Nga, Trung Quốc và Iran đã cảnh báo Hoa Kỳ không được can thiệp vào Cuba sau khi nhiều cuộc biểu tình lớn chống chế độ đã nổ ra ở đất nước cộng sản và được Tổng thống Joe Biden ủng hộ.
Hôm 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez đã lên tiếng phản đối “sự gia tăng gây hấn của chính phủ Hoa Kỳ” trong một bài phát biểu dài gửi báo chí sau các cuộc biểu tình chống chính phủ lịch sử.
Thông điệp của ông Rodríguez đã được lặp lại bởi ba cường quốc độc tài, trong đó chỉ trích mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Washington đối với Havana và ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã gặp Đại sứ Cuba Julio Garmendia Peña để thảo luận hôm thứ Ba, trong đó “phía Nga bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Cuba, đồng thời hứa sẽ ủng hộ toàn diện những nỗ lực hướng tới bình thường hóa sớm nhất,” theo Bộ Ngoại giao Nga.
“Các bên bày tỏ tin tưởng rằng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường”, thông báo cho biết, “và nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài và các hành động phá hoại khác gây mất ổn định ở Cuba là không thể chấp nhận được.”
Moscow là nước ủng hộ hàng đầu của Havana trong thời kỳ Liên Xô và quan hệ Cuba – Nga vẫn bền chặt cho đến ngày nay.
Trong khi đó, hôm 13/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đổ lỗi cho các lệnh cấm vận của Mỹ là “nguyên nhân sâu xa khiến Cuba thiếu thuốc và năng lượng.”
Ông Triệu kêu gọi ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vốn đã được nới lỏng một thời gian ngắn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, trước khi được người kế nhiệm Donald Trump phục hồi.
Phát ngôn viên Trung Quốc cũng đả kích “mọi nỗ lực từ bên ngoài nhằm can thiệp vào nước Cuba do cộng sản lãnh đạo.”
“Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Cuba, ủng hộ mạnh mẽ những gì Cuba đã làm trong việc chống lại COVID-19, cải thiện sinh kế của người dân và duy trì ổn định xã hội, đồng thời ủng hộ Cuba trong việc tìm ra một con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình”, ông Triệu nói.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Cuba để thực hiện sự đồng thuận mạnh mẽ giữa hai nguyên thủ và cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước,” ông Triệu nói tiếp.
Tham gia vào chỉ trích Hoa Kỳ trước tình hình bất ổn ở Cuba còn có Iran, một quốc gia khác cũng được cựu TT Obama dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhưng sau đó cựu TT Trump đã áp đặt trở lại.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng: “Trong tình huống này, Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về nhiều vấn đề gây ra cho người dân Cuba. Hoa Kỳ đã can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này vi phạm trắng trợn các quy tắc quốc tế”.
Ông nói: “Trong khi lên án các lệnh trừng phạt bất hợp pháp của Hoa Kỳ, một nhân tố quan trọng gây ra khó khăn kinh tế của người dân Cuba, Iran phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của quốc gia này.”
Trong khi Mỹ hiện đang tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran như một phần của nỗ lực quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, không có kế hoạch nối lại đàm phán nào với Havana được Washington công bố.
Thay vào đó, ông Biden đã nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với các cuộc biểu tình tại Cuba. Ông cho biết ông “ghi nhận các cuộc biểu tình đáng chú ý đang diễn ra ở Cuba, với việc người dân Cuba đòi tự do khỏi một chế độ độc tài.”
“Hoa Kỳ sát cánh cùng với người dân Cuba khi họ khẳng định các quyền phổ thông của mình. Và chúng tôi kêu gọi chính phủ Cuba kiềm chế bạo lực hoặc cố gắng bịt miệng tiếng nói của người dân Cuba,” ông Biden nói.
Ông cũng từ chối cho biết liệu ông có cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba hay không.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện vẫn đang trong quá trình xem xét các chính sách trước đây đối với Cuba.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm thứ Hai rằng việc xem xét chính sách “tập trung vào chính trị, phúc lợi kinh tế, và tài chính của người dân Cuba, và rõ ràng, chúng tôi đang xem xét một cách cẩn thận và chặt chẽ những gì vừa xảy ra, những gì thực sự đang xảy ra.”
Ông Blinken cũng cảnh báo rằng “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với chế độ Cuba khi cố tình diễn giải những gì đang xảy ra ở hàng chục thị trấn và thành phố trên khắp hòn đảo này là kết quả hoặc sản phẩm của bất cứ điều gì Hoa Kỳ đã làm.”
Ông Blinken nói: “Đó sẽ là một sai lầm đáng tiếc vì điều đó cho thấy rằng họ đơn giản là không nghe thấy tiếng nói và ý chí của người dân Cuba. Mọi người vô cùng mệt mỏi với sự đàn áp đã diễn ra quá lâu, mệt mỏi vì sự quản lý yếu kém của nền kinh tế Cuba, mệt mỏi vì thiếu lương thực đầy đủ, và tất nhiên, không đủ khả năng ứng phó với đại dịch COVID.”
Lê Xuân (theo Newsweek)