Ngọc Mai
Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin hôm thứ Tư, người thiểu số Duy Ngô Nhĩ có khả năng bị ép sản xuất các tấm pin mặt trời “made-in-china”.
Theo Bitter Winter, hầu hết các tế bào quang điện (PVC) được sử dụng để sản xuất các tấm pin mặt trời được làm từ các thành phần polysilicon. Tạp chí này trích dẫn một báo cáo ngày 19/4 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, khoảng 82% polysilicon trên thế giới “được sản xuất ở Trung Quốc, [và] phần lớn [được sản xuất] ở Tân Cương”.
Bitter Winter cho biết, hầu hết các tấm pin mặt trời được sản xuất ở Trung Quốc đều sử dụng polysilicon do Tân Cương sản xuất. Nhưng trên thực tế, kể cả khi các tấm pin mặt trời được sản xuất bên ngoài Trung Quốc, thì thành phần polysilicon của sản phẩm này có thể vẫn bao gồm polysilicon đến từ Tân Cương.
Theo một báo cáo ngày 13/4 của Bloomberg News, bốn nhà máy ở Tân Cương chiếm một nửa sản lượng polysilicon của thế giới. Báo cáo này cho thấy các nhà máy polysilicon được đặt ở vị trí đáng ngờ gần các trại giáo dục chuyển đổi, càng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng các tù nhân bị buộc làm việc ở đây.
Thông qua các trại giáo dục ở Tân Cương, các nhà chức trách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn cải tạo dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ trên lãnh thổ bằng cách dạy họ yêu ĐCSTQ và giáo dục chủ nghĩa Mác. Các nhóm nhân quyền và chính phủ nước ngoài đã cáo buộc ĐCSTQ cưỡng bức giam giữ 1-3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại tập trung kể từ năm 2017. Ngoài ra, ĐCSTQ còn sử dụng họ như nô lệ lao động để làm nông hoặc sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là bông. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra, nhiều người trong các trại này thậm chí bị bán làm nô lệ cho các nhà máy trên khắp Trung Quốc.
Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đã cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc vào ngày 22/3 vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Các vụ lạm dụng bao gồm việc buộc người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác phải thu hoạch bông thông qua lao động nô lệ. Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với các quan chức và cơ quan chính phủ Anh vào ngày 26/3.
Sau đó, nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã công khai lên án tình trạng nô lệ lao động trong khu vực Tân Cương. Phản ứng lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tẩy chay các thương hiệu chỉ trích bông Tân Cương khỏi Internet tại đại lục, bao gồm cả thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển.