Nhật Bản và Ấn Độ phản đối Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển
Trọng Nghĩa
Trước thềm thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ QUAD tại Washington, hai thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Ấn Độ Narendra Modi, hôm qua 23/09/2021, đã có cuộc gặp song phương. Hai bên đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, ám chỉ đến các hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
Hãng tin Nhật Kyodo trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết trong cuộc hội đàm kéo dài 45 phút, hai ông Suga và Modi đã khẳng định Ấn Độ và Nhật Bản “có chung quan điểm phản đối mạnh mẽ các hành vi cưỡng ép kinh tế và các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện thực hóa một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác song phương, cũng như hợp tác với các thành viên trong nhóm Bộ Tứ QUAD để xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Dù không nêu tên, nhưng đối tượng mà hai thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ nhắm tới chính là Trung Quốc, với những hành vị hung hăng áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý, cũng như vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng, bất chấp phán quyết quốc tế năm 2016, bác bỏ các đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc.
Ngoài vấn đề kể trên, hai thủ tướng Suga và Modi cũng đề cập đến các hồ sơ như Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, hay hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19.
Vấn đề an ninh ở vùng Ấn Độ Thái-Bình Dương chắc chắn sẽ được hai thủ tướng Ấn và Nhật đề cập thêm nhân cuộc họp hôm nay (24/09) với đồng nhiệm Úc Scott Morrison và tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ tại Washington.
Mỹ và Nhật thảo luận về hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương
Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm ở thủ đô Hoa Kỳ với đồng nhiệm Nhật Bản Toshimitsu Motegi để thảo luận về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề hợp tác an ninh ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Hai bên đã nhất trí củng cố hơn nữa liên minh hướng tới một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua hợp tác với các đồng minh và các nước cùng chí hướng.
Trên Twitter, ngoại trưởng Mỹ cho biết là ông đã có một “cuộc trò chuyện tuyệt vời” với đồng nhiệm Motegi. Hai nước Hoa Kỳ và Nhật Bản đang “làm việc cùng nhau để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.”
Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, ngoại trưởng Nhật Bản có yêu cầu Hoa Kỳ quay trở lại Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương TPP, nay là CP-TPP, sau khi Hoa Kỳ rút ra vào năm 2017 dưới thời chính quyền tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Trung Quốc, trọng tâm của thượng đỉnh QUAD
Thanh Hà
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong khuôn khổ thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD tại Washington ngày 24/09/2021. Trung Quốc là một mối quan ngại chung của các bên, nhưng vế an ninh không nằm trong chương trình nghị sự, theo tiết lộ của một quan chức trong chính quyền Biden.
Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết, các bên sẽ đề cập đến « vấn đề an ninh khu vực », tuy nhiên đây « không phải là tâm điểm » của thượng đỉnh tại Washington. Các lãnh đạo Joe Biden, Yoshihide Suga, Narendra Modi và Scott Morrison sẽ tập trung vào những lĩnh vực « y tế, an ninh mạng và phát triển cơ sở hạ tầng ». Quan chức này nói thêm « QUAD không liên quan gì đến hiệp định AUKUS » mà Anh, Mỹ và Úc vừa thông báo thành lập hôm 15/09/2021.
Hãng tin Anh lưu ý, QUAD được thành lập với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng trong cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên hôm nay, sau cuộc họp trực tuyến hồi tháng 3/2021, lãnh đạo bốn nước trong nhóm này lại dành ưu tiên cho chính sách triển khai vac-xin ngừa Covid-19. Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin tại Washington giải thích :
“Lãnh đạo bốn bên đối thoại lần thứ hai trong năm và lần này là một cuộc đối thoại trực tiếp tại Nhà Trắng trong lúc đại dịch vẫn hoành hành và điều đó lại càng cho thấy tầm mức quan trọng của thượng đỉnh. Dịch Covid-19 là một trong số rất nhiều chủ đề trong chương trình nghị sự, bao gồm từ các khâu sản xuất, phân phối vac-xin mà hiện cần được cải thiện. Ngoài ra, nhóm QUAD thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mạng 5G, về an ninh mạng và về việc tổ chức các cuộc thao dượt quân sự chung trên biển”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là mối bận tâm của các bên, Guillaume Naudin cho biết tiếp:
“Mỗi bên tham gia, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đều có những quan tâm riêng và những bất đồng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã không ngần ngại chỉ trích nhóm QUAD được hình thành để chống lại Trung Quốc. Quả thật là cả bốn thành viên nhóm Bộ Tứ này đều lo ngại trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với Biển Đông, đe dọa tự do lưu thông hàng hải và đây là một vấn đề hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, QUAD không phải là một liên minh quân sự, khác với hiệp ước an ninh ba bên AUKUS vừa được hình thành và đã khiến Pháp phẫn nộ. Ấn Độ, với truyền thống giữ thế trung lập, đã mạnh mẽ khẳng định quyết tâm đối thoại với Pháp. Paris muốn khẳng định vai trò của mình trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thượng đỉnh tại Washignton lần này là cơ hội để tổng thống Biden chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đối tác, cho dù tất cả những đối tác đó không phải là những đồng minh thân thiết”.
