Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Diễn đàn ARF: Mỹ-Nhật tỏ quan ngại về Biển Đông và vũ khí hạt nhân Trung Quốc

Thanh Phương

image.png
Cờ của các thành viên hiệp hội ASEAN. REUTERS – WILLY KURNIAWAN

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ( ARF ), diễn ra trực tuyến hôm qua, 06/08/20221, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Cuộc họp của ARF, bao gồm 27 thành viên, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, được tổ chức dưới sự chủ tọa của Brunei, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, tại diễn đàn, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt thái độ gây hấn trên Biển Đông », đồng thời bày tỏ mối quan ngại về các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và cũng như ở Hồng Kông và Tây Tạng.

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ còn bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự phát triển nhanh chóng của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc, nhấn mạnh là Bắc Kinh “đã đi chệch hướng rất xa” khỏi chiến lược hạt nhân đã có từ nhiều thập niên, đó là chiến lược dựa trên ngăn chận phòng thủ.

Về phía Nhật Bản, theo hãng tin Kyodo, trích thông báo của bộ Ngoại Giao nước này, ngoại trưởng Toshimitsu Motegi tuyên bố tại ARF rằng ông muốn cùng với các nước khác khuyến khích Trung Quốc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của một cường quốc hạt nhân. Ông kêu gọi Bắc Kinh tiến hành đối thoại song phương với Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí.

Về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, ngoại trưởng Nhật Motegi ghi nhận là những mưu toan đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực “ đang tiếp diễn và gia tăng” tại hai vùng biển này, ngầm chỉ trích Bắc Kinh về những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ. Ông Motegi tuyên bố:” Nhật cực lực chống lại điều đó”.

Cũng theo Kyodo, trích thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đáp lại các tuyên bố nói trên của hai ngoại trưởng Mỹ, Nhật, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định “sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định” ở vùng Biển Đông. Ông Vương Nghị kêu gọi các nước trong khu vực chống lại việc “lạm dụng” quyền tự do hàng hải, chủ yếu ám chỉ các cuộc tuần tra của các chiến hạm Mỹ ở Biển Đông nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này.

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, phát biểu tại ARF, một trong những diễn đàn an ninh hiếm hoi có sự tham dự của Bắc Triều Tiên, cùng với đại diện các nước khác, ngoại trưởng Blinken đã kêu gọi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ARF thúc ép tập đoàn quân sự Miến Điện chấm dứt bạo lực đối với người dân nước này.

Cũng về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Nhật Motegi bày tỏ hy vọng là Bình Nhưỡng và Washington sẽ nối lại đối thoại, đồng thời nhắc lại là thủ tướng Yoshihide Suga vẫn muốn gặp trực tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un mà không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào.

Nhưng theo Tân Hoa Xã, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu quốc tế trước hết nên giảm nhẹ các trừng phạt Bắc Triều Tiên để tạo một sự đột phá trong hồ sơ này.

Quân đội Mỹ đang thử nghiệm AI có thể dự đoán các sự kiện sắp xảy ra

Quân đội Mỹ đang thử nghiệm các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến mà Lầu Năm Góc cho rằng chúng sẽ cho phép họ dự đoán trước nhiều ngày các sự kiện lớn có thể xảy ra.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 28/7, Tướng Glen D. VanHerck, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phòng thủ Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ, đã phát biểu trước đám đông phóng viên và tiết lộ rằng các cuộc thử nghiệm đang diễn ra nhằm cải thiện việc quân đội sử dụng dữ liệu để ra quyết định quan trọng.

Sáng kiến được gọi là “Thử nghiệm Thống trị Thông tin Toàn cầu” (GIDE) mà VanHerck đã nói đang cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn.

GIDE được thiết kế để truy cập thông tin thời gian thực hỗ trợ các nhà lãnh đạo quân sự chuẩn bị cho hành động của kẻ thù và có khả năng ngăn chặn xung đột trước khi nó bắt đầu bùng phát.

‘Kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược mới và đổi mới’

VanHerck đã tuyên bố trong cuộc họp báo: “Hiện tại, những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt và tốc độ thay đổi của môi trường địa chiến lược tiếp tục tăng với tốc độ thực sự đáng báo động. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới và đổi mới, và lần này, chúng ta đang phải đối mặt với hai đối thủ ngang hàng, đều được trang bị vũ khí hạt nhân, đang cạnh tranh với chúng ta hàng ngày”.

Mặc dù VanHerck từ chối nêu tên hai “đối thủ ngang hàng”, các quốc gia mà ông đang đề cập đến rất có thể là Nga và Trung Quốc.

Mục tiêu của các thử nghiệm GIDE là để “vượt mặt” các đối thủ cạnh tranh bằng cách tăng tốc nỗ lực chuyển đổi văn hóa. Các yếu tố trong phòng thủ đất nước sẽ thay đổi để bao gồm “mọi chiến lược, mọi kế hoạch, việc quản lý lực lượng, việc quyết định thiết kế lực lượng, cũng như các khía cạnh của việc mua lại và ngân sách để chúng tôi có thể răn đe trong cạnh tranh, giảm leo thang trong khủng hoảng và nếu cần, có thể đánh bại trong xung đột”, VanHerck nói.

VanHerck khẳng định rằng học máy và AI có thể phát hiện những thay đổi trong các thông số đã theo dõi, sau đó chúng sẽ kích hoạt cảnh báo cho quân đội thông tin cho phép họ tập trung vào một địa điểm cụ thể, chẳng hạn như kênh đào Panama.

VanHerck cho biết thêm rằng: “Khả năng nhìn thấy tình huống trước nhiều ngày tạo ra không gian quyết định. Không gian quyết định đối với tôi với tư cách là chỉ huy tác chiến [cho phép chúng tôi] có khả năng bố trí các lực lượng [hoặc] để tạo ra các phương án răn đe để cung cấp cho bộ trưởng hoặc thậm chí tổng thống”.

11 đơn vị chỉ huy Hoa Kỳ tham gia

Cuộc thử nghiệm do Lầu Năm Góc tiến hành đã chứng kiến 11 đơn vị chỉ huy của Mỹ mô phỏng việc tiếp quản các địa điểm quan trọng như kênh đào Panama.

Vanherck tuyên bố rằng trong một hoạt động mô phỏng, dữ liệu thu được từ các cảm biến khác nhau cả quân sự và dân sự, trải rộng trên các khoảng cách rộng lớn, được đưa vào một mô hình trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện các mẫu và đưa ra cảnh báo khi phát hiện các dấu hiệu như tàu ngầm chuẩn bị rời cảng.

Biết được những gì đối thủ đang làm trước khi họ làm điều đó tạo ra thời gian để xem xét các chiến lược và lập kế hoạch trong một kịch bản xung đột, điều này là vô giá và có khả năng tạo cơ hội để tránh xung đột chết người trước khi nó có cơ hội xuất hiện.

VanHerck nhấn mạnh rằng tất cả thông tin được sử dụng để cung cấp cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo đã tồn tại; nó chỉ đơn giản là được sử dụng theo một cách rất khác.

Ông nói thêm: “Hãy nhớ rằng đó không phải là thông tin mới… Và tất cả những gì chúng tôi đang làm là lấy và chia sẻ nó và làm cho nó có sẵn sớm hơn. Vì vậy, những người ra quyết định chính của chúng tôi sẽ có các lựa chọn thay vì phản ứng trong trường hợp họ có thể bị buộc phải thực hiện một số loại lựa chọn leo thang”.

Sự phát triển của các công cụ tự động hóa trong chiến tranh làm dấy lên lo ngại

Sử dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp thông tin tốt hơn cho các quyết định quân sự là mục tiêu chính của Lầu Năm Góc, đặc biệt là khi các đối thủ leo thang sử dụng công nghệ mới nổi. Tuy nhiên, sự phát triển của các công cụ tự động hóa trong chiến tranh đang làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng giữa nhiều nhóm vận động.

Các thí nghiệm GIDE được thực hiện với nhiều nhóm khác trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và làm việc trong các dự án bao gồm cả Dự án Maven khét tiếng.

Dự án Maven đã gây ra tranh cãi vào năm 2018 khi các nhân viên của Google phản đối việc công ty tham gia vào thử nghiệm chiến tranh. Vào thời điểm đó, Google đã ký hợp đồng hỗ trợ phát triển công nghệ đằng sau Dự án Maven.

Dự án Maven là một dự án của Lầu Năm Góc sử dụng tài năng học máy và kỹ thuật để phân biệt người và vật thông qua các video bằng máy bay không người lái.

VanHerck rất muốn giải quyết những lo ngại về việc sử dụng tự động hóa trong chiến tranh khi nói rằng “Con người vẫn đưa ra tất cả các quyết định trong những gì tôi đang nói đến” và rằng, “Chúng tôi không có bất kỳ máy móc nào đưa ra quyết định”.

Các khả năng công nghệ được thử nghiệm trong GIDE đã có sẵn và sẵn sàng được sử dụng trên thực địa thông qua nhiều lệnh chiến đấu. Mục đích của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ là cải thiện hơn nữa khả năng của lực lượng này và trong tương lai, hợp tác với các đồng minh và đối tác quốc tế để tạo ra một cuộc trao đổi toàn cầu về thông tin tình báo thời gian thực.


Afghanistan: Phe Taliban chiếm thủ phủ của hai tỉnh

Thanh Phương

image.png
Người Afghanistan chạy lánh nạn chờ mở biên giới với Pakistan, ngày 07/08/2021. AP – Tariq Achakzai

Theo hãng tin AFP, hôm 07/08/2021, quân Taliban đã chiếm được Sheberghan, thủ phủ của tỉnh Jawzjan ở miền bắc Afghanistan. Đây là thủ phủ của tỉnh thứ hai lọt vào tay phiến quân Hồi Giáo cực đoan trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Hôm 07/08, quân Taliban đã chiếm được thành phố Zaranj, thủ phủ của tỉnh Nimrouz, miền tây nam Afghanistan, mà không gặp sự kháng cự nào từ quân chính phủ Kabul, hiện đang phải dồn lực lượng bảo vệ các thủ thủ của các tỉnh khác. Nhiều người dân Afghannistan đã chạy sang Iran lánh nạn.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gởi về bài tường trình :

“Những đoạn video mà các trang thông tin Iran đăng trên các mạng xã hội cho thấy hàng trăm người dân Afghanistan chạy sang Iran lánh nạn. Trên các đoạn video này, người ta thấy những phụ nữ, trẻ em và đàn ông, chỉ mang theo một túi đồ, đang đi bộ qua biên giới. Theo trang mạng của đài truyền hình nhà nước Iran, nhiều quan chức chính trị và quân sự Afghanistan cũng đã chạy sang Iran.  

Làn sóng người tị này này đổ đến Iran sau khi quân Taliban chiếm được thành phố Zaranj, thủ phủ của tỉnh Nimrouz, tỉnh đầu tiên của Afghanistan rơi vào tay phe Taliban. Chính quyền Iran đã quyết định đóng cửa khẩu này với Afghanistan. Như vậy là kể từ nay, mọi cửa khẩu giữa Iran với Afghanistan đều nằm trong tay phe Taliban.

Tỉnh Nimrouz bị thất thủ vào lúc tổng thống Afghanistan đang có mặt tại Teheran để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Iran Ebrahim Raissi.

Teheran nay rất lo ngại một làn sóng người tị nạn mới ồ ạt đổ sang Iran. Hiện giờ trên lãnh thổ nước này đã có hơn 2 triệu người Afghanistan. Nhưng tình hình kinh tế ngày càng khó khăn của Iran khiến nhiều người Afghanistan rời khỏi nước này để sang Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tìm đường sang châu Âu.”

Trước tình hình an ninh ngày càng xấu đi, hôm qua, bộ Ngoại Giao Anh đã kêu gọi mọi công dân của nước này rời khỏi Afghanistan “ngay lập tức”.

An ninh Mỹ phá vỡ âm mưu sát hại đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc

Trọng Thành

image.png
Trụ sở chính Liên Hiệp Quốc tại New York. AP – Osamu Honda

Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc – người chống lại cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự, lật đổ chính phủ dân cử – là đối tượng của một âm mưu tấn công. Tư pháp Hoa Kỳ hôm qua, 06/08/2021, thông báo truy tố hai công dân Miến Điện bị tình nghi là thủ phạm.  

