Thanh Hải
Theo các báo cáo gần đây, chính phủ Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào Twitter và Facebook để tuyên truyền tới khán giả toàn cầu, và nỗ lực trực tuyến của họ đã được khuếch đại thông qua các tài khoản Twitter giả mạo, theo Epoch Times.
Marcel Schliebs, tác giả chính của báo cáo có tiêu đề “Hoạt động ngoại giao công chúng của Trung Quốc”. Báo cáo này cùng với báo cáo khác tập trung vào các hoạt động của Trung Quốc ở Anh, là kết quả của cuộc điều tra chung kéo dài 7 tháng của Viện Internet Oxford, một khoa của Đại học Oxford và hãng tin AP.
Theo báo cáo, trước năm 2019, có ít hơn 50 tài khoản ngoại giao Trung Quốc trên Twitter, nhưng con số đó đã tăng theo cấp số nhân lên 189 tài khoản vào ngày 1/3. Tính đến cùng tháng, đã có 84 tài khoản ngoại giao Trung Quốc trên Facebook.
Tuy nhiên, người dùng Twitter có thể không nhanh chóng xác định được 189 tài khoản ngoại giao này thuộc sở hữu của nhà nước. Theo các báo cáo, chỉ 14 phần trăm trong số các tài khoản này, hoặc 27 tài khoản được dán nhãn là nội dung nhà nước.
Theo báo cáo, các tài khoản ngoại giao này được cho là của các đại sứ quán, đại sứ, lãnh sự Trung Quốc hoặc các nhân viên đại sứ quán khác tại 126 quốc gia.
Các tài khoản ngoại giao này hoạt động rất tích cực trên Twitter. Từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021, các tài khoản này đã tweet 201.382 lần và các tweet này được thích gần 7 triệu lần, nhận xét trên một triệu lần và được tweet lại 1,3 triệu lần.
Ví dụ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, người đã tạo tài khoản Twitter vào tháng 10/2019, đã tweet 2.036 lần trong khoảng thời gian 9 tháng và các bài đăng của Hoa Xuân Oánh đã được tweet lại 171.651 lần.
Cư dân mạng Trung Quốc không có quyền truy cập trực tiếp vào Twitter hoặc Facebook vì cả hai đều bị cấm ở Trung Quốc. Họ thường sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua sự phong tỏa internet của Trung Quốc để truy cập các trang web bị cấm.
Các báo cáo cũng xem xét 10 phương tiện truyền thông nhà nước lớn nhất Trung Quốc, 10 cơ quan này có tới 176 tài khoản trên Twitter và Facebook. Trong cùng khoảng thời gian chín tháng, các phương tiện truyền thông này đã đăng hơn 700.000 lần, nhận được 355 triệu lượt thích, hơn 27 triệu bình luận và chia sẻ lại.
Báo cáo nêu rõ: “Các nhà ngoại giao của CHND Trung Hoa sử dụng hình ảnh, biểu tượng và ý tưởng trên mạng xã hội để chuyển hướng sự chú ý của khán giả nước ngoài như một phương tiện để định hình các chương trình nghị sự chính sách và các bài tường thuật rộng rãi ở nước ngoài. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một câu chuyện ở nước ngoài mang lại lợi ích cho CHND Trung Hoa”.
Vào tháng 8/2019, Twitter đã đình chỉ 936 tài khoản có nguồn gốc từ Trung Quốc tìm cách phá hoại phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Gần một năm sau, vào tháng 6/2020, Twitter đã gỡ xuống khoảng 173.750 tài khoản được liên kết với Bắc Kinh có liên quan đến “một loạt các hoạt động phối hợp và lôi kéo”, chẳng hạn như đưa ra “các bài tường thuật lừa dối về các động lực chính trị ở Hồng Kông”.