Tin thế giới sáng thứ Ba

Mỹ cân nhắc dùng tên Đài Loan cho “Văn phòng đại diện Đài Bắc” ở Washington

Trọng Nghĩa

Cơ quan đại diện Đài Loan tại thủ đô Hoa Kỳ, với tên gọi chính thức là “Văn Phòng Đại Diện Kinh Tế và Văn Hóa Đài Bắc”. © Wikipedia

Theo nhật báo Anh Quốc Financial Times ngày 11/09/2021, chính quyền Mỹ đang “xem xét nghiêm túc” việc cho phép chính phủ Đài Loan đổi tên văn phòng đại diện của họ ở Washington để bao gồm từ “Đài Loan”, một điều sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.

Theo tiết lộ của nhiều nguồn tin thông thạo từ chính quyền Mỹ, tháng Ba vừa qua, Đài Loan đã yêu cầu được đổi tên cơ quan đại diện của họ tại thủ đô Hoa Kỳ từ “Văn Phòng Đại Diện Kinh Tế và Văn Hóa Đài Bắc” thành “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan”.

Theo Financial Times, việc đổi tên chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn phản đối việc các quốc gia khác có bất kỳ hình thức quan hệ chính thức nào với Đài Loan, mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai cần thu hồi kể cả bằng võ lực.

Ngay cả việc chính thức gọi hòn đảo là Đài Loan cũng bị Bắc Kinh phản đối. Tờ báo Anh ghi nhận là từ năm 2017 đến năm 2019, có bảy trong số các cơ quan đại diện chính quyền Đài Bắc tại một số quốc gia, dù không chính thức công nhận Đài Loan, như Nigeria, Jordan và Ecuador, đã bị nước chủ nhà, dưới sức ép của Bắc Kinh, buộc xóa từ “Đài Loan” hoặc “Trung Hoa Dân Quốc” trong tên gọi.

Vào tháng 7 vừa qua, Đài Loan đã mở một văn phòng tại Litva, được gọi là “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan.”  Trung Quốc đã lập tức triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius về nước và yêu cầu Litva triệu hồi đại sứ của họ tại Bắc Kinh.

Theo Financial Times, yêu cầu của Đài Loan xin đổi tên gọi văn phòng đại diện đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ và các quan chức Ngoại Giao phụ trách châu Á. Tuy nhiên, quyết định tối hậu tùy thuộc vào một lệnh hành pháp do tổng thống Biden ký.


Mỹ: Dự án chấn hưng của Biden bị một thượng nghị sĩ Dân Chủ cản đường

Thụy My

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Manchin, đảng Dân Chủ. ALEX WONG GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang bị yếu thế vì cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan, đặt hy vọng vào thành công của kế hoạch cải cách khổng lồ. Tuy nhiên hôm qua, thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Joe Manchin đã ngáng đường, khi tuyên bố không ủng hộ kế hoạch tái thúc đẩy 3.500 tỉ đô la của ông Biden.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki gởi về bài tường trình :

« Kể từ khi khởi đầu các cuộc thảo luận về kế hoạch cải cách, thượng nghị sĩ Joe Manchin có lẽ là mắt xích ít tin cậy nhất của phe Dân Chủ. Rất nhiều lần, ông Manchin đã bày tỏ sự hoài nghi, và trở thành thượng nghị sĩ cần phải thuyết phục, thậm chí ve vãn để bảo đảm có được lá phiếu của ông tại Thượng Viện. Tuy nhiên khi đảng Dân Chủ nghĩ rằng đã có đủ sự ủng hộ của tất cả các đại biểu, thượng nghị sĩ của bang West Virginia lại chắn lối. Việc này có nguy cơ gây phức tạp thêm cho nhiệm vụ của Chuck Schumer, thủ lãnh phe Dân Chủ ở Thượng Viện.

Ông Manchin nói : « Sẽ không có lá phiếu của tôi, và Chuck biết như vậy. Chúng tôi đã nói chuyện về việc này, chính phủ đã giải ngân 5.000 tỉ đô la để tái thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ cho người dân Mỹ trong khả năng ».

Kế hoạch của Joe Biden là đặc biệt quan trọng cho chính sách Build Back Better – kiến thiết lại nước Mỹ. Theo đó, trên 3.000 tỉ đô la sẽ được chi ra trong 10 năm tới để cải cách sâu rộng trường học, bệnh viện, vấn đề nhà ở, khí hậu.

