Tin thế sáng thứ Năm

Pegasus : Điện thoại của tổng thống Pháp có thể đã bị Maroc nghe lén

Thụy My

image.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang gọi điện thoại tại thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/07/2020. AP – John Thys

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị nước ngoài nghe lén điện thoại ? Câu hỏi này được đặt ra sau khi báo chí đưa tin nguyên thủ Pháp và nhiều thành viên nội các nằm trong danh sách các mục tiêu tiềm tàng của phần mềm gián điệp Pegasus – được một số Nhà nước sử dụng để theo dõi các nhân vật quan trọng.

Nhật báo Le Monde và Radio France – nằm trong nhóm 17 cơ quan truyền thông được tham khảo danh sách do mạng lưới nhà báo Forbidden Stories và tổ chức phi chính phủ Amnesty International cung cấp – hôm qua, 20/07/2021, đã tiết lộ thông tin nói trên.

Cụ thể, một trong những số điện thoại của tổng thống Macron nằm trong danh sách những đối tượng có thể bị theo dõi, nghe lén. Đồng thời, số điện thoại của cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe và 14 thành viên chính phủ cũng « nằm trong danh sách các số được một cơ quan an ninh của Nhà nước Maroc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus chọn lựa, có thể là để theo dõi ». Giám đốc Forbidden Stories, ông Laurent Richard giải thích trên kênh LCI, tất nhiên là không thể kiểm tra kỹ thuật trên điện thoại của tổng thống để xem có bị Pegasus xâm nhập hay không, nhưng ít nhất cũng cho thấy phía Maroc đã có ý định nghe lén.

Trả lời AFP, điện Elysée cho biết : « Nếu việc này được chứng minh, thì rõ ràng rất nghiêm trọng, tiết lộ của báo chí sẽ được làm rõ ». Phía vương quốc Maroc phủ nhận liên can trong vụ gián điệp này.

Le Monde và Radio France cho hay, vào thời điểm những con số này được chọn ra, ngoài thủ tướng Edouard Philippe và vợ, trong danh sách còn có các bộ trưởng quan trọng như ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner, các bộ trưởng Kinh Tế Tài Chính, chủ tịch Quốc Hội, các chính khách thuộc nhiều đảng khác nhau.

Một quốc vương, 3 tổng thống, 7 thủ tướng trong danh sách
Không chỉ các thành viên chính phủ Pháp mà theo Radio France, quốc vương Maroc Mohammed VI cùng với những người thân cận cũng « nằm trong danh sách các mục tiêu tiềm tàng » ; và theo Washington Post, còn có cả tổng thống Irak (Barham Saleh), tổng thống Nam Phi (Cyril Ramaphosa). Tổng cộng vào lúc danh sách được lập ra có bảy thủ tướng, trong đó có ba thủ tướng hiện vẫn đương nhiệm của Pakistan (Imran Khan), Ai Cập (Mostafa Madbouli), Maroc (Madbouli Saad-Eddine El Othmani).

Forbidden Stories và Amnesty International nắm trong tay 50.000 số điện thoại, được các khách hàng của công ty Israel NSO (bán phần mềm Pegasus) chọn lựa để theo dõi từ năm 2016, và đã chia sẻ cho nhóm 17 cơ quan thông tấn quốc tế. Sự kiện được tiết lộ hôm Chủ nhật 18/07.

Trước khi tin tổng thống Emmanuel Macron có thể bị nghe lén điện thoại được đưa ra, tư pháp Pháp hôm qua 20/07 đã mở điều tra theo đơn kiện của các nhà báo bị Maroc theo dõi nhờ phần mềm Pegasus. Thủ tướng Pháp Jean Castex nói rằng hiện thời cuộc điều tra chưa đạt được kết quả.

Tổng thống Pháp thường xuyên sử dụng điện thoại, coi đó là phương tiện để làm việc, điều hành đất nước ; có thể thấy hai chiếc iPhone được đặt cạnh Emmanuel Macron trong bức chân dung chính thức của ông.

Mỹ, Nhật, Hàn đối thoại an ninh : Bình Nhưỡng, Bắc Kinh trong tầm ngắm

Thụy My

image.png
Thứ trưởng Ngoại Giao Nhật Takeo Mori (G), cùng đồng nhiệm Hàn Quốc Takeo Mori (T) và Hoa Kỳ Wendy Sherman chụp ảnh chung trước khi bước vào hội đàm ba bên, Tokyo, Nhật, ngày 21/07/2021. REUTERS – POOL

Các nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm nay 21/07/2021  bắt đầu cuộc họp về các vấn đề an ninh khu vực, chủ yếu về việc hợp tác chặt chẽ hơn nhằm buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử. Bên cạnh đó các bên còn quan tâm đến sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hãng tin Kyodo cho biết tham dự hội nghị tại Tokyo, có thứ trưởng Ngoại Giao Nhật Takeo Mori và các đồng nhiệm Mỹ Wendy Sherman, Hàn Quốc Choi Jong Kun.

