Lê Hữu
Tin chị Hà mất không làm tôi bất ngờ. Không bất ngờ, vì tôi đã chờ đợi cái tin xấu nhất ấy suốt mấy hôm nay. Chúng tôi cùng góp lời cầu nguyện và mong phép lạ nào đến với chị, tuy biết chị khó mà qua được.
Những ngày chờ đợi là những ngày thật dài và nặng nề. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Sau cùng thì mọi chuyện cũng kết thúc khi chị Tú báo tin đến mọi người. Tôi nhớ mình đã ứa nước mắt, nhưng đầu óc tôi thì trống rỗng.
“Chị Hà vừa mất, sáng nay,” tôi nói thật chậm rãi, để N không phải hỏi lại hay nghĩ mình nghe lầm.
Đang lúi húi trong bếp, N khựng lại, gieo mình xuống chiếc ghế cạnh đấy. Hai vợ chồng cùng im lặng, nhìn nhau, rồi cùng nhìn ra vườn cây ngoài khung cửa sổ. Nắng và gió nhẹ, những tán lá lay động.
Nồi nước sôi sùng sục trào ra, tôi bước lại gần tắt bếp.
“Nếu chị ấy lên đây cuối tháng rồi thì chắc không đến nỗi…,” N nói như nói một mình.
Câu nói không mang ý nghĩa nào cả, rơi vào khoảng không. Có vẻ N chỉ buột miệng, để lấp khoảng trống hay vì thương chị Hà mà nói vậy.
“Cũng có khi là vậy,” tôi nói sau phút im lặng, “hay ít ra mình cũng được ngồi ăn chung với chị thêm lần nữa.”
Lẽ ra thì chị Hà đã có mặt ở Seattle cuối tháng rồi, cách đây hai tuần. Chị có cái hẹn lên chơi và N lại có dịp trổ tài nấu nướng để khoản đãi chị món bún bò từng được chị khen ngon và đề nghị “tái bản” trong cuộc “họp mặt hậu Covid” chuyến này. Ngon dở thế nào không biết, nhưng chị có cách khen khiến người được khen vui thích và cảm thấy chị khen rất thực lòng.
Gần như mỗi năm chị Hà đều lên chơi Seattle. Chị nói có hai nơi chị vẫn muốn tìm đến như tìm những giờ phút thư giãn hiếm hoi trong cuộc sống luôn bận rộn của chị, Dallas và Seattle. Dallas để thăm người anh cả và Seattle để có những buổi họp mặt đầy tình thân, ngồi giữa những tình bạn ấm áp và dễ chịu.
Thế nhưng, trời lại không chiều lòng người. Gần đến ngày đi thì sức khỏe chị Hà bỗng sa sút và có những biến chứng đáng ngại, lại thêm chỉ số huyết áp tăng cao và trồi sụt bất thường. Không còn thấy chị háo hức nhắc đến ngày hẹn gần kề, nhưng chị cũng không nói liệu chị có đi được. Tôi biết tính chị Hà, không dễ gì ngăn cản chị “đến hẹn lại lên”. Chị khăng khăng giữ lời hứa dù là hứa với một đứa bé. Chị quý bạn bè và được bạn bè quý mến cũng vì cái chí tình ấy.
“Thôi chị Hà ơi,” tôi gọi cho chị và nói, “chị ở nhà đi, đừng có đi đâu nữa. Chị hãy lo mà bảo trọng, mùa dịch vẫn chưa qua hẳn đâu.” Tôi nói thêm khi chị vẫn ngần ngừ, “Đừng lên Seattle nữa. Xin chị không phải băn khoăn, không khi này thì khi khác, ngày còn rộng tháng còn dài mà, lo gì.”
Tôi đoán chị thở ra được một hơi nhẹ nhõm vì có người nói thay cho mình.
“Làm gì mà còn ngày rộng tháng dài,” chị cười. “Quỹ thời gian đã gần cạn, sức khỏe lại bết bát thế này thì hứa hẹn gì với ai được nữa.”
Rồi chị nói sơ về chứng bệnh của mình. Để trấn an chị, tôi nói chị không phải lo lắng gì nhiều vì chứng này khá phổ biến. Nhiều người cứ bước chân đến bệnh viện, phòng mạch là số đo huyết áp lại tăng cao, về nhà thì chẳng có chuyện gì. Các bác sĩ gọi đấy là hội chứng “white coat hypertension”.
Tôi tìm đọc chị trong những ngày chị nằm im lìm trên giường bệnh. Chị viết về mọi đề tài, mọi góc cạnh, ngóc ngách của đời sống. Chị viết về cái tốt lẫn cái xấu, trong lúc vẫn tìm kiếm và tìm cho bằng được cái tốt trong mỗi con người. Chị khiến người đọc cảm thấy cuộc sống dù có thế nào đi nữa vẫn cứ đáng yêu, đáng sống.
Tôi đọc, vẫn cảm thấy như chưa bao giờ “đọc” hết, hiểu hết được về chị. Chị sâu sắc, chị tinh tế. Ánh mắt chị trông hiền hòa mà cái nhìn thì xoáy sâu như đọc hết được những ý nghĩ trong đầu người khác.
