Thủ tướng VN: Không thể dùng biện pháp phong tỏa mãi
Chiều 1/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp, làm việc với hơn 70 nhà khoa học, các giáo sư, bác sĩ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho người dân và nền kinh tế là rất lớn, theo VnExpress.
Sau khi nhấn mạnh quan điểm trên tại buổi làm việc chiều 1/9 với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng nói mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vắc-xin và thuốc.
Nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm “sống chung”, thích ứng với dịch bệnh. Vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định. “Ứng dụng khoa học trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh”, Thủ tướng nói.
“Cần chuyển đổi chiến lược thích ứng với tình hình. Chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn”, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, theo Thanh Niên.
Nguồn tin trên cho hay, đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm phải sống chung lâu dài với dịch bệnh. Ngày 29/8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định nhận thức về tính chất khốc liệt, khó lường, khó dự báo của đại dịch.
“Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, Thủ tướng nói và yêu cầu thời gian tới, các nhà khoa học cần có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh nhân COVID-19, nhằm thực hiện mục tiêu giảm ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 473.530 ca nhiễm COVID-19. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc. Tỷ lệ tử vong trên thế giới là 2,1%.
Đình chỉ giám đốc trung tâm huấn luyện thể thao; Bắc Ninh phát sinh 3 ổ dịch nguy cơ cao
Đình chỉ giám đốc trung tâm huấn luyện thể thao
Thanh Niên – Ngày 2/9, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh đã xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan do để xảy ra ổ dịch COVID-19 có nhiều ca mắc tại khu vực khán đài B Sân vận động Cao Lãnh.
Cụ thể, Thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Vững, giám đốc Trung tâm huấn luyện – thi đấu TDTT Đồng Tháp (gọi tắt trung tâm), giao trách nhiệm cho phó giám đốc trung tâm này điều hành công việc.
UBND tỉnh cũng ra văn bản phê bình ông Nguyễn Ngọc Thương, giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Tháp, và phê bình tập thể Ban giám đốc Sở VH-TT-DL vì thiếu sót, để xảy ra ổ dịch Covid-19 tại đơn vị trực thuộc là trung tâm nói trên; đồng thời ra văn bản phê bình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Cao Lãnh.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Vững thông tin trung tâm đã tập trung 98 viên chức, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) tại khu vực Sân vận động Cao Lãnh. Với 3 khu vực còn lại là khu tập thể Trường năng khiếu TDTT tỉnh, khu hồ bơi tỉnh và khu vực làm việc của Nhà thi đấu đa năng Đồng Tháp có 149 viên chức, HLV và VĐV làm việc, sinh hoạt.
Theo ông Vững, ngày 7/8, qua xét nghiệm tầm soát diện rộng, lực lượng chức năng TP. Cao Lãnh phát hiện 1 VĐV của đội bóng đá lứa tuổi U.19 – 21 dương tính COVID-19 nên được đưa đi điều trị. Qua truy vết có 86 F1 là các VĐV, HLV và gia đình viên chức đang sinh sống dưới khán đài B Sân vận động Cao Lãnh. Từ đó, TP. Cao Lãnh đã quyết định thành lập khu cách ly tập trung tại Sân vận động Cao Lãnh để cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với F0 theo quy định.
Tính đến ngày 31/8, qua nhiều lần xét nghiệm tầm soát, cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp ghi nhận tổng cộng 29 ca mắc COVID-19 tại khu khán đài B này. Các F0 là VĐV bóng đá lứa tuổi từ U.13 – U.21, HLV và người lao động của trung tâm. Đến nay, qua điều trị có 1 ca khỏi bệnh.
Bắc Ninh phát sinh 3 ổ dịch nguy cơ cao
VnExpress – Bắc Ninh hai ngày qua ghi nhận 3 ca dương tính COVID-19 trong cộng đồng, phát sinh 3 ổ dịch mới tại huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn, chưa rõ nguồn lây, có nguy cơ lây lan rộng.
