Tên lửa siêu thanh khơi dậy cuộc chạy đua vũ khí hạng nặng
Anh Vũ
Thời gian gần đây các nước Mỹ, Bắc Triều Tiên đến Nga liên tiếp thử các loại tên lửa siêu thanh đang khơi dậy nỗi lo về một cuộc chạy đua vũ khí hạng nặng mới. RFI Tiếng Việt điểm lại vài nét về bối cảnh và những thách thức xung quanh loại vũ khí hiện đại có thể đe dọa thế cân bằng hạt nhân trên thế giới.
Những nước nào đang phát triển tên lửa siêu thanh ?
Nga đã có bước tiến trước khá xa trong các loại vũ khí siêu thanh với nhiều loại tên lửa không chỉ có khả năng bay với tộc độ cao hơn 6000km/giờ (Mach5) mà còn được điều khiển từ xa. Đó là loại tên lửa Zircon mà Matxcơva thông báo đã thử nghiệm thành công hôm 04/10 từ một tàu ngầm. Ngoài ra Nga còn phát triển loại tên lửa Kinjal, đã được trang bị cho không quân, hay loại tàu lượn siêu thanh Avangard mà sau khi được phóng đi có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, bay được với tốc độ 33 000 km/giờ, có khả nang thay đổi bất ngờ hướng bay hay độ cao.
Trên thực tế Nga đã bắt đầu nghiên cứu tên lửa Zircon từ đầu thập niên 2010 và trong 5 năm qua đã tiến hành nhiều vụ thử. Nhưng đây là lần đầu tiên Nga cho phóng thử tên lửa Zircon từ tàu ngầm, một giai đoạn quan trọng trong phương diện tác chiến. Thông thường các loại vũ khí như vậy được triển khai trên các bệ phóng kín đáo và cơ động nhất có thể. Nga không có được trình độ cao trong các loại oanh tạc cơ tàng hình tầm hoạt động rộng để có thể mang tên lửa siêu thanh, vì thế họ chọn tàu ngầm. Chuyên gia về an ninh và vũ khí của Thụy Sĩ, Alexandre Vautravers giải thích.
Với Matxcơva, đó là cách để thể hiện thế thượng phong quân sự trên trường quốc tế. Đầu tư vào loại tên lửa siêu thanh, Nga đang chạy đua với các cường quốc thế giới khác. Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa các loại vũ khí chiến lược những năm qua vì một phần trang thiết bị quân sự của họ có công nghệ từ những năm 1990, đã lạc hậu. Chuyên gia Alexadre Vautravers nhấn mạnh.
Hoa Kỳ chưa có được các tên lửa siêu thanh trong kho vũ khí của mình nhưng đang nghiên cứu. DARPA, cơ quan nghiên cứu khoa học của quân đội Mỹ, tuần trước thông báo đã thử thành công tên lửa siêu thanh HAWC ( Hypersonic Air-Breathing Weapon Concept) sử dụng nhiện liệu ô-xy lấy từ bầu khí quyển. Lầu Năm Góc cũng đang phát triển một loại tàu lượn siêu thanh ARRW. Tuy nhiên lần thử nghiệm đầu tiên trên thực địa hồi tháng Tư năm nay đã thất bại.
Trung Quốc có nhiều dự án, dường như họ trực tiếp học hỏi theo các chương trình của Nga, theo một nghiên cứu mới đây của một cơ quan thuộc Quốc Hội Mỹ. Trung Quốc đang nghiên cứu thử nghiệm một loại tàu lượn siêu thanh tầm hoạt động 2000 km bay với tốc độ trên Mach 5, thực hiện được những thao tác cực khó , theo nghiên cứu nói trên.
Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển các hệ thống siêu thanh. Iran, Israel và Hàn Quốc cũng đã bắt tay vào các nghiên cứu công nghệ này, vẫn theo cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Mỹ.
Tuần trước, Bắc Triều Tiên loan tin đã thử thành công tiên lửa siêu thanh, nếu như thông tin trên chính xác thì đó là một tiến bộ công nghệ lớn đối với nước này.
Tên lửa siêu thanh nguy hiểm thế nào ?
Các tên lửa siêu thanh không hẳn đã bay nhanh hơn tên lửa đạn đạo. Tên lửa đạn đạo được phóng lên với tốc độ cao vào không gian, bên ngoài tầng khí quyền không có lực cản nào. Sau đó tên lửa bay trở lại hướng mục tiêu vẫn ở tốc độ như phóng lên, chỉ có điểu khi trở lại bầu khí quyển vận tốc bị giảm chút ít.