Theo quyền phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, bà Jacqueline Maguire, cảnh sát liên bang đã hành động « nhanh chóng » ngay sau khi có thông tin về vụ mưu sát, dự kiến sẽ được tiến hành tại một vùng ngoại ô phía bắc New York. Hai nhà điều tra Hoa Kỳ cho biết cụ thể là hai nghi phạm có kế hoạch thuê một số hung thủ, nhằm ép buộc đại sứ Kyaw Moe Tun phải từ chức, và nếu từ chối, đương sự sẽ bị giết. Ngày thứ Tư 04/08, tức một ngày sau khi an ninh Hoa Kỳ có thông tin về âm mưu nói trên, đại sứ Miến Điện Kyaw Moe Tun cho AFP biết các biện pháp bảo vệ đã được siết chặt.  

Theo cáo trạng của cơ quan công tố, nghi phạm Phyo Hein Htut, có liên hệ với một tay buôn vũ khí, cư trú tại Thái Lan, có quan hệ làm ăn với tập đoàn quân sự Miến Điện. Hai người đã có trao đổi qua FaceTime, trong lúc Phyo Hein Htut có mặt bên trong trụ sở của phái bộ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Trong cuộc nói chuyện này, tay buôn vũ khí Ye Hein Zaw đề nghị thuê người tham gia cuộc tấn công, cụ thể là làm hỏng lốp xe của đại sứ Kyaw Moe Tun, để tạo một tai nạn giả. Bản cáo trạng cũng đưa ra bằng chứng về việc tay buôn vũ khí Ye Hein Zaw đã chuyển 4.000 đô la cho nghi phạm Phyo Hein Htut, qua ứng dụng Zelle, coi như tiền tạm ứng cho cuộc tấn công.  

Hai nghi phạm Phyo Hein Htut, 28 tuổi, và, Ye Hein Zaw 20 tuổi có khả năng bị phạt tối đa 5 năm tù. Hiện tại, chưa rõ vụ âm mưu tấn công đại sứ Miến Điện có liên hệ với tập đoàn quân sự hay không.  

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Diễn đàn ARF gia tăng áp lực

Ba tuần sau cuộc đảo chính quân sự, đại sứ Kyaw Moe Tun đã gây bất ngờ với tuyên bố ngày 26/02/2021 lên án đảo chính, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để « chấm dứt đàn áp, trả lại quyền lực cho nhân dân ». Đại sứ Kyaw Moe Tun bị tập đoàn quân sự cách chức, nhưng ông kiên quyết không rời nhiệm sở.  

Áp lực quốc tế gia tăng lên tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo trong phát biểu hôm qua 06/08/2021, tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), ngoại trưởng Antony Blinken đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Diễn đàn ARF tiếp tục gia tăng áp lực lên tập đoàn quân sự để buộc giới tướng lĩnh chấm dứt đàn áp, đưa Miến Điện trở lại tiến trình dân chủ hóa. LHQ: Năm 2021,

Bắc Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa

Thanh Phương

image.png
Hình ảnh do Bắc Triều Tiên công bố hôm 25/03/2021 về vụ thử tên lửa chiến thuật thế hệ mới. AP

Bắc Triều Tiên đã tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong nửa đầu năm 2021, vi phạm các trừng phạt của quốc tế và mặc dù tình hình kinh tế nước này đang ngày càng trầm trọng, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc mà hãng tin Reuters đọc được hôm 06/08/2021.

Báo cáo của một nhóm giám sát viên độc lập gởi cho ủy ban đặc trách các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An đối với Bắc Triều Tiên ghi nhận là Bình Nhưỡng “đã tiếp tục tìm kiếm các nguyên vật liệu và công nghệ ở nước ngoài cho các chương trình này”. Báo cáo nhấn mạnh “ mặc dù tình hình kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tiếp tục duy trì và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”.

Vào năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã ban hành lệnh phong tỏa rất gắt gao để ngăn chận dịch Covid-19, gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn do các trừng phạt của quốc tế. Vào tháng 6 vừa qua, chính lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un đã thừa nhận là tình hình lương thực tại nước này đang rất “căng”.

