Người Sài Gòn làm thiện nguyện

Mạc Văn Trang

18-8-2021

Tôi mới sống ở Sài Gòn hơn một năm, chưa hiểu gì nhiều lắm. Nhưng thấy người Sài Gòn làm từ thiện trong những ngày dịch Covid-19 này, tôi vô cùng khâm phục và ngạc nhiên.

Sao mà nhiều nhóm làm thiện nguyện thế? Sao có nhiều loại hình làm từ thiện thế? Đặc biệt có 430 tu sĩ và hơn 400 tăng ni, Phật tử xung phong làm tình nguyện viên chăm sóc những bệnh nhân nặng nhiễm covid- 19. Một vị linh mục cho biết, có hơn 800 tu sĩ nộp đơn tình nguyện, nhưng xét sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh nên chỉ chọn 430 người đủ điều kiện làm tình nguyện viên vào tuyến đầu chống dịch.

Ngạc nhiên nhất là nhóm thiện nguyện “MAI TÁNG 0 ĐỒNG”. Tôi tò mò xem mấy clip của bạn bè gửi đến, do nghệ sĩ Việt Hương livestream. Tìm hiểu ra thì biết, nhóm “Mai táng 0 đồng” do chị Giang Thị Kim Cúc lãnh đạo. “Khi có cuộc gọi đến đường dây nóng, trưởng nhóm sẽ nhắn tin, rồi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Công việc đầu tiên của các thành viên là mặc đồ bảo hộ, xịt khử khuẩn, rồi chạy xe đến địa chỉ thông báo. Bất kể là ngày hay đêm, chỉ cần có cuộc gọi, các thành viên đều sẵn sàng lên đường.

Nhóm của chị Giang Thị Kim Cúc có 18 thành viên, chia làm 2 ca thay phiên nhau hỗ trợ khâm liệm và làm thủ tục mai táng. Càng đặc biệt, trong nhóm của chị Cúc có 5 thành viên là nữ, mỗi người đều được phân công một nhiệm vụ khác nhau”…

Nhóm hỗ trợ trọn gói miễn phí 100% cho những bệnh nhân xấu số mắc Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, từ khâu khâm liệm tới lúc mang tro cốt về cho gia đình hay gửi lên chùa”… (1).

Xem mấy clip thì thấy:

Clip 1, nói về nhóm thiện nguyện đến gia đình có hai bà già chết và một người bệnh nặng. Một tử thì đã bị phân hủy, có lẽ đã chết năm, bẩy ngày. Có mấy tình nguyện viên là những “chàng trai khỏe mạnh, đã tiêm vắc xin, không sợ ma”… Họ làm việc trong đêm, đưa các tử thi lên xe và đưa đi mai táng… (2)

Clip 2, nói về việc ông đoàn Ngọc Hải tặng cho nhóm này 16 quan tài, thông qua nghệ sĩ Việt Hương. Nghệ sĩ Việt Hương đã chỉ đạo nhóm nhận 16 chiếc quan tài từ nhà ông Hải, chở trên hai xe ô tô. Trong những người khuân vác quan tài dưới trời mưa có cả chồng của nghệ sĩ Việt Hương. Ông là nhạc sĩ Nguyễn Hoài Phương, người Mỹ gốc Việt, lúc này đang sống ở Việt Nam và cũng tham gia vào nhóm thiện nguyện. Ông nói, ở Mỹ cũng đã tham gia đi khiêng vác những người chết vì covid 19 rồi… Nghệ sĩ Việt Hương cũng góp ý với ông Hải, là những chiếc quan tài này đóng gỗ tốt, nặng quá, cho xác tử thi vào, 4 tình nguyện viên khiêng sẽ rất nặng nhọc, vất vả, rồi quan tài cũng đem thiêu đi…(3)

Clip thứ ba, nói về việc nhóm này đến nhận 80 quan tài của ông Đoàn Ngọc Hải hiến tặng, cùng thông qua nghệ sĩ Việt Hương. Nghệ sĩ Việt Hương cùng chồng và nhóm thiện nguyện “Mai táng 0 đồng” đến chuyển các quan tài lên mấy xe tải. Lần này các quan tài chỉ đóng khung gỗ và bìa các – tông nên nhẹ và tiện hơn cho việc thiêu đốt. (4)

(Tôi cũng đã xem clip các tình nguyện viên xịt thuốc diệt khuẩn rất kỹ vào tử thi rồi gói ni-lông cho vào quan tài, bọc ni-lông bên ngoài quan tài rồi dán băng dính cẩn thận, trước khi đem đi thiêu)…

Mọi người có thấy ngạc nhiên không? Tại sao lại nhiều người chết phải nhờ đến nhóm thiện nguyện “Mai táng 0 đồng” như vậy?

