Mưa lũ Sơn Tây, Trung Quốc: Cầu đường bị sập, hàng chục ngôi làng chìm trong biển nước

Thanh Hải

Mưa lớn ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc gần đây đã gây ra lở đất, lũ lụt các con sông, và vô số ngôi nhà bị ngập, giao thông đường sắt bị tê liệt.

Truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin rằng do lượng mưa lớn, mực nước sông Xương Nguyên ở huyện Kỳ dâng cao và nước lũ cuốn trôi đường; khiến cầu sông Xương Nguyên của Đường sắt Đại Kiều treo lơ lửng trên không.

Ông Triệu thuộc Đội cứu hộ khẩn cấp Hội Chữ thập đỏ của thành phố Tấn Trung cho biết vào ngày 7/10 rằng họ đã đưa hơn 10.000 người bị ảnh hưởng vào trường học gần đó: “Không có người bị thương hiện chỉ để đề phòng bất trắc, dân cư hai bên sông đã được sơ tán hơn 10.000 người”.

Dân làng ở vùng sâu vùng xa không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự giúp mình

Đài CCTV đưa tin dòng sông ở thôn Tiểu Võ, huyện Từ, Sơn Tây đã gây ngập toàn bộ ngôi làng, địa phương đã tổ chức lực lượng cứu hộ để chuyển hơn 15.000 người từ 8 ngôi làng từ đêm ngày 5. Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiến hành.

Một người dân ở huyện Bồ, Lâm Phần, nói với đài này hôm 7/10 rằng hầu hết các ngôi nhà và giếng nước trong làng của cô đã bị phá hủy do lở đất: “Có nhiều ngôi nhà bị sập ở thôn Thành Quan và Cổ Pha. Không có ai ở phụ trách, bí thư thôn và cán bộ không quan tâm. Đường ống nước trong thôn của chúng tôi bị vỡ, người dân trong thôn của chúng tôi đã hỏi chính quyền huyện và chính quyền tỉnh, nhưng họ không trả lời điện thoại, chúng tôi tự thu xếp cuộc sống của mình”.

Như thường lệ, các phương tiện truyền thông chính thức chỉ đưa tin về quá trình cứu trợ thảm họa chứ không đưa tin về tình hình thảm họa thực tế.

CCTV, Tân Hoa Xã và các phương tiện truyền thông trên khắp Sơn Tây đều đưa tin về trận mưa lớn. Sơn Tây bắt đầu ứng phó khẩn cấp cấp tỉnh cấp III đối với thảm họa lở đất, nhưng không có báo cáo nào về điều kiện sống của những người dân làng bị ảnh hưởng. Về vấn đề này, ông Hoàng, một học giả đến từ Sơn Tây, nói với đài RFA rằng đây là chuyện thường lệ: “Mô hình thông thường của họ là các nhà lãnh đạo ở cấp nào đó coi trọng các sự kiện như thế nào, chính quyền trung ương đưa ra chỉ thị như thế nào, những cuộc họp nào được tổ chức, và kiểm tra tại chỗ và chỉ ra rằng họ phải đối phó như thế nào? Đây là cách. Họ sẽ không cho bạn biết có bao nhiêu người đã chết, đó là cái gọi là báo cáo tích cực”

Bà Tôn, một người dân ở thôn Châu Nhất, nói rằng bà đã không xem tin tức trên TV trong một thời gian dài, lý do rất đơn giản: “Tôi không tin vào các phương tiện truyền thông và tôi không bao giờ xem TV. Có sự thật nào trong TV không? Không ai dám nói thật, chẳng qua là dàn đồng ca, nói dối thì người ta luôn tin?”.

Vào trưa ngày ngày 7/10, mưa đã ngừng ở hầu hết các khu vực của Sơn Tây. Theo báo cáo của “Nhân dân Nhật báo”, Cục Khí tượng Sơn Tây đã dỡ bỏ biện pháp ứng phó khẩn cấp do mưa lớn.

Related posts