Thêm 3.221 ca COVID-19
Tính từ 17h ngày 15/10 đến 17h ngày 16/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.221 ca nhiễm mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 860.860 ca nhiễm. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới là 856.197 ca, trong đó có 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (416.665), Bình Dương (224.877), Đồng Nai (58.105), Long An (33.684), Tiền Giang (14.965).
Trong ngày ghi nhận 88 ca tử vong, riêng TP.HCM 58, Bình Dương 11. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 21.131 ca.
Hoàn lưu bão số 8 gây nhiều thiệt hại tại Yên Bái
TTXVN – Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 16h ngày 16/10, hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn làm ảnh hưởng tới 64 ngôi nhà ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, trong đó có 9 nhà phải di dời người và tài sản, 55 nhà bị sạt lở taluy. Về nông nghiệp, trên 56 ha ngô, rau màu bị ngập úng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết.
Mưa lớn cũng làm một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị sạt lở, đường Quốc lộ 32 tại km263+550 bị sạt lở khoảng 1.260 m3 đất đá; tỉnh lộ 174 từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu bị sạt lở 3 điểm tại Km21, Km17+500 và Km11; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị ngập úng cục bộ. Hiện các tuyến đường đã được khắc phục, đảm bảo cho các phương tiên lưu thông.
Về công trình công cộng, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh bị sạt lở tường rào; Trường Mầm non thôn Tà Tầu, xã Pá Hu (Trạm Tấu) bị sạt taluy dương khoảng 15m3… Ước thiệt hại do hoàn lưu bão số 8 và mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái khoảng 1,2 tỷ đồng.
Thông tin ca sĩ Thủy Tiên bị bắt là sai sự thật
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin ca sĩ Thủy Tiên bị bắt vì liên quan hoạt động từ thiện. Chia sẻ với Zing vào chiều 16/10, nguồn tin từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết nội dung trên là sai sự thật.
“Vụ việc đang được cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Đến thời điểm này, thông tin Thủy Tiên bị bắt là không đúng”, nguồn tin xác nhận và cho biết việc điều tra được diễn ra công tâm, khách quan. Tất cả biện pháp công an thực hiện đều đúng theo quy định pháp luật và sẽ sớm có kết luận đúng, sai.
Hai ngày qua, hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên cùng chồng là danh thủ Công Vinh đi cùng cảnh sát được chia sẻ trên mạng xã hội. Một số người cho rằng cặp đôi này đã bị bắt.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng sau đó tìm được một bức ảnh có bối cảnh tương tự, chỉ khác khuôn mặt của 2 nhân vật bị cảnh sát áp giải. Từ đó, nhiều người nghi ngờ bức hình Công Vinh – Thủy Tiên đã được photoshop.
Người dân bị làm khó khi đón thân nhân ở sân bay, ga tàu
VnExpress – Ông Nguyễn ở xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, phản ánh ngày 15/10 ông dùng ôtô cá nhân đến sân bay Thọ Xuân đón con trở về từ TP.HCM. Khi đến nơi, ông bị chốt kiểm soát tại sân bay Thọ Xuân không cho vào chở người, lý do đảm bảo phòng chống COVID-19. “Họ không cho dùng xe riêng đón người thân mà yêu cầu con tôi đi taxi được đăng ký tại sân bay để về nhà…”, ông nói.
Những hành khách cùng chuyến bay, kể cả không có hộ khẩu tại Thanh Hóa hoặc muốn di chuyển sang tỉnh khác cũng phải tuân thủ quy định này. “Chúng tôi trực tiếp đưa đón người thân thì tại sao lại bảo không an toàn? Taxi đi khắp nơi liệu có đảm bảo phòng dịch…”, ông Nguyễn thắc mắc và cho hay đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, thực hiện nghiêm quy định 5K.
Một số khách phản ánh quy định buộc hành khách xuống sân bay đi taxi sẽ gây tốn kém vì nhiều gia đình ở quê không khá giả, một số người khác còn mất việc thời gian dài, gặp khó khăn mới phải hồi hương…
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa lý giải, việc yêu cầu hành khách đi phương tiện theo quy định tại sân bay Thọ Xuân nhằm phòng chống COVID-19. “Nếu khách đi xe gia đình sau đó không về thẳng địa phương khai báo y tế, cách ly mà di chuyển đâu đó thì rất khó kiểm soát…”, ông Tuấn nói.
