Thanh Hà
Tổng thống Joe Biden ấn định ngày 31/08/2021 Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, điều gây lo ngại cho các quốc gia lân cận với Afghanistian. Phe Taliban khẳng định đã kiểm soát 85 % lãnh thổ. Đó là yếu tố giúp phe này có thêm những « người bạn mới », đứng đầu là Trung Quốc và Iran, hai quốc gia có biên giới chung ở sườn đông và tây của Afghanistan.
Với Afghanistan, Bắc Kinh và Teheran thực sự muốn gì ? Chiến lược chìa bàn tay thân thiện đó có những giới hạn nào ?
Tân Cương, nỗi ám ảnh của Bắc Kinh
Trước hết trong trường hợp của Trung Quốc, câu hỏi quan trọng nhất đối với Bắc Kinh là Mỹ đi rồi, ai sẽ kiểm soát quyền lực tại Kaboul ? Trung Quốc như đã biết trước câu trả lời và bằng mọi giá muốn tránh để Afghanistan lâm vào một cuộc nội chiến, bởi trong trường hợp đó tham vọng kết nối Trung Quốc với 5 châu qua dự án Con Đường Tơ Lụa mới sẽ bị đe dọa.
Từ tháng 09/2019 Trung Quốc chủ trương « chìa bàn tay thân thiện » với Taliban khi mời một phái đoàn của phe này đến Bắc Kinh. Tháng 6/2021 ngoại trưởng Vương Nghị đề xuất Trung Quốc chủ trì một cuộc đối thoại giữa Taliban với đại diện của chính quyền Kabul.
Trong nỗ lực này theo chuyên gia về Trung Đông Phạm Hồng Đạt (Fan Hingda) đại học quốc tế Thượng Hải được AFP trích dẫn, Trung Quốc có một vũ khí quan trọng đó là sức mạnh của đồng tiền.
Không phải tình cờ mà Bắc Kinh đánh giá việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một hành động « vô trách nhiệm ». Trung Quốc không muốn « bất ổn kéo dài tại quốc gia Nam Á này tràn sang lãnh thổ » do có chung đường biên giới trên dưới 80 cây số ở độ cao gần 5.000 mét với Afghanistan mà cửa ngõ giữa hai quốc gia này dẫn thẳng vào vùng tự trị Tân Cương. Đây là nơi đa số dân cư theo đạo Hồi, và cả triệu người Hồi Giáo trong cộng đồng Duy Ngô Nhĩ đang bị đưa vào các trại « tập huấn ». Gần đây, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng đỉnh với các đồng nhiệm Pakistan và Afghanistan « Taliban phải được tham gia các hoạt động chính trị một cách bình thường » với điều kiện « tránh để các tổ chức khủng bố hoạt động trở lại » và Taliban « tích cực tiêu diệt phong trao Hồi giáo cực đoan MITO ». MITO là một tổ chức ly khai của người Duy Ngô Nhĩ bị Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách các nhóm khủng bố. Bắc Kinh muốn bằng được bảo đảm rằng trong trường hợp phe Taliban trở lại cầm quyền, Afghanistan sẽ không là sào huyệt để MITO chuẩn bị những đợt tấn công đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Dùng đòn kinh tế để đánh đổi lấy an ninh
Trung Quốc tận dụng lợi thế là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Afghanistan để mặc cả với Taliban ?
Đúng vậy. Theo giới quan sát, phe Hồi giáo cực đoan Afghanistan dường như đã ít nhiều chấp nhận đề xuất của Bắc Kinh. Bên lề một cuộc họp tại Qatar đại diện của phe nổi dậy Afghanistan Suhail Shabeen trả lời báo South China Morning Post đã tuyên bố : « Taliban sẽ nghiêm cấm bất kỳ một ai, bất kỳ một tổ chức nào muốn sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công bất kỳ một quốc gia nào khác, kể cả Trung Quốc ». Một nhà quan sát Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh được AFP trích dẫn không ngần ngại cho rằng « Trung Quốc chưa bao giờ xem Taliban là một tổ chức khủng bố » mà đó chỉ là một « tổ chức tôn giáo cực đoan ». Nhưng tất cả khúc mắc nằm ở yếu tố « tôn giáo » đó, như ghi nhận của Andrew Small, tác giả cuốn The China-Pakistan Axis (2015).
Thuần túy về kinh tế Trung Quốc chủ trương xích lại gần với lực lượng Hồi giáo cực đoan này tại Afghanistan vì muốn nhòm ngó vào các nguồn tài nguyên của nước láng giềng, từ các mỏ đồng đến khí đốt, kim loại hiếm… . Có điều, nhà phân tích Atta Noori tại Kabul lưu ý « kinh tế và an ninh là hai mặt của cùng một đồng tiền » : để mở mang các hoạt động của Trung Quốc tại Afghanistan, Bắc Kinh cần phải được bảo đảm là các chương trình đầu tư của Trung Quốc không bị tấn công. Giáo sư Thierry Keller khoa chính trị học, giảng dậy tại đại học tự do Bruxelles nhấn mạnh, qua trung gian Pakistan từ lâu nay Bắc Kinh đã thiết lập được một kênh đối thoại với Taliban nhờ đó bảo đảm an toàn cho nhiều công trình của Trung Quốc trên lãnh thổ Afghanistan như là dự án khai thác mỏ đồng ở Aynak, gần thủ đô Kabul.