Bắc Ninh ghi nhận 20 ổ dịch đang lây nhiễm. Trong đó, xã Đại Đồng được xếp mức “nguy cơ rất cao” do phát hiện chùm ca bệnh là tiểu thương bán hàng thủy, hải sản gần nhau tại chợ Đại Thượng, hiện chưa xác định được nguồn lây. Đây là khu vực khó kiểm soát, khó truy vết. Trên địa bàn xã Đại Đồng có 16.500 công nhân ở trọ, gần các khu công nghiệp.
Tổng số F1 từ ngày 14/8 đến nay là 1.858. Trong số này, liên quan đến các ổ dịch tại huyện Lương Tài: 1.569 F1, liên quan đến chùm ca bệnh tại chợ Đại Thượng là 129 F1.
Từ 0h ngày 2/9, Bắc Ninh giãn cách toàn bộ thị xã Từ Sơn. Từ 21h ngày 31/8, tỉnh thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ xã Đại Đồng, gồm 4 thôn, tổng số 4.082 hộ gia đình với 30.410 nhân khẩu.
Bắc Ninh tiến hành sàng lọc diện rộng cho người dân tại các ổ dịch và các phường có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng các trường hợp ho, sốt, đau họng…, tiểu thương bán hàng tại các chợ, siêu thị. Rà soát người đi/đến/ở/về từ vùng dịch.
Như vậy, từ ngày 14/8 đến nay Bắc Ninh ghi nhận 108 ca có nguồn lây nhiễm xâm nhập. Tổng số ca Covid-19 đợt dịch này lên 1.835.
2 nhóm tụ tập cúng bái, ăn nhậu đối mặt mức phạt 441 triệu đồng
NLĐ – Chiều 1/9, ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa ra quyết định xử phạt tổng cộng 306 triệu đồng đối với 18 người tụ tập đông người, không chấp hành quy định phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, 18 người này đã có 2 hành vi vi phạm hành chính là: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người. Đối với 2 hành vi này, mỗi người bị phạt 17 triệu đồng.
Trước đó, ngày 20/8, 18 người này đã tụ tập tại ngôi đình ở thôn Tân Thắng (xã Ea Na, huyện Krông Ana) để cúng bái. Thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng ngày 1/9, Chủ tịch xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đang làm văn bản đề xuất TP. Buôn Ma Thuột xử phạt 9 thanh niên tụ tập ăn nhậu, bất chấp địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 mỗi người 15 triệu đồng, tổng cộng 135 triệu đồng.
Vì sao gói hỗ trợ ở TP.HCM chậm đến tay người dân?
Zing – Lý giải nguyên nhân gói hỗ trợ chậm đến tay người dân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 1/9 cho biết ‘quá trình làm chính sách, thành phố không hình dung được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, danh sách hỗ trợ vì thế phải cập nhật liên tục nên dẫn đến triển khai chậm’.
Trong chương trình, MC Quyền Linh đặt câu hỏi về việc làm cách nào để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, khi nhiều người dân phản ánh việc không thể làm thủ tục hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh này.
Ông Hoan cho biết thực tế, TP không có yêu cầu gì tới người dân mà chỉ yêu cầu chính quyền cơ sở gặp dân, ghi nhận hiện trạng cuộc sống và đưa vào danh sách, do đó người dân không cần phải báo cáo hay nộp đơn.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết ngày 6/9 là thời hạn TP đặt ra để hoàn thành việc chi gói hỗ trợ đợt 2. Trong khi đó, tính hết ngày 1/9, tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức mới hoàn thành 46% tiến độ. Do đó, sau nghỉ lễ 2/9, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành số còn lại.
Sau khi Phó chủ tịch TP.HCM trả lời nội dung trên, có người dân đặt ra vấn đề việc xác định hộ nào là khó khăn quá cảm tính nên gây khó khăn, khúc mắc giữa cán bộ rà soát và người dân.
