Gần đây, “Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) do Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tiết lộ cho thấy khoảng 35 lãnh đạo quốc gia đương nhiệm và cựu lãnh đạo quốc gia, hơn 300 nhân vật quan trọng và các công chức trên khắp thế giới đã bị cáo buộc “sử dụng các công ty nước ngoài (offshore) để trốn thuế và giấu tài sản”. Lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng phủ nhận.
Ngày 3/10, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế đã công bố “Hồ sơ Pandora” tiết lộ bí mật tài chính có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hồ sơ này liên quan đến 11,9 triệu tài liệu mật bao gồm hơn 200 quốc gia và khu vực. Hơn 600 nhà báo của 150 hãng truyền thông từ 117 quốc gia đã tham gia vào cuộc điều tra này. Họ đã bí mật làm việc để phân loại và vạch trần “Hồ sơ Pandora” về các bí mật tài chính của giới tinh hoa giàu có và quyền lực toàn cầu cũng như cách thức mà họ qua các Công ty nước ngoài tránh thuế và chuyển nhượng tài sản cá nhân. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo của một số quốc gia đã không thừa nhận kết quả điều tra này.
Theo “Hồ sơ Pandora”, Tổng thống Nga Putin đã mua cho tình nhân Svetlana Krivonogikh một dinh thự trị giá 4 triệu USD ở Monaco, và một số người thân thích khác của ông Putin cũng được nhắc đến. Ngày 4/10, Điện Kremlin tuyên bố rằng đó là “những lời buộc tội vô căn cứ”.
Thủ tướng mới của Côte d’Ivoire (quốc gia Tây Phi), ông Patrick Achi, cũng bác bỏ cáo buộc “sở hữu một công ty ở Bahamas”.
Ngày 4/10, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết: “Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì vi phạm pháp luật hay sai trái”. “Hồ sơ Pandora” cho thấy ông Andrej Babis đã đầu tư 22 triệu USD cho một công ty bình phong để mua một ngôi nhà lớn ở miền nam nước Pháp. Cuộc bầu cử lập pháp của Cộng hòa Séc sẽ được tổ chức từ ngày 8 – 9/10/2021. Thủ tướng Séc chỉ ra, thông tin do Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế tiết lộ nhằm làm mất uy tín của ông.
Trước cáo buộc đã “gửi tiền vào hai tổ chức ủy thác ở Trung Tây Hoa Kỳ (South Dakota-SD)” được tiết lộ trong “Hồ sơ Pandora”, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso phản bác lại: “Tất cả thu nhập của tôi đã được khai báo, tôi đã thanh toán tất cả các loại thuế ở Ecuador, khiến tôi trở thành một trong những cá nhân nộp thuế chính trong nước”.
Cũng theo hồ sơ này tiết lộ, Vua Abdullah II của Jordan đã thành lập ít nhất 30 công ty nước ngoài ở một số quốc gia và khu vực có ưu đãi về thuế, mua 14 ngôi nhà sang trọng ở Anh và Mỹ thông qua các công ty này, trị giá hơn 106 triệu USD. Ngày 4/10, Cung điện của Vua Abdullah II trả lời rằng: “Thông tin này là không chính xác, bóp méo và phóng đại.”
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, luôn khẳng định mình trong sạch, nhưng “Hồ sơ Pandora” tiết lộ: Tổng thống Ukraine đã thành lập ‘mạng lưới công ty nước ngoài’ từ năm 2012, mạng lưới này được sử dụng để mua 3 bất động sản cao cấp ở London.
“Hồ sơ Pandora” cũng tiết lộ rằng Tổng thống Congo, ông Denis Sassou Nguesso, đã sở hữu một công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh trong gần 20 năm. Tổng thống Gabon, ông Ali Bongo Ondimba, đã kiểm soát hai công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin vào cuối những năm 2000.
Nhìn chung, các tài sản ở nước ngoài mà Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế điều tra có liên quan đến 336 quản lý cấp cao của các công ty và chính trị gia, họ đã thành lập gần 1.000 công ty, trong đó hơn 2/3 nằm ở Quần đảo Virgin.
Ngày 4/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng những cách làm trốn thuế này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và EU phải “làm nhiều việc hơn” về vấn đề này.
Lý Nhất Phàm, Vision Times