Liên Hiệp Quốc đã ban hành các trừng phạt Bắc Triều Tiên từ năm 2006 do Bình Nhưỡng vẫn không ngưng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hội Đồng Bảo An sau đó đã tăng cường các trừng phạt này nhằm ngăn chận nguồn tài chính cho các chương trình đó. Trong số các biện pháp được ban hành, có lệnh cấm xuất khẩu than đá và các mặt hàng khác từ Bắc Triều Tiên và lệnh cấm nhập dầu hỏa vào Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo của các giám sát viên lưu ý là Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xuất khẩu than đá và các mặt hàng khác qua đường biển. Bắc Triều Tiên cũng tiếp tục được tiếp cận các định chế tài chính quốc tế và các lao động xuất khẩu của Bắc Triều Tiên tiếp tục đóng góp vào nguồn tài chính được sử dụng cho các chương trình của nhà nước.

Theo hãng tin Reuters, phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hiện chưa có bình luận gì về báo cáo nói trên.

Bỉ: Xuất hiện biến thể virus Colombia gây chết người

RFA

image.png
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Zaventem, Bỉ, ngày 22/01/2021. AP – Francisco Seco

Tại Bỉ, bảy người trong một nhà dưỡng lão bị chết vì Covid trong hai tuần qua. Tất cả đều đã được tiêm chủng, tuy nhiên họ là những người có sức khỏe không được tốt. Các nạn nhân đã bị nhiễm một loại biến thể lạ, B.1.621, vẫn được gọi là biến thể Colombia.

Thông tín viên Jérémy Audouard từ Bruxelles cho biết thêm chi tiết :

“Trong tổng số 28 người sống trong nhà dưỡng lão của thành phố Zaventem, 7 người đã thiệt mạng.  Một con số rất cao trong khi mà số tử vong liên quan đến virus corona hiện đang xuống mức thấp nhất ở Bỉ.

Các nạn nhân đều trong tình trạng sức khỏe rất yếu, hoặc đang kiệt sức hay đang được chữa trị. Nhưng cũng có một số sức khỏe tương đối tốt trước khi bị nhiễm virus.

Nhân viên phục vụ cũng như những người cư trú trong nhà già này đều đã được tiêm chủng, trừ một đầu bếp.

Theo cơ quan y tế vùng Flamand, có thể một người đến thăm các cụ già đã mang virus vào trong nhà dưỡng lão. Hiện tại, một cuộc điều tra đang tiến hành.

Những kết luận ban đầu cho thấy những cụ già này đã bị nhiễm virus biến thể Colombia. Đây là loại biến thể vẫn ít được biết đến và rất hiếm gặp ở Bỉ. Theo nhiều nghiên cứu của Anh, dường như khả năng lây nhiễm của biến thể này thấp hơn biến thể Delta.”

Covid-19 : Người chống chứng nhận y tế lại biểu tình khắp nước Pháp

Thanh Phương

image.png
Biểu tình trước Hội Đồng Bảo Hiến chống luật mở rộng áp dung chứng nhận y tế phòng Covid-19, Paris ngày 05/08/2021. AP – Michel Euler

Hôm 07/08/2021, các cuộc biểu tình chống chứng nhận y tế và chích ngừa bắt buộc đối với nhân viên y tế theo dự kiến sẽ diễn ra tại hơn 150 thành phố trên khắp nước Pháp.

Đây là cuộc biểu tình thứ tư trong ngày cuối tuần kể từ khi tổng thống Emmanuel Macron hôm 12/07 kêu gọi dân Pháp hãy chích ngừa Covid-19 để kềm chế đợt dịch mới đang bùng phát mạnh do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Trước cuộc biểu tình hôm nay, vào tối thứ 5, hàng trăm người đã xuống đường ở Paris ngay sau khi Hội Đồng Bảo Hiến chuẩn y luật về mở rộng áp dụng chứng nhận y tế và bắt buộc chích ngừa đối với các nhân viên y tế và những nhân viên trong các ngành nghề có tiếp xúc với những người có nguy cơ cao.

Theo luật vừa được ban hành hôm qua, việc áp dụng chứng nhận y tế (chứng nhận đã chích ngừa hoàn toàn, hoặc được xét nghiệm âm tính với Covid, hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid) kể từ ngày 09/08 sẽ được mở rộng sang các quán cà phê, nhà hàng, máy bay, xe lửa, xe car đường dài, các hội thảo, triển lãm… ).