Chính quyền Joe Biden coi hợp tác ba bên là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy an ninh ở châu Á, hy vọng cải thiện được quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng ở châu Á là Tokyo và Seoul, vốn đang ở mức thấp nhất, do các vấn đề lịch sử từ thời quân Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

Cuộc đối thoại diễn ra sau hội nghị song phương Mỹ- Nhật hôm qua, trong đó hai bên đều chia sẻ mối quan ngại trước các hành động đơn phương ngày càng gia tăng của Trung Quốc, muốn dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng tại khu vực.

Bắc Kinh yêu sách chủ quyền tại phần lớn Biển Đông, quân sự hóa các đảo nhân tạo khiến các láng giềng lo sợ, và Trung Quốc thường xuyên gởi các tàu đến quấy nhiễu khu vực quần đảo Senkaku đang do Nhật kiểm soát. Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Ngoài ra, hội nghị còn đề cập đến hồ sơ công dân Nhật Bản và Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Tháng trước khi gặp gỡ tại Seoul, các đặc phái viên Mỹ, Nhật, Hàn đã tái khẳng định sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, thông qua việc sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.

Reuters dẫn tuyên bố hôm nay của thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman sau cuộc họp, coi sự hợp tác chặt chẽ giữa ba bên « gởi đi một thông điệp rất quan trọng đến Bắc Triều Tiên », là Mỹ – Nhật -Hàn cùng đoàn kết trong hồ sơ này.

Từ khi ông Joe Biden lên kế nhiệm ông Donald Trump, Bắc Triều Tiên liên tục làm ngơ trước những lời kêu gọi đối thoại của Washington.

Pháp triển khai hệ thống cảnh báo mới chống tội phạm mạng

Thu Hằng

image.png
Quốc vụ khanh Pháp về Chuyển đổi Công nghệ số Cedric O trong một cuộc họp báo tại Paris, ngày 22/10/2020. AP – Ludovic Marin

Pháp muốn bảo vệ các công ty vừa và nhỏ trước nguy cơ tin tặc ngày càng gia tăng trên thế giới. Ngày 20/07/2021, quốc vụ khanh Cédric O đặc trách Chuyển đổi Công nghệ số đã khởi động một hệ thống cảnh báo mới trong trường hợp xảy ra sự cố mạng lớn.

Theo chính phủ Pháp, biện pháp được đưa ra nhằm tránh để các doanh nghiệp phải « đơn thương độc mã » đối phó với tin tặc. Cụ thể, khi phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật hay một mối đe dọa tin tặc, hệ thống cảnh báo quốc gia  (do Cybermalveillance.gouv.fr và Anssi quản lý) sẽ ra thông báo « ngắn gọn và dễ hiểu » miêu tả những nguy cơ được phát hiện, danh sách các hệ thống liên quan và những biện pháp cần áp dụng.

Thông báo sẽ được gửi đến các tổ chức, ngành nghề liên quan nhanh nhất có thể nhằm giúp các lãnh đạo doanh nghiệp đề cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng chống.

Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp Pháp thường xuyên bị tin tặc trong thời gian vừa qua, mà một trong những nguyên nhân là cuộc khủng hoảng dịch tễ. Theo ông Christian Poyau, đồng chủ tịch Ủy Ban Chuyển đổi Công nghệ của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF, gần một nửa doanh nghiệp Pháp từng là nạn nhân của tin tặc, « ở quy mô doanh nghiệp lớn, đã có hơn 2.000 vụ tấn công ».

Còn theo Anssi (Cơ quan An ninh Hệ thống Thông tin Quốc gia Pháp), số vụ tấn công tin học năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2019 và buộc chính phủ Pháp phải triển khai kế hoạch trị giá 1 tỉ euro để đối phó với vấn nạn này.

Covid-19: Quốc hội Pháp thảo luận dự luật mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế

Thanh Phương

image.png
Thủ tướng Pháp Jean Castex (P) và phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal trong phiên họp của Quốc Hội, Paris, ngày 20/07/2021. REUTERS – PASCAL ROSSIGNOL

Hôm 21/07/2021, dự luật mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế được đưa ra Quốc Hội để thảo luận, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid mới tại Pháp tăng vọt do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Dự luật nhằm cụ thể hóa những thông báo của tổng thống Emmanuel Macron hôm 12/07, từ việc bắt buộc chích ngừa các nhân viên y tế, cho đến việc mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế (chứng nhận đã được chích ngừa hoàn toàn, xét nghiệm âm tính hoặc đã miễn nhiễm).

Theo dự kiến, văn bản này sẽ được các nghị sĩ biểu quyết vào cuối tuần, sau các cuộc tranh luận được dự báo là sẽ rất gay gắt giữa phe đối lập và chính phủ.

Kể từ hôm nay, giấy chứng nhận y tế được áp dụng đối với những nơi văn hóa hoặc giải trí (viện bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim…) tiếp đón từ 50 người trở lên. Nhưng công chúng vào những nơi này không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Sau đó kể từ đầu tháng 8, những ai vào các quán cà phê, nhà hàng, đi xe lửa đều phải trình chứng nhận y tế.

