Tin thế giới sáng thứ Bảy

Thượng đỉnh Macron-Biden: Pháp – Mỹ hòa giải sau khủng hoảng ngoại giao

Thanh Hà

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) nói chuyện với tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc họp của khối NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2021. REUTERS – POOL

Sang trang khủng hoảng ngoại giao Pháp-Mỹ, tạo đà mới cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đó là mục tiêu của buổi làm việc đầu tiên vào chiều 29/10/2021 giữa tổng thống Macron và Biden tại Roma, sau vụ Hoa Kỳ phỗng tay trên hợp đồng của Pháp bán tàu ngầm cho Úc và thành lập liên minh quân sự AUKUS với Anh, Úc.

Một ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20, nguyên thủ quốc gia hai nước gặp nhau tại tòa đại sứ Pháp ở Roma – Ý. Theo giới quan sát, Nhà Trắng tỏ thiện chí giảng hòa với Paris sau nhiều tuần lễ căng thẳng. Đôi bên đều cần nhau trên ít nhất ba hồ sơ. Thứ nhất là Pháp cần Mỹ ủng hộ để thúc đẩy dự án xây dựng một hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Thứ hai là Pháp cần Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi. Thứ ba, như nhà nghiên cứu Pierre Morcos, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS của Mỹ ghi nhận, Pháp muốn Hoa Kỳ “phối hợp chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Châu Âu trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương”.

Đặc phái viên RFI Valérie Gas từ Roma xem buổi làm việc chiều nay giữa tổng thống Macron và Biden là cơ hội để Paris chuẩn bị cho giai đoạn giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu năm tới.

“Cuộc gặp diễn ra tại Roma, bên lề thượng đỉnh G20, nhưng Emmanuel Macron là người tiếp tổng thống Mỹ. Đây là một chi tiết quan trọng cả về mặt biểu tượng lẫn chính trị. Qua việc này, người ta thấy rằng Joe Biden đến gặp Emmanuel Macron để khép lại khủng hoảng mà Pháp đã coi là một sự “phản bội từ phía đồng minh Hoa Kỳ”. Cuộc tiếp  xúc ở cấp cao nhất này nhằm đặt nền tảng cho đối thoại mới kể từ sau cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống hồi cuối tháng 09/2021 để làm giảm bớt căng thẳng song phương (do AUKUS gây ra).

Giới thân cận với tổng thống Emmanuel Macron giải thích mục đích cuộc gặp là nhằm định hình lại và cập nhật hóa quan hệ Pháp – Mỹ, cũng như quan hệ giữa Hoa Kỳ với Liên Âu. Tổng thống Pháp muốn thúc đẩy dự án một khối Liên Hiệp Châu Âu độc lập về mặt quốc phòng. Paris muốn chứng minh rằng không có sự mâu thuẫn nào giữa chính sách phòng thủ chung của châu Âu với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Đây là cách để cân bằng lại vai trò của các bên và để Paris ghi điểm trước ngày Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Tham vọng của tổng thống Emmanuel Macron là biến khủng hoảng với Mỹ lần này thành cơ hội”. 

Pháp không ủng hộ liên minh AUKUS

Thanh Hà

Ảnh tư liệu do Hải quân Mỹ cung cấp: Chiếc USS Missouri (SSN 780), tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, rời căn cứ Pearl Harbor-Hickamnt ngày 01/09/2021. AP – Petty Officer 1st Class Michael B Zingaro

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo hôm 29/10/2021, đặc sứ Pháp trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, Christophe Penot cho biết Paris không tán đồng AUKUS.  Tuy nhiên “chiến lược của Paris không thay đổi, đó là củng cố quan hệ với những quốc gia như Ấn Độ hay Nhật Bản…”

Nguyên là đại sứ Pháp tại Canberra, tháng 10 năm ngoái, ông Penot đã được bổ nhiệm làm đại diện cho Pháp trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Nhà ngoại giao này giải thích “cách tiếp cận của AUKUS không phù hợp với chúng tôi”, bởi vì thỏa thuận giữa Washington, Luân Đôn và Canberra nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ buộc một số quốc gia trong vùng phải chọn đứng về phía Bắc Kinh hay Washignton, và như vậy “càng tạo thêm căng thẳng, thay vì giúp tìm ra những giải pháp làm hạ nhiệt tình hình”.

