Hiểu Minh
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, giàn khoan ‘Biển sâu số 1’ nặng hơn 100.000 tấn sẽ được kéo ra Biển Đông để khai thác khí tự nhiên ngay trong tháng 6 này. Giàn khoan ‘Biển sâu số 1’ là chủ sở hữu giàn khoan HD-981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014.
Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin từ Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, việc lắp đặt các thiết bị lên giàn “Biển sâu số 1” đã hoàn tất hôm 29/5, và khẳng định đây là giàn khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới.
Theo CNOOC, giàn sẽ được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy ngoài khơi đảo Hải Nam trong đầu tháng 6 và bắt đầu khai thác trong cùng tháng. Ước tính mỗi năm giàn “Biển sâu số 1” có thể khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên.
Trung Quốc đã liên tục phát triển các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Không ít lần các giàn khoan này và tàu khảo sát địa chất được sử dụng như công cụ thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý Bắc Kinh đưa ra trong khu vực.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan HD-981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. So sánh về kích thước, giàn “Biển sâu số 1” lớn gấp 3 lần giàn HD-981 (chỉ nặng 30.000 tấn).
Dưới thời tổng thống Donald Trump, CNOOC và các tập đoàn dầu khí, công ty thăm dò địa chất của Trung Quốc đã bị Mỹ đặt vào tầm ngắm vì hỗ trợ yêu sách vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Chính quyền Mỹ khi đó nhấn mạnh nhiều phương tiện và giàn khoan thuộc sở hữu CNOOC đã được sử dụng như công cụ “quấy rối” và “dọa nạt” các nước trong khu vực.
Ngày 14/1/2021, chỉ 6 ngày trước khi ông Joe Biden tuyên thệ, Bộ Thương mại của chính quyền Trump quyết định áp lệnh trừng phạt lên CNOOC, cáo buộc công ty này “nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí” của nước khác ở Biển Đông.
Theo PLO dẫn tin, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục phát triển các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Không ít lần các giàn khoan này và tàu khảo sát địa chất được sử dụng như công cụ thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý Bắc Kinh đưa ra trong khu vực.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc “không có quyền lịch sử” tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.
Đối với các hoạt động ở Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như phản đối bất kỳ nước nào xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực.