Hiểu Minh
Qua một đêm, gần 2.000 người vào cách ly, cả nước 0 ca mắc mới
Theo Bộ Y tế, tới 6h sáng nay, cả nước có hơn 40.500 người đang cách ly phòng dịch COVID-19, tăng gần 2.000 người so với hôm qua.
Bộ Y tế cho biết 12 giờ qua không phát hiện thêm ca mắc COVID-19 mới, tổng số ca bệnh ở nước ta vẫn là 2.942; 2.549 người đã khỏi bệnh.
Long An khẩn cấp tìm người liên quan BN2910
Sở Y tế Long An hôm 1 tháng 5 phát đi thông báo khẩn tìm những người có liên quan đến ca mắc Covid-19 là BN2910 (quê Hà Nam, tạm trú TPHCM), từ Hà Nội vào TPHCM; Bao gồm người đi cùng chuyến bay và những người có liên quan.
Sở Y tế Long An cho biết họ đã xác định có người đi trên chuyến bay VJ133 sau đó về Long An bằng xe khách mang Biển kiểm soát 62P 01463 từ TPHCM đến huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Có 16 hành khách đi xe này rời TPHCM lúc 16h ngày 27/4 tại điểm đón khách số 1005, đường Nguyễn Trãi, TP.HCM theo lộ trình đi qua Bến Lức, Quốc lộ 62 đến Kiến Tường, Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Xe đến huyện Vĩnh Hưng khoảng 17h cùng ngày.
Sở Y tế tỉnh Long An thông báo khẩn đến những hành khách đi trên chuyến xe này liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
Thêm 12 người chết do tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ
Zing – Tính từ 10h ngày 30/4 đến 10h ngày 1/5, cả nước ghi nhận 27 vụ tai nạn giao thông, khiến 12 người tử vong và 13 nạn nhân bị thương. Các sự cố đều xảy ra trên đường bộ.
Cũng trong khoảng thời gian trên, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 8.400 trường hợp vi phạm luật, phạt hành chính trên 6,5 tỷ đồng.
Riêng trên các tuyến đường bộ, lực lượng chức năng phát hiện 8.100 tài xế vi phạm, trong đó 1.145 người vi phạm lỗi về nồng độ cồn, 9 trường hợp dương tính với ma túy khi lái xe. Hơn 2.300 xe máy và 67 ôtô bị tạm giữ.
Trước đó, Cục CSGT cho biết từ 9h ngày 29/4 đến 9h ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 13 người chết và 11 nạn nhân bị thương.
Đã có 15 người lây bệnh sau ca COVID-19 đầu tiên ở Hà Nam
Suckhoedoisong – Tối 1/5, Bộ Y tế cho biết, liên quan đến BN2899 – nam thanh niên ở Hà Nam mắc COVID-19 sau khi hết thời gian cách ly tập trung, đã có 15 người khác cũng nhận kết quả dương tính.
Tổng số ca dương tính đến thời điểm này là 16 tại: Hà Nam (10), Hà Nội (3), Hưng Yên (2), TP.HCM (1).
Cơ quan chức năng đã truy vết tổng số 690 người tiếp xúc gần F1, trong đó Hà Nam: 521, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 34, TP.HCM: 37, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3, Lào Cai: 1, Hoà Bình: 1, Thái Bình: 11. Các trường hợp F1 được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
Tổng số F2 là 1.890 hiện đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đến thời điểm hiện tại đã có 2.452 mẫu được xét nghiệm, trong đó Hà Nam: 1.926, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 214, TP.HCM: 111, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3, Lào Cai: 1, Hoà Bình: 1, Thái Bình: 114.
Trong đó 1.569 mẫu có kết quả âm tính, 16 ca dương tính (gồm BN2899 và 15 người liên quan đã được Bộ Y tế công bố), 867 người đang chờ kết quả xét nghiệm.
Cả thế giới bất trắc, Việt Nam đối diện rủi ro bất ngờ
Vietnamnet – Kinh tế Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn còn khá mong manh. Trong khi đó, thế giới vẫn đang quay cuồng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đẩy kinh tế Việt Nam vào những tình huống khó lường.
Phục hồi mong manh, thế giới còn bất trắc
Tăng trưởng GDP đạt 4,48% (so cùng kỳ năm trước) trong quý I năm 2021, tương đương với quý IV năm 2020.
Đánh giá về con số này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Tuy vẫn thấp hơn so với các mức trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế, dù dịch bệnh bùng phát đợt ba ở miền Bắc trong tháng 2.
Song, WB cũng lưu ý, quá trình phục hồi diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều, khi một số lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc Covid-19.
Tổ chức này cho rằng, quá trình phục hồi có thể gặp những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực.
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định: Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước với các biện pháp phong tỏa, kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng, khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, đối diện những rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, theo VEPR, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như: mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, chậm cho hiệu quả quản lý thấp; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện,…
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một phần điều tra đặc biệt của Báo cáo PCI 2020, về tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp.
Theo VCCI, mặc dù có thể nói Việt Nam đã thành công thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh trong năm 2020, nhưng tác động tới nền kinh tế, kể từ khi dịch bùng phát đến quá trình thực hiện giãn cách xã hội, là rất nặng nề.
Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách này; trong khi đó, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế hồi phục, bởi cú sốc từ khủng hoảng là rất lớn.
Song VCCI cũng nhấn mạnh, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc và các nước trong khu vực, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá nguồn FDI, cũng như mở rộng khả năng sản xuất để tồn tại trong thế giới hội nhập.