Mỹ sắp công bố kế hoạch mới về Ấn Độ -Thái Bình Dương
Vẫn liên quan đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23/09/2021 thông báo Washington chuẩn bị công bố chiến lược mới về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Reuters nhắc lại thông báo này được đưa ra trong khuôn khổ cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ với các đồng nhiệm khối ASEAN bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Ngoại trưởng Blinken nói thêm : Chiến lược mới của Mỹ về Ấn Độ- Thái Bình Dương dự trù được công bố vào “mùa thu này” và Washington dựa trên cơ sở “một tầm nhìn chung về một thế giới tự do, rộng mở và kết nối, về một khu vực an toàn”. Theo ông, ASEAN đóng một vai trò “then chốt” đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tương lai.
Pháp-Mỹ: Paris duy trì áp lực, Washington hứa sẽ có hành động
Trọng Nghĩa
Một ngày sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Mỹ, Paris hôm qua, 23/09/2021 vẫn duy trì sức ép lên Washington, cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và Washington cần phải có những hành động cụ thể để khôi phục lòng tin.
Trong cuộc hội đàm tay đôi kéo dài khoảng một giờ đồng hồ với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken bên lề khóa họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã khẳng định rằng: Dù tổng thống hai nước đã có bước đi đầu tiên với cuộc điện đàm, nhưng để giải quyết cuộc khủng hoảng song phương, “cần có thời gian và hành động” cụ thể.
Nếu ngoại trưởng Pháp có lời lẽ được cho là cứng rắn, đồng nhiệm Mỹ của ông lại có tuyên bố hòa dịu. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Antony Blinken công nhận rằng việc hòa giải “sẽ mất nhiều thời gian và rất nhiều công sức”, nhưng phía Mỹ sẽ chuyển từ “các tuyên bố” sang “hành động” để vượt qua cuộc khủng hoảng với Pháp.
Thái độ cứng rắn của Paris được duy trì trong bối cảnh kể từ đầu tuần, ngoại trưởng Pháp thường xuyên có những lời lẽ rất gay gắt với Mỹ và từ chối bất kỳ cuộc nói chuyện nào với đồng nhiệm Hoa Kỳ.
Pháp đã nổi giận từ ngày 15/09 sau khi Mỹ, Úc và Anh bất ngờ loan báo thành lập liên minh AUKUS, với hậu quả là Canberra đơn phương hủy bỏ hoàn toàn một hợp đồng lớn mua tàu ngầm của Pháp, để quay sang nhờ Mỹ hỗ trợ.
EU duy trì đàm phán về thương mại và công nghệ với Mỹ
Bất chấp thái độ còn tức giận của Pháp, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 23/09/2021, đã xác nhận sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ, dự kiến vào tuần tới, bất chấp cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt nguồn từ việc Úc đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.
Trong những ngày qua, chính Paris làm dấy lên khả năng sự kiện Hội Đồng Công Nghệ và Thương Mại Pittsburg, dự trù ngày 29/09 sắp tới, có thể bị hoãn lại để trả đũa vụ tàu ngầm.
Đức: Bảy chính đảng tranh luận lần cuối trước ngày bầu cử Quốc Hội
Thu Hằng
Tối 23/09/2021, lãnh đạo của 7 đảng trong Quốc Hội Đức đã tranh luận lần cuối trên truyền hình trước ngày bầu cử Quốc Hội 26/09. Theo kết quả thăm dò mới nhất, đảng Dân Chủ Xã Hội SPD do bộ trưởng Tài Chính Olaf Scholz dẫn đầu vẫn thu được nhiều ý định bỏ phiếu nhất, theo sát là Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, với ứng cử viên Armin Laschet.
Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin tóm tắt nội dung buổi tranh luận :
« Sau ba cuộc tranh luận giữa ba ứng cử viên thủ tướng, phạm vi đã được mở rộng và đề cập đến nhiều chủ đề mới, như vấn đề nhà ở và những căng thẳng trên thị trường bất động sản, một vấn đề được rất nhiều người dân Đức quan tâm. Và không có gì ngạc nhiên, tất các các chính trị gia đều muốn xây thêm nữa.
Chính sách đối ngoại, chủ đề vắng bóng trong các cuộc tranh luận khác, cuối cùng cũng được đề cập. Hai ứng viên sáng giá nhất cho chức thủ tướng, Armin Laschet và Olaf Scholz, có lập trường rất giống nhau về châu Âu. Những lời chỉ trích từ đảng cánh tả Die Linke nhắm vào NATO và các chiến dịch can thiệp bên ngoài lại cho thấy những khó khăn về khả năng liên kết giữa ba đảng cánh tả. Và điểm này đã được ứng viên đảng bảo thủ Laschet nêu lên.