Văn chị êm ả, nhẹ nhàng. Nụ cười chị cũng nhẹ nhàng, và giọng nói chị dịu dàng, mềm mại, lúc nào cũng gượng nhẹ tựa như giọng cô y tá nói với người bệnh. Tôi vẫn gọi đùa giọng chị là giọng “gây mê” hay giọng “thì thầm bên gối”.
Chị được nhiều người yêu, nhiều người ghét, như thể cuộc sống vốn là vậy. Chị nghĩ cho người khác nhiều hơn cho mình và dễ dàng chia sẻ những cảnh ngộ trái ngang, những phận người đen bạc, như thể cuộc đời chị buồn nhiều hơn vui.
Nhớ có lần tôi xúi chị Hà, “Chị viết tự truyện đi. Nhiều người muốn đọc chị lắm.”
“Không ai thích đọc những câu chuyện buồn,” chị nói. “Nếu không mang đến được niềm vui cho người khác thì cũng chẳng nên gieo rắc nỗi buồn.”
Chị Hà là vậy, là nén chặt nỗi đau, là giấu kín nỗi buồn.
Trong một email gửi tôi gần đây nhất, chị nói muốn tìm đọc hai truyện cổ tích, Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ và Con Chồn Tinh Quái của Linh Bảo, hai tên truyện mà tôi nhắc đến trong cuộc chuyện trò giữa anh em chúng tôi về hai nhà văn tên tuổi này. Tôi gửi chị cái link để vào đọc trong một trang web và nói, “Những truyện ấy không chỉ là chuyện cổ tích; hoặc, là những chuyện cổ tích cho cả trẻ em và người lớn.” Có ai ngờ đến tuổi này chị lại muốn tìm về những “ngày xửa, ngày xưa” êm đềm trong khu vườn cổ tích.
Đọc chị, tôi đặc biệt yêu thích những bài chị viết về Huế, là địa danh mà một phần đời của chị còn gửi lại nơi chốn ấy, về người mẹ một đời nhục nhằn, tần tảo vì con, và về cái chết. Chị viết về Huế, về Mẹ bao giờ cũng với tình yêu xót xa, buồn bã, đọc muốn chảy nước mắt. Chị viết về cái chết, thường là của những người thân yêu, bao giờ cũng mang một triết lý bàng bạc.
Có một câu hát trong bài nhạc nào đó chị rất thích và thường trích dẫn, “Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò, nằm chết như mơ”. Có lẽ chị cũng mong được vậy, và chị đã được vậy… Buổi sáng, chị gửi ra một email vui vui cho nhóm bạn hữu với những câu nói đùa ý nhị. Buổi trưa, chị đã nằm im lìm trong nhà thương, và từ đó chị chìm sâu vào giấc ngủ thật dài. Không phải “thật tình cờ”, không phải “chẳng hẹn hò”, không phải “nằm chết như mơ” sao?
Có một câu nói của chị tôi rất thích và muốn đưa vào đây, “Khi trái tim chúng ta đầy chật thương yêu, không một thứ gì khác có thể len vào được nữa.”(1)
Câu ấy có thể gọi là “danh ngôn” của chị. Chị đã sống như thế, hay ít ra chị cũng đã muốn sống như thế, sống bằng trái tim đầy chật thương yêu.
Sau cùng, tuy chỉ được quen biết chị khoảng mười năm trở lại đây, tôi vẫn không thể không cám ơn chị đã cho tôi mối giao tình tốt đẹp; hơn thế nữa, mối đồng cảm sâu sắc của những lần chia sẻ và cả những lời chị nói ra hay viết xuống như nói giúp tôi điều gì đó tôi vẫn canh cánh bên lòng.
“Tôi biết rằng nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi, cứ mỗi lần dự tang lễ tiễn đưa người thân yêu hay bạn bè, trong lòng luôn có chút hối tiếc về một điều gì đó thiếu sót chưa kịp bày tỏ, chưa kịp làm hay đã chểnh mảng không làm đối với người vừa nằm xuống, nay thì không còn cách nào sửa chữa hay cứu vãn được nữa.”(2)
Quả đúng như chị nói, trong đời tôi vẫn có lắm thiếu sót, có nhiều lầm lỗi. Trong số ấy có những lỗi lầm có thể sửa chữa được hay rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn về sau, thế nhưng thật không may là có những lỗi lầm chỉ đến có một lần, không còn có cơ hội nào để mà sửa chữa nữa đã khiến tôi phải ray rứt và hối tiếc mãi cho đến cuối đời.
Thật may là tôi không có điều gì hối tiếc hay băn khoăn chưa kịp nói với chị. Cũng như chị, giờ đây chị không còn phải băn khoăn về chỉ số huyết áp lên xuống bất thường hay về chuyến đi Seattle như một cuộc hẹn, một lời hứa mà chị đã không thực hiện được.
Chị Bùi Bích Hà, tôi biết chắc rằng chị không còn phải băn khoăn về bất cứ điều gì nữa. Tôi cũng biết chắc rằng chị ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàng vì hơn bao giờ hết, đúng như chị nói, “Không một thứ gì khác có thể len vào được nữa.”
Lê Hữu
(1) “Tại sao?”, tùy bút Bùi Bích Hà(2) “Đi qua đời nhau”, tùy bút Bùi Bích Hà