Trái lại tên lửa siêu thanh bay ở độ cao thấp hơn, cũng được phóng lên với tốc độ cao nhưng bay trong bầu khí quyển nên tốc độ có bị hãm lại . Tốc độ của tên lửa bị chậm dần trong hành trình bay, cuối cùng đến mục tiêu có khi còn chậm hơn tên lửa đạn đạo.
Sự khác biệt lớn nhất ở đây là tên lửa siêu thanh điều khiển được giữa hành trình bay, điều này khiến cho khó dự báo được đường bay và khó đánh chặn được tên lửa siêu thanh. Các hệ thống phòng không chống tên lửa kiểu THAAD của Mỹ có thể đánh chặn được các đầu đạn ở tốc độ cao nhưng lại được thiết kế chỉ để bảo vệ một vùng hạn chế.
Trong trường hợp một tàu lượn siêu thanh, hệ thống phát hiện chống tên lửa dựa trên tính toán đo đạc nguồn nhiệt, nên có thể nhận biết được tên lửa quá muộn sau khi được phóng đi, các chuyên gia ở bộ Quốc Phòng Mỹ giải thích.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa có lý do gì phải lo lắng. Nhưng nếu Nga vừa chứng tỏ làm chủ hoàn toàn công nghệ siêu thanh thì điều này có thể sẽ làm thay đổi ván bài. Hiện tại các nỗ lực của Mỹ để triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa vẫn không giúp họ có được một hệ thống phòng « không đủ khả năng đánh chặn được tất cả các loại tên lửa hiện có ». Hệ thống như vậy càng kém hiệu quả trước các tên lửa siêu thanh, nhanh hơn và điều khiển từ xa được. Chuyên gia Alexandre Vautravers nhận định.
Nguy cơ nào đối với cân bằng lực lượng hạt nhân?
Lầu Năm Góc không thông báo chính thức ý định mua các tên lửa siêu thanh, đến lúc này chỉ tập trung chi phí cho nghiên cứu. Nhưng tập đoàn vũ khí Mỹ Lockhheed Martin đầu tuần này thông báo mở một nhà máy chế tạo tên lửa siêu thanh.
Các loại tên lửa do Trung Quốc và Nga phát triển có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Washington bảo đảm chương trình siêu thanh của họ chủ yếu dành cho các loại tên lửa quy ước.
Nguy cơ, theo cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Mỹ, đó là khả năng phản ứng thái quá của quân đội Mỹ, khi phát hiện ra tên lửa siêu thanh và họ không kịp nhận biết tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay tên lửa thông thường và rất có thể quân đội Mỹ không đợi phân biệt được mà đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Washington có thể phải lựa chọn : Hoặc tiếp tục tập trung hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa, hoặc đặt ưu tiên phát triển các loại tên lửa siêu thanh. Sự lựa chọn này chứac hẳn sẽ làm khởi phát trở lại cuộc chạy đua vũ khí.
Theo ông Cameron Tracy, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, nên gộp các loại vũ khí siêu thanh vào trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hiện nay giữa Washington với Matxcơva và với cả Bắc Kinh nữa.
(Theo AFP)
Vụ đầu độc Navalny : 45 nước yêu cầu Nga giải thích
Thu Hằng
Ngày 05/10/2021, một nhóm gồm 45 nước đã thông qua Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở La Haye (Hà Lan) yêu cầu Nga giải thích vụ đầu độc nhà đối lập Nga Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh Novitchok vào tháng 08/2020. Nga có 10 ngày để trả lời, chiểu theo quy định của OPCW.
Theo nhóm 45 nước phương Tây, dường như không có cuộc điều tra nội bộ nào đang diễn ra ở Nga về âm mưu đầu độc nhà đối lập. Trong một tài liệu được đăng trên website của OPCW, nhóm này bất bình về việc « dù nhiều lần yêu cầu nhưng đến giờ Nga vẫn chưa cung cấp những lời giải thích đáng tin về vụ việc », cũng như Matxcơva vẫn chưa tiếp chuyên gia của OPCW để hỗ trợ điều tra.