Về phần đối thủ của ông Laschet, chính trị gia Olaf Scholz thuộc đảng SPD vẫn mập mờ về những khả năng liên minh sắp tới và kêu gọi : « Những ai muốn tôi điều hành chính phủ tới nên bỏ phiếu cho đảng SPD ».
Bà Annalena Baerbok, ứng viên đảng Xanh, dĩ nhiên là nhấn mạnh đến sự đoạn tuyệt mà bà vẫn cố thể hiện khi cho mình là người muốn có thay đổi sâu sắc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà nói : « Thêm 17 năm hoạt động nhiệt điện sẽ không giúp Đức thực hiện được cam kết trung hòa cacbon và bảo đảm tương lai cho con cháu chúng ta ».
Việc hai ứng viên bảo thủ và xã hội dân chủ đang theo sát nhau trong các cuộc thăm dò dư luận lại giúp đảng tự do FDP có thêm trọng lượng và có thể chiếm ưu thế. Chủ tịch đảng Christian Lindner đã nhắc lại ưu tiên liên minh với đảng CDU và đảng Xanh. Ông nói : « Sự hội tụ quan trọng nhất nằm trong liên minh Jamaica » (mầu cờ của Jamaica trùng với mầu cờ của ba đảng FDP, CDU, đảng Xanh). Nhưng đảng tự do FDP cũng có thể đóng vai trò lực lượng hỗ trợ cho đảng SPD và đảng Xanh. Kỳ bỏ phiếu chưa bao giờ lại để ngỏ đến như vậy ».
Ukraina : Quốc Hội thông qua luật chống tài phiệt
Trọng Nghĩa
Ngày 23/09/2021, Quốc Hội Ukraina thông qua một văn bản được đánh giá là mang tính cách mạng, có tên gọi là “luật chống tài phiệt”. Dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Volodymyr Zelensky, lần đầu tiên sau 25 năm, Ukraina cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng của giới tài phiệt rất có thế lực chính trị trong xã hội nước này.
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Stéphane Siohan, dù xuất phát từ một ý tưởng tốt, như thông lệ tại một quốc gia Đông Âu này, vấn đề là làm sao áp dụng được luật trong thực tế :
« Chỉ 24 giờ sau vụ mưu sát Sergiy Chéfir, cố vấn hàng đầu của tổng thống Zelensky, nhân vật liên lạc giữa ông với giới tài phiệt, Quốc Hội Ukraina đã bỏ phiếu tán đồng vào hôm qua một văn bản lịch sử, được gọi là “luật chống tài phiệt”.
Lần đầu tiên, nhà nước Ukraina, bị lớp doanh nhân mafia cướp bóc trong 30 năm, sẽ đưa ra một định nghĩa pháp lý về thế nào là một nhà tài phiệt.
Bị xếp vào diện này là các doanh nhân đáp ứng ba trong bốn tiêu chí sau: Có tài sản vượt quá 80 triệu đô la, nắm tư thế độc quyền, gây ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, hoặc tài trợ cho các chính đảng.
Một quyển “sổ đăng ký các nhà tài phiệt” sẽ được lập ra, và các thành viên của chính phủ sẽ bị cấm tiếp xúc với hàng chục nhân vật này.
Ý tưởng ngăn chặn quan hệ giữa các chính trị gia và giới doanh nhân đã khiến người Ukraina rất buồn cười, vì họ biết rất rõ phần lớn nghị sĩ của họ đều đã nhận hối lộ từ chính những nhà tài phiệt này.
Mọi người đang tự hỏi là tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ xoay sở như thế nào để thoát khỏi các nhà tài phiệt này, khi mà chính Ihor Kolomoisky, người giàu thứ ba tại Ukraina, là nhân vật đã thúc đẩy sự nghiệp chính trị của đương kim tổng thống ».
Lỗ thủng tầng ozone hàng năm trên Nam Cực đang ‘lớn hơn bình thường’
Lỗ thủng hàng năm trong tầng ozone bảo vệ của Trái đất xuất hiện trên Nam Bán cầu đang “lớn hơn bình thường” – và hiện đã lớn hơn châu Nam Cực.
Hoạt động như một lá chắn, tầng ozone hấp thụ tia tử ngoại từ Mặt trời. Sự thiếu vắng của nó đồng nghĩa với việc những bức xạ năng lượng cao này có thể đến được Trái đất và gây hại cho các sinh vật sống trên đó. Quá trình sản xuất của con người sẽ thải ra các chất hóa học vào bầu khí quyển. Các chất này, với xúc tác là năng lượng Mặt trời, sẽ gây ra các các phản ứng làm suy giảm tầng ozone.
Theo Daily Mail, hàng năm, sự suy giảm tầng ozone sẽ gây ra một lỗ thủng hình thành phía trên cực nam của Trái đất trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 – mùa hè bán cầu nam – đạt cực đại vào đầu tháng 10.
Kích thước của lỗ thủng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Điều kiện lạnh giá năm ngoái chứng kiến một trong những lỗ thủng lớn nhất từng được ghi nhận, trong khi năm 2019 lỗ thủng là nhỏ nhất.
Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết, sau khi bắt đầu với kích thước trung bình trong năm nay, kích thước của lỗ thủng đã tăng lên đáng kể.
Tính đến ngày hôm 16/9, lỗ thủng này có diện tích khoảng 8,8 triệu dặm vuông (23 triệu km vuông).
Trong những năm có điều kiện thời tiết bình thường, lỗ thủng thường phát triển đến diện tích tối đa khoảng 8 triệu dặm vuông (20,7 triệu km vuông).
Bất chấp những biến động tự nhiên này, các chuyên gia kỳ vọng lỗ thủng này sẽ đóng lại vĩnh viễn vào năm 2050, do hiệu lực của hiệp ước hạn chế các hóa chất làm suy giảm tầng ozone được đưa ra vào năm 1987.
Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus Vincent-Henri Peuch cho biết: “Các dự báo cho thấy lỗ thủng năm nay đã phát triển thành một lỗ thủng khá lớn hơn bình thường. Chúng tôi đang nhìn thấy một lỗ thủng tầng ozone khá lớn và có khả năng cũng sâu”.
Theo Tiến sĩ Peuch, lỗ thủng tầng ozone được quan sát thấy vào năm ngoái cũng bắt đầu không đáng kể, nhưng tiến triển thành một trong những lỗ thủng tồn tại lâu nhất từng được ghi nhận.
Trên thực tế, các phép đo từ vệ tinh Copernicus Sentinel-5P cho thấy lỗ thủng năm ngoái cũng là một trong những lỗ thủng sâu nhất và lớn nhất trong những năm gần đây, với tổng diện tích khoảng 9,7 triệu dặm vuông (25 triệu km vuông).
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, lỗ thủng năm ngoái được thúc đẩy bởi một “xoáy cực có cường độ mạnh, ổn định và lạnh” khiến nhiệt độ của tầng ozone trên Nam Cực liên tục hạ thấp.
Sự tiến hóa của lỗ thủng tầng ozone năm nay dường như đang tiến triển theo một đường hướng tương tự, hiện tại nó lớn hơn so với 75% các lỗ thủng kể từ năm 1979 tại cùng thời điểm.
Nhà khoa học cấp cao Antje Inness của Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung Châu Âu cho biết: “Sự tiến triển này của tầng ozone là những gì chúng tôi kỳ vọng với điều kiện khí quyển hiện tại. Tiến trình của lỗ thủng tầng ozone trong những tuần tới sẽ cực kỳ thú vị”.
Năm nay, Tiến sĩ Peuch nói thêm, “xoáy thuận khá ổn định và nhiệt độ của tầng bình lưu thậm chí còn thấp hơn năm ngoái – vì vậy [lỗ thủng ozone] có thể tiếp tục phát triển nhẹ trong hai hoặc ba tuần tới”.
Giám đốc sứ mệnh Copernicus Sentinel-5P, Claus Zehner, cho biết: “Việc giám sát lỗ thủng ozone trên Nam Cực phải được giải thích cẩn thận vì kích thước, thời gian và nồng độ ozone của một lỗ thủng bị ảnh hưởng bởi các trường gió địa phương, hoặc khí tượng xung quanh Nam Cực”.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực sẽ đóng lại vào năm 2050”.
Taliban nói sẽ tái áp đặt các lệnh hành quyết và hình phạt nghiêm khắc
Một quan chức hàng đầu của Taliban tuyên bố, nhóm cầm quyền Afghanistan sẽ tái áp đặt các lệnh hành quyết và hình phạt nghiêm khắc, chẳng hạn như cắt cụt tay chân.
Phát biểu với hãng tin Associated Press (AP), ông Mullah Nooruddin Turabi đã bác bỏ những lời chỉ trích đối với sự cai trị trước đây của tổ chức này tại Afghanistan từ năm 1996-2001, thời điểm công khai các vụ hành quyết, đánh bằng roi, ném đá, và cắt cụt chân tay. Ông Turabi, đã mất một mắt và một chân khi chiến đấu chống lại quân xâm lược Liên Xô vào những năm 1980, hiện là người đứng đầu Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Ngăn ngừa Thói xấu, đồng thời chịu trách nhiệm thực thi các hình phạt.
Tờ AP ngày 23/9 cho hay, ông Turabi bày tỏ: “Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt thực hiện tại sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất kỳ điều gì về luật pháp và các hình phạt của họ. Đừng ai nói với chúng tôi rằng luật của chúng tôi phải như thế nào. Chúng tôi sẽ tuân theo đạo Hồi và chúng tôi sẽ đưa ra luật dựa trên kinh Quran.”
Hơn 20 năm trước, trong thời gian Taliban cai trị Afghanistan, những kẻ sát nhân bị kết án đã bị hành quyết bằng một phát súng duy nhất vào đầu và thường do người nhà của nạn nhân thực hiện, đôi khi diễn ra tại sân vận động hoặc các khu vực công cộng khác. Những tên trộm bị kết án phải đối mặt với hình phạt bị cắt cụt bàn tay của họ. Đối với những người bị kết án đầu cơ trục lợi, họ sẽ cắt bỏ một bàn chân và một bàn tay.