Hôm nay, tổng thống Macron lại triệu tập Hội đồng cố vấn dịch tể để cấp tốc ban hành các biện pháp mới chống dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mỗi ngày đang tăng vọt: Hôm qua đã có thêm 18.000 người bị nhiễm trong vòng 24 tiếng đồng hồ, theo số liệu của cơ quan Y tế Công cộng Pháp, tức là tăng 150% trong vòng một tuần, một mức tăng “chưa từng có”, theo lời bộ trưởng Y Tế Olivier Véran.

Chính quyền ở một số địa phương, như ở vùng Toulouse, đã quyết định bắt buộc người dân đeo khẩu trang trở lại khi ra ngoài.

Chính phủ Pháp lo ngại số ca nhiễm mới gia tăng, hiện tập trung ở giới trẻ, sẽ lan sang những người lớn tuổi hoặc dễ bị tổn thương mà hiện chưa được chích ngừa Covid-19, khiến cho số người nhập viện gia tăng.

Hôm nay, trên đài truyền hình TF1, thủ tướng Jean Castex thông báo mục tiêu mới của chính phủ là đạt được con số 50 triệu dân Pháp được chích ít nhất là liều vac-xin đầu tiên từ đây đến cuối tháng 8, chủ yếu là với việc mở thêm 5 triệu cuộc hẹn tiêm chủng trong 15 ngày tới để thêm 8 triệu người được chích mũi thứ nhất.

Việt Nam đạt được một thỏa thuận với Mỹ trong hồ sơ “thao túng tiền tệ”

Thu Hằng

image.png
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen trong phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng Viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 23/06/2021. REUTERS – POOL

Ngày 19/07/2021, Việt Nam và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến hồ sơ « thao túng tiền tệ ». Phía Việt Nam cam kết sẽ không cố tình giảm giá tiền « đồng » để được lợi về xuất khẩu và sẽ minh bạch hơn về chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Thông báo chung của bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen và thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đăng trên trang mạng của bộ Tài Chính Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến « những cuộc đàm phán mang tính xây dựng » trong những tháng gần đây.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ cho rằng những nỗ lực từ phía Việt Nam không chỉ đáp ứng các mối quan tâm của Hoa Kỳ mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa « sự phát triển, cũng như nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của thị trường tài chính Việt Nam ».

Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, trọng tâm chính sách tiền tệ là « thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát »« không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế ».

Thông cáo chung cũng khẳng định « Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác tin cậy với tình hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau ». Phía Việt Nam « sẽ tiếp tục duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước », theo phát biểu trong buổi họp báo ngày 20/07 của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng.

Việt Nam nhiều lần bị cáo buộc « thao túng tiền tệ » và bán phá giá một số mặt hàng (cao su, gỗ…) dưới thời tổng thống Donald Trump. Trong báo cáo vào tháng 12/2020 tại Quốc Hội, bộ Tài Chính Mỹ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ « trên quy mô lớn, nhiều hơn so với các giai đoạn trước, để ngăn tăng giá tiền đồng ». Đến tháng 04/2021, Việt Nam không còn nằm trong danh sách các nước « thao túng tiền tệ » nhưng vẫn bị cảnh cáo, cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan, là vượt ngưỡng được phép chiểu theo một đạo luật năm 2015.

Miến Điện lao đao với đợt dịch Covid thứ ba

Thụy My

image.png
Người dân địa phương xếp hàng chờ nạp ôxy vào bình vào lúc Covid-19 bùng phát mạnh tại Rangoon, Miến Điện, ngày 14/07/2021. REUTERS – STRINGER

Miến Điện đang phải đối phó một làn sóng dịch Covid mới với trên 5.000 ca dương tính mỗi ngày, trong khi hồi đầu tháng Năm chỉ khoảng 50 ca. Tổng cộng có 5.000 người đã chết vì đại dịch, một con số được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.

Tại đất nước đang hỗn loạn từ sau vụ đảo chính hôm 01/02, mọi phương tiện đều thiếu thốn, từ giường bệnh, bình ôxy cho đến xét nghiệm, vac-xin…Tất cả các bệnh viện đều do quân đội kiểm soát, đa số y bác sĩ phản đối bằng cách đình công nhưng vẫn tiếp tục chữa trị người bệnh một cách âm thầm. Trả lời thông tín viên Yelena Tomitch, một bác sĩ kêu gọi trợ giúp khẩn cấp :

« Chúng tôi mong có được sự hỗ trợ của nước ngoài vì tập đoàn quân sự đang bỏ mặc người dân. Chúng tôi cần ôxy, thuốc men, và tại một số vùng cần cả thực phẩm. Chính phủ trước đây quản lý tốt hai đợt dịch đầu tiên, và phục vụ nhu cầu y tế của phân nửa dân số. Dưới thời quân đội, chúng tôi không có đủ vac-xin. Tại các trung tâm cách ly chẳng có gì cả, không có giường nằm lẫn mền gối. Chính quyền quân sự không đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện về vật liệu và ôxy.