Vì vậy, nhóm 45 nước, trong đó có các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Anh, Mỹ, Canada, đã yêu cầu Nga tường trình chi tiết những biện pháp đã được tiến hành từ ngày 20/08/2020 và « làm sáng tỏ việc sử dụng một vũ khí hóa học trên lãnh thổ nước này », theo tuyên bố chung, được phái đoàn Anh trích đăng trên Twitter.
Phía Mỹ, trong một thông cáo riêng, cũng yêu cầu tương tự, đồng thời cáo buộc chính quyền Matxcơva « luôn thiếu minh bạch và hợp tác về vụ đầu độc đặc biệt đáng lo ngại » nhà đối lập Alexei Navalny, dù Nga là nước tham gia Công ước về Vũ khí hóa học.
Trong tuần này, 41 nước thành viên của Hội đồng điều hành Tổ chức cấm vũ khí hóa học tổ chức họp bàn về những tiến bộ đạt được trong việc loại trừ vũ khí hóa học trên thế giới.
Tân thủ tướng Nhật Bản muốn “khóa chặt” cửa vào TPP đối với Trung Quốc?
Trọng Nghĩa
Quan điểm đối ngoại của tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, vừa nhậm chức hôm 04/10/2021, hầu như không có gì thay đổi so với hai người tiền nhiệm là Yoshihide Suga, và nhất là Shinzo Abe. Đó là xây dựng một vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các giá trị phổ quát, như dân chủ và pháp quyền.
Để cụ thể hóa tầm nhìn này, ngoài việc củng cố Bộ Tứ bao gồm bốn nước Nhật, Mỹ, Úc và Ấn, nhằm chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, ông Kishida được cho là sẽ vận dụng một vũ khí thương mại, thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương CP-TPP theo hướng có thể gọi là “khóa chặt” cửa để Trung Quốc không thể gia nhập.
Hiệp định hiện mang tên gọi chính thức là Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương – tên tắt là CPTPP, bắt nguồn từ Hiệp Đinh Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được Hoa Kỳ thúc đẩy dưới thời chính quyền Barack Obama nhằm cân bằng ảnh hưởng càng lúc càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút ra khỏi thỏa thuận vào năm 2017, buộc Nhật Bản phải điều chỉnh, biến TPP thành CPTPP, và hiệp định mới đã được 11 nước TPP còn lại chấp thuân. Với việc tổng thống Joe Biden lên cầm quyền tại Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ Trở Lại”, tân thủ tướng Nhật Bản được cho là sẽ cố tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ trở lại với khối TPP.
Trong khi chờ đợi, trong tư cách là nước đầu tầu của khối CPTPP, Nhật Bản sẽ phải xử lý việc Trung Quốc gần đây đã đệ đơn xin gia nhập khối tự do mậu dịch này, ít lâu trước đối thủ là Đài Loan.
Ngay khi Bắc Kinh loan báo quyết định xin gia nhập, các quan chức Nhật Bản đã rất hoài nghi về khả năng Trung Quốc đáp ứng được các tiêu chuẩn cao đặt ra trong hiệp định, đặc biệt là những quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, chính tân thủ tướng Kishida cũng thừa nhận những trở ngại mà Trung Quốc sẽ gặp phải khi tham gia TPP, đặc biệt trên hai vấn đề: Tình trạng kiểm soát các doanh nghiệp Nhà nước và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 04/10 vừa qua trong cương vị thủ tướng, ông Kishida không ngần ngại cho biết: “Tôi cảm thấy là Trung Quốc khó có thể đạt được các tiêu chuẩn cao mà TPP đòi hỏi”.
Không thể hạ thấp tiêu chuẩn để mở đường kết nạp Trung Quốc
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là liệu các thành viên “có cảm tình” hay “sợ” Trung Quốc trong CPTTP có gây sức ép để hạ thấp tiêu chuẩn chung của khối nhằm mở đường kết nạp Trung Quốc hay không.
Trả lời hãng Kyodo, bà Mie Oba, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Kanagawa, nhận định là với thủ tướng Kishida, “Nhật Bản có thể sẽ bám sát lập trường cơ bản là duy trì và củng cố một trật tự mà Nhật Bản mong muốn thông qua CPTPP và các khuôn khổ khác”.
