Bắt Giám đốc công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu; Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Bắt Giám đốc công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu
VnExpress – Chiều 21/10, bà Mai Thị Dần, 56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc bị VKSND Đồng Nai phê chuẩn lệnh bắt tạm giam để điều tra hành vi Buôn lậu liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả.
Sáng cùng ngày, hàng chục cảnh sát vũ trang đã bao vây cảng biển, trụ sở Công ty Hà Lộc tại TP Vũng Tàu. Sau nhiều giờ khám xét, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu liên quan, niêm phong nhiều bồn chứa xăng cỡ lớn và một số giấy tờ sổ sách kế toán.
Ngoài bà Dần, Công an Đồng Nai cũng mời làm việc một số người liên quan để làm rõ hành vi buôn lậu của bà Dần. Trong đó, có ông Nguyễn Đức Chuyên (chồng bà Dần) và kế toán công ty.
Động thái được Công an Đồng Nai đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra đường dây sản xuất xăng giả do đại gia Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.
Công ty Hà Lộc là doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương với hàng loạt cảng biển lớn khu vực phía Nam. Ngoài ra, công ty này còn chuyên xử lý chất thải và buôn bán nhiên liệu khí lỏng, rắn… và đa ngành nghề khác. Đây cũng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực phía Nam.
Đừng run rẩy, sợ trách nhiệm quá khi chống dịch
Thanh Niên – Thảo luận tại tổ ngày 21/10, các đại biểu cho rằng ở một số nơi lãnh đạo còn tình trạng lo lắng, sợ hãi tới mức run rẩy không dám quyết định trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Góp ý kiến, nhiều ĐB lo lắng về việc trước đó chúng ta khóa cửa quá lâu, diễn biến dịch còn phức tạp nên các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn Vĩnh Phúc), cho biết Bộ đã trao đổi với một số DN lớn như Adidas, Apple… và được phản hồi Việt Nam thời gian qua đã giãn cách xã hội trong thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. “Do đó, họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng”, ông Sơn nói.
Liên quan công tác điều hành chống dịch, ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh (đoàn Đồng Nai) nói, có những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành “không thể cứ đổ lỗi do COVID-19”. Chẳng hạn, Thủ tướng gọi điện trực tiếp đến cấp xã nhưng cấp tỉnh có những người không nắm được nội dung. Trong điều hành KT-XH có tình trạng lo lắng quá, run rẩy sợ trách nhiệm không dám quyết. “Lo thì đúng nhưng sợ mà run quá không dám đưa ra các quyết sách thì không ổn. Chúng ta cần chuyển trạng thái căng ra chiến đấu với COVID-19 sang điều hành linh hoạt, hiệu quả; đồng thời phải chấn chỉnh một cách nghiêm khắc đối với những vị trí, cá nhân không làm tròn bổn phận, trách nhiệm”, ĐB An đề xuất.
Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
BNGVN – Hôm 21/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc thực hiện bắn đạn thật ở Biển Đông, nói rằng Việt Nam “nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định.”
Trước đó, kênh CGTN của Trung Quốc, vào ngày 19/10 công bố video các máy bay tiêm kích bom JH-7 của đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ Trung Quốc thực hiện diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông trong thời gian vừa qua.
Trong video, các tiêm kích bom mang theo nhiều loại vũ khí bay ở độ cao cực thấp để tránh radar và hệ thống phòng không đối phương giả định.
Theo thông cáo trên trang web của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn khẳng định Việt Nam nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Từ TP.HCM, ông Đinh Kim Phúc, một chuyên gia về Biển Đông, nói với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ rằng:
“Tham vọng về chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh đối với Biển Đông thì họ tự nhận rằng họ đã có chủ quyền từ hàng ngàn năm, như vậy là trái lại tất cả chủ quyền lịch sử trong khu vực cũng như trái với Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
“Hành động của Trung Quốc luôn luôn đẩy khu vực Biển Đông lên bờ vực chiến tranh, bắt đầu từ khi Trung Quốc thành lập cái gọi là Tam Sa vào năm 2007 cho đến nay.
“Nguy cơ xung đột trên Biển Đông không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà nó sẵn sàng có một cuộc chiến tranh cục bộ, hay tổng lực để giải quyết vấn đề chủ quyền và an ninh khu vực.”
Ông Đinh Kim Phúc nhận định rằng tham vọng của Trung Quốc đe dọa đến quyền lợi tất cả các nước Đông Nam Á, nhất là các nước có liên quan đến chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Hơn 20% doanh nghiệp dùng vốn nhà nước Việt Nam thua lỗ gần 34.000 tỷ đồng
Voatiengviet – Có đến 21% trong số các doanh nghiệp thuộc nhà nước Việt Nam hoặc có một phần vốn nhà nước bị thua lỗ đến hơn 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, các báo trong nước đưa tin.