Đại diện ngoại giao Pháp cũng đề cập đến hợp đồng tàu ngầm với Úc, cho rằng việc Canberra trang bị tàu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ làm dấy lên tranh luận về vấn đề “chống phổ biến hạt nhân”. Sau Úc, có thể một số quốc gia khác cũng muốn trang bị tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, ông Christophe Penot nhấn mạnh trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ -Thái Bình Dương, Paris muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Riêng với Úc, nhà ngoại giao này nhìn nhận một sự rạn nứt mà “cần có thời gian để hàn gắn”.

Paris-Luân Đôn: Khủng hoảng đánh bắt cá trong vùng lãnh hải Anh

Thanh Hà

Ngư dân Pháp đang vá lại lưới tại vùng Boulogne-sur-Mer, miền bắc Pháp, ngày 28/12/2020. REUTERS – CHARLES PLATIAU

Khu vực đánh bắt cá trong vùng biển Manche đang là điểm nóng trong quan hệ Anh-Pháp. Paris chỉ trích Luân Đôn không tuân thủ thỏa thuận hậu Brexit, chỉ cấp giấy phép hoạt động một cách nhỏ giọt cho ngư dân của Pháp và châu Âu hoạt động trong các vùng lãnh hải thuộc vương quốc Anh. Bộ Ngoại Giao Anh hôm 28/10/2021 đòi triệu đại sứ Pháp tại Luân Đôn lên để phản đối.

Trước thềm thượng đỉnh G20 và COP26 mà Anh và Pháp cùng là những thành viên, quan hệ Paris-Luân Đôn gặp nhiều sóng gió do bất đồng về hoạt động của ngành ngư nghiệp.

Theo thỏa thuận hậu Brexit giữa Luân Đôn và Liên Âu, Anh Quốc cấp giấy phép cho ngư dân của Pháp và các thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu hoạt động tại “một số vùng lãnh hải” của Anh với “một số điều kiện”. Đổi lại tàu cá của Anh được phép cập tất cả các cảng của châu Âu và cung cấp hải sản cho thị trường chung châu Âu. Tuy nhiên, Paris bất bình vì tại một số khu vực biển có tranh chấp, phía Anh Quốc chỉ cấp 210 giấy phép hoạt động cho ngư dân của Pháp, thay vì 400 như đòi hỏi của Paris.

Do vậy Pháp dọa là kể từ mồng 02/11/2021 sẽ “áp dụng các biện pháp trả đũa”, nghĩa là tăng cường kiểm tra hải quan, hạn chế việc ngư dân Anh bán hải sản cho phía Pháp hay châu Âu.  

Luân Đôn cho rằng lập trường của Pháp là “quá đáng” và “vô căn cứ”. Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 28/10/2021 yêu cầu quốc vụ khanh đặc trách về hồ sơ châu Âu Wendy Morton triệu đại sứ Pháp tại Luân Đôn lên Bộ Ngoại Giao Anh để giải thích. 

Ấn Độ triển khai vũ khí của Mỹ dọc biên giới với Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Ảnh tư liệu chụp ngày 01/09/2020: Một đoàn xe quân sự của Ấn Độ di chuyển đến vùng biên giới Ladakh, nơi mà Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu với nhau từ tháng 5/2020. AP – Mukhtar Khan

Ấn Độ gần đây đã triển khai vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất dọc theo vùng biên giới với Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực tấn công, trong bối cảnh hai bên vẫn hoàn toàn bế tắc trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên dãy Himalaya. Theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 29/10/2021, lực lượng quân sự Ấn Độ chủ yếu được tăng cường ở vùng cao nguyên Tawang tiếp giáp với Bhutan và Tây Tạng, phần đất Ấn Độ kiểm soát nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.