Đối với bà Oba, điều quan trọng là không được bẻ cong các quy tắc hiện hành để có thể kết nạp Trung Quốc. Vụ Trung Quốc và CPTPP, theo nhà nghiên cứu này sẽ là “sẽ là một bài trắc nghiệm về việc liệu một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có thể được duy trì hay không.”
Cùng một suy nghĩ, ông Takashi Terada, giáo sư bang giao quốc tế tại Đại Học Doshisha cho rằng Nhật Bản cần thúc đẩy sao cho đơn xin gia nhập TPP của Anh Quốc được xử lý nhanh chóng để “tạo tiền lệ” tốt, theo đó một thành viên có thể tham gia hiệp ước mà không cần phải thay đổi các quy tắc.
Vào tháng 2, Luân Đôn đã đệ đơn xin gia nhập TPP, sau khi nước này rời Liên Hiệp Châu Âu vào năm ngoái. Nếu đơn này được chấp nhận, thì Anh Quốc sẽ là nước mới đầu tiên được kết nạp vào khối, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào năm 2018.
Theo hãng Kyodo, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm sự phản đối từ các bên ký kết TPP ban đầu cũng như khả năng Hoa Kỳ – dù không còn nằm trong khối – gây sức ép trên các thành viên để bác bỏ việc Bắc Kinh tham gia một sáng kiến vốn do Mỹ đề ra.
Anh-Mỹ-Nhật tập trận chung, kiềm chế máy bay ĐCSTQ quấy nhiễu Đài Loan
Trong 4 ngày qua, ĐCSTQ đã điều máy bay quân sự xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Tây Nam của Đài Loan 145 lượt. Vào thứ Hai (ngày 4/10), 52 máy bay quân sự đã quấy nhiễu Đài Loan, tiếp tục thiết lập một kỷ lục mới. Trong giai đoạn này, 3 tàu sân bay của Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung gần Okinawa, nhằm mục đích kiềm chế dã tâm trên biển ngày càng tăng của ĐCSTQ.
Ngày 4/10, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) thông báo sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Reagan và Carl Vinson của Hải quân Mỹ cùng tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Anh tại vùng biển phía tây nam Okinawa từ ngày 2 – 3/10. Các tàu chiến của Hà Lan, Canada và New Zealand cũng tham gia cuộc tập trận này. (Ảnh Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản)
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 4/10 đã tuyên bố rằng các hoạt động quân sự ngày càng tăng của ĐCSTQ gần Đài Loan “gây mất ổn định và tăng nguy cơ đánh giá sai”. Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung thêm: “Cam kết của chúng tôi đối với Đài Loan là vững chắc và giúp duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực.”
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) ngày 4/10 thông báo về việc tiến hành các cuộc tập trận chung với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Reagan và Carl Vinson của Hải quân Mỹ cùng tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Anh tại vùng biển phía tây nam Okinawa từ ngày 2 – 3/10. Các tàu chiến của Hà Lan, Canada và New Zealand cũng tham gia cuộc tập trận này.
Okinawa là nơi đặt các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, nằm ở phía đông bắc của Đài Loan.
Thông cáo báo chí nêu rõ, các cuộc tập trận quân sự bao gồm huấn luyện phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập chiến thuật và diễn tập thông tin liên lạc.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã triển khai 3 tàu, bao gồm tàu khu trục chở trực thăng JSIse và tàu khu trục nhỏ Kirishima được trang bị hệ thống Aegis. Tổng cộng 17 tàu hải quân từ 6 quốc gia đã tham gia cuộc tập trận. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải tuyên bố rằng mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm “tăng cường hợp tác và hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Tàu USS Reagan đóng tại Căn cứ Không quân Yokosuka của Quân đội Mỹ ở tỉnh Kanagawa, gần đây đã trở về căn cứ Nhật Bản sau khi hỗ trợ việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan ở Trung Đông.
Các tàu Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Shiloh, USS Chafee, USS The Sullivan và tàu tuần dương dẫn đường USS Lake Champlain. Tàu chiến của các quốc gia khác bao gồm tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ và tàu tiếp tế.
Các bức ảnh huấn luyện cho thấy 3 tàu sân bay này và tàu JS Ise của Nhật Bản đã dẫn đầu 13 tàu khác ra khơi.
Vào cuối cuộc tập trận, quân đội ĐCSTQ đã cử 16 máy bay chiến đấu bay qua vùng biển phía nam của Đài Loan, cách Okinawa chưa đầy 400 hải lý.