Người miền Bắc hẳn là rất khó hiểu. Bởi vì xã hội miền Bắc mỗi cá nhân thường sống gắn với gia đình, dòng họ, xóm giềng, có mối liên hệ khá chặt chẽ. Ít có trường hợp nào người thân của mình ốm đau lại phải nhận cơm cháo từ thiện và khi chết lại phải nhận sự mai táng bố thí như vậy…

Nhưng cấu trúc xã hội của đời sống Sài Gòn rất khác. Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu, nhưng biết có rất nhiều người từ các nơi về đây kiếm sống. Họ ở trong những căn nhà tạm bợ, hoặc đi thuê, có nhiều người vô gia cư. Nhiều người sống độc thân hoặc có vài ba người thân nhưng không có quan hệ họ hàng, làng xóm…

Hàng ngày họ làm gì để có tiền và sống ra sao, những người chung quanh cũng không để ý. Bây giờ bùng phát bệnh dịch, nhiều người mất việc làm, không có tiền, bị thiếu đói, bệnh tật thì chung quanh mới chú ý cứu giúp. Cũng vì vậy có những người đói, người bệnh, người chết trong nhà mà không ai biết, chết rồi cũng không có người thân, họ hàng, làng xóm để lo liệu. Cũng có trường hợp người thân bị cách ly ở đâu đó không biết, hoặc biết mà không thể về…

Trước cảnh ngộ như vậy có một hai người xông vào cứu giúp, rồi những người khác thấy vậy cũng chung tay góp sức thành các nhóm thiện nguyện tự phát, tự nhiên, tự nguyện thấm đẫm tình người thương cảm. Chỉ có hoàn toàn tự nguyện và với niềm tin tôn giáo, người ta mới thực lòng dấn thân, vô điều kiện như vậy…

Có điều người Sài Gòn làm từ thiện vô tư, hồn nhiên nên họ cũng hay livestream để khoe (Khoe cái thật, cái tốt thì có gì sai, có gì phải giấu giếm?). Và nhờ “khoe” như vậy, nên nhiều người mới biết để cùng chung tay, góp sức nên mới thành nhóm hoạt động lâu bền và hiệu quả. (Tất nhiên, nhẹ dạ cả tin, cũng nhiều khi bị lợi dụng, bị lừa… Nhưng hổng có sao, bị lừa rồi, nhưng thấy động lòng là vẫn cứ làm thiện nguyện hoài!)

Làm thiện nguyện như vậy rất khác với làm cứu trợ chờ chỉ đạo từ trên: Làm vì vì trách nhiệm và phải tính toán trước sau, trên dưới: Trước hết là gia đình người có công, gia đình chính sách, người trong diện có hộ khẩu, đối tượng này, đối tượng nọ…

Với sự hiểu biết bước đầu còn hạn hẹp, tôi tạm lý giải như vậy, chắc còn có nhiều điều gì khác nữa.

Cũng vì hiểu như vậy, nên khi thấy Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi chung tay giúp mấy bếp ăn thiện nguyện thì tôi đã tìm hiểu và sẵn sàng tham gia ngay.

Chú thích:

1. Nhóm “Mai táng 0 đồng”: https://kenh14.vn/nu-tiep-vien-hang-khong-va-nhung-chuyen-xe-mai-tang-0-dong-o-sai-gon-nhom-co-5-thanh-vien-nu-nho-nhat-18-tuoi-20210815163033974.chn

2. Hình 1 và 2, nhóm “mai táng 0 đồng” đem 2 tử thi đi (hình cắt từ clip)

3. Hình 3 nhóm nhận 16 quan tài do ông Đoàn Ngọc Hải tặng và hình 4 hai vợ chồng NS Việt Hương (Hình cắt từ clip)

4. Hình 5 và 6 Nhóm nhận 80 quan tài do ông Đoàn Ngọc Hải hiến tặng (Hình cắt từ clip). Hình 7 số Hotline trên xe của nhóm “Mai táng 0 đồng”.

Bình Luận từ Facebook

Related posts