Tin ngắn thế giới sáng thứ Ba

Tin tặc Nga tấn công 150 cơ quan, tổ chức của Mỹ

image.png
Ảnh minh họa: Nhóm tin tặc Nga từng tấn công tin học thông qua phần mềm SolarWinds đã tấn công hơn 150 cơ quan chính phủ Mỹ. NICOLAS ASFOURI AFP/Archivos


Ba tuần sau vụ tấn công tin tặc làm tê liệt nguồn cung ứng nhiên liệu cho một phần bờ Đông nước Mỹ, khoảng 3.000 địa chỉ thư điện tử của các tổ chức và cơ quan liên bang đã thành mục tiêu nhắm tới của một nhóm tin tặc Nga mà chính quyền Mỹ đã biết đến. Theo Microsoft, công ty phát hiện ra vụ tấn công, lần này dường như các tin tặc sử dụng những kỹ thuật mới.

Các tin tặc Nga lại làm điều đó. Nhóm tin tặc từng gây ra vụ tấn công mạng thông qua phần mềm quản lý SolarWinds – vụ tấn công quy mô khổng lồ nhắm vào các máy chủ của chính phủ Hoa Kỳ, lại khiến người ta phải nói đến một lần nữa. Theo Microsoft, lần này, hơn 150 cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhóm bảo vệ nhân quyền đã bị nhắm tới.

Những tin tặc này, vốn thân cận với tình báo Nga, có thể đã sử dụng phương thức gửi email lừa đảo, giả mạo để moi thông tin (fishing). Họ đã tấn công thành công vào một địa chỉ email của UsAid, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Và nhờ địa chỉ email đó, họ đã có thể gửi các thư điện tử lừa đảo để xâm nhập vào mạng lưới của các tổ chức khác. Microsoft, công ty tin học đã phát hiện vụ tấn công, khẳng định rằng ngay cả khi chiến dịch tấn công được tổ chức rất chặt chẽ, thì các tin tặc cũng sẽ không thể truy cập được vào các dữ liệu nhạy cảm.

Cuộc tấn công diễn ra chỉ 3 tuần sau vụ tin tặc nhắm vào Colonial Pipeline và làm tê liệt đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ và một tháng sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva và trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả các vụ tấn công mạng trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nguyên thủ Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2021. Ông Biden đã cảnh cáo Nga về việc để các vụ tấn công tiếp diễn. Bây giờ chúng ta phải chờ xem liệu Washington có áp dụng các biện pháp trả đũa mới hay không.

Nga tăng cường quân sự ở biên giới để đối phó với NATO

image.png
Tàu chiến thuộc hạm đội Bắc Hải của Nga, tại căn cứ Severomorsk, Nga ngày 13/05/2021. AP – Alexander Zemlianichenko

Nga sẽ tăng cường quân sự ở biên giới từ nay đến cuối năm 2021 để đối phó với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bộ trưởng Quốc Phòng Nga hôm 31/05/2021 thông báo sẽ triển khai thêm khoảng 20 đơn vị gần biên giới phía Tây để đối phó với các hoạt động của NATO.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nga, Sergei Shoigu, các hành động của các nước phương Tây “phá hủy hệ thống an ninh quốc tế” và buộc Matxcơva “phải thực hiện các biện pháp đối phó tương thích”. Hãng tin Interfax trích dẫn bộ trưởng Sergei Shoigu : “Khoảng 20 đơn vị và các đội hình sẽ được thành lập vào cuối năm tại quân khu phương Tây”.

Theo Reuters, Nga hôm nay cũng cảnh báo là Matxcơva trong những ngày sắp tới sẽ gửi một loạt “tín hiệu” gây “khó chịu” cho Hoa Kỳ. Matxcơva cáo buộc Washington không sẵn sàng thảo luận về tất cả những chủ đề mà Nga muốn thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Putin – Biden dự kiến được tổ chức vào ngày 16/06/2021.

Về phía Mỹ, hôm qua 30/05, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông sẽ gây áp lực với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để Moscow tôn trọng nhân quyền.

Úc – New Zealand đoàn kết trước những thách thức từ Trung Quốc

image.png
Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern ( P), tiếp thủ tướng Úc Scott Morrison tại in Queenstown, New Zealand, ngày 31/05/2021. AFP – JOE ALLISON

Lãnh đạo Úc và New Zealand trong cuộc gặp trực tiếp hôm nay, 31/05/2021, đã cho thấy hai nước cùng đoàn kết đối mặt với áp lực của Bắc Kinh, đồng thời cùng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thay đổi ở Hồng Kông cũng như tình hình nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc.

Trong bối cảnh hai quốc gia đang tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác thương mại, thủ tướng Úc Scott Morrison sang thăm New Zealand. Trong cuộc gặp đầu tiên sau hơn 15 tháng, một trong số các chủ đề được hai nhà lãnh đạo thảo luận liên quan đến Trung Quốc. Đôi bên đã bày tỏ một mặt trận thống nhất đối mặt với Bắc Kinh.

Reuters cho biết thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định Wellington và Canberra đều có lập trường giống nhau về các hồ sơ thương mại và nhân quyền. Thủ tướng Úc Morrison ủng hộ đồng nhiệm Ardern, nói rằng Úc và New Zealand là các quốc gia thương mại, nhưng không bao giờ “buôn bán chủ quyền”.