Do phe Dân Chủ chỉ chiếm đa số khít khao ở Thượng Viện và bị phe Cộng Hòa phản đối, nên một kế hoạch chấn hưng cần được tất cả các thượng nghị sĩ của đảng ủng hộ. Đảng Dân Chủ không thể tự cho phép mất đi lá phiếu của Joe Manchin, vốn cho biết sẽ đồng ý, nếu kế hoạch bớt tốn kém hơn. Hôm qua thượng nghị sĩ này giải thích cần phải có thời gian thảo luận thêm, không nên vội vã, trong khi Nhà Trắng hy vọng kế hoạch được thông qua càng sớm càng tốt ».

Thượng nghị sĩ của bang West Virginia, một trong những bang nghèo nhất, nơi người dân ủng hộ Donald Trump, chỉ muốn dành ngân sách từ 1.000 đến 1.500 tỉ đô la. Ông nêu ra nạn lạm phát mạnh mẽ làm tăng giá xăng và giá thực phẩm đối với cư dân trong bang, đại dịch vẫn đang hoành hành, nước Mỹ đang nợ chồng chất, và nguy cơ các cuộc khủng hoảng quốc tế trong tương lai.

Quốc phòng: Nhật đẩy mạnh trợ giúp Việt Nam kháng lại Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Hai khu trục hạm Nhật Bản Ariake và Setogiri trong một lần ghế Vịnh Cam Ranh, Việt Nam. AFP/Ted Algibe

Nhân chuyến công du Việt Nam trong hai ngày 11 và 12/09/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đã liên tiếp tái khẳng định quyết tâm của Tokyo trong việc giúp Hà Nội nâng cao năng lực đối phó với các hành vi chèn ép của Bắc Kinh trên Biển Đông, không chỉ bằng lời nói suông, mà cả thông qua những hành động cụ thể.

Động thái mới nhất của chính quyền Nhật Bản là tuyên bố vào hôm qua, 12/09 của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi ngay tại Hà Nội, khi ông khẳng định rằng Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ “cùng một vận mệnh” và nên thúc đẩy hợp tác quốc phòng để bảo vệ sự ổn định khu vực dựa trên nền tảng luật pháp.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, một thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết: Trong bài phát biểu tại Hà Nội, ông Kishi xác nhận một lần nữa rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên cần phải làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực khác nhau trong bối cảnh “thực tế khắc nghiệt” hiện nay.

Theo giới phân tích, dù không nói trắng ra, nhưng khái niệm “thực tế khắc nghiệt” được bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đề cập tới chính là những hành vi lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào cả Việt Nam, trong trường hợp Biển Đông, lẫn Nhật Bản, trong trường hợp Biển Hoa Đông.

Tokyo thường xuyên phản đối sự hiện diện của Hải Cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản xung quanh các đảo, đôi khi đe dọa cả tàu cá.

Như để minh họa cho mối quan ngại của ông Kishi, bộ Quốc Phòng Nhật Bản hôm qua cho biết vừa phát hiện một tàu ngầm tình nghi là của Trung Quốc ngoài khơi một hòn đảo Nhật ở phía nam. Con tàu được thấy ngoài khơi bờ biển phía đông của đảo Amami-Oshima vào sáng 10/09, di chuyển theo hướng tây bắc, và đã đến vùng phía tây Biển Hoa Đông vào sáng hôm qua 12/09. Hiện diện gần tàu ngầm là một khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Trung Quốc.

Nếu Nhật Bản được cho là có đủ phương tiện để theo dõi và giám sát tàu Trung Quốc và canh phòng vùng biển của mình, thì đó không phải là trường hợp của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Nhật Bản bắt đầu cung cấp cho Việt Nam những loại tàu tuần tra đã kinh qua sử dụng, ký hợp đồng đóng tàu mới.

Một bước ngoặt mới đã được vượt qua ngày 11/09 khi tại Hà Nội, hai nước chính thức ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng giữa hai bên, một sự kiện mà theo chính bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, phản ánh việc hợp tác quốc phòng Việt-Nhật Bản đã bắt đầu tiến lên một “cấp độ mới”.