Theo ghi nhận của phóng viên Bloomberg, đã tháp tùng theo một đoàn nhà báo được Quân Đội Ấn Độ hướng dẫn lên thăm vùng cao nguyên Tawang vào tuần trước, đáng chú ý nhất là sự hiện diện của các trực thăng vận tải quân sự Chinook do Mỹ sản xuất, được dùng để vận chuyển pháo tự hành loại nhẹ và binh sĩ một cách nhanh chóng qua các vùng đồi núi.

Thiếu tá Kartik, phi công trong một lữ đoàn Không Quân mới thành lập, đã hết sức khen ngợi: “Trực thăng Chinook quả là nhân tố giúp thay đổi cuộc chơi… Trực thăng cung cấp khả năng cơ động và linh hoạt chưa từng thấy, binh sĩ và súng pháo binh có thể được vận chuyển từ sườn núi này sang sườn núi khác một cách nhanh chóng.”.

Bên cạnh trực thăng và các loại vũ khí khác, như pháo tự hành cực nhẹ cơ động hay súng trường chế tạo tại Mỹ, Quân Đội Ấn Độ trong khu vực còn được trang bị các loại drone trinh sát do Israel sản xuất, hay tên lửa hành trình siêu thanh sản xuất nội địa và hệ thống giám sát đời mới. Các loại vũ khí Mỹ đều được mua trong vài năm qua khi quan hệ quốc phòng giữa Washington và New Delhi ngày càng được củng cố do mối lo ngại chung về Trung Quốc.

Ấn Độ đã quyết đinh tăng cường khả năng phòng thủ dọc theo đường biên giới với Trung Quốc sau một vụ xung đột nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, nổ ra vào năm ngoái, đã khiến cho ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Hai bên đã đàm phán để rút quân, nhưng vẫn chưa đạt kết quả thỏa đáng. Theo các nhà phân tích, chính việc thiếu tiến triển trong thương thuyết với Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ tăng cường lực lượng tai khu vực biên giới, và tìm kiếm thêm thiết bị từ các đối tác như Mỹ.

Luật mới về biên giới trên bộ mà Trung Quốc vừa áp dụng cũng góp phần khiến cho Ấn Độ phải đề cao cảnh giác.

ASEAN – Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”

Thu Hằng

Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại thượng đỉnh trực tuyến ASEAN – Trung Quốc do Brunei chủ trì ngày 26/10/2021. via REUTERS – ASEAN SUMMIT 2021 HOST PHOTO

ASEAN thông báo đã đồng ý với Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » chỉ một ngày sau khi đạt thỏa thuận tương tự với Úc. Điểm này được nêu trong điều 4 Tuyên bố của chủ tịch sau Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 ngày 26/10/2021, nhưng chỉ được đăng trên website của ASEAN ngày 28/10. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nội dung chi tiết của quan hệ đối tác này.

Vào tháng 07/2020, tại Hội nghị tham vấn Quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc (ACSOS) lần thứ 26, đại diện Trung Quốc đã đề xuất nâng cấp quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » vào năm 2021 nhân kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương.

Vẫn theo Tuyên bố của chủ tịch ngày 26/10, “Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn của ASEAN từ năm 2009. Trong năm 2020, lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với tổng trị giá trao đổi mậu dịch đạt 516,9 tỉ đô la, tăng 1,8%”. Trung Quốc đã “đầu tư vào thị trường Đông Nam Á 7,6 tỉ đô la trong năm 2020, chiếm 5,5% tổng số vốn đầu tư nước ngoài và giữ vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 vào ASEAN”.

Những căng thẳng ở Biển Đông với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chỉ được nêu trong hai điểm cuối, 26 và 27, của Tuyên bố Chủ tịch. Hai bên chỉ nhắc lại “tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 2002 về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC)” và nỗ lực để “nhanh chóng đúc kết COC (Bộ Quy tắc ứng xử) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982″.