Không riêng vận tải sân bay, hành khách uống ga tàu hỏa ở Thanh Hóa cũng bị người dân phàn nàn.
Anh Trọng, ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, phản ánh sáng 15/10 anh đi từ ga Hà Nội về ga Bỉm Sơn. Khi xuống tàu, anh được cán bộ nhà ga hướng dẫn “phải dùng xe theo giới thiệu hoặc tự gọi xe bên ngoài, song phương tiện phải có vách ngăn và trang bị điều kiện phòng dịch Covid-19”.
Anh Trọng không quen biết nhà xe nào tuân thủ quy định nêu trên nên sau đó phải dùng xe do phía nhà ga tư vấn. Chiếc xe anh sử dụng được trang bị như xe cấp cứu chuyên dụng, có vách ngăn, còi hụ… Theo anh Trọng, lái xe đã ép giá, ban đầu đòi giá 600.000-700.000 đồng cho hơn 10 km từ ga Bỉm Sơn về thị trấn Hà Trung. Sau khi trả giá nhiều lần, tài xế chấp nhận giảm còn một nửa.
Nước từ trường chữa COVID-19: Chuyên gia nói gì?
Dantri – Có thông tin rằng nước từ trường có thể hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 không bị cơn bão Cytokine tấn công, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng hoặc tử vong.
Ngày 16/10, tại TP.HCM đã diễn ra buổi hội thảo trực tuyến về giải pháp nâng cao sức khỏe, chống “cơn bão Cytokine” với bệnh nhân COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hội phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM cho biết, virus gây ra bệnh Covid-19 có độc tính rất cao. 90-95% bệnh nhân tử vong do cơn bão Cytokine – là tình trạng tăng cường giải phóng Cytokine (chất tiết của các tế bào bạch cầu và nội mô trong quá trình viêm) ở cơ thể bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn bão Cytokine, như do nhiễm trùng, nhiễm virus, dùng thuốc ung thư, thuốc chống ức chế miễn dịch..
Triệu chứng của cơn bão Cytokine là sốc nặng, suy đa cơ quan, tổn thương phổi, biểu hiện ở việc mạch nhanh, huyết áp cao, khó thở. Khó thở trong bão Cytokine rất khó điều trị, dù bệnh nhân có được đặt nội khí quản. Trước đây bão Cytokine ít được chú ý, nhưng từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, tình trạng này mới được quan tâm nhiều.
Thông tin thêm về cơn bão Cytokine trong Covid-19 đăng trên website chính thức của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, nhanh chóng nhân lên bên trong các tế bào. Hệ miễn dịch phát hiện và phản ứng lại bằng cách tạo ra cơn bão Cytokine để báo hiệu cho các tế bào miễn dịch, đồng thời tạo ra cơn bão gốc tự do để diệt virus.
Nước từ trường có thể chữa Covid-19?
Trong báo cáo khoa học “Ảnh hưởng sinh học của nước từ trường đối với con người và động vật” đăng trên tạp chí Khoa học Y sinh, đề cập đến việc nước từ trường (là nước có cấu trúc lục giác, giàu năng lượng từ tính sau khi đi qua một khu vực có từ trường) có thể ảnh hưởng hiệu quả đến sự cân bằng oxy hóa, chống oxy hóa của cơ thể, trung hòa gốc tự do dư thừa để chúng không còn gây hại cho cơ thể nữa.
Từ đó có ý kiến cho rằng, nước từ trường có thể hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tránh bị cơn bão Cytokine tấn công, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng hoặc tử vong.
Liên quan đến nhận định trên, PGS Nam chia sẻ, nước từ trường tốt ở khả năng làm sạch cơ thể. Tuy nhiên về việc có hỗ trợ điều trị Covid-19 hay không, ông cho rằng cần phải có thời gian nghiên cứu thêm.