Gọi đây là một cấp độ mới không sai vì trước Việt Nam, Nhật Bản chỉ mới chấp nhận chuyển giao công nghệ quốc phòng cho 10 nước, từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc… cho đến Indonesia, Philippines…

Phát biểu hôm qua về thỏa thuận Quốc Phòng mới giữa Tokyo và Hà Nội, ông Kishi cho biết phạm vi hợp tác sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm an ninh mạng và xử lý đại dịch Covid.

Nhìn chung, bài phát biểu ở Hà Nội của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản xác định trở lại lập trường của Tokyo chống lại các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, mang tinh chất cưỡng ép, “dựa trên những khẳng định một chiều không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu” – tức là coi thường luật pháp – của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Nguyên tử: Iran và AIEA thỏa thuận duy trì các camera giám sát

RFI

Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Mohammad Eslami (T) và tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (P) họp báo tại Tehran, Iran, ngày 12/09//2021. via REUTERS – WANA NEWS AGENCY

Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) hôm qua 12/09/2021 đã đạt được một thỏa thuận về việc duy trì các camera giám sát tại các địa điểm nguyên tử của Iran, gợi lên hy vọng sẽ có được một thỏa ước rộng rãi hơn với phương Tây. Giám đốc AIEA, ông Rafael Grossi đến Teheran tối qua, cho biết đây chỉ là phương án tạm thời trong khi chờ đợi giải pháp ngoại giao.

Các thanh tra của AIEA trong vài ngày nữa sẽ thay thế các đĩa cứng cũng như các camera bị phá hoại hồi tháng Sáu. Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết :

« Iran dường như đã nhân nhượng một phần các đòi hỏi của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Tân giám đốc chương trình nguyên tử của Iran đánh giá cuộc thảo luận với Raphael Grossi là tích cực. Ông nói thêm, thương thảo còn tiếp tục và tổng giám đốc AIEA sẽ phải quay lại Teheran để bàn bạc tiếp.

Tương tự, Teheran cũng đồng ý cho thay các thẻ nhớ của những camera được bố trí ở các địa điểm nguyên tử của Iran. Điều này giúp luôn ghi lại được các hoạt động ở những cơ sở này, nhưng các thanh tra của AIEA vẫn chưa thể coi được các video. Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế chỉ trích Iran. Trước hết, Iran không trả lời các câu hỏi của AIEA về số uranium tại nhiều cơ sở hạt nhân cũ không khai báo. Teheran cũng hạn chế việc các thanh tra giám sát những địa điểm nguyên tử.

Song song với bế tắc với AIEA, các đàm phán giữa Iran với các đại cường để cố gắng làm sống lại hiệp ước nguyên tử 2015 cũng đang dậm chân tại chỗ, trong khi Teheran tiếp tục các hoạt động hạt nhân qua việc sử dụng các thiết bị ngày càng tân tiến hơn.

Hoa Kỳ và các nước châu Âu vốn đã mất kiên nhẫn, yêu cầu Teheran quay lại bàn đàm phán. Nhưng Teheran, cảm thấy ở thế mạnh, vẫn đang trì hoãn ».

Theo hiệp ước nguyên tử 2015, chương trình hạt nhân Iran được giám sát chặt chẽ hơn so với các nghĩa vụ căn bản với AIEA, tổ chức có 35 quốc gia thành viên. Hồi tháng Hai, Teheran loan báo không còn chấp nhận việc giám sát, vốn bao quát từ việc sản xuất các thiết bị cho máy ly tâm cho đến làm giàu uranium.

Liên Hiệp Quốc tổ chức quyên góp 600 triệu đô la giúp Afghanistan

Thùy Dương

Trước khi Taliban chiếm được Kabul, 18 triệu dân Afghanistan phải sống nhờ cứu trợ nhân đạo quốc tế. Trong ảnh, một nhóm dân Aighanistan di tản, tại ga xe lửa ở Chaman, Pakistan, vào ngày 01/09/2021. © REUTERS/Saeed Ali Achakzai/File Photo

Liên Hiệp Quốc hôm nay 13/09/2021 tổ chức hội nghị quốc tế về trợ giúp Afghanistan với hy vọng quyên góp được hơn 600 triệu đô la, nhằm giúp quốc gia Trung Á, dưới sự điều hành của phe Hồi giáo cực đoan Taliban, tránh được một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Hội nghị diễn ra vào chiều hôm nay 13/09, với sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress và chủ tịch ủy ban Quốc Tế của hội Chữ Thập Đỏ. Đại diện của chính phủ vài chục nước, cũng như ngoại trưởng Đức Heiko Maas, cũng tham dự cuộc họp.

