Covid-19 : Hàng quán ở Bồ Đào Nha vẫn vắng khách nước ngoài

Tuấn Thảo

image.png
Khách hàng ăn uống và xem biểu diễn ca nhạc tại nhà hàng Maus Habitos, Porto, Bồ Đào Nha, ngày 19/04/2021. REUTERS – VIOLETA SANTOS MOURA

Một tuần sau khi dỡ bỏ từng bước các biện pháp phong tỏa nhằm kềm hãm làn sóng dịch thứ nhì, nhiều thành phố lớn ở Bồ Đào Nha như Lisbonne, Porto, Coimbra, Braga đều đã gần như khôi phục mức sinh hoạt bình thường. Đối với Bồ Đào Nha, tháng 5 là mùa du lịch khá quan trọng do có nhiều ngày nghỉ lễ, dân Tây Âu thường tranh thủ dịp này để đi chơi ớ xứ láng giềng.

Một năm sau khi bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, giới chuyên ngành ở Bồ Đào Nha đặt nhiều hy vọng trong kế hoạch giải tỏa từng bước của chính phủ, để tránh bị mất thêm một mùa kinh doanh du lịch thứ nhì. Trên toàn lãnh thổ, Bồ Đào Nha đã ban hành nhiều giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa, mỗi giai đoạn kéo dài trong hai tuần. Bắt đầu từ ngày 05/04, các nhà giữ trẻ, trường học cấp phổ thông, thư viện công cộng, các hiệu sách, viện thẩm mỹ hay tiệm cắt tóc đều đã được mở lại.

Khách nội địa thì nhiều, khách ngoại chẳng bao nhiêu
Hai tuần lễ sau đó nữa, kể từ ngày 19/04 trở đi, đến lượt các viện bảo tàng, các di sản kiến trúc hay lịch sử, các cửa hàng buôn bán nhỏ dưới 200m² được phép hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, các ngành phục vụ như tiệm ăn, quán rượu, nhà trọ, quán cà phê hay là tiệm bánh ngọt đều có thể mở cửa tiếp khách tại chỗ, trước đó các cơ sở này chỉ có thể kinh doanh dưới hình thức giao hàng tận nhà hoặc bán hàng để mang đi.

Cho dù tình hình vẫn còn bấp bênh, chính phủ Bồ Đào Nha vẫn có thể siết chặt kiểm soát nếu như tình huống xấu đi, nhưng nhìn chung dân thành thị đặc biệt là tại thủ đô Lisbonne vẫn cảm thấy vui mừng khi thấy nhịp sống của họ dần dà “tươi sáng” trở lại cũng như bầu trời quang đãng khi mùa xuân chợt thoáng. Các quán cà phê vỉa hè, các tiệm ăn đặt nhiều bàn ghế ở ngoài sân dường như đã tìm lại những màu sắc của nếp sống thường nhật.

Thế nhưng, vào những ngày đẹp trời, bầu không khí chung vẫn còn thiếu vắng một nét gì đó. Tại những khu phố ở trung tâm thủ đô Lisbonne thường thì vào mùa này đã bắt đầu có đông khách qua lại, nhưng năm nay vẫn còn thiếu âm thanh huyên náo, các tụ điểm giải trí lại vắng hẳn bóng dáng của khách du lịch nước ngoài.

Ngành du lịch Bồ Đào Nha sa thải 30.000 nhân viên
Tuy thủ đô Bồ Đào Nha không phải là một đô thị cực kỳ lớn (thành phố này chỉ có khoảng nửa triệu dân) nhưng trung tâm Lisbonne dường như vào mùa nào cũng thu hút đông đảo khách thăm viếng. Trong năm 2019, Lisbonne từng bội thu nhờ khách du lịch nước ngoài. Sân bay quốc tế Humberto Delgado đã tiếp đón 31 triệu lượt hành khách. Ngành du lịch tạo hơn 100.000 việc làm, doanh thu tương đương với hơn 17% GDP của Bồ Đào Nha.

