Bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa sáng 4/9 cho biết, đã yêu cầu chính quyền xã Ninh Quang báo cáo sự việc thu lại tiền hỗ trợ COVID-19 của người dân để xây dựng nông thôn mới.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho người dân theo nghị quyết 68 của Chính phủ. Việc chi trả được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong tháng 8/2021, chính quyền xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa đã bắt đầu triển khai chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng. Trong số các nhóm đối tượng nhận hỗ trợ tại xã Ninh Quang, có nhiều người lao động tự do được nhận 2,1 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, thôn Thạnh Mỹ “vận động” 35 hộ dân nộp lại tiền hỗ trợ COVID-19 để “đóng bù” cho các khoản tiền nợ chưa trả trước đó như xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa kênh mương.
Bà P.T.K. (72 tuổi, trú thôn Thạnh Mỹ) cho biết: “Tôi buôn bán ở chợ Ninh Quang nên được hỗ trợ 2,1 triệu đồng. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, cán bộ thôn Thạnh Mỹ yêu cầu tôi nộp lại 600.000 đồng tiền xây dự
ng nông thôn mới do nợ từ những năm trước. Nhưng dịch giã khó khăn, buôn bán không được. Tôi xin được đóng ở đợt sau hay giảm bớt tiền thu xuống khoảng 200.000 – 300.000 đồng nhưng họ không đồng ý, nên tôi đành phải đóng”.
Ông N.T.P. (con trai bà K.) cũng cho hay những năm qua gia đình không được thông báo về các khoản nợ nói trên. “Lâu quá rồi nên tôi không biết tôi còn nợ các khoản đó không. Nếu thật sự còn nợ, gia đình tôi sẽ đóng đầy đủ. Tuy nhiên, giữa lúc dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà lại yêu cầu dân đóng các khoản phí đó khiến nhiều bà con cảm thấy không hợp tình hợp lý” – ông P. nói.
Ngoài hộ của bà K., 34 hộ dân khác trong thôn Thạnh Mỹ cũng phải nộp tiền xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa kênh mương và các quỹ lệ phí từ 200.000 – 650.000 đồng.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Trương Văn Hiến – Chủ tịch UBND xã Ninh Quang xác nhận và khẳng định, việc thôn Thạnh Mỹ tự ý truy thu tiền của người dân dù lý do gì đi nữa cũng không đúng. Chính quyền đã yêu cầu đại diện thôn xin lỗi và trả lại toàn bộ số tiền truy thu của 35 hộ dân trước đó.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa – thông tin, sau khi nắm được thông tin một thôn ở xã Ninh Quang truy thu tiền hỗ trợ COVID-19 của người dân, thị xã Ninh Hòa đã yêu cầu xã báo cáo toàn bộ vụ việc. Quan điểm của thị xã là nếu làm sai sẽ xử lý nghiêm, không bao che.
“Trong giai đoạn này, người dân ai cũng khó khăn, không thể có chuyện truy thu tiền hỗ trợ COVID-19. Tiền nào ra tiền đó, tiền hỗ trợ thì phải đến tay dân để họ sống qua giai đoạn khó khăn chứ không thể thu tiền kiểu lạ kỳ như thế” – bà Nguyễn Thị Hồng Hải nêu quan điểm.
Bắt giam cán bộ phường đưa người quen vào danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19
Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) tối 4/9 đã khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Hồng Sơn vì đưa người quen vào danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19.
Theo Thanh Niên, ông Huỳnh Hồng Sơn (51 tuổi, thường trú P.Phú Hữu, TP. Thủ Đức; là cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội của UBND P.Phú Hữu) bị bắt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thủ Đức phát hiện Huỳnh Hồng Sơn đã lợi dụng vị trí công tác là thành viên Hội đồng thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của P.Phú Hữu để cấu kết với một số cá nhân lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ COVID-19, dù không thuộc diện được hưởng hỗ trợ gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Theo thông tin trên báo Zing, nhà chức trách xác định có 7-8 tên trong danh sách không đúng đối tượng được hỗ trợ”, nguồn tin nói.
Bước đầu, tại CQĐT, bị can thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Vụ án đang được điều tra mở rộng.
Trước đó, trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 1/9, Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP đã và đang triển khai 2 gói hỗ trợ. Gói 1 được thực hiện theo Nghị quyết 09 của HĐND TP và chỉ dành cho nhóm lao động tự do. Gói này đã giải ngân hết cuối tháng 7.
Tháng 8, TP có gói thứ 2 cũng hỗ trợ cho lao động tự do nhưng cộng thêm một số đối tượng mới là hộ nghèo, cận nghèo và lao động gặp khó khăn. Quá trình triển khai gói này, TP nhận thấy việc hỗ trợ chưa phủ hết được đối tượng cần, do đó tiếp tục bổ sung thêm gói “2+” với nhóm thụ hưởng là tất cả hộ gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh.
Theo ông Hoan, khi gói 1 triển khai thì chỉ có 180.000 lao động tự do trong nhóm thụ hưởng, đến gói 2 cũng là 180.000 người. Nhưng đến gói “2+”, số đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ lên đến 1,3 triệu hộ dân, tương ứng khoảng 4,5 triệu người.