Trong số những tham gia biểu tình, có những người không muốn làm “vật thí nghiệm” cho các vac-xin mới, nhưng cũng có không ít người, kể cả những người đã được tiêm chủng, phản đối việc áp đặt chứng nhận y tế, vì theo họ đây là một sự “bắt buộc chích ngừa trá hình” và điều này biến nước Pháp thành một “xã hội bị kiểm soát”

Theo một nguồn tin cảnh sát nói với hãng tin AFP, tổng số người biểu tình hôm nay sẽ tương đương với thứ bảy tuần trước, tức là khoảng hơn 200.000 người. Cũng theo AFP, nhà chức trách Pháp lo ngại nhất về cuộc biểu tình ở Paris, cho nên cảnh sát sẽ đặt biệt để ý đến, nhất là tại khu vực đại lộ Champs-Elysée.

Đức cách ly khách Pháp không có chứng nhận y tế

Theo thông báo của viện giám sát y tế Robert Koch (RKI) hôm qua, kể từ ngày mai, 08/08,  nước Đức sẽ cách ly mọi du khách chưa được chích ngừa đến từ 3 vùng của miền nam nước Pháp là  Occitanie, Provence-Alpes-Côte-d’Azur và đảo Corse, tức là những vùng mà các ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt. Quy định này cũng được áp dụng cho các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại của Pháp, như Guadeloupe, la Martinique, la Réunion, Saint Martin và Saint Barthélemy. 

Miến Điện : Loạn lạc sinh thêm dịch bệnh

image.png

Tại Miến Điện, The Economist thấy rằng « Quân đội đang làm cho đại dịch càng tồi tệ hơn », tỉ lệ tử vong vì Covid thuộc loại cao nhất thế giới.

Hầu như tất cả các nước Đông Nam Á đều đang phải đối phó với đợt dịch nặng nề, nhưng Miến Điện tặng cho con virus xuất phát từ Vũ Hán những điều kiện tốt nhất. Sau vụ đảo chính hồi tháng Hai, việc xét nghiệm, truy vết và điều trị Covid bị ngưng lại. Hàng ngàn nhân viên y tế đình công, tham gia xuống đường. Khi một bang nằm sát biên giới Ấn Độ báo cáo về dịch vào tháng Sáu, tập đoàn quân sự quá bận rộn với việc đàn áp biểu tình nên hầu như không hành động.

Khoảng 230.000 người đã chạy trốn từ tháng Hai đến tháng Sáu, nâng tổng số người di tản lên 680.000. Những trại tị nạn không có mấy phương tiện còn những người chạy vào rừng lại càng thiếu thốn. Hơn nữa, Miến Điện chỉ có 0,7 bác sĩ trên 1.000 dân, viên chức phụ trách chương trình tiêm chủng quốc gia đã bị bắt giữ.

Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhân viên y tế rút vào hoạt động bí mật, nhưng đã có ba bác sĩ bị người của chế độ đóng vai bệnh nhân để gài bẫy bắt. Thuốc men và dụng cụ y khoa trở nên hiếm hoi, oxy lại càng khan hiếm. Mỗi ngày có khoảng 360 người chết tại Miến Điện vì Covid, nhưng con số này có lẽ còn xa so với sự thật. Tập đoàn quân sự đang xây dựng 10 lò thiêu tại Rangoon, có khả năng thiêu trên 3.000 xác một ngày.

Các hoàng gia châu Âu tìm cách trường tồn trong thế kỷ 21

Các hoàng gia Âu Châu (AP)

Ở châu Âu, các vương triều làm cách nào để có thể trường tồn ? Hồ sơ 16 trang của Le Point lần lượt lược qua hoàng gia các nước Tây Ban Nha, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Monaco, Thụy Điển, Na Uy… Tuần báo cũng đưa người đọc đến Atlantic College, nơi đào tạo các quân vương tương lai cho toàn thế giới.

Nếu đại công tước Henri của Luxembourg dù tài chính thiếu minh bạch nhưng vẫn được 80% người dân hài lòng trong vai trò nguyên thủ, thì quốc vương Willem Alexander của Hà Lan không có may mắn này. Ngay khi cả nước đang phong tỏa vì đại dịch, một tấm ảnh vua và hoàng hậu Maxima trong một nhà hàng bên bờ biển Hy Lạp, không mang khẩu trang khiến người dân giận dữ. Nhà vua vội vã bỏ ngang kỳ nghỉ, đi thăm các viện dưỡng lão, còn công chúa kế vị Catharina-Amalia từ chối món tiền trợ cấp (1,6 triệu euro/năm) để tỏ tình tương trợ với các thanh niên cùng lứa tuổi đang gặp khó khăn vì Covid.

