Tin thế giới chiều thứ Bảy

Phiên dịch viên người Afghanistan giúp giải cứu Tổng thống Biden vào năm 2008 rời Afghanistan

Trong hình ảnh do Không quân Hoa Kỳ cung cấp này, các phi công và nhân viên vận tải của Không quân Hoa Kỳ, được điều sang Phi đội Không vận Viễn chinh 816, đưa những người di tản khỏi Afghanistan lên một chiếc C-17 Globemaster III của Không quân Hoa Kỳ tại Phi trường Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, hôm 24/08/2021. (Thượng sĩ Donald R. Allen/Không quân Hoa Kỳ/AP) Hoa Kỳ

Một phiên dịch viên người Afghanistan giúp giải cứu Tổng thống (TT) Joe Biden vào năm 2008 – khi đó ông còn là một thượng nghị sĩ – đã thành công rời khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá này cùng gia đình, theo nhiều nguồn thông tin.

Ông Aman Khalili cùng vợ và bốn người con “đã rời khỏi Afghanistan một cách an toàn và sau đó bắt đầu chuyến đi tiếp theo từ Pakistan,” một đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với BBC News hôm thứ Hai.

Quan chức này cho biết, “Họ đã làm vậy với sự cam kết cũng như hỗ trợ sâu rộng và cao cấp từ Chính phủ Hoa Kỳ, và chúng tôi biết ơn nhiều người khác mà cũng đã hỗ trợ ông ấy trong suốt chặng đường.”

Ông Biden và các thượng nghị sĩ đồng sự khác của ông vào thời điểm đó, ông John Kerry và ông Chuck Hagel, đang công tác ở Afghanistan vào năm 2008 khi một cơn bão tuyết buộc chiếc trực thăng mà họ ngồi trên đó phải hạ cánh xuống núi.

Ông Khalili đã giúp giải cứu ông Biden và hai nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ bằng cách lái xe đưa cả nhóm đến nơi an toàn. Các thượng nghị sĩ này sau đó đã được quân đội Hoa Kỳ hộ tống bộ hành đến Căn cứ Không quân Bagram.

phiên dịch viên Afghanistan
Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu John Kerry diễn thuyết trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Washington vào ngày 27/01/2021. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ kiêm cựu chiến binh Việt Nam Chuck Hagel nói về cuộc chiến trong một buổi lễ trên Đồi Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 08/07/2015. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Kể từ khi nhóm khủng bố Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng Tám, vị phiên dịch viên, người có bí danh là Mohammed này, đã thỉnh cầu TT Biden trợ giúp vượt qua các vấn đề về thị thực để rời khỏi đất nước này.

Ông nói với The Wall Street Journal vào thời điểm đó, “Xin chào Ngài Tổng thống: Hãy cứu lấy tôi và gia đình tôi. Đừng bỏ quên tôi ở đây.”

Ông Khalili đã cố nộp đơn xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) để di tản khỏi Afghanistan trước khi Hoa Kỳ rút quân, và thậm chí còn có được thư giới thiệu từ Trung tá Andrew Till vì sự hỗ trợ của ông cho quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng đơn của ông đã không được chấp thuận, tờ báo đưa tin, và nỗ lực vào phi trường Kabul hồi tháng Chín đã không thành công vì các binh sĩ Hoa Kỳ nói với ông rằng họ sẽ chỉ cho ông, mà không cho vợ hoặc con của ông đi qua.

Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã bày tỏ lòng biết ơn đối với phiên dịch viên này hồi tháng Chín vì đã giúp đỡ TT Biden vào năm 2008, nói rằng các quan chức Hoa Kỳ sẽ tìm mọi cách để giúp đưa ông ra ngoài.

Bà nói, “Chúng tôi sẽ đưa ông ra ngoài. Chúng tôi sẽ vinh danh sự phụng sự của ông, và chúng tôi cam kết sẽ thực hiện chính xác điều đó.”

Theo các nhóm viện trợ, hàng chục ngàn người nộp đơn SIV vẫn còn ở Afghanistan. Hiệp hội các Đồng minh Thời chiến đã ước tính con số lên tới 118,000 người khi tính cả các thành viên gia đình của những người nộp đơn.

