Viện Chiến Ấn Độ: ĐCSTQ ngày càng chi phối trong nhiều cơ quan LHQ

Mân Châu

Một báo cáo của một tổ chức nghiên cứu tư vấn chính sách đối ngoại tại Ấn Độ đã cảnh báo ảnh hưởng không ngừng mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), chi phối một số cơ quan quan trọng của LHQ bằng một mạng lưới chuyên gia và nhà ngoại giao, khiến LHQ hỗ trợ thúc đẩy cho ngoại giao của ĐCSTQ.

Thao túng quá lớn đối với LHQ

Mới đây, tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Ấn Độ là “Gateway House: Ủy ban Quan hệ Toàn cầu” (Gateway House: Indian Council on Global Relations) của Ấn Độ đã công bố một báo cáo chỉ ra trong số 15 cơ quan chủ chốt của LHQ thì có 4 cơ quan do đại diện của ĐCSTQ trực tiếp lãnh đạo, bao gồm cả Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (Unido), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Ngoài ra còn có 9 tổ chức khác của LHQ có đại diện của ĐCSTQ đảm nhận chức phó lãnh đạo, tiểu biêu trong đó là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…

Báo cáo cũng liệt kê việc ĐCSTQ lợi dụng những lợi thế hàng đầu của họ tại LHQ, cùng với thủ đoạn hỗ trợ kinh tế để cài cắm những đại diện nhằm gây ảnh hưởng đến các cơ quan của LHQ, kể cả chuyện vào năm 2017 đã hỗ trợ đắc lực giúp ông Tedros làm Tổng Giám đốc WHO (trước đó WHO do Margaret Chan (Trần Phùng Phú Trân) của Hồng Kông lãnh đạo trong 10 năm).

Không chỉ vậy, Ban kinh tế và các vấn đề xã hội của LHQ (DESA) cũng do một luật sư thuộc Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đứng đầu là ông Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin).

Ngoài ra còn phải kể đến ĐCSTQ có cả mạng lưới ở tầng cơ sở của LHQ, những người đó là chuyên gia hoặc nhà ngoại giao. Theo nguyên tắc thì chuyên viên tham gia hệ thống LHQ phải thực hiện công bằng thông qua chương trình chuyên viên chuyên nghiệp cấp ngang hoặc cấp dưới (JPO), nhưng thực tế có thể không hoàn toàn như vậy.

Tác động tiêu cực đến những quy chuẩn toàn cầu

Báo cáo chỉ ra thực trạng LHQ bị ĐCSTQ chi phối quá lớn như vậy gây tác động nghiêm trọng đến sự phát triển toàn cầu, các quy tắc quốc tế và việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật số.

Ví dụ tiêu biểu như:

-Liên minh Viễn thông Quốc tế có chức năng xây dựng các tiêu chuẩn viễn thông toàn cầu, nhưng một trong những bên tham gia chính là Huawei của Trung Quốc.

-Mục đích của việc thành lập Tổ chức Phát triển Công nghiệp của LHQ là khuyến khích công nghiệp hóa của các nước đang phát triển, nhưng ĐCSTQ đã liên kết nó với “Vành đai và Con đường” (BRI) của họ.

-Hay như mục đích của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) là xây dựng các tuyến đường hàng không và các tiêu chuẩn an toàn, nhưng Đài Loan bị loại khỏi tất cả các cuộc thảo luận…

Về vấn đề “LHQ như thể của riêng ĐCSTQ”, Gateway House kiến nghị Ấn Độ nên chuyển từ tư thế phòng thủ sang tấn công, trở thành “nhà hoạch định quy tắc” chủ động thay vì vai trò theo sau phòng thủ như hiện nay.

Gateway House nhận định, trong tình hình mới khi vai trò của ĐCSTQ trong khuôn khổ đa phương ngày càng trở nên quan trọng, còn vị thế của nhiều nước suy giảm, Ấn Độ phải đẩy mạnh chủ động hội nhập vào hệ thống đa phương để đối phó với tình hình.

Ngoài ra nhóm chuyên gia còn đề xuất Ấn Độ tăng cường hơn đóng góp tình nguyện cho các cơ quan của LHQ để mang lại lợi thế, và hoạt động từ thiện của Ấn Độ cũng có thể được đầu tư vào các cơ quan này.

M.C.

Related posts