Ngày 1/10, ĐCSTQ đã cử 38 máy bay quân sự, và ngày 2/10, lại tiếp tục cử 39 máy bay quân sự đến khu vực này. Các máy bay quân sự này được điều động vào ban ngày và ban đêm. Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai (ngày 4/10) đã công bố tin tức về máy bay quân sự của ĐCSTQ và cho biết có 52 máy bay của ĐCSTQ đã xâm phạm Vùng nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan. Đây là lần có số lượng máy bay xâm phạm nhiều nhất kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố về hoạt động xâm phạm của máy bay của ĐCSTQ vào ngày 17/9 năm ngoái.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã đưa ra tuyên bố vào ngày 3/10, cảnh báo rằng các hoạt động quân sự của ĐCSTQ gần Đài Loan có nguy cơ bị đánh giá sai và sẽ phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi thúc giục Bắc Kinh ngừng gây áp lực và uy hiếp về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan”.
Hôm 4/10, một nhân sĩ Đài Loan am hiểu các vấn đề an ninh trong khu vực nói với Reuters rằng máy bay quân sự của ĐCSTQ có thể đang tiến hành một cuộc tấn công mô phỏng vào hạm đội tàu sân bay Mỹ. Nguồn tin cho biết trong vài tháng qua, ĐCSTQ đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan.
Vị này này còn cho biết, trước khi Nhật Bản công bố nội các do tân Thủ tướng Fumio Kishida lãnh đạo, các hoạt động như vậy của ĐCSTQ cũng có thể được cố tình dàn xếp như một “sự uy hiếp“. Ông Kishida đã công bố nội các của mình sớm hơn vào thứ Hai.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
“Mặc dù chúng tôi rất chú ý đến những diễn biến giữa Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan, nhưng chúng tôi sẽ không bình luận về mỗi một sự kiện,” vị quan chức này nói với Reuters.
Tân TT Nhật Bản cam kết củng cố kinh tế và chống lại mối đe dọa an ninh từ TQ
Quốc hội Nhật Bản hôm 4/10 đã bầu cựu ngoại trưởng Fumio Kishida làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, sau khi ông giành được đa số phiếu ở cả hai viện.
Chính trị gia 64 tuổi này sẽ thay thế Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga, người sắp từ chức chỉ sau một năm giữ vị trí này. Ông Kishida sẽ trở thành lãnh đạo mới của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản.
Ngày 4/10, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Kishida cho biết ông sẽ giải tán hạ viện vào tuần tới để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 31/10, trong khi ông bắt tay vào một nhiệm vụ mới nhằm ứng phó với các vấn đề như đại dịch COVID-19, sự trầm lắng của nền kinh tế và các mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Lãnh đạo mới đắc cử còn cho hay, ông đã bổ sung thêm ghế bộ trưởng mới về an ninh kinh tế nhằm bảo vệ công nghệ nhạy cảm được cho là bị Trung Quốc và Triều Tiên đánh cắp.
Theo Reuters, đảm nhiệm vị trí này là ông Kobayashi Takayuki, từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Abe. Ông cũng chính là một đồng minh thân cận của Akira Amari, tổng thư ký của LDP. Ông Amari là kiến trúc sư của các chính sách an ninh – kinh tế của Nhật Bản, vốn để bảo vệ công nghệ nhạy cảm trước mối đe dọa Trung Quốc trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng và an ninh mạng.
Tân Thủ tướng cũng cam kết sẽ thúc đẩy một gói cứu trợ quy mô lớn nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
“Các biện pháp COVID-19 là ưu tiên hàng đầu và khẩn cấp, và khi xử lý vấn đề tôi sẽ tính đến cả kịch bản xấu nhất,” ông Kishida khẳng định, đồng thời giải thích rằng ông sẽ xem xét lại việc ứng phó với đại dịch trong quá khứ và tìm cách thành lập một đơn vị chuyên quản lý khủng hoảng.
Ông nói: “Để thực hiện các biện pháp COVID-19 trên quy mô lớn, tôi cần nhận được sự ủy thác của người dân.”
Đáng chú ý, ông Kishida ủng hộ mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như quan hệ đối tác với các nền dân chủ cùng chí hướng khác ở châu Á, châu Âu và Anh, một phần trong chiến lược chống lại Trung Quốc và Triều Tiên. Ông cam kết sẽ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và hải quân của Nhật Bản.