Minh Ngọc biên dịch

Bộ trưởng Tài nguyên Úc: hệ tư tưởng, chứ không phải thị trường, đang thúc đẩy các quyết định về than

Than được chất lên những đống lớn tại mỏ than Ulan gần thị trấn nông thôn Mudgee miền trung New South Wales ở Úc, hôm 08/03/2018. (Ảnh: David Gray/Reuters) Đông Dương

Bộ trưởng Tài nguyên Úc Keith Pitt nói với Reuters hôm thứ Năm (14/10) rằng, các nhà quản lý, ngân hàng, và nhà đầu tư toàn cầu đang đưa ra các quyết định đầu tư theo hệ tư tưởng thay vì dựa trên thị trường xung quanh ngành than, lĩnh vực mà sẽ vẫn có nhu cầu vững chắc trong những thập kỷ tới.

Đảng Quốc gia của ông Pitt, một thành viên cấp thấp hơn của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scott Morrison, đại diện cho nhiều người Úc ở các khu sản xuất than, đã từ chối ủng hộ mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 cho nước Úc, nước xuất cảng than lớn nhất thế giới.

Lập trường của Quốc gia đã ngăn ông Morrison cam kết tham dự hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng tới, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ gặp nhau để đặt ra các mục tiêu khí hậu tiếp nữa để tiếp nối hiệp định Paris 2015 mang tính bước ngoặt.

Ông Pitt nói rằng giá nhiên liệu cao kỷ lục cho thấy hàng hóa xuất cảng sinh lợi thứ hai của Úc cần được hỗ trợ và các nhà tài chính và công ty bảo hiểm đang thoái vốn khỏi ngành này không đưa ra quyết định dựa trên kinh tế học.

Ông Pitt nói: “Thị trường [tài chính] không đưa ra quyết định khả thi, họ đang đưa ra một quyết định mang tính ý thức hệ. Nếu đó là một quyết định chỉ dựa trên những gì họ nghĩ về các dự báo ra sao, vậy thì, nhu cầu tăng, dự báo tăng.”

Ông Pitt đã đề nghị chính phủ thành lập cơ sở cho vay 250 tỷ AD (180 tỷ USD) cho ngành công nghiệp này để thay thế việc thiếu nguồn tài chính tư nhân, đổi lại đảng của ông ủng hộ mục tiêu không phát thải ròng năm 2050.

Đảng Quốc gia sẽ nhóm họp vào cuối tuần này để quyết định có ủng hộ mục tiêu năm 2050 hay không, mặc dù ông Pitt không cho biết đảng này dự định làm gì.

Ông nói, “Tôi muốn nói rõ với các ngân hàng của Úc và các ngân hàng trên thế giới, họ không đặt ra chính sách nội địa ở quốc gia này.” 

“Chúng tôi cần hỗ trợ các ngành công nghiệp đó và hỗ trợ sự giàu có và tăng trưởng kinh tế của người Úc và cung cấp việc làm cho người dân Úc.”

Ông Pitt cho biết, Úc dự kiến ​​nhu cầu than tăng lên đến khoảng năm 2030 và sau đó giảm khoảng 40% so với mức đỉnh đó vào năm 2050, dựa trên lộ trình của các nhà máy nhiệt điện than mới và nhu cầu sẵn sàng về than để sản xuất thép năng lượng cao của Úc.

Ông Pitt cho biết, trích dẫn số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, có khoảng 140 gigawatt (GW) của các nhà máy than đang được xây dựng và hơn 400 GW đang ở các giai đoạn lập kế hoạch khác nhau.

Ông Pitt hạ thấp vai trò các nguồn năng lượng thay thế có thể chuyển thế giới khỏi các nhiên liệu để sản xuất điện như than đá.

Ông nói, thị trường [sản xuất điện] hydro sẽ mất nhiều thập kỷ để phát triển, trong khi những ví dụ về việc các chính phủ thực hiện sai chuyển đổi năng lượng có thể đã được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở Anh và Âu Châu, nơi chi phí điện ở mức “cao ngất ngưởng”, cho thấy rằng nguồn năng lượng tái tạo thiếu tính liên tục là không hiệu quả.

Trái ngược với lập trường của ông Pitt, một chủ ngân hàng trung ương hàng đầu cho biết hôm thứ Năm (14/10) rằng Úc có thể phải đối mặt với chi phí vốn tăng cao và việc thoái vốn của các quỹ ngoại quốc nếu Úc không được thấy là đang làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) Guy Debelle đã lưu ý những ví dụ riêng biệt về việc thoái vốn rời khỏi Úc vì rủi ro khí hậu, và nói rằng khả năng thoái vốn đáng kể hơn đang tăng lên.