Ngay từ trước khi Taliban chiếm quyền kiểm soát đất nước hồi giữa tháng 8, đã có 18 triệu người dân Afghanistan phải sống nhờ hàng cứu trợ nhân đạo. Sau khi chính phủ Afghanistan do Tây phương hậu thuẫn sụp đổ, hàng triệu đô la tiền cứu trợ của các nhà hảo tâm quốc tế đã bị ngưng, khiến áp lực giờ đây chủ yếu đè nặng lên các chương trình cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress tuyên bố định chế quốc tế này cũng đang gặp khó khăn về tài chính, thậm chí không còn tiền để trả lương cho các cộng tác viên.

Trung Quốc và Pakistan tích cực viện trợ Afghanistan
Trong khi Tây phương còn đang chờ đợi Taliban cam kết tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là tôn trọng các quyền của phụ nữ, coi đó là điều kiện để tài trợ, thì theo Reuters, Trung Quốc thông báo sẽ chuyển cho Afghanistan nhu yếu phẩm và dụng cụ y tế với tổng trị giá 31 triệu đô la. Pakistan hồi tuần trước cũng đã chuyển cho nước láng giềng nhiều mặt hàng và thuốc men. Ngoại trưởng Pakistan còn kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp Afghanistan vô điều kiện và ngưng phong tỏa tài sản của Afghanistan ở nước ngoài.

Ngoại trưởng Qatar đến Kabul
Ngoại trưởng Qatar, Mohamed ben Abdoulrahman al Thani, đến Kabul hôm qua và đã có cuộc trao đổi với thủ tướng Hassan Akhund và nhiều bộ trưởng trong chính quyền Taliban. Ngoại trưởng Qatar là quan chức nước ngoài cao cấp nhất đến Kabul kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Theo Qatar, đôi bên đã thảo luận về việc chống các tổ chức khủng bố ở Afghanistan, các phương cách củng cố hòa bình, việc đi lại an toàn cho người dân, các quan hệ song phương, viện trợ nhân đạo, phát triển kinh tế và sự tương tác giữa Kabul với thế giới.

Chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên hạ cánh xuống Kabul
Chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên từ sau khi Taliban nên nắm quyền đã hạ cánh xuống sân bay Kabul ngày hôm nay 13/09 vào lúc 10 giờ 30 (06 giờ GMT). Đây là chuyến bay của hãng hàng không nhà nước Pakistan (PIA), cất cánh từ Islamabad. Máy bay chỉ chở rất ít hành khách, chủ yếu là thành viên phi hành đoàn.

Hy Lạp mua bổ sung 6 chiến đấu cơ Rafale của Pháp

Thùy Dương

Một máy bay chiến đấu Rafale của Pháp tại căn cứ không quân Souda trên đảo Crete, Hy Lạp, ngày 13/08/2020. AP

Trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, ngày thứ Bảy 11/09/2021 Hy Lạp thông báo ý định mua bổ sung 6 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, năng tổng số chiến đấu cơ Rafale mà Hy Lạp có lên thành 24. Paris hôm qua hoan nghênh quyết định của Athens, gọi đó là một tin hiệu « tuyệt vời » và một bước tiến trong việc hợp tác của châu Âu về quốc phòng để xây dựng « sự tự chủ thực thụ » cho Liên Âu.

Thông báo về việc mua thêm 6 chiến đấu cơ Rafale của Pháp được thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đưa ra hôm thứ Bảy 11/09 tại Hội chợ quốc tế Thessalonique. Thủ tướng Hy Lạp còn nhấn mạnh máy bay Rafale đầu tiên sẽ tung cánh bay trên bầu trời Hy Lạp muộn nhất là vào cuối năm nay.

Còn theo bộ trưởng Quốc Phòng Hy Lạp, Nikolaos Panayotopoulous, sứ mệnh chính của những chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Pháp Dassault Aviation chế tạo là « bảo đảm sự vẹn toàn lãnh thổ » của Hy Lạp trong bối cảnh có « sự bất ổn tiềm tàng », chủ yếu trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Athens cũng thông báo triển hạn 5 năm thỏa thuận với Mỹ về hợp tác phòng thủ.  