Tuần trước, hai trong số các bạn bác sĩ của tôi đang chữa trị cho bệnh nhân Covid đã bị quân đội bắt giữ. Tập đoàn quân sự đã câu lưu 5 bác sĩ ở Rangoon và 4 bác sĩ ở Mandalay. Tình hình rất tệ hại. Trong vài tuần nữa hoặc tháng tới, sẽ có rất nhiều bệnh nhân Covid tử vong vì chính quyền quân sự. Chúng tôi cần được trợ giúp, xin vui lòng giúp đỡ Miến Điện ! »

Ấn Độ : Số người chết vì Covid có thể cao gấp 10 con số chính thức

Một nghiên cứu do Center for Global Development có trụ sở tại Washington DC Hoa Kỳ và Luân Đôn Anh Quốc thực hiện cho thấy, số người chết tại Ấn Độ liên quan đến Covid có thể cao gấp 10 lần số liệu chính thức, lên đến 4 triệu người – trực tiếp hay gián tiếp. Báo cáo nhấn mạnh đây là thảm họa nhân đạo lớn nhất kể từ khi Ấn Độ độc lập.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo những lỗ hổng trong hệ thống y tế có thể dẫn đến cách biệt giữa số tử vong trên giấy tờ và trên thực tế. Những tuần lễ gần đây, nhiều bang đã chỉnh lại số liệu, tăng con số nạn nhân thiệt mạng.

Khảo sát: Đa số cho rằng cựu Tổng thống Trump xứng đáng được ghi công nhiều hơn cho chương trình chích ngừa COVID-19  

image.png

Đa số người dân Mỹ cho rằng, cựu Tổng thống Donald Trump xứng đáng được ghi công nhiều hơn cho việc triển khai vaccine COVID-19, theo một báo cáo thăm dò của Rasmussen được công bố hôm thứ Hai ngày 19/7.

Khi những người tham gia khảo sát được hỏi, “Ai xứng đáng được ghi công nhiều hơn cho chương trình tiêm chủng COVID-19, Tổng thống Biden hay cựu Tổng thống Trump?” 51% trong số họ đứng về phía Trump và 41% đứng về phía Biden.

Báo cáo khảo sát nhấn mạnh rằng, nhận thức về chương trình tiêm chủng bị chia rẽ rõ ràng theo các đường lối chính trị, với người tham gia không theo đảng phái nghiêng về cả hai bên.

“80% người được hỏi thuộc Đảng Cộng hòa nghĩ rằng ông Trump xứng đáng được ghi công hơn cho chương trình tiêm chủng COVID-19, cũng như 21% thành viên Đảng Dân chủ và 53% số người tham gia khảo sát không theo đảng phái” theo báo cáo. “71% thành viên Đảng Dân chủ tin rằng Biden xứng đáng được ghi công hơn đối với chương trình tiêm chủng COVID-19 trong khi chỉ 15% thành viên Đảng Cộng hòa và 32% người được hỏi không theo đảng phái đồng ý”, báo cáo cho biết.

Với câu hỏi: “Bạn có tán thành, hoặc tán thành một phần, hoặc không tán thành hoặc phản đối mạnh mẽ việc Tổng thống Biden xử lý đại dịch COVID-19”, 81% thành viên Đảng Dân chủ, 32% thành viên Đảng Cộng hòa và 52% thành viên không đảng phái chọn tán thành. Đa số thành viên Đảng Dân chủ – 57% – tán thành mạnh mẽ cách Biden đã xử lý đại dịch, nhưng con số này ở thành viên Đảng Cộng hòa chỉ là 15% và 25% người được hỏi không theo đảng phái.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào thứ Sáu ngày 16/7, Cựu phó Tổng thống Mike Pence nói với Breitbart News rằng, ông nhìn nhận việc chính quyền hiện tại ghi nhận công lao của chính quyền Trump về “Chiến dịch vaccine thần tốc” được ông Trump công bố vào tháng 5/2020 là không thỏa đáng. Chương trình “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã thúc đẩy sự phát triển vaccine COVID-19 và người Mỹ bắt đầu được tiêm vaccine vào tháng 12/2020.

Ít nhất một triệu mũi tiêm được thực hiện mỗi ngày trước thời điểm ông Trump và ông Pence mãn nhiệm. Ông Pence nói, ông tin rằng người Mỹ nói chung đều nhận thấy Tổng thống Biden đã lợi dụng đại dịch để làm chính trị.

“Thực tế là chính quyền Biden-Harris, người đã dành phần lớn thời gian của chiến dịch để nói về một loại  vaccine được phát triển dưới thời chính quyền Trump-Pence, nhưng lại bỏ qua những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm. Đây là điều đáng thất vọng nhưng không đáng ngạc nhiên”, ông Pence chia sẻ.