Có một sự thay đổi so với quy định trước đây của Taliban. Ông Turabi tiết lộ với hãng tin AP, các thẩm phán nữ giờ đây sẽ có thể xét xử các vụ án. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nền tảng cho luật pháp của quốc gia Nam Á này sẽ được diễn giải theo kinh Quran.
Ông giải thích thêm: “Hình phạt cắt bỏ bàn tay là rất cần thiết để đảm bảo an ninh,” và lưu ý hình phạt còn có tác dụng răn đe. Không rõ hình phạt này có được thực hiện ở nơi công cộng hay không, nhưng chính phủ Afghanistan đang nghiên cứu việc này và sẽ “đưa ra một chính sách”.
Bảo vệ sự cai trị trước đây của Taliban, vốn cho phép chứa chấp các mạng lưới khủng bố bao gồm cả al-Qaeda, ông Turabi tự hào nói với AP: “Chúng tôi đã có sự an toàn tuyệt đối ở mọi nơi trên đất nước này.” Ông nêu rõ các phương pháp trừng phạt công khai của tổ chức này và khẳng định chúng có tác dụng ngăn chặn tội phạm.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích Taliban đang “dần dần phá bỏ” các thành quả nhân quyền đạt được trong suốt 20 năm qua ở nước này.
Hôm thứ Ba (21/9), Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra, điều đó bao gồm “các vụ giết hại nhắm vào dân thường và binh lính đã đầu hàng, cũng như việc ngăn chặn việc cung cấp nhân đạo tại Thung lũng Panjshir, vốn cấu thành tội ác theo luật pháp quốc tế. Các biện pháp hạn chế cũng đã được áp đặt trở lại đối với phụ nữ, quyền tự do ngôn luận, và xã hội dân sự.”
Taliban đã chiếm được Afghanistan chỉ trong vài ngày sau một cuộc tiến công dồn dập. Việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan trước khi Hoa Kỳ rút toàn bộ quân đội ra khỏi nước này, đã dẫn đến một cuộc sơ tán vội vã và hỗn loạn trong bối cảnh hàng nghìn người Mỹ và công dân Afghanistan ra khỏi quốc gia Nam Á này bằng máy bay.
Một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ còn lo ngại Taliban có thể đã chiếm giữ các khí tài quân sự trị giá hàng tỷ đô la của Hoa Kỳ bao gồm máy bay trực thăng Black Hawk, vũ khí và các công nghệ khác.
Tranh chấp thương mại tàu ngầm Pháp-Úc nêu bật tầm quan trọng của việc đối đầu với Bắc Kinh
Việc Úc hủy bỏ cuộc tranh luận ngoại giao về việc mua tàu ngầm từ Pháp cho thấy một sự thay đổi chiến lược quan trọng ở các nước phương Tây, đó là Hoa Kỳ và các đồng minh sẵn sàng bỏ qua một đối tác châu Âu quan trọng để chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương.
Úc đã hủy hợp đồng với Pháp về 12 tàu ngầm thông thường để ký thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh, các quan chức Pháp đã rất tức giận.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO (từ năm 2009 đến năm 2013), Ivo Daalder, tuyên bố rằng Úc đã quyết định hợp tác với Hoa Kỳ và Anh, điều này cũng cho thấy rằng kể từ khi ký kết hợp đồng vào năm 2016, quan điểm chiến lược của Úc đối với Trung Quốc đã có những thay đổi lớn phi thường. Từ việc Bắc Kinh xử lý không đúng cách đối với đại dịch COVID-19, đến việc xâm lược Biển Đông và kiểm soát thương mại ở Thái Bình Dương, cùng với đó là quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã tiếp tục xấu đi.
Ông Dalder nói với Fox News: “Thành thật mà nói, [Úc] muốn ràng buộc Hoa Kỳ với khu vực Thái Bình Dương. Hơn nữa những lý do chiến lược để hợp tác với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ quan trọng hơn nhiều so với hợp tác với Pháp. Và quan trọng là các tàu ngầm thông thường “của Pháp chỉ đơn giản là không đáp ứng được nhiệm vụ này”.
Úc sẽ nhận ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong thỏa thuận vào năm 2040. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có nhiều lợi thế hơn so với tàu ngầm trong thỏa thuận ban đầu giữa Úc và Pháp. Các tàu ngầm do Mỹ sản xuất có thể tồn tại hàng thập kỷ mà không cần tiếp nhiên liệu, có tầm hoạt động lớn hơn và khó bị phát hiện hơn so với các tàu ngầm thông thường. Con tàu do Pháp sản xuất là một thiết kế tàu ngầm hạt nhân, nhưng đã được sửa đổi thành loại hybrid diesel-điện.