Ông thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, một nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng, nhưng nhấn mạnh “chúng ta phải lên tiếng” chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chúc mừng chiến thắng của ông Kishida, bày tỏ rằng ông biết ơn tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục “thúc đẩy các ưu tiên chung của hai quốc gia chúng ta”.
“Quan hệ đối tác của chúng ta chứng tỏ rằng, khi các quốc gia tự do và dân chủ hợp tác với nhau, chúng ta có thể giải quyết các mối đe dọa toàn cầu — chẳng hạn như COVID-19 và khủng hoảng khí hậu — đồng thời bảo vệ và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ,” ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Tân Thủ tướng Kishida cũng tiết lộ, ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà không cần đặt ra điều kiện tiên quyết yêu cầu giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc ở miền Bắc nhiều thập kỷ trước. Ông nói thêm, ông sẽ hợp tác với Tổng thống Joe Biden trong việc giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
9 cầu thủ trong đội bóng chày U23 Cuba trốn ở lại Mexico
Hôm Chủ nhật, chính phủ Cuba đã xác nhận 9 trong số 24 cầu thủ của đội tuyển quốc gia Cuba tại Giải bóng chày U23 Thế giới đã đào tẩu ở lại Mexico.
Các quan chức Cuba đã gọi hành động của các cầu thủ là “cuộc chạy trốn hèn hạ”, theo thông tin đăng trên cổng thông tin điện tử JIT, cơ quan chính thức của Viện Thể thao Quốc gia của hòn đảo.
Viện đã chỉ trích các cầu thủ đào tẩu có “đạo đức và tư cách yếu kém.” Tuy vậy, Viện không nêu rõ danh tính các cầu thủ ở lại Mexico.
Việc 9 cầu thủ đào tẩu là một trong những tổn thất lớn nhất đối với đội tuyển Cuba. Các cầu thủ bóng chày Cuba thường được các CLB nhà nghề Mỹ săn lùng vì tài năng của họ.
Các quan chức Cuba cũng đổ lỗi cho Mỹ về những hạn chế buộc các cầu thủ Cuba phải đào tẩu để được chơi ở các giải đấu lớn.
Thông thường, chỉ những người chơi được coi là trung thành nhất với chính phủ mới được lựa chọn để chơi ở nước ngoài và được chính phủ cho đi ra nước ngoài để ngăn họ đào tẩu.
Vào năm 2018, quốc gia Caribe đã ký một thỏa thuận với Major League Baseball về việc bình thường hóa quan hệ thể thao, nhưng thỏa thuận này sớm bị chính quyền Trump hủy bỏ.
Cuba đã kết thúc một phần của giải đấu U23 vào thứ Bảy, để thua Colombia trong trận tranh huy chương đồng.
Giải vô địch bóng chày U23 thế giới được tổ chức tại bang Sonora, miền bắc Mexico.
Mỹ đình chỉ vận chuyển vật liệu cho công ty điện hạt nhân lớn nhất Trung Quốc
Phụng Minh
Theo hãng tin Reuters, cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân của Mỹ vào tháng trước đã đình chỉ vận chuyển vật liệu phóng xạ và đồng vị hydro được sử dụng trong các lò phản ứng cho Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc. Động thái này phản ánh những lo ngại của Washington về việc tích trữ vũ khí nguyên tử của Trung Quốc.
Ủy ban điều tiết hạt nhân cho biết trong sắc lệnh đề ngày 27/9 rằng, Tòa Bạch Ốc xác định việc đình chỉ là “cần thiết để tăng cường lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và để tăng cường quốc phòng và an ninh chung của Hoa Kỳ phù hợp với Đạo luật Nguyên tử Năng lượng năm 1954”.
Theo sắc lệnh mới, Mỹ đình chỉ xuất khẩu các vật liệu phóng xạ và đơteri cho Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc hoặc các công ty con, tổ chức liên quan của tập đoàn này. Đơteri là một đồng vị không phóng xạ của nguyên tố hydro được sử dụng trong các lò phản ứng phân hạch nước nặng trong các nhà máy điện hạt nhân.
Động thái trên của Washington nối tiếp các biện pháp kiểm soát do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2018 nhằm ngăn các lô hàng công nghệ hạt nhân đến Trung Quốc, không cho phép Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự hoặc các mục đích trái phép khác. Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vào tháng 8/2019 vì đã cố gắng lấy công nghệ và vật liệu tiên tiến của Hoa Kỳ dùng cho mục đích quân sự.
Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, Đô đốc Hải quân Charles Richard, đã cảnh báo các nhà lập pháp trong năm nay rằng một thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới mà Trung Quốc đang phát triển có thể tạo ra một lượng lớn plutonium có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chương trình điện hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.
Kabul đối mặt tình trạng mất điện do Taliban không có tiền trả
Thanh Hải
Cùng với tình trạng thiếu tiền mặt và khủng hoảng tiền tệ quốc gia, Afghanistan còn đang phải đối mặt với nguy cơ mất điện ở thủ đô Kabul bất cứ lúc nào.
Báo Wall Street Journal dẫn lời ông Daud Noorzai, cựu giám đốc điều hành của công ty điện lực nhà nước cho biết Kabul có thể đang phải đối mặt với tình trạng mất điện do Taliban không có khả năng thanh toán hóa đơn.
Ông cảnh báo: “Hậu quả sẽ xảy ra trên toàn quốc. Nhưng hậu quả lớn nhất là nếu Kabul xảy ra mất điện, nó sẽ đưa Afghanistan trở lại thời kỳ đen tối. Đây sẽ là một tình huống thực sự nguy hiểm”.
Hiện nay, một nửa lượng điện năng tiêu thụ của Afghanistan được nhập khẩu từ Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan, trong khi Iran cũng cung cấp điện cho các vùng phía tây của đất nước này.
Các nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng do hạn hán cùng với điện từ mạng lưới quốc gia chưa bao phủ đầy đủ là hai trong nhiều nguyên nhân khiến thủ đô Kabul phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các nước Trung Á khác.
Các cảnh báo được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh và trang trải một phần chi phí tái thiết Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản.
Mùa đông đang tới khiến cuộc sống người dân tại quốc gia Nam Trung Á này trở nên bi đát hơn. Vào cuối tháng 9, Taliban cho biết tổ chức nhân đạo của Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) đã cam kết cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia này trong suốt mùa đông. Taliban cho biết thêm “Bác sĩ không biên giới” – một tổ chức nhân đạo y tế quốc tế – cũng sẽ tiếp tục hoạt động tại Afghanistan.
Telegram có thêm 70 triệu khách hàng nhờ Facebook ‘sập toàn cầu’
Thanh Hải
Ngày 5/10, nhà sáng lập Telegram, ông Pavel Durov cho biết ứng dụng tin nhắn Telegram đã có hơn 70 triệu người dùng mới trong một ngày sau khi Facebook trục trặc toàn cầu.
“Telegram đã ghi nhận sự gia tăng kỷ lục về số lượng người dùng đăng ký và hoạt động. Chúng tôi chào đón hơn 70 triệu người tị nạn từ các nền tảng khác trong một ngày”, ông Durov thông báo.
Theo công ty giám sát SensorTower, Telegram đã tăng từ hạng 56 trong danh sách ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ lên hạng 5.
Hai anh em Pavel và Nikolai Durov đã thành lập Telegram năm 2013. Telegram đã từ chối hợp tác với các nhà chức trách về việc giao nộp các chìa khóa mã hóa. Đây cũng là lý do Telegram bị cấm ở nhiều nước, trong đó có Nga.
Vào khoảng 5h sáng 5/10 (giờ Việt Nam), Facebook thông báo khôi phục các dịch vụ gồm mạng xã hội Facebook, tin nhắn Messenger, ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video Instagram và ứng dụng WhatsApp sau khoảng 6 giờ gián đoạn.
Facebook hôm 4/10 dính bê bối chấn động khi tên thật, ID, địa chỉ email, số điện thoại và vị trí của hơn 1,5 tỷ người dùng mạng xã hội này bị rao bán trên mạng Internet đen.
Số dữ liệu cá nhân này được rao bán với giá 5.000 USD cho một triệu tài khoản. Đây được coi là “đợt rò rỉ dữ liệu Facebook lớn nhất và nghiêm trọng nhất tính đến thời điểm hiện tại”.
Hiện các nhà lập pháp Hoa Kỳ và châu Âu sẽ có phiên điều trần làm rõ các cáo buộc của người tố cáo và có thể đưa ra các quyết định lập pháp chặt chẽ hơn với hoạt động mạng xã hội.