Trần Kiên
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Triều Tiên đã áp dụng các biện pháp phong tỏa biên giới, khiến cho các nhà ngoại giao Triều Tiên sống ở nước ngoài không thể về nước. Thậm chí đại sứ quán cũng đối mặt nguy cơ đóng cửa. Vì sinh tồn, thậm chí quan chức ngoại giao phải đến làm việc tại phòng tắm hơi.
Secret China dẫn báo cáo của tờ Triều Tiên nhật báo, một nguồn tin cho hay các nhà ngoại giao và thương nhân Triều Tiên tại Trung Quốc đại lục đang phải vật lộn để kiếm sống, thậm chí họ còn phải làm công việc chà lưng tại phòng tắm hơi.
Nguồn tin này cho biết, dịch vụ chà lưng chủ yếu là làm vào buổi tối, như vậy không chỉ che giấu được thân phận mà còn có thu nhập khá. Vì vậy, các nhà ngoại giao và thậm chí vợ của các thương nhân cũng thường đến phòng tắm hơi để kiếm tiền.
Theo Báo cáo “Ước tính thường niên về kinh tế Triều Tiên” do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc phát hành, việc chính quyền Bình Nhưỡng phong tỏa biên giới và ngăn chặn dịch bệnh đã khiến giao thương giữa Triều Tiên với Trung Quốc gần như ngừng lại.
Theo dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Triều Tiên năm ngoái đã giảm hơn 80% so với năm 2019. Điều này đã khiến nền kinh tế Triều Tiên trải qua sự suy giảm tồi tệ nhất trong 23 năm.
Vào tháng 6 năm nay, một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ nạn đói lớn vào những năm 1990.
Lịch sử các nhà ngoại giao Triều Tiên chạy trốn
Triều Tiên nằm dưới chế độ độc tài của gia đình Kim Jong Un. Vào tháng 2 năm nay, trợ lý của nghị sĩ Hàn Quốc Tae Young-Ho tiết lộ rằng quyền đại sứ của Triều Tiên tại Kuwait, Yu Hyun Ryu Hyun-woo, đã đến Hàn Quốc vào tháng 9 năm 2019. Việc này đã bổ sung một thành viên mới vào đội ngũ các nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đào tẩu khỏi quốc gia này.
Trước đó, quyền đại sứ của Triều Tiên tại Ý Jo Sung-gil, cũng đã bí mật trốn sang Hàn Quốc vào tháng 7 năm 2019. Thật không may, con gái của Jo Sung-gil đã bị chính phủ Triều Tiên đưa từ Ý trở về Bình Nhưỡng. Cô bé có thể bị trừng phạt tàn nhẫn vì sự chạy trốn của cha mẹ.
Vợ của Lãnh sự Triều Tiên tại Nga qua đời vì COVID-19
Ngày 28/7, Đài Á Châu Tự Do RFA đưa tin, vợ của một lãnh sự Triều tiên tại Nga đã qua đời ở độ tuổi 40 vì COVID-19.
Theo báo cáo của RFA, một liều vắc-xin do Nga sản xuất có giá khoảng 95 đô la Mỹ, nhân viên của các đại sứ quán và lãnh sự quán Triều Tiên ở nước ngoài cùng người nhà của họ không thể tiêm chủng vì gặp khó khăn về kinh tế.
Theo “Tạp chí Nghiên cứu Bắc Triều Tiên”, mặc dù các nhà ngoại giao Triều Tiên là quan chức cấp cao, nhưng lương tháng của đại sứ chỉ ở mức 700-800 USD (thấp hơn nhiều với mức lương trung bình tại châu Âu). Ngoài ra, các khoản trợ cấp của Đại sứ quán cho các hoạt động đối ngoại khá ít và hạn chế.
Theo báo cáo của Hãng thông tấn Yonhap, mặc dù các nhà ngoại giao Triều Tiên thuộc tầng lớp đặc quyền ở quê nhà, nhưng nhìn chung họ vẫn rơi vào khó khăn kinh tế tại các quốc gia nơi họ cư trú. Ví dụ, một nhân viên của đại sứ quán Triều Tiên tại châu Âu thậm chí đã phải xin phí trợ cấp sinh hoạt. Một người đào tẩu khác tiết lộ với tờ Koreatimes rằng, các nhà ngoại giao Triều Tiên ở Nga từng phải kiếm thêm tiền bằng cách bán đậu mà họ trồng trong khuôn viên đại sứ quán.
Ngày 22 tháng 2 năm 2016, Đại sứ Triều Tiên tại Ý Kim Chun-Guk qua đời vì bệnh ung thư gan. Bởi vì ông không được khám sức khỏe định kỳ nên đã phải trì hoãn cơ hội điều trị.
Kim Chun-Guk từng phụ trách Văn phòng Châu Âu của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nhưng ông nghèo đến mức không có tiền để chữa bệnh. Điều này cho thấy điều kiện sống khủng khiếp của các nhà ngoại giao Triều Tiên.