Garret Martin, đồng giám đốc Trung tâm Chính sách Xuyên Đại Tây Dương của Đại học Mỹ, nói với Fox News: “Tôi nghĩ rằng sự cưỡng bức kinh tế của chính quyền TQ đối với Úc và các nước khác đã mang lại cho Úc cảm giác cấp bách và áp lực thực sự. Úc có rất nhiều đường bờ biển. Nó cần được bảo vệ, và Thái Bình Dương rất rộng lớn, vì vậy điều quan trọng đối với họ là phải có phương tiện có thể thực hiện các chuyến đi đường dài”.
Ben Haddad, giám đốc Trung tâm châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Từ quan điểm chiến lược thuần túy, Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực và ở mọi nơi so với Pháp. Vì vậy, điều này có thể hiểu được, tôi nghĩ rằng điều khiến Paris thất vọng là gì rằng người Úc đã không công khai bày tỏ sự nghi ngờ của họ, và tất nhiên họ cũng không tiết lộ sự thật rằng họ sắp quay sang đối tác khác”.
Các quan chức cấp cao của Úc cho rằng để bảo vệ lợi thế công nghệ đang “thu hẹp” của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cần phải thay đổi quan điểm, vì khả năng hải quân và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ngày càng tăng.
Thủ tướng Úc Scott Morrison giải thích rằng khi thỏa thuận ban đầu được ký vào năm 2016, nhiều yếu tố đã không được xem xét, và không cần thiết phải tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân.
Các cơ quan chính phủ và truyền thông Ấn Độ nghi bị tin tặc Trung Quốc tấn công
Một công ty an ninh mạng tư nhân của Mỹ hôm thứ Tư (22/9) thông báo có bằng chứng cho thấy cơ sở dữ liệu quốc gia của một nhóm truyền thông ở Ấn Độ, một cơ quan cảnh sát và chính phủ Ấn Độ đã bị tấn công, trang VOA Chinese cho hay.
Cuộc tấn công mạng được phát hiện bởi Insikt Group, chi nhánh nghiên cứu của Recorded Future, một công ty an ninh mạng có trụ sở tại Massachusetts. Theo hãng tin AP, Insikt Group đã báo cáo rằng tên mã tạm thời của hoạt động này là TAG-28 và phần mềm độc hại Winnti đã được sử dụng. Tập đoàn Insikt cho rằng việc sử dụng phần mềm này chỉ giới hạn trong một số nhóm được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ.
Chính phủ Trung Quốc luôn kiên quyết bác bỏ những cáo buộc như vậy và tuyên bố rằng bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng.
Báo cáo của Insikt Group tuyên bố rằng cuộc tấn công mạng có thể liên quan đến căng thẳng ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo báo cáo, “Từ đầu tháng 8/2021, dữ liệu của Recorded Future cho thấy trong năm 2021, số lượng các cuộc tấn công mạng bị nghi ngờ có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc vào các tổ chức và công ty Ấn Độ đã tăng 261% so với năm 2020”.
Bộ phận nghiên cứu của công ty cho biết họ đã phát hiện ra rằng bốn địa chỉ IP được giao cho Bennett Coleman Media ở Ấn Độ có “một lượng lớn lưu lượng truy cập mạng liên tục” với hai máy chủ Winnti trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay. The Times of India là một phương tiện truyền thông trực thuộc công ty truyền thông này.
Tập đoàn Insikt tuyên bố rằng nội dung của những dữ liệu này không thể được xác định tại thời điểm này, nhưng do công ty truyền thông thường xuyên xuất bản các báo cáo về căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, động cơ của cuộc tấn công mạng này có thể là “để lấy thông tin và nguồn lực từ các phóng viên, cũng như nội dung bài viết trước khi xuất bản để phá hoại”.
Bộ trưởng Không quân Mỹ nói về các mối đe dọa quân sự, 27 lần đề cập đến ĐCSTQ
Hôm thứ Hai (20 tháng 9), Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall đã cảnh báo rằng, ĐCSTQ đang gia tăng các mối đe dọa quân sự. Trong bài phát biểu dài 30 phút của mình, ông đã 27 lần đề cập đến “Trung Quốc” dưới sự cai trị của ĐCSTQ.
Theo báo cáo trên trang web của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, ông Kendall đã phát biểu tại Hội nghị Hàng không, Vũ trụ và Không gian Mạng của Hiệp hội Không quân hôm thứ Hai.
Ông nói “Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là lực lượng quân sự thống trị trên Trái đất hiện nay, nhưng những thách thức về quân sự mà chúng ta phải đối mặt khắc nghiệt hơn bất kỳ, bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử của chúng ta.”
Trong bài phát biểu của mình, ông Kendall chỉ ra rằng, để đối phó với các mối đe dọa an ninh do ĐCSTQ và các lực lượng khác gây ra cho Hoa Kỳ, toàn bộ lực lượng không quân và vũ trụ, cũng như ngành công nghiệp, Quốc hội, các đồng minh và các đối tác khác cần có sự điều chỉnh về văn hóa và hợp tác.