Dẫn lại một báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi tới quốc hội nói về hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước trong năm 2020, các báo trong nước cho hay Việt Nam có 807 doanh nghiệp hoạt động với toàn phần hoặc một phần vốn do nhà nước góp.
Trong đó, chiếm hơn một nửa là các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, chiếm gần 1/4 là các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, số còn lại là các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.
Mảng tối trong bức tranh mà báo cáo của chính phủ đưa ra là có 124 doanh nghiệp hoàn toàn thuộc nhà nước làm ăn kém hiệu quả và vẫn còn lỗ lũy kế trong năm 2020 lên đến tổng cộng gần là 31 nghìn tỷ đồng.
Nếu tính chung cả những doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước, có 169 trên 807 doanh nghiệp, tương đương xấp xỉ 21%, còn lỗ lũy kế với tổng số là gần 34 nghìn tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có số lỗ lũy kế lớn bị nêu tên là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ gần 5.400 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ gần 3.200 tỷ đồng, và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.
Bản báo cáo cho biết rằng trong cùng năm, 15% trong số 807 doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với nhà nước chịu lỗ phát sinh với tổng cộng lên đến gần 16 nghìn tỉ đồng. Chiếm hầu hết con số đó, tới hơn 15 nghìn tỷ đồng là số lỗ phát sinh của 79 doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên.
Gây chú ý trong bản báo cáo gửi quốc hội được báo chí trích đăng là một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn dùng vốn nhà nước. Trong đó, riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam chịu lỗ phát sinh là hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Ở mức độ lỗ nghìn tỉ có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thua lỗ phát sinh hơn 1.600 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh gần 1.200 tỷ đồng.
Số các hãng, tập đoàn nhà nước lỗ ở mức trăm tỉ được nêu ra gồm Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) lỗ phát sinh 265 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền nam lỗ phát sinh 210 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 154 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp lỗ phát sinh 102 tỷ.
Bên cạnh đó là rất nhiều các hãng nhà nước lỗ ở mức vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Mảng sáng của bức tranh, theo báo cáo của chính phủ, là tính chung các doanh nghiệp dùng vốn nhà nước có lãi phát sinh trước thuế đạt gần 163 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng con số này bị giảm 22% so với năm 2019.
Vẫn bản báo cáo cho biết tính tới hết năm 2020, tổng vốn mà nhà nước Việt Nam đầu tư vào 807 doanh nghiệp là xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng.
Liên quan sai phạm về ‘thổi giá’ thiết bị y tế: Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố
Phạm Toàn
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi ông từng làm giám đốc.
Báo chí Việt Nam hôm 21/10 cho biết Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cùng ngày, cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tuấn.
Cùng tội danh, Bộ công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty thiết bị y tế Hoàng Nga.
Việc khởi tố ông Tuấn nhằm làm rõ những sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, xảy ra từ năm 2015 khi ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 13/5, Bộ công an đã khởi tố, bắt giam 7 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó, 4 bị can là cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó Giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó phòng Vật tư).
Ba người còn lại là Trần Phú Hưng (Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC – Việt Nam), Nguyễn Hồng Dũng (Phó tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, thẩm định viên) và Nguyễn Trung Dũng (chuyên viên thẩm định công ty này).
Đến ngày 19/7, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phạm Huy Lập (Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga) và bà Phạm Thị Kim Oanh (kế toán trưởng) về cùng tội danh.
Như vậy, vụ án liên quan đến những sai phạm tại viện Tim Hà Nội đã lên tới 10 người.
Bộ công an trước đó cũng đã khởi tố một vụ án khác liên quan đến bệnh viện Bạch Mai để điều tra những sai phạm nâng khống giá thiết bị y tế.
Theo đó, ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt, để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cùng tội danh, công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, cựu kế toán trưởng.
Các bị can Phạm Đức Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, phó giám đốc bị khởi tố đề điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ông Quốc Anh và ông Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.
Kết quả điều tra bước đầu xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT).
Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá đã nâng khống khi đưa vào lắp đặt thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 – 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Theo truyền thông nhà nước, ông Tuấn có nhiều năm làm giảng viên bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội; Bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2012 đến tháng 3/2020.
Từ 3/2020 đến nay, ông làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Bạch Mai; Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương. Ông là Đại biểu Quốc Hội khóa XIV.