Ông Pence tiếp tục cho biết, ông chỉ thành thật tin rằng chính quyền Biden-Harris sẽ làm tốt việc ghi nhận công lao của chính quyền tiền nhiệm, trước tiên là vì người Mỹ và thứ hai là vì những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm để chứng minh tất cả những gì chính quyền tiền nhiệm đã hoàn thành khi đặt sức khỏe của người dân Mỹ lên hàng đầu trong đại dịch. Đó là sự trân trọng  đối với người dân Hoa Kỳ, là sự đổi mới của Hoa Kỳ và điều này đã giúp cuộc sống ở Hoa Kỳ và trên thế giới trở lại bình thường.

Nhìn chung, 72% thành viên Đảng Dân chủ cho biết, ông Biden đang làm tốt hơn ông Trump trong việc xử lý đại dịch, trong khi 61% thành viên Đảng Cộng hòa nhận định điều ngược lại. Người được hỏi không theo đảng phái lựa chọn 50% cho Trump và 50% cho Biden.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào ngày 13 – 14/7/ 2021 với mẫu 1.000 người Hoa Kỳ. Biên độ sai số lấy mẫu là +/- 3 điểm phần trăm với mức độ tin cậy 95%.

Nhà khoa học đoạt giải Nobel: Việc tiêm vaccine hàng loạt là một ‘sai lầm không thể chấp nhận’

Nhà virus học người Pháp và người từng nhận giải Nobel Y học 2008, Luc Montagnier tham dự một cuộc họp báo về vaccine và tiêm chủng, vào ngày 7/11/2017 tại Paris, khi chính phủ có kế hoạch thực hiện 11 loại vaccine bắt buộc cho trẻ nhỏ ở Pháp từ năm 2018

Theo tờ Life Site News đưa tin, nhà virus học người Pháp từng đoạt giải Nobel Y Sinh học vào năm 2018 là Giáo sư Luc Montagnier, mới đây đã gọi việc tiêm vaccine hàng loạt ngừa COVID-19 trong đại dịch là điều “không thể tưởng tượng được” và mắc một sai lầm mang tính lịch sử là “tạo ra các biến thể” dẫn đến các ca tử vong vì căn bệnh này.

Cụ thể, Giáo sư Montagnier nói trong một cuộc phỏng vấn do Quỹ RAIR của Hoa Kỳ dịch và xuất bản hôm 18/7 rằng: “Đó là một sai lầm to lớn, phải vậy không? Một sai sót khoa học cũng như một sai sót y tế. Đó là một sai lầm không thể chấp nhận được. Sử sách sẽ cho thấy điều đó, bởi vì chính việc tiêm chủng đang tạo ra các biến thể”.

Ông cho rằng, nhiều nhà dịch tễ học biết điều đó và họ “im lặng” trước vấn đề được gọi là “tăng cường phụ thuộc vào kháng thể”.

Trong một cuộc phỏng vấn với ông Pierre Barnérias đến từ Hold-Up Media vào đầu tháng này, Giáo sư Montagnier nói rằng: “Chính các kháng thể do virus tạo ra đã cho phép việc nhiễm trùng trở nên mạnh hơn”.

Mặc dù các biến thể của virus có thể xảy ra một cách tự nhiên, nhưng Giáo sư Montagnier cho rằng, việc tiêm chủng đang đẩy nhanh quá trình này. Ông đặt câu hỏi: “Virus làm gì? Nó chết đi hay tìm giải pháp khác? Rõ ràng là các biến thể mới được tạo ra bằng cách chọn lọc qua trung gian kháng thể do tiêm chủng”.

Nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học 2008 nói rằng, việc tiêm vắc-xin trong suốt một trận đại dịch là điều “không thể tưởng tượng được” và đang gây ra các ca tử vong. Ông nói: “Các biến thể mới là sản phẩm và kết quả từ việc tiêm chủng. Quý vị đã thấy điều đó ở mỗi quốc gia, nó giống nhau: Ở mỗi quốc gia, các ca tử vong đi theo sau các đợt tiêm chủng”.

Theo Life Site News, một video được đăng vào tuần trước trên YouTube, sử dụng dữ liệu từ Viện  cho thấy, đã có sự gia tăng đột biến số ca tử vong ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới sau khi việc tiêm chủng COVID được áp dụng, điều này đã khẳng định quan sát của Giáo sư Montagnier. Các bạn có thể thấy trong video đường màu đỏ biểu thị cho số ca tử vong hàng tuần trước khi tiêm vaccine, đường màu xanh biểu thị cho số ca tử vong hàng tuần sau khi tiêm vaccine, và đường màu đỏ đứt đoạn biểu thị cho số ca tử vong dự kiến.

Người phỏng vấn người Pháp chỉ ra dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, kể từ khi vaccine được giới thiệu vào tháng Giêng, tình trạng lây nhiễm mới đã “bùng nổ”, cùng với các trường hợp tử vong, “đặc biệt là ở những người trẻ tuổi”.

