Indonesia hơn 51.000 ca nhiễm, chính phủ gia hạn các biện pháp hạn chế khẩn cấp đến cuối tháng 7
The Jakarta Post – Tình hình dịch ở Indonesia vẫn đang hết sức phức tạp, khi số ca nhiễm liên tục tăng cao trong bối cảnh các cơ sở y tế đã quá tải.
Ngày 17/7, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 51.952 ca nhiễm virus corona và 1.092 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 2,83 triệu và 72.489 ca tử vong, hiện số trường hợp hồi phục ở Indonesia là hơn 2,2 triệu người.
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hôm 17/7 đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng khẩn cấp (được gọi là PPKM Darurat) tới ngày 31/7 trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng vọt.
Khủng hoảng oxy ở Myanmar, quân đội bị tố tích trữ, các tổ chức phúc lợi nhập 3.000 tấn oxy lỏng từ Trung Quốc
Xinhua – Các tổ chức phúc lợi công cộng của nước này đã mua 3.000 tấn oxy lỏng từ Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng oxy khi số ca nhiễm virus corona liên tục tăng cao.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, ngày 17/7, số oxy này đã được đưa tới Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
Theo trang thống kê Worldometer, tính đến ngày 17/7, nước này đã ghi nhận hơn 224.000 ca nhiễm và 4,769 ca tử vong do COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5,497 ca nhiễm và 233 ca tử vong mới.
Một báo cáo gần đây của hãng tin AFP cho biết người dân Myanmar đang phải xếp hàng dài chờ đợi tại các điểm tiếp oxy để nạp đầy bình về cho người thân.
Trong khi đó một báo cáo của tờ News York Times hôm 15/7 cho biết quân đội Myanmar đã tích trữ oxy trong bối cảnh người dân cần thở.
Dẫn lời các nhân viên y tế, báo cáo cho biết, khi biến thể Delta hoành hành khắp Myanmar, quân đội nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 2 đã ra lệnh cấm cung cấp oxy cứu sinh cho các phòng khám tư nhân. Nơi các bác sĩ phản đối phản đối sự tiếp quản của quân đội và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước. Tiến sĩ Min Han, bác sĩ tại một phòng khám tư nhân ở Myanmar nói với New York Times rằng, cho biết chăm sóc y tế cơ bản cho bệnh nhân nhiễm virus corona đã bị biến thành một hành động bất hợp pháp.
Quân đội cũng tìm cách ngăn chặn nguồn cung cấp oxy từ các nhà sản xuất và ngăn các tổ chức từ thiện cung cấp oxy cho những người dân đang giữa sự sống và cái chết.
Báo cáo cũng cho biết, tuần này, các binh sĩ ở thành phố Yangon thậm chí nổ súng vào đám đông đang xếp hàng mua bình dưỡng khí.
Các bác sĩ cáo buộc quân đội Myanmar đang cố gắng bảo đảm nguồn cung cấp oxy khan hiếm được chuyển đến các bệnh viện quân đội, nơi phục vụ cho các gia đình quân nhân.
Hiện Myanmar dựa chủ yếu vào vắc-xin Trung Quốc để tiêm cho người dân.
Một quan chức Myanmar cho biết nước này dự kiến nhận 6 triệu liều vắc xin COVID-19 từ Trung Quốc vào tháng 8. Trong đó, chính quyền quân sự Myanmar đã mua 4 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc, và Bắc Kinh hứa tặng thêm 2 triệu liều vắc-xin.
Campuchia bên bờ thảm họa y tế, ông Hun Sen mua vắc-xin Trung Quốc để chích cho trẻ em
Khmer Times – Bộ Y tế nước này mới đây cảnh báo biến chủng mới của virus corona có thể đẩy Campuchia rơi vào thảm kịch y tế cộng đồng.
Trong một thông điệp hôm 16/7, bà Or Vandine, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cho biết các biến chủng mới được ghi nhận có thể đẩy Campuchia vượt qua giới hạn đỏ.
Bà viết trên Twitter: “Chúng ta đã phát hiện một loại virus đột biến mới, trong khi biến chủng Alpha vẫn đang tiếp tục lan rộng. Hôm qua đã có 27 người chết. Và nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thảm họa y tế công cộng sẽ xảy ra, chúng ta sắp vượt qua lằn ranh đỏ”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi cơ quan y tế phát hiện 37 ca nhiễm virus corona nhập cảnh vào Campuchia các ngày 7/7 và 14/7. Phân tích trình tự gene cho thấy những người này nhiễm biến chủng Delta. Tới nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 75 ca nhiễm biến chủng Delta.