Thủ tướng Úc khẳng định, hai nước là “những đối tác, bạn bè, đồng minh tuyệt vời và như trong cùng một gia đình”,“những kẻ ở xa tìm cách chia rẽ” Úc và New Zealand. và họ sẽ không thể chia rẽ hai nước.

Trong một tuyên bố chung, cả hai thủ tướng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, cũng như của các sắc tộc thiểu số Hồi giáo khác, để Liên Hiệp Quốc và các quan sát viên độc lập tiếp cận khu vực mà không bị giới hạn.

Bình Nhưỡng lên án Mỹ để Hàn Quốc phát triển hỏa tiễn tầm bắn trên 800 km

image.png
Tên lửa của Hàn Quốc trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Seoul, ngày 31/05/2021. AP – Lee Jin-man

Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 21/05/2021 tại Washington, Tổng thống Joe Biden và đồng nhiệm Moon Jae In đã quyết định hủy bỏ các hạn chế trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Sau một thời gian im lặng, ngày 31/05, Bắc Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích « trò chơi hai mặt đáng hổ thẹn » của Washington.

Việc bãi bỏ các quy định song phương nói trên sẽ cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 800 km. Tuy nhiên, phía Bắc Triều Tiên cho rằng quyết định này sẽ làm « leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều tiên » và là « một nhắc nhở rõ ràng về chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ ».

Theo Yonhap, những lời chỉ trích gay gắt trên được nhà ngoại giao Kim Myong Chol của Bắc Triều Tiên nêu trong một bài báo được KCNA đăng ngày 31/05. Ông Kim Myong Chol lên án « cách tiếp cận thực dụng »« linh hoạt tuyệt đối » vẫn được Washington áp dụng chỉ là « trò lừa đảo ». Vì vậy, Mỹ và Hàn Quốc « không có lý do gì để chỉ trích Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên tăng cường khả năng phòng thủ » vì chính quyền hai nước này « thể thiện rõ ràng tham vọng xâm lược ».

Vẫn theo ông Kim Myong Chol, « tính toán của Hoa Kỳ sử dụng Hàn Quốc để đạt được mục tiêu bá chủ là hoàn toàn ngu ngốc » và Bình Nhưỡng « sẽ đương đầu với Mỹ trên nguyên tắc dùng sức mạnh đáp trả sức mạnh ».

Trong buổi họp báo chung với nguyên thủ Mỹ tại Washington ngày 21/05, tổng thống Hàn Quốc bày tỏ « niềm vui vì các chỉ thị về tên lửa được chấm dứt ». Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên, ông Moon Jae In đã « kéo các nước láng giềng trong vùng vào vòng xoáy » bạo lực.

Miến Điện : “Chính phủ trong bóng tối” hợp tác với một lực lượng nổi dậy để chống quân đội

image.png
Một vùng của tiểu bang Chin, nơi có đông người sắc tộc thiểu số Chin, theo Cơ đốc giáo, miền Tây Miến Điện. Ảnh chụp ngày 17/12/2013. AP – Gemunu Amarasinghe

Tại Miến Điện, « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia », hôm qua 29/05/2021, ra thông cáo về thỏa thuận hợp lực với một tổ chức nổi dậy để lật đổ chế độ quân sự độc tài. Chính phủ này gồm các nghị sĩ đã rút vào hoạt động bí mật nhằm phản đối tập đoàn quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Tổ chức nổi dậy mà « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » hợp tác để lật đổ chế độc tài và thiết lập hệ thống dân chủ liên bang là Mặt Trận Quốc Gia Chin, lực lượng đại diện cho sắc tộc thiểu số Chin, chủ yếu là người theo Cơ đốc giáo sống ở bang Chin, miền tây Miến Điện. Theo thông cáo, các bên đã cam kết « công nhận lẫn nhau » và tôn trọng « sự bình đẳng với tư cách là đối tác » của nhau.

Mặt Trận Quốc Gia Chin đã ký một lệnh ngừng bắn với quân đội Miến Điện hồi năm 2015 và trong những năm gần đây quân số đã giảm. Trả lời AFP, Richard Horsey, cố vấn chính về Miến Điện của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, nhận định do Mặt Trận Quốc Gia Chin không có lực lượng quân sự thực sự, nên thỏa thuận hợp lực nói trên chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn có vai trò quan trọng đối với tiến trình hòa bình bởi họ có nhiều lãnh đạo chính trị lưu vong rất được tôn trọng.

AFP nhắc lại « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » hay còn được gọi là chính phủ trong bóng tối, được thành lập để chống lại các tướng lĩnh quân đội, tìm cách tập hợp những người bất đồng chính kiến và các phong trào nổi dậy của các sắc tộc khác nhau để thành lập một quân đội nhằm chống tập đoàn quân sự cầm quyền.

« Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » cũng đã thành lập « lực lượng dân phòng » của riêng họ để bảo vệ dân thường trước quân đội. Hôm thứ Sáu 28/05, « Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia » đã cho phát hành một video cho thấy hàng trăm tân binh đang được huấn luyện.

Related posts