Đỗ Duy Ngọc
Trong thời dịch vật này, hầm trú ẩn là những tấm lòng, là lòng tin, là thực hành những nguyên tắc cơ bản để phòng và chống dịch. Sài Gòn không bao giờ “toang”, chẳng bao giờ “bùng”.
Vì đất Sài Gòn, người dân Sài Gòn không bao giờ biết đầu hàng số phận.
Tôi là thanh niên từ miền Trung vào Sài Gòn kiếm cái chữ và lập thân ở đây đã hơn 50 năm rồi. Người Sài Gòn không phân biệt, bất cứ ai vào đây, sống ở đây đã là người Sài Gòn. Và tôi đã là người Sài Gòn hơn nửa thế kỷ. Tôi đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của Sài Gòn. Từ những năm chiến tranh, bom đạn ì ầm, tiếng phi cơ bay hàng đêm, một góc thành phố hỏa châu thắp sáng rồi tiếng đại bác vọng về, đạn pháo kích vào thành phố nhiều đêm. Rất nhiều bạn bè tôi đã chết trong chiến tranh. Nhưng Sài Gòn trong tôi vẫn mạnh khỏe, tươi vui.
Người Sài Gòn vẫn thanh lịch lạc quan trong cuộc chiến. Tôi cũng đã chứng kiến Sài Gòn hấp hối trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tương tàn.
Người Sài Gòn hốt hoảng, lo âu, bi phẫn nhưng vẫn giữ được phong cách của mình.
Tôi cũng đã sống với những ngày Sài Gòn nghèo thiếu điện, thiếu củi, thiếu gạo phải sống bằng bo bo với bột mì, cơm hẩm, cá thiu, bệnh không có thuốc chữa và đành ngậm ngùi nhìn những người quen biết lần lượt ra đi về phía biển.
Nhiều người mãi mãi không đến nơi, thân xác chìm vào giữa biển khơi. Nhưng trong những cơn khốn khó ấy, Sài Gòn không tuyệt vọng. Tôi cũng đã hòa mình vào thời mở cửa của các chính sách để kiếm tiền nuôi vợ con. Người Sài Gòn nhiều sáng tạo để cố thoát nghèo với một tinh thần lạc quan tiến tới.
Nhưng bây giờ thì Sài Gòn đang bệnh, bệnh nặng.
Con virus quái ác lấn dần đe dọa làm cho Sài Gòn lo âu.
Những con số thống kê hàng ngày làm cho Sài Gòn lo lắng. Ai cũng sợ rồi sẽ đến lượt mình.
Và trong cơn đau, Sài Gòn vẫn vững tin, vẫn quên thân mình để chống dịch.
Bây giờ là buổi trưa, trưa mùa hè nắng gắt, đâu đó trong các khu cách ly, trong những bệnh viện, trạm xá, hàng ngàn nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng và hàng ngàn tình nguyện viên… đang chấp nhận cái nóng nung người, mồ hôi khắp mặt, tạm xa lánh những tiện nghi của cuộc sống bình thường để lao vào chống dịch.
Biết bao bà mẹ đành xa con, xa gia đình suốt mấy tháng nay. Biết bao người cha, người con đành phải xa nhà, xa cha già, mẹ yếu để tham gia chống dịch.
Người dân Sài Gòn không quên ơn họ. Hơn 800 điểm đã có virus xuất hiện, dây đã giăng, rào kẽm gai đã chặn, biết bao con người đang ngày đêm làm nhiệm vụ để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh.
Tất cả họ đang chiến đấu như những chiến sĩ ở tuyến đầu. Hàng đêm, họ nhường nhau một góc phòng, một tấm chiếu để ngã lưng rồi ngày mai lại lao vào công việc.
Sài Gòn xót xa trước những hy sinh thầm lặng của biết bao người. Tôi không thích trong tự điển tiếng Việt có chữ “bùng” với chữ “toang”.
Sài Gòn không “toang” như nhiều người đang nói.
Tôi tin rồi Sài Gòn vẫn đứng vững như rất nhiều lần đã trải qua bao biến cố.
Vẫn biết Sài Gòn đang đau, Sài Gòn đang bệnh. Nhưng những tấm lòng của người Sài Gòn đã làm xoa dịu cơn đau. Sức mạnh tiềm tàng đã qua hơn 300 năm của thành phố này sẽ làm dứt cơn bệnh. Tôi tin như thế và mãi tin như thế. Chẳng có chi khuất phục được Sài Gòn.
Tôi đang nghe tiếng thở của Sài Gòn, tiếng thở của một thành phố trong cơn bệnh nặng.
Phố đã vắng người đi. Hàng quán đã đóng cửa. 148 chợ truyền thống, ba chợ đầu mối trên địa bàn thành phố tạm ngưng hoạt động.
Những chiếc xe cấp cứu hú còi liên tục trên các ngã phố. Rất nhiều người nghèo không còn phương sinh kế đang thiếu thốn bữa ăn. Trong những con hẻm ngoằn ngèo chật hẹp của thành phố này, biết bao con người đang cần phải sống chờ qua cơn đại dịch nhưng thiếu cơm, cần gạo. Trên vỉa hè biết bao người không nhà đang tự hỏi làm sao để sống tiếp ngày mai.
Quá nhiều người đang lo âu vì bệnh tật và đói nghèo. Sài Gòn trống trải chỉ còn những con đường nằm phơi dưới nắng không có người đi. Nhưng cũng như nhiều lần, Sài Gòn vẫn không tuyệt vọng, vẫn tin vào ngày mai, vẫn tin với sức mạnh và sự lạc quan đã được trui rèn. Sài Gòn sẽ chiến thắng. Bởi Sài Gòn vẫn còn đó những con người biết quên mình để chống dịch. Bởi Sài Gòn vẫn còn đó những tấm lòng đến với mọi người bằng chén cơm, miếng bánh lúc ngặt nghèo.
Tôi yêu mảnh đất này và gắn bó với nó vì những tính cách tốt đẹp đó.
Ngày đầu tiên của giãn cách, Sài Gòn như những ngày giới nghiêm trong chiến tranh.
Dù không có tiếng nổ của bom đạn nhưng con virus có sức nguy hiểm hơn đạn bom.
Trước hòn tên mũi đạn, bom nổ đạn rơi con người phải tìm cho mình một hầm trú ẩn.
Trong thời dịch vật này, hầm trú ẩn là những tấm lòng, là lòng tin, là thực hành những nguyên tắc cơ bản để phòng và chống dịch.
Sài Gòn không bao giờ “toang”, chẳng bao giờ “bùng”.
Vì đất Sài Gòn, người dân Sài Gòn không bao giờ biết đầu hàng số phận.
Mặc cho những thiên vị, mặc cho những thiệt thòi phải gánh chịu, dù là thành phố đóng nhiều nhất cho ngân sách, Sài Gòn vẫn cắn răng bước tới với tấm lòng bao dung và với nụ cười.
Đỗ Duy Ngọc