Giáo sư Montagnier nói thêm rằng, hiện ông đang tiến hành nghiên cứu với những người đã bị nhiễm coronavirus sau khi chủng ngừa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết vào hồi tháng Tư rằng, họ đã nhận được 5.800 báo cáo về các ca nhiễm COVID-19 “đột phá” (breakthrough) sau khi được tiêm chủng, bao gồm 396 người phải nhập viện và 74 bệnh nhân đã tử vong. 

Giáo sư Montagnier tuyên bố: “Tôi sẽ cho quý vị thấy rằng, họ đang tạo ra các biến thể kháng vaccine”.

Dân biểu Jim Jordan: Mục tiêu của Ủy ban 6/1 của Hạ viện là cuộc luận tội lần 3 đối với Tổng thống Trump

image.png

Dân biểu Jim Jordan, một thành viên Đảng Cộng hòa tiểu bang Ohio, vừa được bổ nhiệm vào Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện để điều tra các sự kiện trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 ở Điện Capitol. Ông đã lên tiếng rằng, tham gia vào ủy ban này không phải là một quyết định khó đối với ông.

Xuất hiện trong chương trình của Newsmax hôm thứ Hai vừa qua (19/7), Dân biểu Jordan cho biết: “Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã yêu cầu tôi phục vụ trong [Ủy ban] đó. Tôi muốn phục vụ vì chúng tôi biết đây là điều gì. Đây là vòng luận tội lần 3. Điều này là để truy đuổi Tổng thống Trump, và tôi không thẳng thắn đổ lỗi cho Đảng Dân chủ vì đã làm điều này, vì họ [mong] được điều gì khác [ngoài điều này] chứ?”.

Khi đề cập đến những công việc mà Đảng Dân chủ nên làm, Dân biểu Jordan cho rằng, họ nên nói về việc giá cả đang gia tăng trên khắp cả nước như thế nào, về vấn đề tội phạm gia tăng ở các thành phố, hay về cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam đất nước. 

Ông nói: “Chúng ta đã có một số lượng kỷ lục những người nhập cư bất hợp pháp tràn qua biên giới của chúng ta vào tháng Ba. Nhưng rồi điều đó đã bị phá vỡ bởi con số kỷ lục vào tháng Tư, và tất nhiên, [nó lại tiếp tục] bị phá vỡ bởi con số kỷ lục vào tháng Năm, và tất nhiên, sau đó lại bị phá vỡ bởi con số kỷ lục vào tháng Sáu”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Đó là [để thấy] tình hình hiện nay đang điên rồ như thế nào, vậy nên họ không thể nói về bất kỳ vấn đề nào trong số đó. Vậy họ định làm gì? Vẫn là câu chuyện cũ, truy đuổi Tổng thống Trump, người từng là tổng thống thành công nhất trong cuộc đời của chúng ta”.

Dân biểu Jordan là 1 trong 5 thành viên Đảng Cộng hòa được Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy bổ nhiệm vào ủy ban ngày 6/1. 

Bốn thành viên Cộng hòa khác bao gồm: Dân biểu Jim Banks của tiểu bang Indiana, Dân biểu Rodney Davis của tiểu bang Illinois, Dân biểu Kelly Armstrong của tiểu bang North Dakota, và Dân biểu Troy Nehls của tiểu bang Texas.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã kiên quyết thúc đẩy để thành lập ủy ban ngày 6/1 bất chấp sự từ chối của Đảng Cộng hòa. Sau khi việc thành lập ủy ban được thông qua tại Hạ viện hôm 30/6, vào ngày 1/7, bà Pelosi đã bổ nhiệm 7 Dân biểu đảng Dân chủ cùng Dân biểu đảng Cộng hòa duy nhất là bà Liz Cheney vào phục vụ cho Ủy ban mới này. Theo CNN đưa tin vào hôm thứ Hai vừa qua, bà Pelosi có quyền phủ quyết đối với 5 Dân biểu Cộng hòa mà ông McCarthy muốn bổ nhiệm vào Ủy ban này.

Bình luận về khả năng này, ông McCarthy đã nói với các phóng viên rằng: “Bạn đã có sự kết hợp từ toàn bộ hội nghị, từ những người phản đối, những người không phản đối. … Bạn có những người đã thúc đẩy việc thành lập ủy ban này. Như vậy, bạn đã có một mô hình thu nhỏ của hội nghị”.

Còn Dân biểu Jordan của tiểu bang Ohio nói rằng, ông sẽ phục vụ trong ủy ban và lắng nghe sự thật. Ông cũng cho biết rằng ông sẽ chỉ ra tiêu chuẩn kép thường được Đảng Dân chủ áp dụng khi họ ở đầu bên kia của vấn đề. 

Ông Jordan nói: “Tôi đoán quy tắc [của Ủy bang này] là chỉ đảng Dân chủ mới có thể phản đối bất kỳ hình thức bầu cử nào và nêu lên bất kỳ mối lo ngại nào về một cuộc bầu cử. Khi chúng tôi làm tất cả những điều đó bằng cách nào đó thì bị cho là thật kinh khủng, nhưng họ thì có thể làm được. Không vấn đề gì cả”.

