Facebook bị cáo buộc chịu trách nhiệm một phần cho bất ổn ở Ethiopia và Myanmar

Phụng Minh

Cô Frances Haugen (ảnh: Youtube/60 Minutes).

Lời khai của cựu nhân viên Facebook, cô Frances Haugen trước các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm thứ Ba (ngày 5/10) đã làm sáng tỏ tình trạng bạo lực và bất ổn ở Myanmar và Ethiopia trong vài năm qua và những lo ngại lâu nay về mối liên hệ với hoạt động trên Facebook, trang Taipei Times cho hay.

“Những gì chúng tôi đã thấy ở Myanmar và bây giờ đang thấy ở Ethiopia chỉ là những chương mở đầu của một câu chuyện quá kinh hoàng, không ai muốn đọc phần cuối của nó”, cựu nhân viên Facebook cho biết trong lời khai nổi bật của mình.

Cô ấy nói rằng Facebook đang “cổ vũ bạo lực sắc tộc theo nghĩa đen” ở những nơi như Ethiopia vì họ không kiểm soát dịch vụ của mình một cách thích hợp bên ngoài nước Mỹ.

Khoảng một nửa trong số 53 triệu dân số của Myanmar sử dụng Facebook, với nhiều người dựa vào trang này làm nguồn tin tức chính của họ.

Vào tháng 6, một cuộc điều tra của nhóm nhân quyền Global Witness đã phát hiện ra rằng thuật toán của Facebook đang quảng bá các bài đăng vi phạm chính sách của chính họ, kích động bạo lực chống lại những người biểu tình tuần hành phản đối cuộc đảo chính do quân đội phát động vào tháng Hai.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng cách thích một trang người hâm mộ quân đội Myanmar, trang này không được coi là trái với các điều khoản của Facebook. Họ phát hiện ra rằng Facebook sau đó đã đề xuất một số trang ủng hộ quân đội có chứa nội dung lạm dụng.

“Chúng tôi không phải vất vả tìm kiếm nội dung này; thuật toán của Facebook đã đưa chúng tôi đến với nó”, Rosie Sharpe, một nhà nghiên cứu kỹ thuật số làm việc trong báo cáo cho biết. “Trong số năm trang đầu tiên mà họ đề xuất, ba trong số đó chứa nội dung vi phạm các quy tắc của Facebook, chẳng hạn như kích động hoặc tôn vinh bạo lực”.

Mối liên hệ giữa các bài đăng trên mạng xã hội và bạo lực ngoại tuyến ở Myanmar đã được ghi nhận rộng rãi. Vào năm 2018, một phân tích của Guardian tiết lộ rằng ngôn từ kích động thù địch bùng nổ trên Facebook khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Rohingya một năm trước, khi các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang và cộng đồng bình thường nhằm vào những người thuộc nhóm thiểu số Hồi giáo.

Hàng nghìn bài đăng của những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, chống người Rohingya đã thu hút được sự chú ý trên mạng, bao gồm cả những bài đăng tuyên bố sai sự thật về các nhà thờ Hồi giáo đang tích trữ vũ khí.

Facebook đã phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự ở Ethiopia, nơi đang chìm trong cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ liên bang và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray. Ví dụ, vào năm 2019, vận động viên điền kinh người Ethiopia đã nghỉ hưu Haile Gebrselassie đổ lỗi cho “tin giả” được chia sẻ trên Facebook vì bạo lực khiến 81 người chết ở vùng Oromia.

Sau một đợt bùng phát bạo lực sắc tộc khác vào năm ngoái – gây ra bởi vụ giết một ca sĩ nổi tiếng của nhóm dân tộc Oromo – một cuộc điều tra của Vice cho rằng bạo lực đã “tăng thêm bởi sự chia sẻ gần như tức thời và rộng rãi các ngôn từ kích động thù địch và kích động bạo lực trên Facebook, điều này đã thổi bùng lên sự tức giận của mọi người. “

Trong lời khai của mình, cô Haugen cho biết việc xếp hạng dựa trên mức độ tương tác là nguyên nhân “cổ vũ bạo lực sắc tộc theo nghĩa đen” ở các quốc gia như Ethiopia.

Facebook đã mạnh mẽ đẩy lùi những cáo buộc của Haugen.

Trong một bài đăng được công bố vào tối thứ Ba, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, nói rằng “không đúng” khi công ty đặt lợi nhuận lên trên hết.

Related posts