Riêng trong quan hệ với Pháp, thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh đến một mối quan hệ « rất gần gũi ». AFP nhắc lại, hồi đầu năm 2021, trong một thời gian ngắn kỷ lục, Athens đã ký hợp đồng mua 18 chiến đấu cơ Rafale của Pháp (12 máy bay cũ và 6 máy bay mới) để củng cố quốc phòng và tăng cường quan hệ đồng minh với Paris. Hợp đồng này có giá 2,5 tỉ euro và thời hạn Pháp giao Rafale muộn nhất là vào tháng 09/2023. Đối với Pháp, đây là thương vụ bán Rafale đầu tiên cho các nước châu Âu.

Trước đó, vào năm 2020, khi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra mâu thuẫn khi Ankara điều tàu thăm dò địa chất vào vùng biển có tranh chấp với Athens và phô trương lực lượng ở vùng biển đông Địa Trung Hải, Pháp đã bày tỏ quan điểm đứng về phía Hy Lạp, điều các chiến đấu cơ Rafale và tàu chiến đến đông Địa Trung Hải.

Đối với Pháp, hợp đồng ký hồi đầu năm với Athens là thương vụ bán Rafale đầu tiên cho các nước châu Âu. Đến tháng 05/2021, Croitia đặt mua 12 chiến đấu cơ Rafale cũ của Pháp và Ai Cập mua bổ sung 30 chiếc cho phi đội đã có 24 chiến đấu cơ Rafale. Nhìn rộng ra thế giới, các khách hàng khác của Rafale còn có Qatar (36 chiến đấu cơ), Ấn Độ (36). 

Covid-19: Anh bỏ quy định về “giấy thông hành y tế”

Thùy Dương

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Nghị Viện, Luân Đôn, ngày 07/09/2021. – UK PARLIAMENT/AFP

Theo dự kiến, “giấy thông hành y tế” tại Anh chính thức có hiệu lực ngày 01/10/2021. Thế nhưng, hôm qua 12/09, chính phủ Anh đã hủy bỏ quy định gây nhiều tranh cãi về việc áp dụng giấy thông hành y tế, vốn được lập ra với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Bộ trưởng Y Tế Anh Sajid Javid hôm qua lý giải biện pháp này nay không còn cần thiết nữa vì 81% dân số trên 16 tuổi đã tiêm xong hoàn toàn. Quyết định của Luân Đôn bị đối lập chỉ trích, nhưng lại được giới giải trí hoan nghênh.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Sidonie Gaucher cho biết chi tiết :

« Lại một lần nữa chính phủ Anh lật ngược tình thế. Cuối cùng chính phủ đã hủy bỏ dự kiến áp dụng giấy thông hành y tế. Từ nhiều tháng nay, chính phủ Anh bị chia rẽ vì chủ đề nói trên, trong lúc người dân đang chờ đợi thông báo về các biện pháp chuẩn bị cho mùa đông tới, sẽ được đưa ra vào ngày mai thứ Ba (14/09/2021). Trong khi đó, quan điểm của hội đồng khoa học là ủng hộ việc áp dụng chứng nhận y tế, để ngăn chặn sự lay lan của virus corona.

Bộ trưởng Y Tế Anh Sajid Javid phát biểu : « Tôi nghĩ là chúng ta có thể nói rằng theo bản năng thì đa số người dân phản đối biện pháp này. Bản thân tôi trước đây tôi cũng không thích ý tưởng yêu cầu mọi người trình giấy tờ để tham gia các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày ». Bộ trưởng Y Tế cũng muốn bỏ việc áp đặt xét nghiệm PCR đối với những du khách trở về từ nước ngoài.

Ngành công nghiệp nhà hàng ăn uống và giải trí đã nhiều lần chỉ trích biện pháp áp dụng giấy thông hành y tế mà họ cho là « bất công, khó thực hiện và ẩn chứa sự phân biệt đối xử ».

Nhưng quy định sẽ là khác nhau tùy theo từng xứ thuộc Vương quốc Anh. Tại Scotland, giấy thông hành y tế sẽ được áp dụng từ ngày 01/10/2021 tại các sàn nhảy và đối với những hoạt động có đông người tham gia. Còn ở xứ Wales, quyết định sẽ được đưa ra trong tuần tới ».

Pháp : 0,5% số lớp đóng cửa vì có học sinh nhiễm virus

Tại Pháp, trong bài trả lời phỏng vấn được báo Le Parisien đăng hôm nay 13/09, bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer cho biết hiện giờ có hơn 3.000 lớp học bị đóng cửa, tương đương hơn 0,5% tổng số 540.000 lớp học trên toàn quốc. Số lớp học phải đóng cửa do có học sinh nhiễm virus corona mà bộ trưởng Giáo Dục Pháp công bố hôm thứ Ba tuần trước chỉ là 545 lớp.