Đến năm 2020, dịch Covid-19 đã làm tê liệt toàn ngành du lịch và hàng không. Theo Liên đoàn Du lịch Bồ Đào Nha (CTP), chỉ trong vòng một năm, doanh thu của toàn ngành đã giảm mạnh đến gần 57%, khiến Bồ Đào Nha mất hơn 8% GDP. Trước những tác hại kinh tế đáng kể ấy, giới chuyên ngành không muốn bị thiệt thòi thêm lần thứ nhì và điều đó giải thích vì sao từ giữa tháng 03/2021, giới chuyên ngành đã ráo riết chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại.

Trên các con đường “Tự do” (Liberdade), Dom Pedro V hay phố Príncipe Real được xem như là đại lộ Champs Élysées của thủ đô Lisbonne, các hàng quán đều rất đông khách trong những ngày giải tỏa đầu tiên. Khi trời nắng đẹp, người dân thủ đô Lisbonne tranh thủ thời gian để dùng cà phê, ăn cơm trưa hay uống cốc bia đầu tiên sau một thời gian dài không được tiếp xúc với ai.

Cho dù phải tôn trọng giãn cách xã hội, dân Lisbonne vẫn hẹn gặp nhau, tụ họp ở hàng quán như thể họ muốn tìm lại không khí chung vui ăn mừng, dù chưa phải là lễ lạc. Các hàng quán ở trung tâm thành phố đều đã biến các chỗ đậu xe dọc hai bên đường thành những quán vỉa hè với những hàng ghế gỗ. Mọi chủ quán đều mong chờ đến đầu tháng 05/2021 để có thể mở cửa đón khách trễ hơn, hy vọng là cho đến tận nửa khuya.

Dự báo thiếu lạc quan đối với ngành khách sạn
Nếu tương lai của ngành nhà hàng, quán bar hay cà phê đã có vẻ tươi sáng hơn một chút, vì các chủ hàng quán có thể dựa vào thành phần khách hàng quen thuộc hay du khách nội địa, thì ngược lại ngành khách sạn và các nghề sống nhờ vào khách nước ngoài lại bị ế ẩm triền miên. Theo lời ông Raul Martins, Chủ tịch của Liên đoàn ngành Khách sạn Bồ Đào Nha (AHP), nhân một cuộc phỏng vấn với thời báo kinh doanh “Jornal dos Negocios”, ngành khách sạn đã mất 80% doanh thu trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Trong vòng một năm, hơn 30.000 nhân viên trong ngành du lịch đã bị sa thải, và các khách sạn Bồ Đào Nha chưa chắc gì đã tìm lại được đầy đủ số nhân viên phục vụ vào mùa hè năm nay, do đa số đã buộc phải đổi nghề, tìm đường khác để kiếm sống. Cũng theo ông Raul Martins, theo đà này thì từ 15% đến 20% các khách sạn sẽ phải đóng cửa luôn do cú sốc của đại dịch.

Liên quan đến tình hình của mùa hè năm 2021, giới chuyên ngành cũng không mấy lạc quan cho lắm. Nếu như bộ Y tế Bồ Đào Nha hy vọng đạt tới mức 75% dân được chích ngừa từ đây cho tới đầu tháng 07/2021, thì thực tế cho thấy đến đầu tháng 05/2021, mới có 23% dân Bồ Đào Nha mới tiêm chủng xong. Chưa kể đến những khó khăn của hãng hàng không quốc gia TAP Air Portugal, sau khi bị lỗ 1,3 tỷ euro trong năm 2020, công ty này đã phải thắt lưng buộc bụng tối đa và giảm nhiều tuyến đường bay để hạn chế mức thất thu.

Ngoài châu Âu, giới chuyên ngành hy vọng là TAP Air Portugal sẽ nhanh chóng khôi phục các đường bay với châu Mỹ đặc biệt là Hoa Kỳ và Canada (trừ Brazil), vốn là nguồn du khách quốc tế đem lại nhiều ngoại tệ so với khách châu Âu láng giềng. Hiện giờ do tình trạng vắng khách quốc tế kéo dài, các khách sạn biến số phòng trống thành những văn phòng làm việc từ xa hay là chuyển qua khai thác các dịch vụ ẩm thực như bán đồ ăn hay thức giải khát. Tất cả đều đang chờ đợi một thời kỳ thuận lợi hơn.

Related posts