Bà Vandine trước đó cảnh báo đe dọa từ nguy cơ “vượt qua giới hạn đỏ”, có thể dẫn tới bùng phát những ổ dịch quy mô lớn trong cộng đồng, cũng như những vấn đề trầm trọng với hệ thống chăm sóc y tế.
Hôm 17/7, Campuchia báo cáo thêm 836 ca nhiễm mới, cùng 27 bệnh nhân tử vong. Tổng số ca nhiễm ở Campuchia tới nay đã lên đến hơn 66.000 trường hợp. Số trường hợp thiệt mạng là 1.076 người.
Hiện Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông có kế hoạch “đàm phán với Trung Quốc” để mua vắc-xin COVID-19 Sinovac về tiêm cho trẻ em.
Hôm 16/7, ông Hun Sen cho biết chính phủ sẽ cần bốn triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc để tăng cường nguồn cung hiện có và tiêm chủng cho khoảng 12 triệu trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Kandal và Sihanoukville càng nhanh càng tốt, để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ông nói: “Chúng ta cần đàm phán với Trung Quốc để có vắc-xin cho trẻ em của chúng ta. “Chúng ta cần sự miễn dịch cộng đồng để mở cửa lại xã hội và trường học”.
Ông Hun Sen cũng kêu gọi các bậc cha mẹ nhanh chóng đưa con em mình đi tiêm chủng ngay khi vắc-xin sẵn sàng.
Trước đó, một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Bahrain đã quyết định tiêm liều tăng cường thứ ba cho những người đã tiêm vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh lo ngại về hiệu quả của vắc-xin này, đối với các biến thể virus corona dễ lây lan hơn.
Indonesia hôm 16/7 cũng đã bắt đầu tiêm vắc-xin tăng cường Mordena của Mỹ cho các nhân viên y tế sau khi lực lượng này vẫn bị nhiễm virus dù đã tiêm đầy đủ vắc-xin Sinovac của Trung Quốc.
Hy Lạp cấm nhà hàng quán bar phát nhạc trên đảo nghỉ mát nổi tiếng Mykonos
Reuters – Các biện pháp nhằm kiểm soát dịch mới nhất của nước này bao gồm việc cấm các nhà hàng, quán bar tại đảo nghỉ dưỡng Mykonos phát nhạc từ ngày 17/7.
Mykonos được mệnh danh là hòn đảo tiệc tùng của giới siêu giàu. Mykonos là điểm đến lý tưởng ở Hy Lạp, thường thu hút hơn một triệu du khách mỗi mùa hè. Nhiều ngôi sao, người mẫu ở Hollywood đã tới đây nghỉ ngơi.
Sau một đợt bùng phát dịch “đáng lo ngại”, Bộ Bảo vệ Dân sự của Hy Lạp đã ra lệnh cấm các nhà hàng, quán bar trên đảo Mykonos phát âm nhạc. Bộ này cũng chỉ cho phép người dân ra ngoài từ 1h đến 18h để đi làm hoặc với lý do sức khỏe.
Các biện pháp hạn chế sẽ được thực hiện từ ngày 17/7 đến hết ngày 26/7.
Thị trưởng Konstantinos Koukas của Mykonos cho biết các biện pháp áp đặt vào trung tâm mùa du lịch là “không công bằng” và “sai lầm”.
Ông viết trên Facebook: “Mykonos không thể là hòn đảo duy nhất mà âm nhạc sẽ không được nghe thấy … điều duy nhất mà quyết định này sẽ đạt được là du khách sẽ đến một hòn đảo khác”.
Trong vài tuần gần đây, số ca mắc mới ở Hy Lạp gia tăng. Chính phủ đã ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Các biện pháp hạn chế cũng được áp đặt trên toàn quốc.
Hiện các nhà hàng, quầy bar ở Hy Lạp chỉ tiếp nhận các khách hàng đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 17/7, Hy Lạp có hơn 453.000 ca nhiễm và 12.809 ca tử vong vì COVID-19.