Ông nhấn mạnh: “Vì vậy, một lần nữa, [nó là] tiêu chuẩn kép. Chúng tôi chắc chắn sẽ chỉ ra điều đó, không kể đến một thực tế là trong suốt mùa hè năm 2020, họ đã gọi tất cả những vụ việc khủng khiếp xảy ra nhằm chống lại cơ quan thực thi pháp luật, các chủ doanh nghiệp nhỏ và công dân Mỹ là những cuộc biểu tình ôn hòa (ý chỉ những gì mà Black Lives Matter gây ra). Họ nói về việc cắt giảm ngân sách dành cho cảnh sát. Họ thực sự đã cắt giảm ngân sách dành cho cảnh sát, và họ đã cứu trợ chính những người đang tạo ra tình trạng hỗn loạn trên đường phố của chúng ta”.

Mike Pompeo: ‘Nước Mỹ cần lãnh đạo thế giới’ để chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Hoa Kỳ cần giúp chấm dứt cuộc bức hại “khủng khiếp” của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công để các học viên có thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói nhân dịp kỷ niệm 22 năm chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo của Bắc Kinh.

Ông Pompeo nói chuyện với NTD, một kênh truyền thông của Tập đoàn The Epoch Times, vào đêm trước ngày kỷ niệm 22 năm cuộc đàn áp.

“Đối với Pháp Luân Công, việc mất tự do tôn giáo ở Trung Quốc diễn ra thật kinh khủng, thật bi thảm. Vấn đề này đã diễn ra quá lâu và Mỹ cần dẫn đầu thế giới để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công”.

Pháp Luân Công, một môn thiền định đề cao các giá trị “Chân-Thiện-Nhẫn”, được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên ở miền Bắc Trung Quốc vào năm 1992. Ngay lập tức, Pháp Luân công giành được sự thu hút rộng rãi của công chúng Trung Quốc vì những lợi ích sức khỏe của nó. Tuy nhiên, khiếp sợ bởi sự phổ biến nhanh chóng của Pháp Luân Công, ngày 20/7/1999, ĐCSTQ đã phát động chiến dịch tiêu diệt nhắm vào Pháp Luân Công.

Toàn bộ bộ máy nhà nước đã chống lại các học viên Pháp Luân Công, mà theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người.

Trong hơn hai thập kỷ qua, học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu giam cầm kéo dài, lao động khổ sai, tra tấn, ngược đãi tinh thần, lạm dụng tình dục và cưỡng bức mổ cướp nội tạng vì kiên định vào đức tin của họ.

Trước thềm lễ kỷ niệm 22 năm ngày bức hại Pháp Luân công 20 /7, Liên minh quốc tế gồm các chính trị gia từ 20 quốc gia và ít nhất 15 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ban hành thư, tuyên bố hoặc thông điệp video ủng hộ các học viên của bộ môn này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi ĐCSTQ “chấm dứt ngay lập tức” chiến dịch đàn áp kéo dài của mình và trả tự do cho tất cả những người đang bị bỏ tù.

Dân biểu Vicky Hartzler cho biết: “Việc bỏ tù và đối xử với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là vô lương tri và đó thực sự là một sự vi phạm nhân quyền ở cấp độ cao nhất.

Về tội cưỡng bức mổ cướp nội tạng, bà Hartzler nhấn mạnh rằng, nghị quyết của Hạ viện năm 2016 (H.Res. 343) lên án hành vi rùng rợn này là “một bước đi đúng hướng”. Bà kêu gọi ban hành nhiều nghị quyết hơn nữ về vấn đề này. Nữ nghị sĩ là một trong 17 nhà lập pháp đã tài trợ cho Đạo luật Ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng năm 2021 (H.R. 1591).

“Không thể tưởng tượng có tội ác nào tồi tệ hơn như thế nữa”, Hạ nghị sĩ Steve Chabot viết trong một bức thư đề cập đến việc mổ cướp nội tạng. “Tội ác khôn lường này đòi hỏi trả lại công lý cho vô số nạn nhân đã bị ĐCSTQ đàn áp”.

Ngày 20 /7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio ra một tuyên bố “để tưởng nhớ các nạn nhân đã ngã xuống” trong cuộc bức hại Pháp Luân Công đang còn tiếp diễn ở Trung Quốc.

“ĐCSTQ đã giam giữ các học viên Pháp Luân Công, có rất nhiều trường hợp bị giam giữ không chỉ một lần, trong các trung tâm ‘chuyển hóa thông qua cải tạo giáo dục’— một phiên bản tương tự trung tậm đào tạo nghề hàng loạt và các hành vi diệt chủng đang diễn ra chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương”, ông nói.

Theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ để ghi lại cuộc bức hại, cuộc đàn áp vẫn đang tiếp tục không suy giảm trong bối cảnh đại dịch xảy ra, với gần 9.500 học viên bị cảnh sát sách nhiễu, bắt giữ hoặc truy quét trong nửa năm qua.