Những hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong vùng, kể cả những hậu quả đối với môi trường biển, cũng được hai bên đề cập trong Hội nghị. Những hoạt động này được cho là “làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trong vùng”. Một lần nữa, Tuyên bố lại nhắc đến tầm quan trọng của việc phi quân sự và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Vào tháng 09/2021, một bài viết của Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore cho rằng “bối cảnh địa – chính trị thế giới thay đổi với tâm lý bài Trung Quốc ngày càng mạnh trong khu vực, do sự vận động của chính quyền Biden, cũng là một trong những yếu tố đẩy Trung Quốc củng cố điểm sáng còn lại của họ (Đông Nam Á) trong quan hệ ngoại giao”.

Covid-19: Nga đóng cửa toàn bộ các dịch vụ “không thiết yếu”

RFI

Phun thuốc khử trùng trong một nhà nguyện tại ga xe lửa Leningradsky, Matxcơva, Nga, ngày 19/10/2021. REUTERS – MAXIM SHEMETOV

Thủ đô Moscow của Nga hôm qua, 28/10/2021, thông báo đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp, trường học và nhà hàng trong 11 ngày nhằm ngăn chặn đợt dịch Covid-19 mới, do chiến dịch chích ngừa tại Nga diễn ra chậm chạp.

Là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, Nga đã ghi nhận thêm 1.159 ca tử vong và 40.096 ca nhiễm mới trong ngày 28/10/2021. Đây là con số kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Hệ thống y tế của Nga trong tình trạng quá tải. Trước tình hình này, thủ đô Matxcơva đã quyết định đóng cửa toàn bộ nhà hàng, trường học, cơ sở kinh doanh và các hoạt động kinh tế được cho là “không thiết yếu” ngay từ ngày 28/10 đến ngày 7/11/2021.

Thông tín viên RFI, Anissa El Jabri tường trình từ Moscow:
Đây là những thông tin nhỏ giọt từ ngày này qua ngày khác, tạo nên một bức tranh ảm đạm về nền y tế của nước Nga. Bộ Quốc Phòng Nga thông báo xây dựng bệnh viện dã chiến ở Matxcơva do tình trạng quá tải bệnh nhân. Bộ cũng đã vận chuyển 350 tấn oxy lỏng tới các bệnh viện ở 27 vùng của Nga. Những vùng này thông báo hệ thống y tế đã “chính thức” bị quá tải. Ở vùng Voronezh, phía tây nước Nga, các sản phụ phải nhường gường cho bệnh nhân Covid-19.  Tại Sebastopol, thống đốc của vùng nói rõ hôm thứ Năm: “Chúng tôi đã đạt đến giới hạn khả năng của mình”.
Nga đã phát triển thành công vac-xin Sputnik V, được sử dụng ở nhiều quốc gia khác, nhưng phần lớn người dân Nga vẫn mang tâm lý đề phòng, khiến cho quá trình tiêm chủng toàn dân diễn ra chậm chạp. Chỉ một phần ba dân số Nga đã được tiêm chủng đầy đủ. Phát ngôn viên của tổng thống Nga, Dmitri Peskov, cho biết sẽ không thực hiện chính sách tiêm chủng bắt buộc. Nhưng trong khi đó, điểm tín nhiệm của tổng thống Vladimir Putin lại tăng chút ít. Thay vì ra lệnh phong toả, Putin đã ban hành nghị định về thời gian nghỉ phép có lương trên toàn quốc từ 30/10 đến 7/11.


Theo kết quả một cuộc thăm dò, có đến 64 % dân Nga ủng hộ ông, tăng thêm 4% so với mùa hè vừa qua. Thông thường, tổng thống Nga không điều hành trực tiếp việc khống chế đại dịch. Các chính sách hạn chế, hay những khó khăn gặp phải thường là do thống đốc các vùng thông báo, ông Putin chỉ cho người dân được nghỉ phép có lương”.

Đây là lần thứ tư Nga đưa ra lệnh nghỉ phép có lương để kiềm chế dịch bệnh. Những ngày nghỉ phép này nhằm hạn chế di chuyển và ngăn sự lây lan của virus. Nhưng theo AFP, thay vì ở nhà, nhiều người Nga quyết định đi nghỉ dưỡng. Thành phố Sotchi, gần Biển Đen, thông báo có thể tiếp đón đến 10 000 khách du lịch.  

Related posts