Nhưng ông Pitt nói rằng RBA nên “tập trung vào chuyên môn của mình.”

“Họ nên lo lắng về những gì đang xảy ra trong điều kiện lạm phát tiềm ẩn và đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta vẫn vững mạnh và có khả năng thanh toán các hóa đơn của Úc.”

Chánh Tín biên dịch

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Không thay đổi gì trong tương lai gần

Antonio Graceffo

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai phát biểu trong cuộc điều trần với ủy ban Cách thức và Phương tiện Nhà cửa tại Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 13/05/2021. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images) Trung Quốc

Trung Quốc yêu cầu các điều khoản thương mại dễ dàng hơn, nhưng không đưa ra điều gì để đổi lại.

Câu chuyện tranh chấp thương mại Mỹ – Trung vẫn duy trì trong suốt hai thập kỷ qua và hứa hẹn sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết: “Trong thời gian quá lâu, việc Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu đã làm suy giảm sự thịnh vượng của người Mỹ.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cao cấp vào cuối tuần qua, kết quả là Trung Quốc đang yêu cầu Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế thương mại và đầu tư, trong khi không đưa ra điều gì để trao đổi.

Trước khi nói chuyện với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, bà Tai giải thích rằng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc chấm dứt hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải chơi theo luật như mọi người khác. Bà Tai nói rằng bà sẽ nói chuyện cởi mở với các quan chức Trung Quốc, cảnh báo họ rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện “tất cả các bước cần thiết” để bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa trọng thương của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ hiện có các hạn chế đầu tư và thương mại đối với 900 thực thể, mà Trung Quốc muốn dỡ bỏ. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang cân nhắc cuộc điều tra Mục 301 về các khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ, có thể dẫn đến nhiều mức thuế hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đại sứ Qin Gang nói rằng các hạn chế, dựa trên an ninh quốc gia, là không công bằng. Sau đó, ông ta đe dọa rằng nếu Hoa Kỳ không làm theo yêu cầu của Trung Quốc, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.

Theo bà Tai, lịch sử hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc bắt nguồn từ khi họ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Quyền tiếp cận tương đối tự do vào Hoa Kỳ và các thị trường ngoại quốc khác mà không bị hạn chế, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước và thiếu trách nhiệm giải trình đã cho phép Trung Quốc thống trị thị trường toàn cầu về thép và tấm pin mặt trời. Hơn nữa, Trung Quốc đang nỗ lực thống trị các thị trường về công nghệ tiên tiến, các chất bán dẫn, và các nguyên liệu thô.

Đối với thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một được ký với cựu Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 50% khối lượng hàng hóa nhập cảng của Mỹ mà họ đã đồng ý mua. Ông Qin bác bỏ cáo buộc rằng lượng nhập cảng hàng hoá của Trung Quốc không tuân theo thỏa thuận, nói rằng Trung Quốc đã thực hiện “các bước trên thực tế” để tuân thủ.

Ngoài các hành vi thương mại không công bằng, Trung Cộng còn lách các chuẩn mực quốc tế, để tận dụng các thị trường đầu tư của Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ đã cấm các đợt IPO mới của các công ty Trung Quốc và yêu cầu các công ty đã niêm yết tại Hoa Kỳ phải tuân thủ các yêu cầu kiểm toán và công bố thông tin, nếu không sẽ phải đối mặt với việc hủy niêm yết.

Các hạn chế đối với các đợt IPO của Trung Quốc xuất phát từ việc nhiều công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, thông qua các công ty vỏ bọc, đặc biệt là ở Quần đảo Cayman. Theo các quy định mới, các công ty Trung Quốc sẽ được yêu cầu phải công bố sự thật rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang đổ tiền của họ vào một cái bóng, là một công ty vỏ bọc ở ngoại quốc, thay vì công ty có có tên trên thực tế ở Trung Quốc. Trong nhiều năm, các công ty công nghệ Trung Quốc đã sử dụng các công ty vỏ bọc có lợi ích biến đổi (VIE) để tuân theo các quy định của Bắc Kinh, cấm người ngoại quốc sở hữu [trực tiếp] cổ phần của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ [thực ra là] không sở hữu các công ty thực sự mà họ [vẫn] tin rằng họ đang sở hữu và nếu cổ phiếu không trả được cổ tức hoặc biến mất hoàn toàn, sẽ không có quyền truy đòi hợp pháp ở Trung Quốc, vì VIE là bất hợp pháp theo luật pháp Trung Quốc. Để bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler đang yêu cầu tiết lộ thông tin liên quan đến “các tổ chức phát hành ra ngoại quốc liên kết với các công ty đang hoạt động có trụ sở tại Trung Quốc” trước khi cho phép các công ty này đăng ký.