Dư luận bất bình việc Bến Tre ‘niêm phong cửa xe khi đi ngang tỉnh’
Ngày 16/10, mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh xe ô tô đi ngang địa phận Bến Tre phải dán niêm phong. Khi đi hết địa phận tỉnh này thì mới được tháo niêm phong. Quy định này khiến nhiều người không đồng tình, thậm chí và phẫn nộ vì có thể gây nguy hiểm cho người ngồi trên xe, theo VTC.
Trước những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng việc niêm phong cửa xe ô tô hiện nay là không phù hợp khi mà Chính phủ đã ra Nghị quyết 128
Một tài khoản Facebook đăng tải dòng bình luận: “Đồng ý cho quá cảnh ngang qua địa phương, nhưng chưa ra khỏi tỉnh là không được xuống xe! Nếu đến “chốt biên giới” của tỉnh mà rách niêm phong thì phải quay lại vào khu cách ly tập trung”.
Bàn luận về vấn đề này, nhà báo Đào Tuấn trong bài viết “Dán niêm phong ôtô – thêm một hội chứng “khóa” đăng trên báo Lao Động đã bình luận: “Quả là điệp trùng quan ải, con kiến chui không lọt”.
Tác giả cho biết: “Chưa kể rằng đối với xe ôtô di chuyển vào địa bàn tỉnh sẽ bị buộc phải dán tem niêm phong tại chốt vào, chỉ được cơ quan chức năng nơi đến tháo ra. Nếu rách tem thì sao? Thì bị coi là vi phạm quy định về phòng chống dịch, thì sẽ bị xử lý”.
Cũng theo nhà báo này, Bến Tre không phải là một cá biệt, cái tem niêm phong phiền toái kia cũng đã xuất hiện ở cả Bình Phước.
Nhà báo Đào Tuấn nói thêm: “Chúng ta từng chứng kiến những quy định lệ làng kiểu “phiếu cắt cỏ”, chuyện đi biển ngày chẵn lẻ, tấm giấy “đi đường phải lên phường”, hay “biện pháp” khoá trái cửa nhà các F1… Lẽ ra, nó chỉ còn là dĩ vãng sau khi nghị quyết 128 thống nhất toàn quốc các quy định về chống dịch, đặc biệt là vận tải, lưu thông, đi lại. Nhất là khi nghị quyết 128 đã có những nguyên tắc rất rõ ràng về việc không cát cứ, không cho phép ban hành các quy định trái với các quy định của trung ương”.
Trước sự bức xúc của dư luận, đến trưa ngày 16/10, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết đã bỏ quy định thiếu tính nhân văn nói trên.
Đắk Lắk: Mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ, huyện Ea Súp ngập nặng
Lãnh đạo một huyện của tỉnh Đắk Lắk cho hay, từ đêm 15 đến sáng 16/10 mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ đã làm huyện vùng biên giới Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk ngập nặng. Hàng chục người dân phải di dời khẩn cấp.
Chiều 16/10, ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch UBND huyện Ea Súp thông tin trên báo Lao Động, từ đêm qua đến sáng nay, địa phương xuất hiện những trận mưa lớn khiến nhiều xã bị ngập, chia cắt. Nước đổ về do mưa lớn kéo dài và một phần vì các thủy điện xả lũ khiến nhiều vùng bị ngập nặng.
Anh Hoàng Văn Vinh (thôn 12, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) bàng hoàng kể lại: “Gia đình tôi có 5 người ở lại cả đêm trong chòi rẫy để canh tác cây đậu. Từ đêm ngày 15 đến rạng sáng 16/10, mưa to liên tục, nước lũ dâng cao, bị ngập gần 1 mét. May được lực lượng công an đến ứng cứu kịp thời đưa cả gia đình về khu vực an toàn”.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang (huyện Ea Súp): Ngoài 21 hộ dân được di rời trong sáng ngày 16/10, xã còn có 14 người bị cô lập trong các chòi rẫy khi đi sản xuất nông nghiệp.
Địa phương đã dùng ca nô di chuyển đến các chòi rẫy có người dân bị cô lập để đưa 14 người dân trên ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại thị trấn Ea Súp đã xảy ra ngập cục bộ ở nhiều vị trí, có khoảng 20 hộ dân bị cô lập cần phải di dời khẩn cấp. Riêng xã Ya Tờ Mốt, Cư Mlan cũng đang bị ngập cục bộ ở nhiều điểm dân cư.
