TP.HCM đính chính thông tin “sống chung” với COVID-19
nld – Trên mạng xã hội hôm qua lan truyền các thông tin: TP.HCM bắt đầu thực hiện sống chung với COVID-19 từ 15/9; mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi bảo đảm điều kiện an toàn phòng chống dịch; việc mở cửa có lộ trình tăng dần tỷ lệ 30-50-70%; chuyển sang điều trị COVID-19 có thu phí…
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, tại cuộc họp báo chiều 5-9 khẳng định những thông tin này là sai sự thật.
Ngoài ra, về thông tin “ai tiêm 2 mũi vắc-xin COVID-19 sẽ được hoạt động sau 6/9 hoặc 15/9”, ông Hải cho biết TP.HCM hiện chưa có quy định về việc này. Sau khi kiểm soát dịch bệnh, TP sẽ có quy định cụ thể cho từng đối tượng được tham gia hoạt động.
Bên cạnh đó, thông tin UBND quận 7 đã trình một phương án thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ông Hải nhấn mạnh đây chỉ là phương án dự kiến, UBND quận 7 đang xin ý kiến của UBND TP, sau khi thống nhất chỉ đạo mới có quyết định chính thức.
Ngày 6/9, công an Hà Nội bắt đầu kiểm tra giấy đi đường có mã QR
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết trên báo tuoitre rằng, trong ngày hôm qua, đơn vị đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ để làm giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR.
“Trung bình một ngày, riêng Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp nhận và hoàn thành giấy đi đường cho hàng chục nghìn trường hợp. Đơn vị sẽ cử cán bộ ứng trực 24/24 để phục vụ việc cấp giấy và trả kết quả ngay khi hoàn thành để họ có giấy phép hoạt động”, vị đại diện nói.
Bắt đầu từ sáng 6/9, các chốt kiểm soát sẽ bắt đầu kiểm tra người đi đường, dừng xe để đo thân nhiệt, kiểm tra giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới.
Một lãnh đạo quận Tây Hồ (Hà Nội) – thông tin trong một, hai ngày đầu những trường hợp chưa có mẫu giấy mới thì thì vẫn thực hiện kiểm tra theo mẫu giấy cũ vì hiện nay nhiều người vẫn chưa kịp làm mẫu giấy đi đường mới.
Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của Thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Đào tạo khẩn cấp, miễn phí về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19
17 giờ chiều 6/9, Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu khai triển chương trình đào tạo khẩn cấp phục vụ việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19.
Chương trình sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên y tế và cộng đồng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Thời gian học mỗi ngày được bắt đầu từ 17 giờ, kết thúc lúc 19 giờ; học từ chiều thứ 2 đến chiều thứ 6 hàng tuần.
Trao đổi với thanhnien, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết chương trình đào tạo được thiết kế phục vụ cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước. Tuy nhiên, những người dân bình thường nếu quan tâm vẫn có thể đăng ký theo học. Người học được miễn phí hoàn toàn.
Thủ tướng nêu tên 3 tỉnh, thành chưa làm tốt quy định về giao thông
VnExpress – Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tên ba tỉnh, thành tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với các địa phương, chiều 5/9.
Cụ thể là Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ khi ban hành quy định phòng chống dịch “chưa tính toán kỹ lưỡng” một số mặt, nổi lên nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định chống dịch, nhất là giao thông, lưu thông hàng hóa “cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm”.
Thủ tướng yêu cầu Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên… sẵn sàng chi viện nếu Hà Nội cần để thực hiện xét nghiệm diện rộng.
TP.HCM còn nhiều bệnh nhân F0 chưa được nhận túi thuốc
tuoitre – Ngày 5/9, Sở Y tế cho biết, sau khi ban hành công văn về việc phân bổ túi thuốc A, B cho bệnh nhân F0 điều trị bệnh COVID-19 tại nhà, sở này đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B, Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) và đã phân bổ vượt so với số bệnh nhân F0 do quận, huyện và TP. Thủ Đức báo cáo.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát về hoạt động chăm sóc, quản lý người F0 đang cách ly tại nhà và báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc đến bệnh nhân F0 chậm, do đó, còn nhiều bệnh nhân F0 chưa được nhận túi thuốc, gây bức xúc cho người bệnh.
Trước sự việc trên, Sở Y tế đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc.
Đồng thời, Sở Y tế cho biết sẽ nghiêm khắc phê bình những trung tâm y tế, trạm y tế chậm khai triển đưa túi thuốc đến cho người bệnh.