Ở Bỉ, quốc vương Philippe đối mặt với xu hướng muốn xóa bỏ chế độ quân chủ. Còn tại Tây Ban Nha, nhiều người tin rằng vương triều sắp đến hồi kết thúc, đó là do quốc vương Juan Carlos. Từ 1975 đến đầu 2010, nhà vua vẫn được dân chúng yêu quý vì đã giúp tái lập dân chủ qua việc thỏa thuận ngầm với tất cả các đảng kể cả cộng sản, tạo điều kiện cho Tây Ban Nha gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên chuyến đi săn bắn ở Bostwana bằng công quỹ ngay trong khủng hoảng kinh tế, thủ lợi mấy chục triệu euro hoa hồng trong hợp đồng thương mại với Ả Rập Xê Út… đã gây sốc. Hiện nay cựu vương phải lưu vong tại Abou Dhabi vì bị truy tố ở Tây Ban Nha.

Riêng tại Anh, nữ hoàng Elizabeth II biết cách đóng vai biểu tượng cho sự ổn định của ngai vàng. Nhiều hoàng gia châu Âu cố gắng ra khỏi tháp ngà, mở tài khoản Facebook, Twitter. Một số tham gia các dự án xã hội, môi trường như thái tử Charles nước Anh, ông hoàng Albert ở Monaco ; đặc biệt quốc vương Thụy Điển, hoàng hậu Na Uy có cuộc sống bình dị. Các hoàng gia đều muốn bảo vệ những người kế vị, và sự tình cờ đã khiến vài năm nữa các nữ hoàng sẽ nối ngôi phụ vương : Victoria ở Thụy Điển, Leonor ở Tây Ban Nha, Élisabeth ở Bỉ và Catharina-Amalia ở Hà Lan. Các nữ vương tương lai đều biết những gì đang chờ đợi mình : chứng minh lý do hiện hữu của một vương triều trong thế kỷ 21.

Trung Quốc tự đóng cửa : Cơ hội cho các nước dân chủ

Thụy My

image.png
Màn hình lớn trước một trung tâm thương mại chiếu biểu tượng búa liềm tại Thiên An Môn nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 01/07/2021. AP – Andy Wong

Theo tờ Le Point của Pháp, sau bốn thập niên phát triển ngoạn mục, Trung Quốc bắt đầu một lối rẽ thoái trào, và đây là cơ hội thực sự cho các quốc gia dân chủ.

Khi quyền lực của đảng đứng trên tất cả

Tác giả Nicolas Baverez nhắc lại, hồi thế kỷ thứ 15, Trung Quốc và châu Âu tách rời nhau. Trung Hoa thời đó là đại cường số một thế giới, chủ trương bế quan tỏa cảng, năm 1433 đột ngột kết thúc những chuyến thám hiểm của đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He) từ Đông Nam Á đến bán đảo Ả Rập và phía đông châu Phi. Cùng lúc đó, châu Âu tiến hành toàn cầu hóa lần đầu, hướng về một nền kinh tế tư bản thâm dụng. Đế quốc Trung Hoa đóng cửa và bắt đầu suy tàn, trong khi phương Tây nắm quyền kiểm soát lịch sử.

Mao là người giành được chủ quyền đất nước, còn Đặng Tiểu Bình đã biến Trung Quốc thành cường quốc khi tung ra Bốn hiện đại hóa năm 1978. Nhờ mở cửa cho kinh tế thị trường, tư bản ngoại quốc và công nghệ, Đặng đã giúp Trung Quốc cất cánh một cách ngoạn mục nhất trong lịch sử, để chỉ trong bốn thập niên lại trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới về sức mua tương đương (PPP). Còn Tập Cận Bình, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhân đại dịch Covid, vừa làm một bước ngoặt ngược lại khi đóng cửa Trung Quốc, đặt ý thức hệ lên trên tăng trưởng, và quyền lực của đảng đứng trên sáng tạo.

