Hiểu Minh
Có thể nói đợt dịch thứ 4 này đang lây lan với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ dài hơn và tấn công nhiều Bệnh viện hơn, chủng vi rút lây lan nhanh hơn. Tóm lại, đợt dịch thứ 4 có đầy đủ các yếu tố để có thể khẳng định là nguy hiểm nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Lần đầu ghi nhận 155 ca trong 24 giờ
COVID-19 lây nhiễm cộng đồng đang lan rộng trên phạm vi 26 tỉnh, thành, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện, diễn biến rất phức tạp với số ca bệnh tăng lên từng ngày. Bộ Y tế sáng 10/5 ghi nhận 80 ca dương tính COVID-19, trong đó 78 ca ghi nhận trong nước, hai ca nhập cảnh.
80 ca mới được ghi nhận từ số 3333-3412, trong đó 78 ca ghi nhận trong nước gồm tại 9 tỉnh thành.
Như vậy 24 giờ qua ghi nhận 155 ca nhiễm cộng đồng, cao nhất kể từ khởi đầu dịch vào năm 2020 đến nay tính theo 24 giờ.
Việt Nam đang đối mặt đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay
Trên báo Thanh Niên, các số liệu thống kê đều cho thấy đợt dịch thứ 4 này là nguy hiểm nhất từ trước tới nay, với tốc độ lây lan nhanh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng vi rút nguy hiểm hơn, nhiều bệnh viện tuyến cuối bị tấn công hơn.
Nếu trung bình đợt dịch thứ nhất ghi nhận bình quân 1,17 ca bệnh/ngày, đợt 2 ghi nhận 15,28 ca/ngày, đợt 3 ghi nhận gần 16 ca/ngày, thì đợt dịch thứ 4 hiện đang ghi nhận trên 25,6 ca bệnh/ngày – cao nhất trong cả 4 đợt dịch.
Đợt dịch thứ 4 chưa xác định được đỉnh, nhưng cho đến nay, ngày ghi nhận số ca bệnh cao nhất là hôm qua (9.5), ngày thứ 13 của đợt dịch, với 92 ca bệnh trong cộng đồng – gần bằng đỉnh dịch của đợt thứ 3. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là số ca bệnh cao nhất trong 1 ngày của đợt dịch này.
Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của vi rút SARS-CoV-2 chủng Ấn Độ. Chủng vi rút mới này được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc xin (đặc tính của chủng biến thể Nam Phi), nên được gọi là chủng vi rút biến thể kép.
Một điểm đáng chú ý của đợt dịch thứ 4 là các ca bệnh chỉ điểm đều bắt đầu từ khu cách ly hoặc những người đã hoàn thành thời hạn cách ly đủ 14 ngày theo quy định (các chuyên gia Trung Quốc, ca bệnh 2899 tại Hà Nam). Bên cạnh đó, ở đợt dịch mới nhất này, nhiều ổ dịch lớn như ổ dịch tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), các ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương… đều chưa xác định được một cách chính xác nguồn lây nhiễm, tạo nên nguy cơ rất lớn.
Đợt dịch này cũng là đợt nhiều BV tuyến cuối bị “tấn công” nhất, đáng chú ý là cả BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Suốt từ khi dịch xuất hiện đến nay, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành, chưa có ca nào tử vong. Nhưng đến ngày 7.5, BV này đã không thể tiếp nhận thêm bất cứ ca bệnh nào, và sẽ chưa thể giãn tải bệnh nhân trong khoảng 10 ngày.
Việc dịch COVID-19 tấn công vào các BV ở tuyến cuối cũng là yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hơn. Hầu hết các tỉnh, thành ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt này đều liên quan tới ổ dịch tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và BV K cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
Có thể nói đợt dịch thứ 4 này, thì đó là lây lan với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ dài hơn và tấn công nhiều BV hơn, chủng vi rút lây lan nhanh hơn. Tóm lại, đợt dịch thứ 4 có đầy đủ các yếu tố để có thể khẳng định là nguy hiểm nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chỉ trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 9.600 ca tử vong, đưa số người thiệt mạng vượt 3,3 triệu. Riêng Ấn Độ đã có thêm trên 3.700 ca tử vong mới, chiếm 1/3 cả thế giới, và được dự báo có thể có 1 triệu người chết vì COVID-19 vào tháng 8, theo TTXVN.
Dịch COVID-19 hay còn gọi là virus Vũ Hán khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới rồi biến thể. Đến nay, các biến thể virus Vũ Hán đã truyền trên 200 quốc gia, khiến hơn 158 triệu người nhiễm, trong đó hơn 3,3 triệu người đã tử vong. Trong đó có Việt Nam.