Tin Việt Nam sáng thứ Năm: Dự báo 2 cơn bão liên tiếp; 72 huyện miền Trung nguy cơ ngập lụt, dự kiến sơ tán hơn 290.000 dân

Hiểu Minh

Dự báo 2 cơn bão liên tiếp gây mưa rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 6-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Dự báo trong 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thêm và có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 7).

Đến 13 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Theo GS-TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, dự báo khoảng ngày 10 đến 11-10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo còn diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (mưa lớn do bão, do bão kết hợp với không khí lạnh).

Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12 đến 13/10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.

Theo ông Trần Hồng Thái, hiện nay mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ. Dự báo từ ngày 6 đến 8/10, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Phú Yên), trong đó ở khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định và Kon Tum có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn.

Từ ngày 8 đến 12/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn.

Mưa lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian tới với cường suất lớn, lượng mưa rất to. Các tỉnh/thành phố ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng.

72 huyện miền Trung nguy cơ ngập lụt, dự kiến sơ tán hơn 290.000 dân

Vietnamnet – Chiều nay (6/10), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. 

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trong khoảng 24-36h tới khi di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa. 

Khi bão gần bờ có thể di chuyển chậm với tốc độ 10-15km, có xu hướng chếch lên hướng Tây Tây Bắc, đi thẳng vào khu vực giữa Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Dự báo, từ nay đến ngày 8/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. 

Từ ngày 9-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Nếu không khí lạnh ngày 11/10 tiến vào, khu vực Bắc Trung Bộ từ Quảng Trị trở ra có lượng mưa tương đối lớn.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Ước tính 72 huyện thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có nguy ngập lụt; 54 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã cấm biển.

Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19. Dự kiến sơ tán 71.559 hộ với 290.671 dân.

Các địa phương đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 7.690 ca F0/9 tỉnh, thành phố). Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện nay trên biển có 3 địa phương là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định còn các tàu nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các phương tiện đã nắm thông tin và đang di chuyển phòng tránh. 

Vì sao người dân chạy xe máy cả nghìn cây số về quê?

VnExpress – Không còn tiền sinh hoạt, lo lắng bệnh dịch bùng phát khi các địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách, nhiều người chạy xe máy cả nghìn cây số về quê.

12h trưa 5/10, anh Trần Văn Đức, 26 tuổi, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cùng vợ và con gái 2 tuổi dừng xe máy nghỉ ngơi bên vệ đường tránh TP Huế sau khi vượt qua hơn 1.000 km từ thị xã Bến Cát, Bình Dương. Người ướt đẫm, đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, anh Đức vẫn động viên người vợ ngồi cạnh cố lên, gần về đến quê rồi. Con gái anh hồn nhiên nhặt lá tràm khô chơi.

Nhìn lại một năm vào thị xã Bến Cát, anh Đức chia sẻ rất buồn khi cả gia đình vừa quen với cuộc sống mới thì đã phải về. Hành trình về quê cực nhọc, đối diện với nguy hiểm trên đường, nhưng đổi lại về tới quê gia đình anh sẽ không phải lo lắng tiền nhà trọ, chi phí điện nước, gạo, rau hàng ngày. Anh vẫn còn ruộng, có thể cấy lúa, trồng rau màu, duy trì cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh.

Thị xã Bến Cát, nơi anh Đức sống, nới lỏng giãn cách, dần khôi phục sản xuất, kinh doanh từ ngày 15/9. Tuy nhiên, công ty giày nơi vợ chồng anh làm vẫn chưa thông báo ngày hoạt động trở lại. Chủ nhà trọ thì bóng gió không cho ở nếu vợ chồng anh đi làm. “Họ sợ công nhân lây nhiễm bệnh rồi ảnh hưởng đến cả khu trọ. Thời gian qua, nhiều khu trọ đã bị như vậy”, anh Đức nói.

Trong khi đó, vợ chồng anh Đức đã thất nghiệp 4 tháng do công ty giày ngừng sản xuất. Tiền lương của hai vợ chồng 14 triệu đồng/tháng, thuê một phòng trọ 10 m2 giá 2 triệu đồng. Con gái được gửi cho một nhà trẻ tư nhân gần đó. Bình thường không có dịch, vợ chồng anh đã phải sống tằn tiện để tích lũy nuôi con. Đến nay những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng đã hết.

Ở nhà theo dõi tình hình dịch bệnh, anh Đức lo lắng khi số ca nhiễm của Bình Dương đứng thứ hai cả nước, sau TP.HCM, với hơn 217.000 ca, 2.000 người chết. “Ở phòng trọ, hàng ngày nghe tiếng xe cấp cứu kêu inh ỏi chở người bệnh đi điều trị, chúng tôi rất lo. Thân cô thế cô, nhỡ mắc bệnh, lại hết tiền thì biết xoay xở thế nào”, anh Đức nói.

Khi được nhóm bạn quê Nghệ An rủ nhau đi xe máy 1.500km về quê, vợ chồng anh quyết định trả nhà trọ, gói ghém đồ đạc cùng về. Anh Đức nói khi nào dịch bệnh COVID-19 trên cả nước yên ắng, anh mới dám trở lại Bình Dương làm việc.

Trong bị hành lý của vợ chồng Lầu Thị Sông, 19 tuổi, quê Sơn La, có một tập móc quần áo. Họ đã trả phòng và dự tính không quay lại Bình Dương làm công nhân nữa. Vợ chồng Sông ngồi yên trong phòng gần hai tháng khi thị xã Tân Uyên “khóa chặt, đông cứng” bởi nhiều phường đậm đặc F0. Cảm giác bước chân ra khỏi phòng là gặp người nhiễm bệnh và gần hai tháng thiếu thốn khiến Sông sợ hãi, nhất định phải về quê.

Related posts