Trung Cộng nói rằng họ có thể thông qua một đạo luật, cấm các công ty viễn thông Trung Quốc niêm yết ở ngoại quốc, bao gồm cả việc niêm yết thông qua một công ty ngoại quốc. Điều này có thể khiến hàng nghìn tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc không được niêm yết tại Hoa Kỳ, xóa sổ nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Trung Cộng phản đối bất kỳ hạn chế nào của Hoa Kỳ đối với các công ty Trung Quốc, nhưng thiếu công bố thông tin là một vấn đề mà Trung Cộng có thể dễ dàng khắc phục. Theo luật của Trung Cộng, các công ty Trung Quốc không được phép chịu sự kiểm toán của Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đề xuất một đạo luật có tên “Đạo luật Không cho IPO đối với các Tác nhân vô trách nhiệm,” đạo luật này sẽ cấm các công ty Trung Quốc không đáp ứng các yêu cầu công bố thông tin được niêm yết tại Hoa Kỳ. ông Chris Iacovella, giám đốc điều hành tại Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ, ủng hộ đạo luật này, kêu gọi chấm dứt việc Trung Cộng tiếp cận thị trường vốn Hoa Kỳ.

Một đạo luật tương tự khác, được gọi là “Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty ngoại quốc,” sẽ trao quyền cho các cơ quan quản lý được hủy niêm yết nhanh hơn đối với các công ty Trung Quốc không tuân thủ. Luật hiện hành cho phép các công ty Trung Quốc thời hạn để tuân thủ là ba năm trước khi bị hủy niêm yết. Luật mới sẽ cắt giảm thời hạn này xuống còn hai năm. Trong số các yêu cầu công bố thông tin khác, các nhà quản lý đang kêu gọi các công ty Trung Quốc công bố mức độ mà Trung Cộng kiểm soát việc ra quyết định của họ.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo xác nhận rằng Trung Cộng đang không tuân thủ các cam kết của mình theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một và đang ngăn cản các hãng hàng không do nhà nước kiểm soát/mua hàng chục tỷ USD từ nhà sản xuất Hoa Kỳ, Boeing Co. Ngoài ra, một trong những khiếu nại lớn nhất của Hoa Kỳ là hỗ trợ của nhà nước, trợ cấp, và các khoản vay ưu đãi mà Trung Cộng cấp cho các công ty được ưu đãi. Đây là những ví dụ rõ ràng về “các hoạt động phi thị trường không công bằng” do nhà nước điều phối. Các công ty Hoa Kỳ, vốn bị đặt vào với các lực lượng thị trường và phải huy động vốn tự có và cần kiếm lợi nhuận, không thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc do nhà nước sở hữu, kiểm soát và được nhà nước bảo trợ vốn có thể hạ giá cạnh tranh.

Ngoài thương mại, ông Qin bày tỏ sự tức giận của Trung Cộng đối với việc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ thiết lập “Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc”—một động thái mà ông Qin gọi là “tính toán sai lầm nghiêm trọng nhất ”. Ông cũng cáo buộc Hoa Kỳ đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.

Sau cuộc gặp giữa bà Tai và ông Lưu, nhiều báo cáo cho rằng Trung Quốc đã đàm phán về việc dỡ bỏ thuế quan, mặc dù không rõ Bắc Kinh đưa ra lời đề nghị gì, nếu có. Bà Tai nói rằng có vẻ như Trung Quốc không có kế hoạch thực hiện những thay đổi có ý nghĩa, điều này có nghĩa là thuế quan và các hạn chế sẽ vẫn được duy trì.

Lập pháp và các cuộc điều tra có thể đang được tiến hành, điều này có thể hạn chế hơn nữa việc Trung Quốc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho cả thương mại và đầu tư. Bắc Kinh tỏ ra phẫn nộ, nhưng không có động thái nào để giải quyết những bất bình. Bà Tai nói rằng, bà chống lại sự “tách rời” khỏi Trung Quốc, và thay vào đó, bà thích một sự “tái hợp” theo các quy tắc mới, công bằng hơn. Có vẻ như, nếu điều đó có thể thực hiện được thì đó sẽ là một chặng đường dài trong tương lai.

Lưu Đức biên dịch

Related posts