Cuộc đàn áp đã gây ảnh hưởng đến tinh thần của những người còn thân nhân ở Trung Quốc.

Đã nhiều tháng qua, ông Zhou Deyong bị giam giữ ở tỉnh Sơn Đông thuộc miền Đông Trung Quốc. Vợ và con trai của ông sống ở Florida. Ông Zhou bị buộc tội “phá hoại việc thực thi pháp luật” sau khi cảnh sát ập vào nhà ông và tìm thấy sách Pháp Luân Công của vợ ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công.

Bà Deng Cuiping ở tỉnh Vân Nam là mẹ của một cư dân Florida khác. Bà bị bắt năm 2016 cùng với bốn học viên khác vì chia sẻ tài liệu thông tin về cuộc bức hại. Bà Deng từng bị bỏ tù 3 năm và bị sa thải khỏi trường tiểu học nơi bà làm việc, hiện đang thụ án sáu năm sau khi bị giữ tám tháng không xét xử.

“Mẹ tôi và bao học viên Pháp Luân Công khác đều là những người rất chân thành và tốt bụng. Họ không bao giờ làm tổn thương ai. Tại sao họ phải từ bỏ sáu năm cuộc đời hoặc lâu hơn nữa chỉ vì kiên định với lương tâm và đức tin của mình”? Con gái của bà Deng, Iris Lu Wanqing, một nhân viên kế toán ở Temple Terrace, Florida, nói với The Epoch Times năm 2019.

Nhiều nhà lập pháp cũng nêu bật các giá trị cốt lõi được thúc đẩy bởi thực hành tu luyện Pháp Luân Công. Trong một tuyên bố của quốc hội nhằm “tôn vinh môn tu luyện hòa bình Pháp Luân Đại Pháp”, Dân biểu Sean Patrick Maloney nói, giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp “kết nối các nền văn hóa, quốc gia, chủng tộc, giới tính và tuổi tác, góp phần nâng cao sức khỏe và sự hài hòa của xã hội”.

“Thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ hòa bình hơn nếu chúng ta hướng tới những giá trị đó trong cuộc sống hàng ngày của mình”, Hạ nghị sĩ Dean Phillips nói.

Dân biểu Gus Bilirakis, người đã viết thư cho chính quyền Bắc Kinh liên quan đến hoàn cảnh của ông Zhou, cho biết ông có kế hoạch đưa ra một nghị quyết khác để “nêu bật bản chất đặc biệt nghiêm trọng” của chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công.

“Trước những vi phạm này, nếu chúng ta im lặng, thì chúng ta đã bỏ qua một vấn đề đạo đức căn bản. Làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho xã hội dân sự,” ông phát biểu trong một clip được ghi âm trước.

Pháp thành lập mạng lưới cảnh sát biển để đối phó với Trung Quốc?

image.png

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng của mình trên biển, trong đó bao gồm các hoạt động đánh bắt trái phép. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 19/7 rằng, Pháp và các nước Nam Thái Bình Dương sẽ kích hoạt “Mạng lưới Cảnh sát biển Nam Thái Bình Dương” để chống lại nạn đánh bắt trái phép mang “tính cướp đoạt”.

Mặc dù các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương có diện tích khá nhỏ, nhưng lại sở hữu nguồn tài nguyên biển rất phong phú và rồi rào, do đó được gọi là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Chuỗi các hòn đảo này tạo thành một đường biên giới lớn mạnh giữa Châu Mỹ và Châu Á.

Hoa Kỳ và các nước đồng minh bao gồm Pháp, Nhật Bản, Úc và New Zealand đang tích cực mở rộng các hoạt động của họ ở Thái Bình Dương, nhằm chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ.

Hôm thứ Hai (19/7), Tổng thống Pháp Macron đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Pháp – Châu Đại Dương lần thứ năm tại Điện Elysee ở Paris, Pháp. Tham gia Hội nghị gồm có các nhà lãnh đạo của Úc, Quần đảo Marshall, Papua New Guinea, cùng đại diện của New Zealand và các quốc gia Thái Bình Dương khác. Họ thảo luận về cách đối phó với hoạt động đánh bắt mang tính “cướp đoạt” của ĐCSTQ.

Ông Macron nói, “Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của việc cướp đoạt”. (Do đó,) Tôi muốn thúc đẩy việc hợp tác hàng hải của chúng ta ở Nam Thái Bình Dương để ứng phó tốt hơn (với các hành vi đánh bắt mang tính cướp đoạt)”.

Pháp có các lãnh thổ hải đảo ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm đảo Reunion ở Ấn Độ Dương và Polynesia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương. Pháp cũng tăng cường quan hệ quốc phòng với Úc và Ấn Độ để đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của ĐCSTQ ở khu vực này.

Ông Macron nói: “Chúng tôi sẽ khởi động ‘Mạng lưới Cảnh sát biển Nam Thái Bình Dương’ và xoay quanh ba mục tiêu chính: chia sẻ thông tin, hợp tác nghiệp vụ và đào tạo”.

Related posts