Ông Hoan cho biết TP đã thống nhất đối tượng thụ hưởng là người khó khăn, do đó người dân sẽ được hỗ trợ nếu có đủ 3 yếu tố: Mất việc làm, không thu nhập và ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời ông Hoan lưu ý sẽ chấn chỉnh trong buổi họp giao ban tới.
Về kế hoạch sau ngày 15/9, ông Hoan cho biết TP.HCM đang xây dựng kịch bản cho mốc thời gian này, dựa theo 3 tình huống về dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay cả kịch bản tích cực nhất là kiểm soát được dịch bệnh, TP dự kiến vẫn phải làm công tác an sinh xã hội 3-4 tháng tới.
Khảo sát: 62% lao động mất việc vì COVID-19; hầu hết khó tiếp cận các gói hỗ trợ
VnExpress – Khảo sát: 62% lao động mất việc vì COVID-19; hầu hết khó tiếp cận các gói hỗ trợ. Hơn hai phần ba lao động tham gia khảo sát cho biết mất việc vì dịch, số còn duy trì được việc thì thu nhập lại giảm và hầu hết khó tiếp cận các gói hỗ trợ.
Đây là kết quả của khảo sát nhanh về việc làm và thu nhập người lao động do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Báo điện tử VnExpress thực hiện từ đầu tháng 8.
62% lao động mất việc vì Covid-19.
Từ 1/8 đến 5/8, khảo sát đã nhận câu trả lời online từ hơn 69.000 độc giả là người lao động. Kết quả là, 42.754 người (62%) cho biết đã mất việc làm vì Covid-19. Trong số này, một nửa mất việc trong 1-3 tháng, 25% mất việc dưới 1 tháng và 15% đã không còn việc hơn nửa năm.
Mất việc đột ngột, lại không có dư nguồn tích luỹ nên 50% lao động mất việc nói họ chỉ đủ tiền đảm bảo cuộc sống dưới 1 tháng. Số có tiền tích lũy đủ để chi trả cuộc sống 3-6 tháng khi bị mất việc lần lượt là 37% và 8,6%. Chỉ 4,4% lao động mất việc cho biết họ dư tiền tích luỹ trên 6 tháng.
Vì thế, hỗ trợ từ gia đình, doanh nghiệp và Nhà nước rất cần với họ lúc này. Gần một nửa số người mất việc phải dựa vào gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận trợ giúp từ các tổ chức từ thiện khoảng 12%; trợ giúp từ công ty chỉ hơn 5%.
Gần một nửa số người đang thất nghiệp cho biết không thể kiếm được việc làm trong thời gian tới.
38% người tham gia khảo sát (hơn 26.000 người) cho biết còn việc làm, phần lớn làm trực tuyến toàn thời gian, một số làm bán thời gian hoặc đang tham gia sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”…
Nhưng chỉ một nửa số lao động giữ được việc này không bị giảm lương. Khoảng 20% thậm chí bị giảm tới một nửa thu nhập. Số bị giảm 20% lương chiếm khoảng 14%, chủ yếu ở nhóm đang duy trì việc làm online. Ngược lại, khá hiếm hoi (0,4%) lao động đang có việc làm tham gia khảo sát xác nhận được tăng lương trong mùa dịch này.
Mất việc, thu nhập giảm, chi phí nào phát sinh nhiều nhất?
Kết quả khảo sát chỉ ra, chi phí cho con học trực tuyến bị phát sinh nhiều nhất, với hơn 41% số người tham gia khảo sát.
Chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly giữa các vùng cao thứ hai, với hơn 28% người tham gia.
Chi phí xét nghiệm đứng thứ 3, với gần 23% người tham gia.
Người lao động kiến nghị muốn được nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc lương thực, thực phẩm một cách nhanh nhất từ chính quyền. Các địa phương có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, hoặc áp dụng thẻ mua hàng, phát trực tiếp tới người dân.
Cấp phát lương thực, thực phẩm nên theo hướng “ai không có ăn thì cần cấp phát khẩn cấp ngay, không phân biệt đối tượng, giấy tờ”. Như vậy, người lao động mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.