Vẫn theo ông Blanquer, hiện giờ 67% học sinh Pháp trong độ tuổi 12-17 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi và 54% đã được tiêm xong hoàn toàn. Chính quyền hy vọng đến cuối tháng 09, sẽ có hơn 2/3 tổng số học sinh trong độ tuổi này tiêm xong, nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm chủng cho học sinh thông qua trường học.

Biển Đông: Bắc Kinh “hy vọng” đúc kết được COC khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEA

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) nói chuyện với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) tại buổi lễ ký kết hiệp định thương mại tự do song pương, Cung điện Hòa bình, Phnom Penh, 12/10/2020. AP – Heng Sinith

Ngay sau khi rời Việt Nam, ngoại trưởng Trung Quốc đã qua Cam Bốt trong chuyến công du hai ngày, kết thúc hôm nay, 13/09/2021. Tại quốc gia thân cận nhất với Bắc Kinh trong khối ASEAN, từng sẵn sàng bênh vực lập trường Biển Đông của Trung Quốc bất chấp tổn hại cho toàn khối Đông Nam Á, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc “hy vọng” đúc kết được đàm phán với ASEAN về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông vào năm tới, 2022, đúng vào lúc Cam Bốt làm chủ tịch luân phiên khối ASEAN.

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngoại trưởng Trung Quốc đã cho biết hy vọng kể trên của Bắc Kinh trong cuộc hội đàm với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen vào hôm qua, 12/09 tại Phnom Penh.

Sau một thời gian dài bị đình hoãn vì Covid-19, đàm phán ASEAN-Trung Quốc về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) đã được khởi động trở lại, với việc Bắc Kinh đã nhiều lần cho thấy ý muốn đẩy nhanh tốc độ thương thuyết.

Theo SCMP, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào tháng 8 vừa qua đã cho rằng sở dĩ Bắc Kinh muốn gấp rút đúc kết COC, đó là vì họ xem bộ quy tắc này là “một cách để phá hoại phán quyết năm 2016” của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, vốn đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Theo giới phân tích, trong số các trở ngại làm trì hoãn cuộc đàm phán, có những đòi hỏi của Trung Quốc muốn đưa vào COC những quy định cấm các nước ngoài khu vực can dự vào Biển Đông, điều không được các nước bị Bắc Kinh chèn ép trên Biển Đông như Việt Nam hay Philippines đồng ý.

Với Cam Bốt lên làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Bắc Kinh được cho là sẽ có thể thông qua Phnom Penh tác động lên vấn đề Biển Đông, như đã từng thành công trước đây. Mọi người vẫn nhớ là vào năm 2012, khi Cam Bốt “lãnh đạo” khối Đông Nam Á, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN đã không ra được Thông Cáo Chung chỉ vì Cam Bốt kiên quyết không chấp nhận đưa vào văn kiện những lời lẽ quá cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Báo Hồng Kông SCMP còn nhắc lại rằng sau đó, chính Cam Bốt là nước đã ngăn cản không cho ASEAN đưa ra một tuyên bố chung phản bác Trung Quốc về phán quyết La Haye năm 2016.

Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phát biểu hôm qua trong cuộc họp với ông Vương Nghị, thủ tướng Hun Sen đã cam kết là Phnom Penh sẽ cùng với Bắc Kinh “ngăn chặn, không cho các thế lực bên ngoài làm gián đoạn công việc nội bộ của khu vực”, và Cam Bốt sẽ tiếp tục “kiên định ủng hộ lập trường chính đáng của Trung Quốc” trên những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Nhân chuyến công du Cam Bốt, dĩ nhiên là ngoại trưởng Trung Quốc đã loan báo những khoản viện trợ cho Phnom Penh, từ cam kết viện trợ 270 triệu đô la và thêm ba triệu liều vắc xin Covid-19, cho đến việc bàn giao cho đồng minh thân cận một sân vận động quốc gia mới, được xây dựng ở vùng ngoại ô Phnom Penh bằng tiền của Trung Quốc, mà theo bộ trưởng Du Lịch Cam Bốt lên đến 160 triệu đô la.

Related posts