Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận hơn 216 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 4.9 triệu trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 39,34 triệu ca nhiễm, trong đó 651.956 ca tử vong. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết số ca phải nhập viện vì COVID-19 ở nước này trong ngày 26/8 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 ca, mức cao nhất trong 8 tháng qua, trong bối cảnh biến thể siêu lây nhiễm Delta lan nhanh.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 32,6 triệu ca bệnh, trong đó có 436.889 ca tử vong, sau khi có thêm 44.658 ca mắc mới và 496 ca tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, số ca mắc mới ở quốc gia châu Á này cao hơn 40.000 trường hợp.
Châu Á vẫn là khu vực có số ca bệnh cao nhất. Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 247 ca mắc mới, trong đó 144 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 103 ca cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 14.351 ca mắc, trong đó có 12 người tử vong.
Tại nước láng giềng Campuchia, Bộ Y tế thông báo có thêm 17 người tử vong và 411 ca mắc mới, bao gồm 85 ca nhập cảnh và 326 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 91.369 ca mắc, trong đó 87.299 người đã khỏi bệnh và 1.858 người tử vong.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 17.447 ca nhiễm mới, mức ghi nhận trong ngày cao thứ hai tại nước này kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.916.461 ca. Trong khi đó, danh sách bệnh nhân tử vong do COVID-19 cũng có thêm 113 người, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch này tại Philippines lên con số 32.841 trường hợp.
Tại Indonesia, số ca mắc tại nước này đã vượt mốc 4 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 12.618 ca mắc mới. Tổng số ca bệnh tại nước này đến nay là 4.056.354 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 599 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 130.781 người.
Ngày 27/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo 22.070 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 1.662.913 ca. Quốc gia Đông Nam Á này còn ghi nhận thêm 339 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi lên mức 15.550 ca. Hiện những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và những người chưa hoàn thành tiêm chủng được khuyến cáo nên đeo 2 khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại những nơi công cộng. Ngoài ra, những người hay phải tiếp xúc với nhiều người như nhân viên thu ngân tại siêu thị, nhân viên y tế, ngân hàng… cũng nên sử dụng biện pháp này để bảo vệ chính mình.
Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao ở những người lao động nhập cư. Theo các cơ quan y tế Hàn Quốc, trong tuần trước, nước này ghi nhận 1.665 trường hợp lao động nước ngoài mắc bệnh, tăng 20,7% so với tuần trước đó. Nhóm lao động này chiếm 13,6% tổng số ca mắc mới hồi tuần trước, tăng 2,5% so với tỷ lệ 11,1% ghi nhận trong tuần trước đó và cao hơn nhiều so với tỷ lệ người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, hiện là 3,8%. Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Schengen, từ ngày 1/9 tới.
Chiều 27/8, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố đã tiêm hơn 2 tỷ liều vaccine. Như vậy, Trung Quốc chỉ mất 10 tuần để nâng từ 1 tỷ liều lên 2 tỷ liều. 890 triệu người/1 tỷ 400 triệu dân đã tiêm đủ 2 mũi, đạt 52% dân số, mục tiêu cuối 2021 tiêm đạt hơn 80% dân số. Hai loại vaccine được tiêm nhiều nhất là Sinopharm và Sinovac trong số 9 loại vaccine nội địa.
Hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêm cho người lớn tuổi và trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi. Theo đề xuất của các hãng vaccine, Trung Quốc nên tiêm thêm liều thứ ba cho người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và các đối tượng nguy cơ cao như shipper, người phục vụ phương tiện công cộng, y bác sĩ…
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết số bệnh nhân nguy kịch ở nước này đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 15 liên tiếp, vượt ngưỡng 2,000 người, cao hơn rất nhiều so với mức đỉnh của đợt bùng phát thứ tư là 1,413 ca. Trong 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, Osaka có số bệnh nhân nguy kịch cao nhất (510 người), tiếp theo là Tokyo (276 ca), Kanagawa (249 ca) và Saitama (161 ca).
Tại châu Âu, Chính phủ Slovakia quyết định áp đặt các biện hạn chế nghiêm ngặt hơn từ tuần tới đối với 14 trên tổng số 79 thành phố do các ca bệnh gia tăng trở lại. Slovakia đưa ra quyết định này sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trong vòng 3 tháng, với 161 ca vào ngày 25/8. Số ca COVID-19 tại Slovakia đã tăng nhẹ trong vài tuần qua với tỷ lệ 2,7% các mẫu được phân tích có kết quả dương tính.
Bộ Y tế Đan Mạch thông báo nước này sẽ nới lỏng tất cả biện pháp phòng dịch vào ngày 10/9 tới với lý do dịch COVID-19 không còn là mối đe dọa của xã hội khi 70% dân số quốc gia Bắc Âu này đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Đan Mạch là một trong số quốc gia đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa một phần vào tháng 3/2020, sau đó nhiều lần nới lỏng rồi siết chặt các biện pháp này.