Dấu hiệu này thấy rõ qua việc nắm lại lãnh vực công nghệ, với cớ chống đầu cơ, bảo đảm cạnh tranh. Trước hết là cản bước Mã Vân (Jack Ma) qua việc buộc ngưng niêm yết Ant Technology, phạt Alibaba 2,8 tỉ đô la. Rồi đến Didi, ứng dụng gọi xe hàng đầu Hoa lục với 90% thị phần và 493 triệu người sử dụng vừa lên sàn Wall Street, bị xử lý với lý do bảo vệ dữ liệu, khiến cổ phiếu sụt ngay 40%.

Không chỉ quốc hữu hóa trên thực tế lãnh vực giáo dục tư nhân trị giá 100 tỉ đô la trên thị trường chứng khoán bằng cách cấm thu lợi nhuận, Tập Cận Bình còn đi xa hơn nữa. Về mặt chính thức là nhằm giảm bất bình đẳng, nhưng thật ra để kiểm soát tư tưởng của ngành giáo dục và xã hội. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài không còn được sử dụng Variable Interest Entities (VIE), tức các công ty bình phong giúp tránh né quy định cấm người nước ngoài không được đầu tư vào các lãnh vực chiến lược. Lập tức cổ phiếu các tập đoàn liên quan sụt mất 70%.

Từ « Bốn hiện đại hóa » của Đặng đến « Bốn phong tỏa » của Tập

Thay vì Bốn hiện đại, 2021 sẽ là năm của Bốn đóng cửa. Đóng cửa kinh tế với ưu tiên cho thị trường nội địa hiện đang dậm chân tại chỗ vì vac-xin Trung Quốc với chất lượng tệ hại nên không hiệu quả, nhất là mức cầu yếu vì những lỗ hổng phúc lợi xã hội. Đóng cửa về tiền tệ với việc Ngân hàng trung ương giám sát chặt chẽ mọi hoạt động tài chính, kể cả lãnh vực tiền ảo : Bắc Kinh muốn độc quyền nhân dân tệ kỹ thuật số. Đóng cửa công nghệ qua việc tách rời mạng internet Trung Quốc và thế giới phương Tây. Đóng cửa chiến lược với số tiền cho vay trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới từ 75 tỉ đô la một năm chỉ còn 4 tỉ đô la, đặc biệt là gây áp lực lên Đài Loan để thống nhất bằng vũ lực.

Sự quay ngoắt này khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc suy sụp, tư bản ngoại quốc bỏ chạy, cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ tạm ngưng cho niêm yết các công ty Trung Quốc vì thông tin tài chính mơ hồ. Hậu quả về lâu về dài là rất lớn.

Việc khai tử giáo dục tư nhân là góp phần kềm hãm tăng dân số. Tăng trưởng đang chậm lại ở mức 5% sẽ còn xuống dốc với việc kiểm soát doanh nghiệp tư nhân và chảy máu chất xám. Trên trường quốc tế, hình ảnh Trung Quốc xấu hẳn đi do đẩy mạnh mô hình tư bản toàn trị, ủng hộ tất cả các Nhà nước thù địch với tự do, và chủ nghĩa bành trướng đi kèm với sự hung hăng cực độ – nhất là về Đài Loan, mà Tập Cận Bình hứa sẽ nhanh chóng sáp nhập.

Theo Le Point, Trung Quốc đóng cửa là một yếu tố quyết định mà các nền dân chủ nhất thiết phải tranh thủ. Khi tự thu mình lại, Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho việc bao vây. Các chế độ tự do cần phải thu hút các tài năng sẽ ra khỏi Hoa lục. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa và ý thức hệ của Bắc Kinh còn tạo rủi ro đối đầu vũ trang, mà các nước tự do buộc lòng phải chuẩn bị bằng cách củng cố các liên minh và lấy lại vị thế hàng đầu trong công nghệ.

Cách trả đũa Trung Quốc thực tiễn nhất là tái xây dựng các nền dân chủ, giải quyết những biến thái của kinh tế bong bóng, quyền hạn quá lớn của độc quyền công nghệ và các mạng xã hội, lạm dụng dữ liệu cá nhân, bất bình đẳng. Dân chủ chỉ có thể chiếm thế thượng phong so với tư bản toàn trị Trung Quốc bằng cách nối lại với các giá trị đã làm nên thành công của phương Tây : rủi ro và sáng tạo, mở cửa, tự do chính trị.

Related posts