Ngoài ra từ 2016 Trung Quốc đã lôi kéo được Afghanistan vào dự án Một Vành Đai Một Con Đường, cho dù là tới nay, đầu tư của Bắc Kinh vào quốc gia Nam Á này còn rất khiêm tốn (4,4 triệu đô la theo thống kê của bộ Thương Mại Trung Quốc). Dù vậy một số nguồn thạo tin được báo South China Morning Post trích dẫn cho biết là Bắc Kinh đã đề nghị với phía Taliban nhiều dự án đầu tư xây dựng các trục giao thông trên bộ, đầu tư trong ngành khai thác quặng mỏ …
Afghanistan : Trung Quốc ngồi trên núi lửa ?
Giáo sư Keller đại học Bruxelles giải thích thêm : ngoài các nguồn tài nguyên của Afghanistan, thực ra Trung Quốc muốn « kết nối » Kabul vào hành lang kinh tế của trục Trung Quốc – Pakistan (CECP), qua đó dễ theo dõi Afghanistan bảo đảm rằng nước láng giềng sát cạnh này không làm gì phương hại đến những lợi ích kinh tế hay an ninh của Trung Quốc. Hơn nữa Afghanistan là một chặng quyết định của dự án CECP cho phép Trung Quốc vươn ra đến tận Ấn Độ Dương.
Dù vậy như một nhà quan sát Pakistan, Ayesha Siddiqa được South China Morning Post trích dẫn nêu một giới hạn lớn trong chiến thuật của Trung Quốc với Taliban : tình hình chính trị tại Kabul còn chưa rõ ràng, chưa biết được quyền lực thực sự được đặt trong tay phe nào, do vậy Bắc Kinh chưa dám mạnh tay « chi ra bạc tỷ » đầu tư vào Afghanistan. Trong kịch bản đó « không có tương lai nào cho dự án Con Đường Tơ Lụa mới hay CECP ». Theo chuyên gia này, nếu như tình hình tại Afghanistan « vượt ngoài tầm kiểm soát » chắc chắn Trung Quốc sẽ không bao giờ đóng một vai trò quan trọng như Mỹ từng làm, và cũng đừng quên rằng Afghanistan có một sức kháng cự lại các đế quốc một cách lạ thường. Chẳng vậy mà quốc gia này được mệnh danh là « hố chôn các đế quốc xâm lược Afghanistan ».
Mặc dù đàm phán với Taliban nhưng bằng chứng rõ rệt nhất thể hiện hoài nghi của Bắc Kinh với phe Hồi giáo cực đoan này là hôm đầu tháng, Trung Quốc đã điều máy bay đến Kabul đưa hơn 200 công dân Trung Quốc về nước.
Teheran cũng muốn thêm bạn bớt thù
Còn về phía Iran, quốc gia sát cạnh bên sườn tây của Afghanistan, Teheran lo ngại không kém Bắc Kinh. Với đầu óc thực tiễn, có dấu hiệu Iran muốn xích lại gần với phe Taliban.
Nếu như Trung Quốc có chưa đầy 90 cây số đường biên giới chung với Afghanistan thì ngược lại giữa Iran và Afghanistan là một lằn ranh giới trên 900 km. Một cuộc nội chiến tại Afghanistan sau ngày Mỹ rút quân có nguy cơ đẩy các làn sóng người tị nạn từ Afghanistan tràn vào lãnh thổ Iran. Đó là mối lo ngại thứ nhất của chính quyền Teheran hiện nay. Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc hiện tại đã có gần 3,5 triệu người Afghanistan nhập cư bất hợp pháp vào Iran.
Lo ngại thứ nhì là quân Taliban vốn theo hệ phái Sunni, sẽ quấy phá Iran là một quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Shia, do vậy công luận Iran không loại trừ khả năng, nếu quyền lực tại Kabul do quân Taliban kiểm soát thì ngoài nguy cơ Iran phải đón nhận người tị nạn Afghanistan, còn phải tính đến khả năng nổ ra một cuộc xung đột về mặt tôn giáo. Kayhan, một tờ báo có khuynh hướng cực kỳ bảo thủ tại Iran, một mặt khẳng định « Taliban không có hiềm khích gì với hệ phái Shia nhưng nếu phe này lên nắm quyền ở Afghanistan thì tương lai sẽ thêm bất định và rủi ro sẽ lớn hơn ở ngay sát cạnh đường biên giới của Iran » .
Giới phân tích nhắc lại « mối xung khắc giữa Teheran với chính quyền Afghanistan trong giai đoạn mà quân Taliban điều hành quốc gia này » từ 1996 đén 2001. Thậm chí có lúc Iran đã tạm gác qua một bên mối thù nghịch với Mỹ để hợp tác với Washington chống lại quân Taliban vào thời điểm mà Hoa Kỳ săn lùng trùm khủng bố Al Qaeda là Oussama Ben Laden.
Thế nhưng rồi, gió đã xoay chiều. Cách nay hai tuần, Iran tổ chức một cuộc họp giữa các phe phái chính trị Afghanistan ngay tại thủ đô Teheran, và một phái đoàn Taliban đã tham dự sự kiện này. Chuyên gia Pháp về Iran, Clément Therme, cộng tác viên Viện Nghiên Cứu Châu Âu đại học Firenze –Ý xem đây là thái độ « thực tiễn » của Iran trên hồ sơ Afghanistan kể từ khi tổ chức tự nhận là Nhà Nước Hồi Giáo bắt rễ vào Afghanistan và không chỉ có Iran, mà cả Nga và nhiều nước Trung Á cùng cho là Daech còn nguy hiểm hơn cả Taliban. Đó là lý do khiến Teheran có khuynh hướng « thân thiện » hơn với phe Hồi giáo cực đoan Afghanistan. Nhưng còn quá sớm để cho rằng Iran chấp nhận kết nạp Taliban vào câu lạc bộ « những người bạn của Iran ».