Về vấn đề an ninh cấp bách nhất ở Hoa Kỳ, ông Kendall nói: “Ngay sau khi tôi tuyên thệ nhậm chức, Thượng nghị sĩ Jon Tester đã hỏi ưu tiên của tôi là gì. Câu trả lời của tôi có 3 [điểm]: Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc”
Trong bài phát biểu 30 phút của mình, Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ đã đề cập đến “Trung Quốc” (dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc) 27 lần, trong khi chỉ đề cập đến Nga một lần và Afghanistan ba lần.
Ông Kendall cũng bày tỏ lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội.
Theo một báo cáo của SpaceNews vào ngày 20/9, ông Kendall nói rằng quá trình hiện đại hóa của ĐCSTQ liên quan đến tên lửa siêu thanh, đạn dẫn đường chính xác tầm xa, cũng như vũ khí không gian và Internet. Ông cũng tuyên bố rằng có “bằng chứng mạnh mẽ” cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bom dẫn đường bằng vệ tinh để tấn công các mục tiêu trên Trái đất và trong không gian.
Ông Kendall tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point và làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong hơn 50 năm. Ông từng là sĩ quan Quân đội, quan chức quốc phòng cấp cao và nhà thầu quốc phòng của Chính quyền Obama.
Ông từng rời chính phủ từ năm 1994 đến 2010. Ông nói rằng lý do ông quay lại phục vụ quân đội chủ yếu là vì ĐCSTQ. Ông nhận ra rằng quyền lực của ĐCSTQ đang tăng lên từ năm 2010 và đã thông báo tóm tắt cho bà Susan Rice và các quan chức chính phủ cấp cao khác về tình hình của ĐCSTQ.
Đài Loan đứng thứ 5 thế giới về tự do trực tuyến, Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại
Đội quân kiểm duyệt mạng Internet của ĐCSTQ
Hòn đảo dân chủ Đài Loan đã xếp hạng thứ 5 toàn cầu về tự do trực tuyến, theo báo cáo hàng năm mới nhất từ Cơ quan giám sát Freedom House có trụ sở tại Washington.
Báo cáo cho biết Đài Loan lần đầu tiên được đưa vào chỉ số với tư cách là một quốc gia có một trong những “môi trường trực tuyến tự do nhất” trong khu vực với khả năng truy cập hợp lý, nội dung đa dạng.
Mặc dù cơ quan tư pháp độc lập của Đài Loan bảo vệ quyền tự do ngôn luận, xã hội dân sự, lĩnh vực công nghệ và chính phủ đã thực hiện “hành động sáng tạo” để chống lại một chiến dịch thông tin sai lệch lớn có nguồn gốc từ ĐCSTQ.
Truy cập Internet có giá cả phải chăng được phổ biến rộng rãi với gần 10.000 điểm phát sóng trên khắp đất nước cung cấp Wi-Fi miễn phí.
Tiến bộ dân chủ toàn cầu
Nhà hoạt động nhân quyền của Đài Loan Yang Hsien-hung cho biết Đài Loan đang đi đầu trong tiến bộ dân chủ toàn cầu.
Ông Yang nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ: “Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ và lực lượng người hâm mộ là các tiểu phấn hồng của họ thường chỉ trích liên minh Mỹ – Đài là một thế lực chống Trung Quốc, nhưng thực sự thì Đài Loan đại diện cho một xu hướng quốc tế và là hiện thân của các giá trị phổ quát [nhân quyền, dân chủ và pháp quyền]”. Ông Yang nói nói tiếp: “Việc Đài Loan đứng ở vị trí thứ năm cho thấy dân chủ, tự do và nhân quyền đều đang được chú trọng và tiến triển [ở đây]”.
Ngược lại, bên kia eo biển Đài Loan là Trung Quốc, chính sách Internet của nước này vẫn “áp bức sâu sắc”, mọi thông tin sự thật hầu như bị che đậy. Người dân Trung Quốc không được tiếp xúc với thông tin từ thế giới bên ngoài, đồng thời chịu sự tuyên truyền một chiều của ĐCSTQ. Đây được xem là một chiến thuật tẩy não để khống chế người dân nhằm mục đích kiểm soát và duy trì quyền lực của ĐCSTQ.
Freedom House nhận thấy, với việc ĐCSTQ cầm quyền, nó thực hiện các cuộc đàn áp quy định sâu rộng đối với các công ty công nghệ bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết, ví như qua lời nói trực tuyến, chặn nền tảng giao tiếp được mã hóa Signal và ứng dụng âm thanh Clubhouse, đặt ra các hạn chế mới đối với nội dung tự xuất bản và truy tố các nhà hoạt động bị phát hiện sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để trốn tránh sự kiểm duyệt của chính phủ.
Sự khác biệt giữa 2 bên bờ eo biển là rất lớn, nếu ở Đài Loan, là tôn vinh giá trị truyền thống, ủng hộ tự do tín ngưỡng, nhân quyền, thì ở Trung Quốc lại hoàn toàn ngược lại, đó là phá hủy văn hóa truyền thống, đàn áp tự do tín ngưỡng, chà đạp nhân quyền…v.v.
