt động sản xuất con chíp bán dẫn. Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) thông báo rằng họ sẽ tạm dừng các đơn đặt hàng mới từ Huawei để đáp ứng quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ. (Ảnh: Pixabay, Wiki, Getty Images)
Các lệnh trừng phạt của Mỹ từ tháng 5/2020 với Huawei thay đổi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hàng loạt đơn đặt hàng dồn về và làm giàu cho các nhà máy sản xuất chip của Đài Loan.
TSMC được lợi kép sau lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Huawei. Đầu tiên, công ty nhận lượng đơn đặt hàng khủng từ chính Huawei bởi tập đoàn Trung Quốc muốn tích trữ nhiều nhất có thể để duy trì sản xuất trước khi bị hạn chế mua bán do quy định áp đặt của Mỹ.
Theo CNBC, thời gian gần đây, khi nguồn cung thiết bị bán dẫn trên toàn cầu thiếu hụt do một số nhà sản xuất dừng hoạt động, vai trò thống trị của Đài Loan trên thị trường này càng trở nên rõ ràng hơn.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu TrendForce tại Đài Bắc, các nhà sản xuất theo hợp đồng của Đài Loan chiếm hơn 60% tổng doanh thu thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu năm 2019. Phần lớn số này thuộc về công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) – nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới với khách hàng là các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcomm và Nvidia. Dữ liệu của TrendForce cho thấy TSMC chiếm tới 54% tổng doanh thu bán dẫn toàn cầu trong năm ngoái. Đài Loan hiện thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu khi chiếm tới 63% doanh thu năm 2020 (Tổng doanh thu thiết bị bán dẫn toàn cầu năm 2020 là 85,13 tỷ USD). Nguồn: TrendForce/CNBC
Theo nhà phân tích công nghệ Dan Wang của hãng nghiên cứu Gavekal, TSMC tập trung chủ yếu vào khâu sản xuất và là sản xuất của nhiều loại thiết bị bán dẫn tiên tiết hàng đầu hiện nay.
“Nếu nhìn vào thị phần có thể thấy rằng TSMC sản xuất khoảng 50% thiết bị bán dẫn trên thế giới. Nhưng tôi tin rằng con số này vẫn chưa đánh giá hết tầm quan trọng của công ty này, bởi vì họ sản xuất ra những con chíp hiện đại nhất thế giới”, bà Wang cho biết.
Cơ hội và thách thức lớn cho Đài Loan
Nhà ngoại giao hàng đầu của khối ở Đài Bắc cho biết Liên minh châu Âu đang tìm cách khuyến khích đầu tư lớn hơn vào Đài Loan, đặc biệt là vào các công ty bán dẫn của nước này.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã viết thư cho chính phủ Đài Loan trong năm nay để yêu cầu giúp đỡ để giảm bớt nguồn cung chip eo hẹp, và châu Âu cũng đang khuyến khích sản xuất chip nhiều hơn trong nước.
Đại sứ của EU tại Đài Loan, ông Filip Grzegorzewski, nói với các phóng viên rằng họ sẽ tổ chức một diễn đàn đầu tư khác vào cuối năm nay để biến đảo quốc này trở thành một điểm đến đầu tư hiệu quả.
Ông nói: “Chúng tôi muốn tổ chức một vòng khác của diễn đàn đầu tư châu Âu vào mùa thu, với trọng tâm là chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào kỹ thuật số và tập trung vào chất bán dẫn”, “Tôi chắc rằng đó sẽ là cách để chúng tôi tạo cơ hội cho Đài Loan vươn ra châu Âu và hiện diện nhiều hơn ở châu Âu”.
Ông Grzegorzewski cho biết Đài Loan là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu và là đối tác thương mại lớn của EU: “Chúng tôi cần phải đảm bảo rằng Đài Loan sử dụng tốt tài sản của mình … Đài Loan cần có nhiều hơn một TSMC. Còn có nhiều công ty bán dẫn xuất sắc khác ở Đài Loan”, “Nó sẽ củng cố vai trò của Đài Loan trên toàn cầu và điều đó cũng sẽ củng cố vai trò của Đài Loan trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đã thay đổi do đại dịch COVID-19”.
Ông kết luận: Cần phải có “nhiều Đài Loan hơn ở châu Âu”.
Hiện Liên minh châu Âu không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo dân chủ do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mặc dù Đài Loan coi khối này là một người bạn cùng chí hướng quan trọng.
TSMC ghi nhận lợi nhuận ròng 518 tỷ Đài tệ (khoảng 17,6 tỷ USD) trên doanh thu 1,34 nghìn tỷ Đài tệ vào năm 2020. Công ty đang chuẩn bị thuê thêm 9.000 nhân viên trong năm nay và chi 100 tỷ USD trong ba năm tới cho một chiến lược đầu tư lớn.
Tham vọng lớn hơn của TSMC trong tương lai là kế hoạch mở rộng công suất của quy trình 3nm lên 55.000 đơn vị mỗi tháng vào năm 2022. Sau đó sẽ mở rộng quy mô lên 105.000 đơn vị vào năm 2023. Quy trình 3nm sẽ giúp cải thiện khả năng tiết kiệm điện thêm 30% và hiệu suất tốt hơn 15% so với quy trình 5nm.
Tuy vậy, ngành công nghiệp này ở Đài Loan cũng không phải không có những thách thức. Đài Loan đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua, gây thêm áp lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn của lãnh thổ này, nơi chiếm 2/3 công suất sản xuất chip của thế giới. Các cơ sở sản xuất bán dẫn tiêu thụ rất nhiều nước để làm sạch đế bán dẫn, khắc các mẫu hình, đánh bóng các lớp bán dẫn và rửa các linh kiện liên quan trong quy trình sản xuất. Do vậy, nguồn cung nước không ổn định có thể đe dọa hoạt động sản xuất của các cơ sở này.
Mộc Trà
NGUỒN THAM KHẢO