Nhân giúp Kiều Chinh ra mắt quyển Hồi Ký của cô tại Dallas, tôi quen Đại Tá Mimi Phan và được giới thiệu với tài tử Trần Quang, từng đóng phim “Người Tình Không Chân Dung” cùng Kiều Chinh. Tuần rồi chúng tôi hẹn nhau tại nhà hàng Khao ở East Dallas để tâm tình.
Cách đây hai năm, Khao được tạp chí Bon Appetit bầu chọn là nhà hàng mới mở được xếp hạng nhì trên nước Mỹ. Riêng trong vùng Dallas-Fort Worth thì có thể nói nó là nhà hàng Lào số dách. Khao nằm bên cạnh Mai, một trong những nhà hàng Việt lâu đời nhất ở Dallas – trụ tại góc đường Fitzhugh và Bryan. Tuy ra đời chỉ mới vài năm, Khao đã nhanh chóng trở thành nơi mà dân sành ăn trong vùng không thể bỏ qua. Tôi biết đến Khao khi dự Liên Hoan Phim Á Châu năm 2019 tại Dallas, lúc ấy Khao là một trong những doanh nghiệp bảo trợ cho Liên Hoan Phim. Rất tiếc là không lâu sau đó Khao phải đóng cửa (hai lần) vì đại dịch, xém tí nữa đã phải dẹp tiệm luôn.
Chủ nhân của Khao, Donny Sirisavath, là một tay đầu bếp cừ khôi mặc dù còn khá trẻ. Anh nói anh học nấu ăn từ Mẹ, rồi từ đó tự chế biến ra những món độc đáo của riêng mình mà không nơi nào có, tuy vẫn dựa vào các món ăn Lào truyền thống do Mẹ anh dạy. Anh kể hồi anh còn trẻ Mẹ anh muốn anh phụ trong nhà hàng Thái của bà nhưng anh từ chối. Mãi đến khi Mẹ anh mất (vì ung thư) anh mới quyết định mở nhà hàng để tôn vinh bà.
Lúc chúng tôi đến thì Donny còn đang bận trong bếp, mãi một hồi sau anh mới rảnh tay để chạy ra chào. Liền tức thì, anh Trần Quang chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Lào rất tự nhiên và lưu loát. Chúng tôi ngồi nghe họ cà rổn cà rảng với nhau một đỗi mà chẳng hiểu chữ nào. Sau đó anh Trần Quang mới giải thích rằng anh sinh ra ở Vientiane và lớn lên ở Thái Lan, cho nên hồi còn nhỏ anh nói tiếng Thái và Lào. Vào những thập niên 1940-1950 Bố anh làm cho Toà lãnh sự, mãi đến năm 1954 anh mới được gởi về Việt Nam để đi học, khi ấy anh nói tiếng Việt chưa sõi lắm.
Trong số những người thầy của anh thời bấy giờ có kịch tác gia Ðinh Sơn Hoài, người dịch vở “Hamlet” của Shakespeare sang tiếng Việt, và Vũ Khắc Khoan, tác giả vở “Thành Cát Tư Hãn” — là hai vở kịch tốt nghiệp của anh. Chính nhờ thành công xuất sắc trong vai Thành Cát Tư Hãn mà Trần Quang được mọi người tặng cho biệt danh Ðại Hãn.
Sau khi ra trường, Trần Quang bỏ mấy năm làm nghề thông dịch viên để kiếm tiền. Mãi đến những năm cuối thập niên 1960 anh mới thật sự bước chân vào thế giới điện ảnh (anh gọi đùa là “điên” ảnh) khi được đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc mời đóng phim “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương”. Một trong những cảnh nguy hiểm nhất là màn bắn đạn thật, mà thuở ấy làm gì có “stunt” để đóng thế. Anh kể lúc bấy giờ Hoàng Vĩnh Lộc bàn với Ðại uý Vũ Xuân Thông, một tay bắn tỉa cự phách, cần phải nã đạn từ trên xuống mới tạo được cảnh bắn từ trực thăng đúng như ý ông muốn. Tất nhiên việc này phải được sự đồng thuận của mọi người, kể cả các diễn viên và nhân viên. Vũ Xuân Thông bảo nếu xảy ra tai nạn thì anh ta sẽ tự sát, và Hoàng Vĩnh Lộc đã chấp thuận điều kiện ấy!
Một kỷ niệm khó quên khác xảy ra khi làm phim “Người Tình Không Chân Dung”. Phim quay ở Cam Ranh và Nha Trang, với đa số diễn viên là binh sĩ. Khi nghe đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc thông báo cần tuyển người đóng vai “người tình” của nhân vật Mỹ Lan (do Kiều Chinh thủ diễn), vô số binh sĩ đã xin tình nguyện. Trần Quang kể cuối cùng một anh lính nọ được chọn vì đạo diễn thấy anh ấy rất năng nổ, tìm mọi cách chen lấn để tiến lên trên cho bằng được. Nhưng chàng lính ấy đâu có ngờ rằng nhân vật của anh ta bị băng bó từ đầu tới chân, không thấy mặt mũi đâu cả. Ðã vậy nguyên một ngày quay anh ta phải nằm chịu trận trên giường, không cựa quậy gì được!
Theo lời Trần Quang thì hôm đó trời rất nóng, mà đạo diễn lại muốn quay cảnh ngoài sân để anh ta “tắm nắng”, nên chàng tài tử vô danh này càng bị bức bối, ngứa ngáy phát điên mà không gãi được. Chưa hết, vì không là diễn viên chuyên nghiệp nên anh ta không thuộc lời thoại, vấp lên vấp xuống miết khiến đạo diễn phải cắt đi cắt lại nhiều lần. Cuối cùng phân cảnh ngoài trời cũng chẳng xong, phải đem vào trong nhà để quay tiếp. Thế là tốn thêm thì giờ sắp đặt đèn đuốc, điều chỉnh ánh sáng đủ các thứ. Ðến khi xong xuôi, tháo hết băng bông ra thì việc đầu tiên “người tình” của chúng ta làm là xin một điếu thuốc, một ly cà phê, và chửi thề một chập.
Gần đây, trước khi đại dịch bùng phát, Trần Bảo Sơn có mời Trần Quang đóng vai một ông trùm ở New York và Việt Nam trong một cuốn phim gangster tựa là “Con Ðường Vô Tận”. Theo kế hoạch thì ngoại cảnh quay ở Mỹ, nội cảnh ở Việt Nam. Nhưng họ vừa mới quay xong phần ở Việt Nam thì Covid xảy ra nên phải ngưng ngang. Chưa biết khi nào bộ phim này mới được quay tiếp.
Thứ Bảy này, 30/10/2021, nghệ sĩ Kiều Chinh sẽ có mặt tại Dallas để dự buổi dạ tiệc thường niên của Hội Quân nhân người Mỹ gốc Việt (VAUSA) tại khách sạn Marriott Las Colinas. Trước đó, vào lúc 4:00 cũng sẽ có một buổi ra mắt quyển hồi ký của bà — “Kiều Chinh, Nghệ Sĩ Lưu Vong”. Có thể nào Ðại hãn Trần Quang sẽ tái ngộ Minh tinh Kiều Chinh ở xứ cao bồi Texas?