Tuy chưa có thống kê về thiệt hại nhưng nhiều cánh đồng, ao nuôi cá của người dân huyện Ea Súp ngập trắng trong nước lũ.
Tại tỉnh Quảng Bình, theo VOV, sáng 16/10, tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có mưa to, các ngầm tràn trên đường Bắc Sơn – Thanh Lạng thuộc xã Thanh Hóa; ngầm tràn vào bản Chuối xã Lâm Hóa; ngầm Ka Ai, thuộc xã Dân Hóa ngập hơn nửa mét, người và phương tiện không thể qua lại. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng trực, hướng dẫn người tham gia giao thông đi theo đường khác.
Trong sáng nay, chính quyền xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa đã đề nghị Chỉ huy công trường thủy điện La Trọng (do Công ty cổ phần thủy điện Trường Thịnh đầu tư) di chuyển 25 công nhân ở 2 lán trại có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Nước từ thượng nguồn đổ về gây chia cắt tại ngầm Hà Nông và Cu Pi trên đường dẫn vào 7 thôn, bản thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Xã này hiện có 16 người đang đi rừng vào thời điểm mưa lớn, có mang theo lương thực, trong số này có nhiều người chưa liên lạc được.
Lời khai thầy cúng hạ độc người phụ nữ bằng lá ngón để cướp vàng
Khi biết nạn nhân đã chuẩn bị xong vàng bạc theo yêu cầu cúng lễ giải hạn của mình, Triệu Vạn Phúc đã lên rừng tìm lá ngón mang về nấu lấy nước, cho vào chai, chuẩn bị cho nạn nhân uống để cướp vàng, bạc có tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng của nạn nhân.
Chiều 16/10, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đã tạm giữ Triệu Vạn Phúc (40 tuổi, trú huyện Tam Đường, Lai Châu) để điều tra các hành vi giết người, cướp tài sản và xem xét xử lý một số hành vi khác.
Theo báo Zing dẫn tin từ cơ quan điều tra, trưa 11/10, người thân phát hiện bà Nải (49 tuổi) tử vong bất thường trong khu rừng tái sinh ở xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Sau khi giám định, Viện Pháp y Quốc gia xác định định nạn nhân chết do ngộ độc lá ngón.
Người nhà bà Nải cho biết trước khi chết, người phụ nữ vay mượn tiền và vàng, bạc có tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng để mang đi làm lễ cúng. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy số tài sản này tại hiện trường.
Ngày 12/10, khi bị triệu tập, Phúc nói không ở gần hiện trường khi án mạng xảy ra. Ông ta cũng đưa ra các chứng cứ cho rằng bản thân không liên quan vụ án.
Sau nhiều giờ làm việc với cảnh sát, Triệu Vạn Phúc thừa nhận sát hại bà Nải để cướp tài sản.
Phúc cho biết, đầu tháng 10, biết bà Nải tìm thầy cúng, Phúc đề nghị nạn nhân chuẩn bị 12 kg bạc, gần 4 gram vàng, 36 triệu đồng và nhiều đồ lễ khác.
Ngày 6/10, bà Nải đưa cho Phúc 22 triệu và thông báo đã chuẩn bị xong đồ lễ theo yêu cầu. Sau đó, nghi phạm nấu nước lá ngón cho vào chai nhựa.
4 ngày sau, Phúc hẹn nạn nhân đến khu rừng tái sinh. Quá trình làm lễ, nghi phạm dụ bà Nải uống chai nước khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Vật chứng vụ án được Phúc giấu trong vườn chè.
Liên quan đến vụ án trên, trao đổi với PV Infonet, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc và ngay cả những người ở vùng đồng bằng như chúng ta hầu hết đều biết rằng lá ngón có chất độc gây chết người. Mọi người đều không ăn, uống lá ngón. Chính vì vậy, cơ quan điều tra cần xác minh đối với nghi can Phúc, trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm thì nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Phúc”.
Theo luật sư, việc Phúc lừa nạn nhân uống nước lá ngón là hành vi có dấu hiệu của tội giết người theo tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt của tội này là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.