ĐCSTQ kiểm soát chặt Internet nhằm mục tiêu chính trị, duy trì quyền lực
Ông Trịnh Ân Sủng, người đứng đầu tổ chức quan sát dân chủ Đài Loan, nói rằng trái ngược với Đài Loan, Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ sự giàu có và quyền lực của khu vực tư nhân, cũng như xói mòn những gì còn lại của quyền riêng tư cá nhân.
“Đây là một mục tiêu chính trị”, chuyên gia nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ, “Báo cáo của Freedom House đã không ngừng phơi bày thực tế rằng một điều gì đó bề ngoài có vẻ là thay đổi quy định tương tự như ở phương Tây nhưng thực sự nó đang nhằm mục đích chính trị đằng sau nó”.
Ông nói: “Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ là một cường quốc đang trỗi dậy và muốn linh hoạt hóa cơ chế thể chế của mình. Cách tiếp cận của họ đối với tự do internet dựa trên ý tưởng rằng người Trung Quốc không coi trọng quyền riêng tư và điều này làm cho giá trị của họ khác với [phương Tây]”.
989 triệu người dùng internet của Trung Quốc phần lớn bị hạn chế đối với nội dung có sẵn sau Bức tường lửa lớn của sự kiểm duyệt của chính phủ, trong khi bất kỳ nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng nào đều phải được phê duyệt chính thức cho việc mua thiết bị mới.
“Ban Tuyên giáo Trung ương đóng vai trò hàng đầu trong việc thực thi các ưu tiên chính trị và tư tưởng của ĐCSTQ thông qua quy định trực tuyến”, chuyên gia Trịnh nói.
Báo cáo của Freedom House cho biết: “Nội dung được nhắm mục tiêu để chặn, bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội lớn, thường chứa những lời phê bình về các cá nhân, chính sách hoặc sự kiện được coi là không thể thiếu đối với hệ thống độc đảng”.
“Phạm vi của nội dung bị ảnh hưởng đang không ngừng tăng lên, khiến người dùng Trung Quốc chỉ có thể truy cập vào phiên bản internet bị kiểm duyệt, giám sát và thao túng cao”, trích dẫn ước tính khoảng 6,6 tỷ đô-la Mỹ được ĐCSTQ chi cho việc kiểm duyệt trên toàn quốc kể từ năm 2018.
Bộ Tứ được nâng tầm do Trung Quốc xung đột với cả bốn thành viên
Tờ Le Figaro của Pháp mới đây nhận định « Với Quad, Biden tăng cường liên minh ở Thái Bình Dương ». Thở ra nhẹ nhõm nhờ Pháp đã hòa dịu lại sau cuộc điện đàm với Emmanuel Macron, hôm nay tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên tiếp đón các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Úc, Ấn, Nhật) tại Nhà Trắng. Sự kiện chính của tuần này như vậy diễn ra tại Washington chứ không còn ở New York, nơi Pháp đã lên tiếng, còn Trung Quốc lặng lẽ một cách đáng ngạc nhiên về AUKUS trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Bộ Tứ được thành lập năm 2007 bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines, rồi bị quên lãng trong suốt 10 năm, rồi lại được nhắc đến từ 2017. Hồi đó Vương Nghị coi thường liên minh này, nhưng nay theo cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, nay « Bắc Kinh coi Bộ Tứ là một trong những thách thức lớn nhất đối với tham vọng Trung Quốc trong những năm tới ».
Quad được ông Biden hôm thứ Ba 21/09 tại Liên Hiệp Quốc xếp là ưu tiên thứ ba trong các liên minh, sau NATO và EU, là « chiến mã » mới của Mỹ. Cho dù chưa có cơ cấu chính thức, bộ chỉ huy quân sự thậm chí một hiệp ước hỗ tương, diễn đàn này là cần thiết trước sự bành trướng của Trung Quốc. Dù ai cũng thận trọng không nêu đích danh Bắc Kinh, nhưng ý đồ kiểm soát Biển Đông và xâm chiếm Đài Loan gây lo ngại một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Nhà nghiên cứu Michael Kugelman thuộc Wilson Center khẳng định, không phải là tình cờ mà Bộ Tứ được quan tâm như vậy sau một thời gian dài do dự : quan hệ giữa các thành viên với Trung Quốc chưa bao giờ tệ hại đến thế.
Một công thức « Quad Plus » đưa ra từ tháng Ba bổ sung thêm ba nước Việt Nam, New Zealand và Hàn Quốc. Pháp bị đứng ngoài, nhưng thời gian tới có thể xích lại gần một « Quad » mở rộng được đặt tên lại, trong trường hợp căng thẳng trầm trọng với Trung Quốc trên biển. Tuy vậy, trục Pháp-Ấn có thể gây xích mích với Mỹ khi New Delhi muốn mua tàu ngầm nguyên tử Suffren-Barracuda của Pháp.