Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đúng thời điểm nhạy cảm

Phụng Minh

Ngày 28/09, Quân đội Hàn Quốc cáo buộc quân đội Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa tầm ngắn xuống biển, trong khi đại sứ Liên Hợp Quốc của Bình Nhưỡng khẳng định quốc gia này có quyền không thể phủ nhận trong việc thử nghiệm vũ khí của mình, trang Taipei Times cho hay.

Tham mưu trưởng liên quân phía Nam Hàn Quốc cho biết quả tên lửa được bắn từ phía bắc tỉnh Jagang vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nó “có vẻ là một tên lửa đạn đạo”.

Chưa đầy một giờ sau, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York rằng: “Không ai có thể từ chối quyền tự vệ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

Đây là thông điệp mới nhất trong một loạt các thông điệp không nhất quán từ chính quyền Bình Nhưỡng, diễn ra chỉ vài ngày sau khi em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, cố vấn chính của ông Kim, đưa ra triển vọng về một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Tuy nhiên, cần phải có “sự công bằng” và tôn trọng lẫn nhau, bà nói, đồng thời kêu gọi Hàn Quốc “chấm dứt những phát biểu quá khích”.

Bà lên án là các lệnh cấm và sự chỉ trích của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đối với sự phát triển quân sự của Triều Tiên, trong khi các đồng minh khác có thể tự xây dựng năng lực quân sự của họ.

Chính quyền Washington lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, gọi đây là “mối đe dọa” đối với các nước láng giềng của Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế.

“Vụ phóng này vi phạm nhiều Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Họ nói thêm: “Cam kết của chúng tôi đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn không thay đổi”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người chỉ còn vài tháng tại vị, nhắc lại tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lời kêu gọi của ông về việc tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Triều Tiên tiến hành tấn công miền Nam, tức Hàn Quốc vào năm 1950 và các hành động thù địch chấm dứt ba năm sau đó với một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, thực tế mà nói, cả hai vẫn ở trong tình trạng xung đột.

Bình Nhưỡng đang chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, ông Kim Song cho biết Triều Tiên có quyền “phát triển, thử nghiệm, sản xuất và sở hữu” các hệ thống vũ khí tương đương với các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa trong tháng này, một vụ liên quan đến tên lửa hành trình tầm xa và một vụ khác mà quân đội Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Chính quyền Seoul cũng lần đầu tiên bắn thử thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, trở thành một trong số ít các quốc gia đạt được công nghệ tiên tiến này.

Các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington phần lớn đi vào bế tắc kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh năm 2019 ở Hà Nội giữa nhà lãnh đạo Kim và tổng thống khi đó là Donald Trump sụp đổ vì biện pháp trừng phạt và những gì Triều Tiên sẽ sẵn sàng từ bỏ để đổi lại.

Kể từ đó, Triều Tiên đã liên tục khiêu khích Hàn Quốc và tổng thống Moon Jae In, đồng thời cho nổ tung một văn phòng liên lạc ở bên cạnh biên giới mà Seoul đã xây dựng.

Sau cuộc họp khẩn cấp, Ủy ban An ninh Quốc gia của Hàn Quốc hôm qua đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ “lấy làm tiếc về vụ phóng tên lửa đúng vào thời điểm cần sự ổn định chính trị trên Bán đảo Triều Tiên”.

“Có vẻ như Triều Tiên muốn xem sự chân thành của Seoul như thế nào trước khi sẵn sàng cải thiện quan hệ liên Triều – và chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên”, giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho biết.

“Bình Nhưỡng sẽ theo dõi và nghiên cứu phản ứng của ông Moon sau vụ phóng tên lửa hôm nay và quyết định xem họ muốn làm gì trong những việc như khôi phục đường dây nóng liên Triều”, ông nói thêm.

Related posts