Triệu Hằng
Hãng tin AP cho hay, Tòa án cấp cao nhất của Sri Lanka đã chặn lại một dự luật thành lập Ủy ban kinh tế tại một thành phố cảng do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka, với phán quyết rằng một số điều khoản trong dự luật này là vi phạm hiến pháp.
Trung tâm của cuộc tranh chấp là những lo ngại rằng thành phố cảng trị giá 1,4 tỷ đô-la Mỹ, một phần của sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, có thể sẽ trở thành một tiền đồn hoặc một thuộc địa ảo của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, chính phủ Sri Lanka đang coi dự án này như một cứu cánh cho một nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch.
Tòa án cho biết, dự luật này có thể làm suy yếu quyền lập pháp của Nghị viện bởi một điều khoản trao quyền cho Ủy ban từ 5 đến 7 thành viên đề xuất và được Tổng thống bổ nhiệm, để thiết lập và thực thi các quy tắc trong thành phố cảng.
Tòa yêu cầu điều khoản này cần có sự chấp thuận của 2/3 trong Quốc hội gồm 225 ghế và sự chấp thuận của công chúng thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Dự luật nêu trên cũng liên quan đến các vấn đề thuế, hải quan, ngoại hối, và luật kinh doanh sòng bạc. Chính phủ có thể sửa đổi dự luật để phù hợp với yêu cầu của tòa và đệ trình vào thứ Tư, với một cuộc bỏ phiếu dự kiến vào thứ Năm.
Các đảng đối lập Sri Lanka nói rằng họ muốn dự án thành phố cảng thành công, nhưng họ lo sợ rằng Sri Lanka sẽ mất quyền kiểm soát lãnh thổ.
CHEC Port City Colombo, một đơn vị của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) đã đầu tư 1,4 tỷ USD để cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng gần Cảng Colombo. Đổi lại, công ty được quyền sử dụng 62 ha đất thị trường theo hợp đồng thuê 99 năm từ chính phủ Sri Lanka để làm dự án. Dự án bao gồm khu nghỉ dưỡng tích hợp, sòng bạc và khu trung tâm hội nghị, bến du thuyền, khu dân cư, khu tài chính và không gian xanh.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay hàng tỷ đô-la cho các dự án ở Sri Lanka như là cảng biển, sân bay, đường cao tốc, nhà máy điện và thành phố cảng. Những khoản nợ đó đã khiến gánh nặng nợ nần của Sri Lanka thêm phần sâu sắc.